Bệnh sởi - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Sởi là một trong những bệnh dễ lây lan và gây tử vong cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ có thể phòng ngừa sởi dễ dàng nếu được tiêm vắc xin định kỳ. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây!

Bệnh sởi - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Sởi là một bệnh phổ biến gây ra bởi virus. Đặc trưng của bệnh là phát ban và thường khởi phát từ 7 đến 14 ngày sau khi bị nhiễm virus. Bệnh kéo dài từ 4 đến 10 ngày. Đây là một trong những bệnh dễ lây lan và gây tử vong cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trẻ có thể phòng ngừa sởi dễ dàng nếu được tiêm vắc xin định kỳ.

2. Triệu chứng thường gặp

Triệu chứng đầu tiên của sởi là sốt.  Sau đó, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, kèm theo đó là chảy nước mũi, hắt hơi, ho khan và nhạy cảm với ánh sáng. Những đốm ban màu xám trắng cũng dần xuất hiện trong miệng và cổ họng (đốm Koplik). Sau đó trẻ sẽ bị phát ban đỏ trên trán, xung quanh tai và lan dần khắp cơ thể. Tình trạng này thường kéo dài trong khoảng từ 3 đến 7 ngày và cơn sốt sẽ bắt đầu hạ sau khi phát ban từ 2 đến 3 ngày.

Sởi cũng có thể gây ra các biến chứng khác. Những biến chứng thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh khi trẻ bị nhiễm bệnh khác như viêm phổi hoặc viêm tai giữa do vi khuẩn trong quá trình bị sởi. Trẻ cũng có thể bị xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng trường hợp này rất hiếm xảy ra.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn cần liên hệ bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn bị phát ban giống sởi. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai và có các triệu chứng của sởi do sởi có thể ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng bạn. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh sởi do một loại virus gây ra và rất dễ lây lan. Khi một người đang bị bệnh sởi, việc hắt hơi, sổ mũi hoặc ho rất dễ làm cho virus phát tán nhanh trong không khí. Bạn cũng có khả năng bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc với các đồ vật có chứa virus gây bệnh sởi.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải sởi?

Sởi thường xảy ra ở trẻ em. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết đối với trường hợp của bạn.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc sởi?

Các yếu tố nguy cơ làm cho bạn dễ mắc sởi hơn bao gồm:

  • Chưa được tiêm vắc xin ngừa sởi;
  • Đi du lịch nước ngoài: bạn sẽ dễ mắc sởi nếu đi đến những nơi đang bùng phát dịch bệnh;
  • Thiếu vitamin A.

Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những dấu hiệu trên chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán sởi?

Các bác sĩ thường chẩn đoán dựa trên các đặc điểm phát ban. Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng phát ban trên da hoặc kiểm tra khoang miệng và cổ họng xem có các đốm trắng Koplik không. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để phát hiện bạn có bị bệnh sởi hay không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị sởi?

Bạn hoặc trẻ cần được cách ly trong 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban và nghỉ ngơi cho đến khi hết sốt và phát ban biến mất. Thuốc giảm đau, hạ sốt không chứa aspirin như paracetamol sẽ được bác sĩ chỉ định nếu bạn hoặc trẻ bị sốt. Không dùng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi mắc bệnh sởi do nguy cơ của hội chứng Reye. Người bệnh không cần dùng kháng sinh bởi vì sởi là bệnh truyền nhiễm do virus chứ không phải vi khuẩn. Ngoài ra, bạn hoặc trẻ phải uống nước thường xuyên để tránh bị mất nước.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt và phong cách sống dưới đây sẽ giúp hạn chế diễn tiến bệnh sởi:

Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn;

Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn;

Che miệng khi ho;

Rửa tay thường xuyên;

Sử dụng nước muối nhỏ mắt và kính mát khi bị nhạy cảm ánh sáng.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh sởi , hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:14/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM