Lý 9 Bài 48: Mắt

Nội dung bài học giúp các em nêu được cấu tạo của mắt, so sánh được mắt  và máy ảnh, nêu được sự điều tiết của mắt, nêu được điểm cực cận, điểm cực viễn. Từ đó, các em có thể giải được các dạng bài tập từ dễ đến khó. Mời các em tham khảo.

Lý 9 Bài 48: Mắt

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Cấu tạo của mắt

a) Cấu tạo của mắt

- Mắt gồm hai bộ phận quan trọng nhất là:

  • Thể thủy tinh: Là một thấu kính hội tụ có thể thay đổi tiêu cự

  • Màng lưới (hay võng mạc): Ở đáy mắt, tại đó ảnh hiện lên rõ nét

Cấu tạo của mắt

b) So sánh mắt và máy ảnh

- Giống nhau:

  • Thể thủy tinh và vật kính dều là thấu kính hội tụ

  • Phim và màng lưới đều có tác dụng như màn hứng ảnh

- Khác nhau:

  • Thể thủy tinh có tiêu cự thay đổi

  • Vật kính có tiêu cự không thay đổi

1.2. Sự điều tiết của mắt

Khi nhìn rõ một vật thì ảnh của vật đó sẽ hiện rõ nét trên màng lưới. Cơ vòng đỡ thể thủy tinh đã phải co giãn một chút khiến thể thủy tinh phồng lên hoặc dẹt lại và làm thay đổi tiêu cự của thể thủy tinh, quá trình này được gọi là sự điều tiết của mắt. Sự điều tiết xảy ra hoàn toàn tự nhiên.

Sự điều tiết của mắt

1.3. Điểm cực cận và điểm cực viễn

a) Điểm cực viễn

  • Kí hiệu: \(C_v\)

  • Là điểm xa nhất mà mắt còn nhìn thấy vật

  • Khoảng cực viễn là khoảng cách từ điểm cực viễn đến mắt

b) Điểm cực cận

  • Ký hiệu: \(C_c\)

  • Là điểm gần nhất mà mắt còn nhìn rõ vật

  • Khoảng cách từ điểm cực cận đến mắt là khoảng cực cận

  • Khoảng cách từ điểm \(C_c\) đến điểm \(C_v\) gọi là giới hạn nhìn rõ của mắt

c) Khoảng cực cận.

  • Khoảng cách từ mắt đến điểm cực cận được gọi là khoảng cực cận.
  • Mắt chỉ có thể nhìn rõ các vật trong khoảng từ điểm cực cận đến điểm cực viễn của mắt.
  • Khoảng cách từ điểm cực cận đến điểm cực viễn gọi là giới hạn nhìn rõ của mắt.

Khoảng nhìn rõ của mắt

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Tìm chiều cao vật trong mắt

Một người đứng cách một cột điện 20cm. Cột điện cao 8m. Nếu coi khoảng cách từ thể thủy tinh đến màng lưới của mắt người ấy là 2cm thì ảnh của cột điện trên màng lưới sẽ cao bao nhiêu xentimet?

Hướng dẫn giải

Gọi chiều cao của cột điện là AB = 8 m = 800 cm, chiều cao của ảnh là A'B'.

Khoảng cách từ cột điện tới màng lưới là AO = 20m = 2000 cm. Khoảng cách từ màng lưới tới ảnh là OA'= 2 cm.

Xét 2 tam giác: ta thấy \(\Delta ABO \sim \Delta A'B'O\)

Ta có: \(\frac{AB}{A'B'}=\frac{OA}{OA'}\)

Chiều cao của ảnh cột điện trong mắt là:

\(\Leftrightarrow\) \(A'B'=\frac{AB.OA'}{OA} = \frac{800.2}{2000}= 0,8 cm\)

Vậy: chiều cao cột điện trong mắt là: 0,8 cm.

2.2. Dạng 2: Xác địnhh tiêu cự của thể thủy tinh

Khi nhìn một vật ở điểm cực viễn thì tiêu cự của thể thủy tinh sẽ dài hay ngắn nhất? Khi nhìn một vật ở điểm cực cận thì tiêu cự của thể thủy tinh sẽ dài hay ngắn nhất?

Hướng dẫn giải

  • Khi nhìn một vật ở điểm cực viễn thì tiêu cự của thể thủy tinh dài nhất.
  • Khi nhìn 1 vật ở điểm cực cận thì tiêu cự của thể thủy tinh ngắn nhất.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Khoảng cách từ thể thủy tinh đến màng lưới là 2 cm, không đổi. Khi nhìn một vật ở rất xa thì mắt không phải điều tiết và tiêu điểm của thể thủy tinh nằm đúng trên màng lưới. Hãy tính độ thay đổi tiêu cự của thể thủy tinh khi chuyển từ trạng thái nhìn một vật ở rất xa sang trạng thái nhìn một vật cách mắt 1m.

Câu 2: Một người đứng cách một tòa nhà 25m để quan sát thì ảnh của nó hiện lên trong mắt cao 0,3 cm. Nếu coi khoảng cách từ thể thủy tinh đến màng lưới của mắt người đó là 2 cm. Tính

a) Chiều cao của tòa nhà đó.

b) Tiêu cự của thể thủy tinh lúc đó.

Câu 3: Nêu những điểm giống nhau về cấu tạo giữa con mắt và máy ảnh. Thủy tinh thể đóng vai trò như bộ phận nào trong máy ảnh? Phim trong máy ảnh đóng vai trò như bộ phận nào trong con mắt?

Câu 4: Hằng quan sát một cây thẳng đứng cao 12m cách chỗ Hằng đứng 25m. Biết màng lưới mắt của Hằng cách thể thủy tinh 1,5 cm. Chiều cao ảnh của cây trên màng lưới mắt Hằng là bao nhiêu?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Khi nói về mắt, câu phát biểu nào sau đây là đúng?

A. Điểm cực viễn là điểm xa nhất mà khi đặt vật tại đó mắt điều tiết mạnh nhất mới nhìn rõ.

B. Điểm cực cận là điểm gần nhất mà khi đặt vật tại đó mắt không điều tiết vẫn nhìn rõ được.

C. Không thể quan sát được vật khi đặt vật ở điểm cực viễn của mắt.

D. Khi quan sát vật ở điểm cực cận, mắt phải điều tiết mạnh nhất.

Câu 2: Khi nhìn rõ một vật thì ảnh của vật đó nằm ở:

A. thể thủy tinh của mắt.

B. võng mạc của mắt.

C. con ngươi của mắt.

D. lòng đen của mắt.

Câu 3: Ảnh của một vật in trên màng lưới của mắt là:

A. ảnh ảo nhỏ hơn vật

B. ảnh ảo lớn hơn vật

C. ảnh thật nhỏ hơn vật

D. ảnh thật lớn hơn vật

Câu 4: Bộ phận quan trọng nhất của mắt là:

A. thể thủy tinh và thấu kính.

B. thể thủy tinh và màng lưới.

C. màng lưới và võng mạc.

D. con ngươi và thấu kính.

4. Kết luận

Qua bài này, các em sẽ được làm quen với các kiến thức liên quan đến Mắt cùng với các bài tập liên quan theo nhiều cấp độ từ dễ đến khó…, các em cần phải nắm được : 

  • Nắm được cấu tạo của mắt .

  • Biết được sự điều tiết của mắt.

  • Biết các điểm cực cận, điểm cực viễn.

Ngày:17/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM