10 đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 năm 2021-2022 có đáp án

Bộ 10 Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 dưới đây nhằm giúp các em tổng hợp lại những kiến thức đã học. eLib hy vọng rằng đây là tài liệu hữu ích để các em tham khảo và chuẩn bị cho kì thi sắp tới thật tốt. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

10 đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 năm 2021-2022 có đáp án

1. Đề cương ôn tập giữa HK1 môn Ngữ văn 7

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP GIỮA HỌC KÌ 1

MÔN NGỮ VĂN 7

NĂM HỌC 2021-2022

A. Khái quát nội dung ôn thi

I: Văn bản

Nắm được nội dung, ý nghĩa, bài học, các chi tiết đặc sắc và nghệ thuật nổi bật của các văn bản:

1. Văn bản nhật dụng:

- Cổng trường mở ra

- Mẹ tôi

- Cuộc chia tay của những con búp bê

2. Ca dao:

- Những câu hát về tình cảm gia đình.

- Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người.

3. Thơ Trung đại:

- Sông núi nước Nam - Lí Thường Kiệt

- Côn Sơn ca - Nguyễn Trãi

- Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan

- Bạn đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến

- Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương

II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Từ ghép

2. Từ láy

3. Đại từ

4. Từ Hán Việt

5. Quan hệ từ

6. Chữa lỗi về quan hệ từ

III: Tập làm văn

- Văn biểu cảm. Ví dụ: Loài cây em yêu thích, Loài vật em yêu thích,…

B. Đề cương chi tiết

I: Văn bản

- Cổng trường mở ra - Lí Lan:

+ Giá trị nội dung: Bằng những dòng tâm sự chân thành, sâu sắc và đầy tha thiết của người mẹ nhằm bộc lộ tình yêu thương sâu nặng với con, đồng thời cũng thể hiện được vai trò to lớn của nhà trường với trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Không có cốt truyện, một chuỗi cảm xúc được biểu hiện qua lời tâm sự của người mẹ.
  • Ngôn ngữ giàu sức biểu cảm, giọng văn tâm tình, thủ thỉ, nhẹ nhàng,…

- Mẹ tôi – Ét-môn-đô A-mi-xi:

+ Giá trị nội dung: Lá thư gửi con trai của một người bố kể về sự hi sinh, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ đã dành cho con để từ đó mong người con nhận ra lỗi lầm của mình xin lỗi chân thành về hành động sai lầm của con ngày đó với mẹ.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Sáng tạo nên tình huống xảy ra câu chuyện: En-ri-cô mắc lỗi với mẹ
  • Lồng trong câu chuyện một bức thư có nhiều chi tiết khắc họa tận tụy, giàu đức hi sinh, hết lòng vì con.
  • Phương thức biểu cảm trực tiếp, có ý nghĩa giáo dục, thể hiện thái độ nghiêm khắc của người cha đối với con.

+ Ý nghĩa nhan đề: Hình thức của văn bản là bức thư của người bố gửi cho con nhưng nội dung mà bức thư đề cập đến lại là người mẹ. Người mẹ là hình ảnh trung tâm của câu chuyện, mang giá trị biểu cảm cho tác phẩm. Vai trò cao cả và lớn lao của người mẹ là điều mà người bố muôn En - ri - cô hiểu được khi cậu trót vô lễ với mẹ. Vì vậy nhan đề “Mẹ tôi” là hoàn toàn chính xác và rất ý nghĩa.

- Cuộc chia tay của những con búp bê - Khánh Hoài:

+ Giá trị nội dung:

  • Ca ngợi tình cảm anh em thắm thiết trong sáng.
  • Phê phán những cặp cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, đẩy con cái mình vào những hoàn cảnh bế tắc, éo le. Qua đó khuyên nhủ mọi người phải biết giữ gìn, bảo vệ tổ ấm gia đình.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Hình ảnh ẩn dụ trong nhan đề. Lựa chọn ngôi kể thích hợp. Xây dựng nhân vật tài tình, thành công.
  • Nghệ thuật đối lập nội tâm với ngoại cảnh.
  • Lời kể chân thành, giản dị, truyền cảm.

- Ca dao, dân ca những câu hát về tình cảm gia đình:

+ Giá trị nội dung:

  • Thông qua những lời ru của mẹ, lời của cha mẹ, ông bà nói với con cháu, lời của con cháu nói về cha mẹ, ông bàa ngợi tình cảm gia đình, răn dạy mỗi người phải luôn ghi nhớ và báo đáp công ơn của cha mẹ, bày tỏ tâm tình, nhắc nhở về công ơn sinh thành, về tình mẫu tử, tình cảm anh em ruột thịt.
  • Giáo dục con người về lòng biết ơn và tình cảm yêu thương trong gia đình.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Từ ngữ, hình ảnh quen thuộc, có tính biểu cảm cao.
  • Nghệ thuật tu từ so sánh so sánh giữa cái vô hình (tình cảm con người) với những cái hữu hình, lớn lao (núi, biển, trời…).
  • Âm điệu nhịp nhàng như lời tâm tình nhắn nhủ.
  • Sử dụng thế thơ truyền thống của vãn học dân tộc.

- Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người:

+ Giá trị nội dung: Ca dao thường hay nhắc đến tên núi, tên sông, tên vùng đất với những nét đặc sắc về hình thể, cảnh trí, lịch sử, văn hóa của từng địa danh. Đằng sau những câu hỏi, lời đáp, lời mời, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh là tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào đối với con người và quê hương, đất nước từ đó càng thêm tự hào và thêm yêu quê hương, đất nước, con người đất Việt hơn.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Sử dụng thể thơ lục bát, lục bát biến thể
  • Hình thức đối đáp, ướm hỏi quen thuộc trong ca dao
  • Nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng,...
  • Liệt kê ra các địa danh gần gũi, nổi tiếng,...

- Sông núi nước Nam - Lí Thường Kiệt:

+ Giá trị nội dung: Đây được xem như bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc, được coi như bài thơ thần vì đó là sự khẳng định vững chắc quyền tồn tại độc lập và bình đẳng của non sông nam quốc. Đó cũng là quyết tâm sắt đá của vua tôi Đại Việt nhất định sẽ đập tan mọi âm mưu và hành động liều lĩnh, ngông cuồng của bất cứ bọn xâm lược nào dù chúng mạnh và nham hiểm đến đâu.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn.
  • Giọng thơ đanh thép, hùng hồn, dõng dạc.
  • Sử dụng những dẫn chứng lịch sử hùng hồn cho chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
  • Dồn nén xúc cảm trong hình thức thiên về nghị luận, trình bày ý kiến.

- Côn Sơn ca - Nguyễn Trãi:

+ Giá trị nội dung: Là bức tranh thiên nhiên và con người giao hòa. Ca ngợi vẻ đẹp thanh tĩnh, nên thơ của Côn sơn, qua đó bộc lộ cốt cách thanh cao, tâm hồn thi sĩ của Nguyễn Trãi.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Đan xen các câu thơ tả cảnh và tả người.
  • Lời thơ trong sáng, giọng điệu nhẹ nhàng, êm ái.
  • Sử dụng các biện pháp nghệ thuật: So sánh, điệp ngữ.
  • Bản dịch thơ sử dụng thể thơ lục bát, tạo ra vần điệu nhịp nhàng, sinh động.

- Qua đèo Ngang - Bà Huyện Thanh Quan:

+ Giá trị nội dung:

  • Miêu tả bức tranh thiên nhiên và cuộc sống của con người nơi đèo Ngang: đẹp, hoang sơ nhưng gợi buồn.
  • Bộc lộ tâm trạng: Hoài cổ nhớ nước, thương nhà da diết, nỗi buồn thầm lặng cô đơn của tác giả.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Tả cảnh ngụ tình đặc sắc.
  • Nhân hoá, đảo ngữ, điệp từ, chơi chữ.
  • Miêu tả kết hợp biểu cảm.
  • Lời thơ trang nhã điêu luyện, âm điệu trầm lắng.

- Bạn đến chơi nhà - Nguyễn Khuyến:

+ Giá trị nội dung: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình bạn, quan niệm đó vẫn còn có ý nghĩa trong cuộc sống con người hôm nay.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
  • Giọng đùa vui hóm hỉnh.
  • Sáng tạo tình huống khi bạn đến chơi.
  • Cách lập ý bất ngờ.

- Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương:

+ Giá trị nội dung:

  • Bánh trôi nước là bài thơ có nhiều tầng ý nghĩa, với ý nghĩa tả thực là miêu tả chiếc bánh trôi nước trắng, tròn, chìm nổi
  • Bài thơ là tiếng lòng cảm thông, xót xa cho thân phận lênh đênh, chìm nổi của người phụ nữ trong xã hội cũ. Là tiếng nói trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất trong sáng, tình nghĩa, sắt son của người phụ nữ Việt Nam ngày xưa.

+ Giá trị nghệ thuật:

  • Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.
  • Ngôn ngữ thơ bình dị, thành ngữ, mô-típ dân gian.
  • Sáng tạo trong việc xây dựng nhiều tầng ý nghĩa.

II: Tiếng Việt

Nhận diện và thực hành:

1. Từ ghép:

- Từ ghép có hai loại: từ ghép chính phụ và từ ghép đẳng lập

- Từ ghép chính phụ có tiếng chính và tiếng phụ bổ sung nghĩa cho tiếng chính. Tiếng chính đứng trước, tiếng phụ đứng sau. VD: bút bi, cái áo, thước kẻ, …

- Tiếng ghép đẳng lập có các tiếng bình đẳng về mặt ngữ pháp (không phân ra tiếng chính, tiếng phụ). VD: sách vở, quần áo, bàn ghế, …

- Từ ghép chính phụ có tính chất phân nghĩa. Nghĩa của từ ghép chính phụ hẹp hơn so với tiếng chính

- Từ ghép đẳng lập có tính chất hợp nghĩa. Nghĩa của từ ghép đẳng lập khái quát hơn nghĩa của các tiếng tạo nên nó

2. Từ láy:

- Từ láy có hai loại: từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận

- Ở từ láy toàn bộ, các tiếng lặp lại nhau hoàn toàn; nhưng cũng có một số trường hợp biến đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối (để tạo ra một sự hài hoà về âm thanh). VD: the thẻ, ồm ồm, khàn khàn,…

- Ở từ láy bộ phận, giữa các tiếng có sự giống nhau về phụ âm đầu hoặc phần vần. VD: đẹp đẽ, xinh xắn, lấm tấm, lanh chanh,…

- Nghĩa của từ láy được tạo thành nhờ đặc điểm âm thanh của tiếng và sự hòa phối âm thanh giữa các tiếng. Trong trường hợp từ láy có tiếng có nghĩa làm gốc (tiếng gốc) thì nghĩa của từ láy có thể có những sắc thái riêng so với tiếng gốc như sắc thái biểu cảm, sắc thái giảm nhẹ hoặc nhấn mạnh,…

3. Đại từ:

- Đại từ dùng để trỏ người, sự vật, hạt động tính chất,… được nói đến trong một số ngữ cảnh nhất định của lời nói hoặc dùng để hỏi

- Địa từ có thể đảm nhiệm các vai trò ngữ pháp như chủ ngữ, vị ngữ trong câu hay phụ ngữ của danh từ, của động từ, của tính từ,…

- Phân loại:

+ Đại từ dùng để trỏ:

  • Trỏ người, sự vật (gọi là đại từ xưng hô). VD: nó, bác, tôi,…
  • Trỏ số lượng. VD: bấy, bấy nhiêu,…
  • Trỏ hoạt động, tính chất, sự việc. VD: vậy, thế,…

+ Đại từ dùng để hỏi:

  • Hỏi về người, sự vật. VD: Ai, gì,…
  • Hỏi về số lượng. VD: bao nhiêu, mấy,…
  • Hỏi về hoạt động, tính chất, sự việc. VD: sao, thế nào,…

4. Từ Hán Việt:

- Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt để cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt.

- Phần lớn các yếu tố Hán Việt không được dùng độc lập như từ mà chỉ dùng để tạo từ ghép. Một số yếu tố Hán Việt như hoa, quả, bút, bảng, học, tập… có lúc dùng để tạo từ ghép, có lúc được dùng độc lập như một từ.

- Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau.

- Cũng như từ ghép thuần Việt có hai loại chính: từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.

- Trật từ các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt:

  • Có trường hợp giống với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau.
  • Có trường hợp khác với trật tự từ ghép thuần Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau.

- Trong nhiều trường hợp người ta dùng từ Hán Việt để:

  • Tạo sắc thái trang trọng, thể hiện thái độ tôn kính.
  • Tạo sắc thái tao nhã, tránh gây cảm giác thô tục, ghê sợ
  • Tạo sắc thái cổ, phù hợp với không khí xã hội xa xưa.

- Khi nói hoặc viết, không nên lạm dụng từ Hán Việt, làm cho lời ăn tiếng nói thiếu tự nhiên, thiếu trong sáng, không phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.

---Để xem tiếp nội dung của Đề cương này, các em vui lòng xem online hoặc tải về máy tính---

2. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7

2.1. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 1

TRƯỜNG THCS ĐẶNG TẤN TÀI

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 7

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

 

ĐỌC - HIỂU (3 điểm)

Đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu:

“Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm

Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về

Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm

Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng

Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya

Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng

Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa

Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi

Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ

Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời…”

(Trích: Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ)

Câu 1. Đoạn trích trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?

Câu 2. Tìm các từ láy có trong đoạn trích và xếp chúng vào các nhóm cho phù hợp?

Câu 3. Nêu nội dung đoạn thơ trên.

Câu 4. Từ nội dung ấy, là người Việt, em có trách nhiệm gì đối với tiếng Việt?

LÀM VĂN (7 điểm)

Cảm nghĩ về khu vườn nhà em.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI GIỮA HK1 SỐ 1

MÔN: NGỮ VĂN 7

ĐỌC - HIỂU

Câu 1:

- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm

Câu 2:

- Từ láy: Xạc xào; dập dồn; ào ào; thăm thẳm; nhọc nhằn

- Xếp vào các nhóm:

+ Từ láy bộ phận: Xạc xào; dập dồn; nhọc nhằn

+ Từ láy hoàn toàn: Ào ào; thăm thẳm

Câu 3:

- Đoạn thơ nói đến cái hay, cái đẹp của Tiếng Việt.

Câu 4:

- Đối với người Việt, bản thân mỗi chúng ta phải biết tự hào, trân quý và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.

- Là học sinh, phải có trách nhiệm giữ gìn, không làm cho tiếng Việt mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.

LÀM VĂN

*Yêu cầu hình thức:

- Trình bày đúng hình thức một bài văn, viết đúng thể loại văn biểu cảm.

- Kết cấu chặc chẽ, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ, ngữ pháp.

* Yêu cầu nội dung:

- Mở bài: Giới thiệu đối tượng biểu cảm.

- Thân bài:

Học sinh biểu cảm được những nội dung sau:

a, Biểu cảm về cảnh quan khu vườn:

- Khu vườn nhà tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng tươi sáng bởi cây ăn quả, rau và hoa xanh mướt..

- Ánh sáng và không khí của khu vườn khiến cho tâm hồn khoan khoái, dễ chịu.

- Khu vườn đầy ắp tiếng chim và ong bướm tìm mật.

b, Biểu cảm về các loại cây, hoa trong vườn:

- Hàng cây ăn quả chất chưa bao kỉ niệm.

- Thích đứng ngắm những cây hoa đang hé nở và tỏa hương thơm mát.

- Yêu luống rau xanh mướt dưới bàn tay chăm sóc của mẹ.

c, Khu vườn gắn với nhiều kỉ niệm:

- Là nơi ghi dấu sự trưởng thành của em.

- Là nơi để thỏa thích niềm say mê trồng trọt…

- Kết bài: Khẳng định tình cảm của mình với đối tượng biểu cảm.

- Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo, sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh đặc sắc, sinh động,...) văn viết giàu cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ, nhận thức tốt về đối tượng biểu cảm.

2.2. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 2

TRƯỜNG THCS ĐINH BỘ LĨNH

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 7

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1: (3 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

"Ngày mẹ còn nhỏ, mùa hè nhà trường đóng cửa hoàn toàn, và ngày khai trường đúng là ngày đầu tiên học trò lớp Một đến trường gặp thầy mới, bạn mới... Mẹ còn nhớ sự nôn nao, hồi hộp khi cùng bà ngoại đi tới gần ngôi trường và nỗi chơi vơi hốt hoảng khi cổng trường đóng lại, bà ngoại đứng ngoài cánh cổng như đứng bên ngoài cái thế giới mà mẹ vừa bước vào...

Đêm nay mẹ không ngủ được. Ngày mai là ngày khai trường lớp Một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: "Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường là một thế giới kì diệu sẽ mở ra…”.

(Trích Ngữ văn 7, tập một)

a. Đoạn trích trên trong tác phẩm nào, của ai?

b. Tìm 2 từ láy, 2 từ ghép chính phụ có trong đoạn văn.

c. Nêu nội dung của đoạn văn thứ hai?

Câu 2: (2 đ) Cho hai câu thơ:

“Dừng chân đứng lại, trời, non, nước

Một mảnh tình riêng ta với ta”

("Qua Đèo Ngang” - Bà Huyện Thanh Quan)

a. Tìm đại từ trong hai câu thơ trên và cho biết đại từ đó dùng để làm gì?

b. Hai câu thơ diễn tả tâm trạng gì của nhà thơ?

c. Viết đoạn văn ngắn (3 đến 5 câu) nêu cảm nhận của em về cách thể hiện tâm sự của Bà Huyện Thanh Quan trước cảnh Đèo Ngang.

Câu 3: (5 đ)

Viết bài văn biểu cảm về một loài cây em yêu.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI GIỮA HK1 SỐ 2

MÔN: NGỮ VĂN 7

Câu 1: 

a. Tác phẩm “Cổng trường mở ra”, tác giả Lí Lan

b. 

- 2 từ láy: Nôn nao, hồi hộp, chơi vơi, hốt hoảng

- 2 từ ghép chính phụ: bà ngoại, cổng trường, học trò, nhà trường..

c. Nội dung của đoạn văn thứ hai là: Lời khích lệ, động viên và niềm tin mẹ dành cho con ngày đầu tiên đi học.

Câu 2: 

a.

- Đại từ: ta

- Đại từ xưng hô.

b. Tâm trạng của nhà thơ: cô đơn, hoài cổ trước không gian bao la, rộng lớn của Đèn Ngang.

c. Viết đoạn văn:

- Tác giả đã sử dụng biện pháp tả cảnh ngụ tình, chơi chữ, sử dụng cách nói đa nghĩa để bộc lộ tâm trang nhớ nước, thương nhà của mình.

- Ngoài ra tác giả còn sử dụng nghệ thuật đối lập tương phản, điệp đại từ đề nhấm mạnh nỗi cô đơn thầm lặng, một mình đối diện với chính mình trước cảnh Đèo Ngang.

Câu 3: 

1. Yêu cầu chung:

- Học sinh làm được bài văn biểu cảm sáng tạo

- Biết quan sát, tưởng tượng, so sánh, nhận xét trong bài viết.

- Trình bày sạch sẽ, đúng chính tả, đúng ngữ pháp, rõ bố cục.

2. Yêu cầu cụ thể: Đảm bảo bố cục ba phần

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tên loài cây (cây tre, cây xoài, cây na…).

- Lí do em yêu thích loài cây đó.

b. Thân bài:

- Các đặc điểm nổi bật của loài cây đã gợi cảm xúc cho em khi quan sát (chọn lọc chi tiết, hình ảnh tiêu biểu).

- Mối quan hệ gần gũi giữa loài cây đó với đời sống của em.

- Ý nghĩa, vai trò của loài cây đó trong cuộc sống của con người.

c. Kết bài: Tình cảm, ấn tượng của em đối với loài cây đó.

2.3. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 3

TRƯỜNG THCS BẮC SƠN

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 7

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1: (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:

... “Bố nhớ, cách đây mấy năm, mẹ đã phải thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con!...Nhớ lại điều ấy, bố không thể nén được cơn tức giận đối với con [...] Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con!..”. 

(Theo SGK Ngữ Văn 7, tập 1)

a. Đoạn văn trên trích trong văn bản nào? Của ai?

b. Tìm 2 từ láy, 2 từ ghép đẳng lập có trong đoạn văn. 

c. Nêu dung chính của đoạn văn trên.

Câu 2: ( 2 điểm) 

Cho hai câu thơ:

“Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”

 (“Bạn đến chơi nhà” - Nguyễn Khuyến)

a. Tìm đại từ trong hai câu thơ trên và cho biết đại từ đó dùng để làm gì?

b. Hai câu thơ đã thể hiện được tâm trạng gì của nhà thơ?

c. Viết một đoạn văn ngắn (3 đến 5 câu) thể hiện tâm trạng của nhà thơ khi có bạn đến thăm.

Câu 3: (5 điểm)

Cảm nghĩ về một người thân của em.

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI GIỮA HK1 SỐ 3

MÔN: NGỮ VĂN 7

Câu 1 (3 điểm)

a.

- Đoạn văn trên trích trong văn bản “Mẹ tôi” 

- Tác giả: Ét-môn-đô đơ A-mi-xi (hoặc ghi A-mi-xi vẫn cho điểm tối đa)

b.  

- Tìm  2 từ láy: hổn hển, quằn quại, nức nở, sẵn sàng, đau đớn 

- Tìm 2 từ ghép đẳng lập: lo sợ, tức giận 

c. Nội dung chính đoạn văn: Đoạn văn trên trong bức thư bố viết cho con, gợi lại hình ảnh người mẹ. Đó là những hình ảnh dễ rung động cảm xúc nhất để đứa con nhận thức được sự bội bạc của mình. Nhấn mạnh sự hi sinh của người mẹ. Con không được quên tình mẫu tử ấy.

Câu 2: (2 điểm)

a.

- Các đại từ: Bác. 

- Dùng để xưng hô 

b. Hai câu thơ thể hiện sự vui mừng khi có bạn đến thăm.

c. Viết đoạn văn:

- Hai câu thơ cho biết 2 người bạn ít gặp nhau (đã bấy lâu), Nguyễn Khuyến gọi bạn là bác (cách xưng hô vừa có ý tôn trọng vừa có ý thân mật). 

- Câu thơ không chỉ là một thông báo bạn đến chơi nhà mà còn là một tiếng reo vui, đầy hồ hởi, phấn khởi khi đã bao lâu mới được bạn đến thăm. Thời gian này Nguyễn Khuyến đã cáo quan về ở ẩn, chính vì vậy ông rất vui mừng khi có bạn tới thăm.(0,5đ)

Câu 3: (5 điểm)

* Yêu cầu chung: 

- Học sinh làm được bài văn biểu cảm sáng tạo

- Biết quan sát, tưởng tượng, so sánh, nhận xét trong bài viết.

- Trình bày sạch sẽ, đúng chính tả, đúng ngữ pháp, rõ bố cục.

* Yêu cầu cụ thể: Đảm bảo bố cục ba phần

a. Mở bài (1,0 điểm)

- Giới thiệu về mẹ của em.

- Nêu cảm nghĩ  khái quát về mẹ. 

b. Thân bài (3,0 điểm)

- Những nét nổi bật về ngoại hình của mẹ mà em yêu, em nhớ mãi...

- Tả vài nét tiêu biểu về ngoại hình của mẹ và bộc lộ cảm xúc trực tiếp trước những đặc điểm ấy.

- Những nét tính cách hoặc phẩm chất tiêu biểu của mẹ làm em yêu mến, xúc động...

- Kể sơ qua về tính cách, phẩm chất của mẹ và bộc lộ cảm xúc trực tiếp trước những đặc điểm ấy.

- Hồi tưởng lại một kỉ niệm đáng nhớ với mẹ.

- Kể sơ qua một kỉ niệm với mẹ để bộc lộ cảm xúc nhớ nhung, xúc động, biết ơn... Hoặc từ kỉ niệm mà liên tưởng tới hiện tại và tương lai để bộc lộ cảm xúc.

c. Kết bài (1,0 điểm)

- Khẳng định lại tình cảm với mẹ.

- Những mong ước với mẹ và trách nhiệm, lời hứa hẹn của bản thân với mẹ.

2.4. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 4

TRƯỜNG THCS AN NGÃI TRUNG

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 7

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (3 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

a. Bài thơ trên làm theo thể thơ gì? Ai là tác giả của bài thơ?

b. Bài thơ đã sử dụng những cặp từ trái nghĩa nào?

c. Tìm 2 quan hệ từ có trong bài thơ trên.

Câu 2 (7 điểm):

Cảm nghĩ về bố hoặc mẹ của em.

-----Còn tiếp-----

2.5. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 5

TRƯỜNG THCS CẨM BÌNH

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 7

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1 (2,0 điểm):

a. Thế nào là đại từ? Đặt câu có sử dụng đại từ và cho biết đại từ đảm nhiệm vai trò ngữ pháp gì trong câu em vừa đặt?

b. Tìm đại từ xưng hô trong đoạn thơ sau và nêu ý nghĩa biểu cảm của các đại từ đó:

Má hét lớn: "Tụi bay đồ chó!

Cướp nước tao, cắt cổ dân tao!

Tao già không sức cầm dao

Giết bay có các con tao trăm vùng! ...

(Bà má Hậu Giang, Tố Hữu)

Câu 2 (3,0 điểm):

a. Vì sao bài thơ Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt (SGK Ngữ văn 7, tập một) được coi như là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta viết bằng thơ? Nội dung Tuyên ngôn Độc lập trong bài thơ này là gì?

b. Viết đoạn văn nêu ngắn gọn cảm nhận của em về bài thơ Sông núi nước Nam.

Câu 3 (5,0 điểm): Cảm nghĩ về mái trường thân yêu.

---Để xem tiếp nội dung của Đề thi số 5, các em vui lòng xem online hoặc tải về máy tính---

2.6. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 6

TRƯỜNG THCS AN ĐỊNH

ĐỀ THI GIỮA HK1

NĂM HỌC: 2021-2022

MÔN: NGỮ VĂN 7

Thời gian: 90 phút (không kể thời gian giao đề)

 

PHẦN I (4 điểm) Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:

“... Khi đã khôn lớn, trưởng thành, khi các cuộc đấu tranh đã tôi luyện con thành người dũng cảm, có thể có lúc con sẽ mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, được mẹ dang tay ra đón vào lòng. Dù có lớn khôn, khoẻ mạnh thế nào đi chăng nữa, con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che. Con sẽ cay đắng khi nhớ lại những lúc đã làm cho mẹ đau lòng... Con sẽ không thể sống thanh thản, nếu đã làm cho mẹ buồn phiền. Dù có hối hận, có cầu xin linh hồn mẹ tha thứ... tất cả cũng chỉ vô ích mà thôi. Lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh. Hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ sẽ làm tâm hồn con như bị khổ hình. En-ri-cô này ! Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình thương yêu đó...”

(Trích “Mẹ tôi”- Ét-môn-đô đơ A-mi-xi, Ngữ văn 7, Tập một, NXB Giáo dục, 2009, tr.10)

Câu 1 (0,5 điểm). Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn trên là gì?

Câu 2 (0,5 điểm). Dù không trực tiếp xuất hiện nhưng em cảm thấy mẹ của En-ri-cô là người mẹ như thế nào?

Câu 3 (3 điểm). Đoạn trích trên gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ. Viết đoạn văn 12 câu, có sử dụng từ láy, quan hệ từ (gạch chân, chú thích từ láy, quan hệ từ).

PHẦN II (6 điểm)

Bằng một bài văn, em hãy phát biểu cảm nghĩ về hiện tượng lũ lụt xảy ra tại miền Trung.

-----Còn tiếp-----

7. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 7

Trường: THCS DƯ HÀNG KÊNH

Số câu: 2

Thời gian làm bài: 90 phút

Năm học: 2021-2022

8. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 8

Trường: THCS HÀ HUY TẬP

Số câu: 5

Thời gian làm bài: 90 phút

Năm học: 2021-2022

9. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 9

Trường: THCS KIM ĐỒNG

Số câu: 6

Thời gian làm bài: 90 phút

Năm học: 2021-2022

10. Đề thi giữa HK1 môn Ngữ văn 7 số 10

Trường: THCS HOÀNG DIỆU

Số câu: 3

Thời gian làm bài: 90 phút

Năm học: 2021-2022

Ngày:27/10/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM