Lý 8 Bài 1: Chuyển động cơ học

Làm thế nào để biết một vật đang chuyển động hay đang đứng yên? Để trả lời câu hỏi đó một cách chính xác nhất, eLib xin chia sẻ bài học về chuyển động cơ học thuộc chương trình SGK lớp 8. Hi vọng với kiến thức trọng tâm và hướng dẫn trả lời câu hỏi một cách chi tiết, đây sẽ là tài liệu giúp các em học tập tốt hơn.

Lý 8 Bài 1: Chuyển động cơ học

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Chuyển động cơ học

  • Sự thay đổi vị trí của một vật theo thời gian so với vật khác (vật mốc) gọi là chuyển động cơ học (gọi tắt là chuyển động).

  • Một vật được coi là đứng yên khi vị trí của vật đó không thay đổi theo thời gian so với vật khác.

Ví dụ: Đoàn tàu rời ga, vị trí của đoàn tàu thay đổi so với nhà ga, ta nói đoàn tàu đang chuyển động so với nhà ga

Đoàn tàu

1.2. Tính tương đối của chuyển động

  • Một vật có thể được xem là chuyển động so với vật này nhưng lại được xem là đứng yên so với vật khác. Ta nói chuyển động hay đứng yên có tính tương đối, tuỳ thuộc vào vật chọn làm mốc.

  • Thông thường người ta chọn Trái Đất hay những vật gắn với Trái Đất làm vật mốc (nhà cửa, cây cối, xe cộ, cột đèn….)

Ví dụ: Một người đứng quan sát ô tô trên đường, vị trí giữa ô tô và người đó thay đổi, như vậy ô tô đang chuyển động so với người đó. Nhưng vị trí của người đó với cột điện bên đường không thay đổi, vì vậy người đó đứng yên so với cột điện.

Ôtô

1.3. Các dạng chuyển động thường gặp

- Đường mà vật chuyển động vạch ra gọi là quỹ đạo của chuyển động.

- Tuỳ thuộc vào hình dạng của quỹ đạo mà ta chia ra các dạng chuyển động:

  • Chuyển động thẳng

Chuyển động của tàu vũ trụ

  • Chuyển động cong

Chuyển động cong của quả bóng bàn

Chuyển động cong của con lắc

  • Chuyển động tròn

Chuyển động tròn của chiếc đu quay quanh trục của nó

Chuyển động tròn của điểm đầu cánh quạt khi quay

Chú ý: Quỹ đạo chuyển động của đầu van xe đạp vừa chuyển động cong so với trục bánh xe, vừa cùng với xe đạp chuyển động thẳng trên đường.

Xe đạp

1.4. Phương pháp giải

a) Cách nhận biết một vật đang chuyển động hay đứng yên

Khi nói một vật chuyển động hay đứng yên thì phải nói so với vật làm mốc nào? Muốn biết vật A chuyển động hay đứng yên so với vật B thì ta phải xam xét vị trí của vật A so với vật B.

  • Nếu vị trí của vật A so với vật B có thay đổi theo thời gian thì ta nói vật A chuyển động so với vật B.

  • Nếu vị trí của vật A so với vật B không thay đổi theo thời gian thì ta nói vật A đứng yên so với vật B.

b) Tính tương đối của chuyển động

Để chứng minh chuyển động hay đứng yên mang tính tương đối thì ta phải chọn ra ít nhất ba vật: Vật 1, vật 2, vật 3 sao cho vật 1 chuyển động so với vật 2 nhưng lại đứng yên so với vật 3.

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Xác định vị trí của vật

Hành khách trên tàu A thấy tàu B đang chuyển động về phía trước. Còn hành khách trên tàu B lại thấy tàu C cũng đang chuyển động về phía trước. Vậy hành khách trên tàu A sẽ thấy tàu C

Hướng dẫn giải

Hành khách trên tàu A sẽ thấy tàu B và C chuyển động cùng chiều về phía trước.

2.2. Dạng 2: Giải thích tính tương đối của chuyển động và đứng yên

Giải thích vì sao chuyển động và đứng yên có tính tương đối.

Hướng dẫn giải

Chuyển động và đứng yên có tính tương đối vì một vật có thể đứng yên so với vật này nhưng lại chuyển động so với vật khác.

3. Luyện tâp

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Chuyển động của đầu van xe đạp so với vật mốc là trục bánh xe khi xe chuyển động thẳng trên đường là chuyển động gì?

Câu 2: Trời lặng gió, nhìn qua cửa xe (khi xe đứng yên) ta thấy các giọt mưa rơi theo đường thẳng đứng. Nếu xe chuyển động về phía trước thì người ngồi trên xe sẽ thấy các giọt mưa chuyển động như thế nào?

Câu 3: Sự thay đổi đường đi của tia sáng từ không khí vào nước có phải là chuyển động cơ học không? Tại sao?

Câu 4: Một ô tô chở khách chạy trên đường, người phụ lái đi soát vé của hành khách trên xe. Nếu chọn người lái xe làm vật mốc thì ôtô đứng yên hay chuyển động?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Trong các phát biểu sau đây, phát biểu nào là đúng khi nói về chuyển động cơ học?

A. Chuyển động cơ học là sự dịch chuyển của vật.

B. Chuyển động cơ học là sự thay đổi vị trí của vật này so với vật khác theo thời gian.

C. Chuyển động cơ học là sự thay đổi vận tốc của vật.

D. Chuyển động cơ học là chuyển dời vị trí của vật.

Câu 2: Quan sát một đoàn tàu đang chạy vào ga, trong các câu mô tả sau đây, câu mô tả nào là sai?

A. Đoàn tàu đang chuyển động so với nhà ga.

B. Đoàn tàu đang đứng yên so với người lái tàu.

C. Đoàn tàu đang chuyển động so với hành khách đang ngồi trên tàu.

D. Đoàn tàu đang chuyển động so với hành khách đang đứng dưới sân ga.

Câu 3: Quỹ đạo chuyển động của một vật là

A. đường mà vật chuyển động vạch ra trong không gian.

B. đường thẳng vật chuyển động vạch ra trong không gian.

C. đường tròn vật chuyển động vạch ra trong không gian.

D. đường cong vật chuyển động vạch ra trong không gian.

Câu 4: Mặt Trời mọc đằng đông, lặn đằng Tây. Trong hiện tượng này:

A. Mặt Trời chuyển động còn Trái Đất đứng yên.

B. Mặt Trời đứng yên còn Trái Đất chuyển động.

C. Mặt Trời và Trái Đất đều chuyển động.

D. Mặt Trời và Trái Đất đều đứng yên.

4. Kết luận

Qua bài giảng Chuyển động cơ học này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nêu được ví dụ về tính tương đối của chuyển động và đứng yên, đặc biệt biết xác định trạng thái của vật đối với mỗi vật được chọn làm mốc.
  • Nêu được những ví dụ về chuyển động cơ học trong đời sống hàng ngày.
  • Nêu được ví dụ về các dạng chuyển động cơ học thường gặp: Chuyển động thẳng, chuyển động cong, chuyển động tròn.
Ngày:21/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM