Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên (thế kỉ XIII)

Dựa theo nội dung SGK Lịch Sử 7 eLib xin giới thiệu đến các em học sinh nội dung giải bài tập trang 57 Sử 7. Bài này sẽ giúp các em nắm vững được lý thuyết cũng như cách giải các bài tập đầy đủ, chi tiết và rõ ràng. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích với các em học sinh.

Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 14: Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên (thế kỉ XIII)

1. Giải bài 1 trang 57 SGK Lịch sử 7

Dựa vào lược đồ, em hãy trình bày tóm tắt diễn biến cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và dựa vào lược đồ SGK Lịch sử 7 trang 56, 57 để trả lời.

Lược đồ diễn biến cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân Mông Cổ (1258)

- Tháng 1 - 1258, quân Mông Cổ tiến vào xâm lược Đại Việt

- Nhà Trần chủ trương thực hiện "vườn không nhà trống".

- Nhà Trần mở cuộc phản công lớn ở Đông Bộ Đầu.

- Ngày 29 - 2 - 1258, quân Mông Cổ thua trận phải rút chạy về nước.

Hướng dẫn giải

- Tháng 1 - 1258, ba vạn quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy, tiến vào xâm lược Đại Việt. Quân giặc theo đường sông Thao, tiến xuống Bạch Hạc (Phú Thọ) rồi tiến đến vùng Bình Lệ Nguyên (Vĩnh Phúc) thì bị chặn lại ở phòng tuyến do vua Trần Thái Tông chỉ huy.

- Để bảo toàn lực lượng, nhà Trần chủ trương thực hiện "vườn không nhà trống". Giặc vào kinh thành vắng lặng không một bóng người và không lương thực. Chúng đã điên cuồng tàn phá kinh thành. Thiếu lương thực lại bị quân dân ta chống trả, chưa đầy 1 tháng, lực lượng chúng hao mòn dần.

- Nhà Trần mở cuộc phản công lớn ở Đông Bộ Đầu. Ngày 29 - 2 - 1258, quân Mông Cổ thua trận phải rút chạy về nước. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất kết thúc thắng lợi.

2. Giải bài 2 trang 57 SGK Lịch sử 7

Em hãy nêu những sự kiện cụ thể biểu hiện tinh thần quyết tâm chống giặc của quân dân ta trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất.

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính ở mục 2 SGK Lịch sử 7 trang 56, 57 để trả lời.

- Nhà Trần đã ban lệnh sắm sửa vũ khí, thành lập dân binh

- Chủ trương “vườn không nhà trống”

- Nhân dân các làng, xã đã chống trả quyết liệt làm tiêu hao sinh lực địch.

Hướng dẫn giải

Những sự kiện cụ thể biểu hiện tinh thần quyết tâm chống giặc của quân dân ta trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất:

- Ngay khi được tin quân Mông Cổ chuẩn bị xâm lược, nhà Trần đã ban lệnh cho cả nước sắm sửa vũ khí, các đội dân binh được thành lập, ngày đêm luyện tập võ nghệ, sẵn sàng đánh giặc.

- Nhân dân Thăng Long theo lệnh vua thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, tạm rút hết khỏi kinh thành Thăng Long.

- Trước thế giặc mạnh, tàn bạo, vua Trần lo lắng hỏi ý kiến của Thái sư Trần Thủ Độ. Ông đã trả lời: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”.

- Khi chiếm đóng kinh thành, quân giặc thiếu thốn lương thực trầm trọng, phải cho quân lính đi cướp thóc gạo, hoa màu của dân, nhưng nhân dân các làng, xã đã chống trả quyết liệt làm tiêu hao sinh lực địch.

3. Giải bài 1 trang 61 SGK Lịch sử 7

Việc nhà Trần chuẩn bị chống quân xâm lược đã có tác dụng như thế nào đối với cuộc kháng chiến?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung mục mục 3 SGK Lịch sử 7 trang 61 để phân tích, nhận xét. 

- Tăng cường thế lực cho nhân dân kháng chiến

- Đoàn kết với triều đình

- Làm tăng sự căm thù giặc và quyết tâm đánh bại bằng mọi giá nào

Hướng dẫn giải

Việc nhà Trần chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đã có tác dụng vô cùng to lớn. Đây là điều kiện quyết định để đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến này, nhà Trần có quân đội mạnh, có tinh thần chiến đấu cao, có nền kinh tế hùng hậu để cung cấp cho cuộc kháng chiến, các tầng lớp nhân dân đoàn kết chặt chẽ với triểu đình. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt mà nhà Trần đã nhanh chóng giành thắng lợi.

4. Giải bài 2 trang 61 SGK Lịch sử 7

Dựa vào lược đồ, em hãy trình bày tóm tắt diễn biến cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên.

Phương pháp giải

Dựa vào lược đồ và nội dung chính được trình bày ở SGK trang 59-61 để trả lời.

Lược đồ diễn biến cuộc kháng chiến lần thứ hai chống quân Nguyên (1285)

- Cuối tháng 1-1285, quân Nguyên xâm lược Đại Việt.

- Nhân dân Thăng Long thực hiện “vườn không nhà trống”. 

- Một số quý tộc nhà Trần đầu hàng giặc. 

- Tháng 5-1285, quân Trần tổ chức phản công giải phóng Thăng Long.

Hướng dẫn giải

- Cuối tháng 1-1285, 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan chỉ huy tràn vào xâm lược Đại Việt.

- Trước thế giặc mạnh và sau một số trận chặn giặc, Trần Quốc Tuấn cho rút lui quân về Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương), rồi lại lui về Thăng Long, sau đó rút về Thiên Trường (Nam Định) để bảo toàn lực lượng.

- Nhân dân Thăng Long một lần nữa thực hiện “vườn không nhà trống”. Thoát Hoan kéo vào chiếm Thăng Long trống vắng. Không dám đóng quân trong thành, chúng phải dựng doanh trại ở phía Bắc sông Nhị (sông Hồng).

- Toa Đô được lệnh từ Cham-pa đánh ra Nghệ An, Thanh Hóa, thấy thế giặc mạnh một số quý tộc nhà Trần đầu hàng giặc. Cuộc kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn.

- Cùng lúc đó, Thoát Hoan cho quân tiến xuống phía Nam nhằm tạo thế “gọng kìm” tiêu diệt quân chủ lực của ta nhưng thất bại. Thoát Hoan rút về Thăng Long chờ viện binh. Ở đây, quân Nguyên lâm vào thế bị động và thiếu lương thực trầm trọng.

- Tháng 5-1285, lợi dụng thời cơ, quân Trần tổ chức phản công, đánh bại quân giặc ở nhiều nơi như Tây Kết, cửa Hàm Tử, bến Chương Dương rồi tiến vào giải phóng Thăng Long.

- Quân giặc hốt hoảng tháo chạy, sau gần hai tháng phản công (tháng 5 và tháng 6), quân dân nhà Trần đã đánh bại quân Nguyên, đất nước sạch bóng quân thù.

5. Giải bài 3 trang 61 SGK Lịch sử 7

Hãy cho biết cách đánh quân Nguyên của nhà Trần trong cuộc kháng chiến lần thứ hai.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và nội dung chính mục II SGK trang 58 - 60 để suy luận trả lời. 

- Đoàn kết lực lượng toàn dân

- Rút lui để bảo toàn lực lượng

- Kế sách “vườn không nhà trống”, chờ thời cơ.

Hướng dẫn giải

Cách đánh quân Nguyên của nhà Trần trong cuộc kháng chiến lần thứ hai (1285):

- Đoàn kết lực lượng toàn dân để đánh giặc.

- Khi thế giặc mạnh, thực hiện rút lui để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc phản công tiêu diệt quân địch.

- Tiến hành kế sách “vườn không nhà trống”.

- Khi thời cơ đến, tiến hành phản công tiêu diệt quân giặc, giành thắng lợi hoàn toàn.

Ngày:20/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM