Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 16: Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỉ XIV

eLib xin giới thiệu đến các em học sinh nội dung giải bài tập SGK trang 77,80 môn Lịch sử 7 bên dưới đây. Tài liệu cung cấp cho các em hệ thống các bài tập có phương pháp và hướng dẫn giải cụ thể, chi tiết sẽ giúp ích các em trong quá trình học môn Lịch sử. Mời các em cùng tham khảo!

Giải bài tập SGK Lịch Sử 7 Bài 16: Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỉ XIV

1. Giải bài 1 trang 77 SGK Lịch sử 7

Em hãy trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội nước ta ở nửa sau thế kỉ XIV.

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung kiến thức bài 16. Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỉ XIV SGK Lịch sử 7 để trả lời.

- Tình hình kinh tế:

+ Từ nửa sau thế kỉ XIV, kinh tế nông nghiệp sa sút

+ Đời sống nông dân ngày càng bấp bênh, cực khổ.

- Tình hình xã hội:

+ Vua, quan nhà Trần vẫn lao vào cuộc sống ăn chơi sa đọa.

+ Triều chính bị lũng đoạn.

+ Nhà Trần càng suy sụp

+ Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân nổ ra.

Hướng dẫn giải

* Tình hình kinh tế:

- Từ nửa sau thế kỉ XIV, nhà nước không còn quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, không chăm lo tu sửa, bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi,… nên kinh tế nông nghiệp sa sút, nhiều năm mất mùa, đói kém.

- Vương hầu, quý tộc, nhà chùa, địa chủ nắm trong tay rất nhiều ruộng đất. Ruộng đất công ở các làng xã bị xâm lấn, khẩu phần ruộng đất của nông dân bị thu hẹp, đời sống ngày càng bấp bênh, cực khổ.

* Tình hình xã hội:

- Mặc cho đời sống của nhân dân sa sút nghiêm trọng, vua, quan nhà Trần vẫn lao vào cuộc sống ăn chơi sa đọa.

- Các vương hầu, quý tộc nhân đó cũng thả sức ăn chơi xa hoa, bắt quân, dân xây dựng dinh thự, chùa chiền liên miên. Trong triều, nhiều kẻ tham lam, nịnh thần làm rối loạn kỉ cương phép nước, triều chính bị lũng đoạn.

- Nhà Trần càng suy sụp hơn từ khi Trần Dụ Tông chết (1369) và Dương Nhật Lễ lên nắm chính quyền.

- Nhà Trần còn bất lực trong việc đối phó với các cuộc tấn công của Cham-pa và yêu sách ngang ngược của nhà Minh, đời sống nhân dân càng cực khổ.

- Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của nhân dân đã nổ ra trên cả nước.

2. Giải bài 2 trang 77 SGK Lịch sử 7

Em có nhận xét gì về vương triều Trần ở nửa cuối thế kỉ XIV?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung kiến thức bài 16. Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỉ XIV SGK Lịch sử 7 để nhận xét, đánh giá. 

Nửa cuối thế kỉ XIV, nhà Trần khủng hoảng trầm trọng không còn tiến bộ như nửa đầu thế kỉ XIV về trước nữa.

Hướng dẫn giải

- Nửa cuối thế kỉ XIV, nhà Trần bước vào thời kì khủng hoảng, suy thoái trầm trọng. Biểu hiện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội.

- Sự suy sụp của nhà Trần là điều không thể tránh khỏi, đến thời kì này nhà Trần đã không còn đóng vai trò tích cực, tiến bộ như nửa đầu thế kỉ XIV về trước nữa.

3. Giải bài 3 trang 77 SGK Lịch sử 7

Sự bùng nổ của các cuộc khởi nghĩa nông dân, nô tì ở nửa sau thế kỉ XIV nói lên điều gì? Tại sao?

Phương pháp giải

Từ nội dung kiến thức đã được học ở bài 16. Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỉ XIV SGK Lịch sử 7 để suy luận và trả lời.

- Xã hội thời Trần mất ổn định.

- Nhà Trần không còn khả năng đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng.

Hướng dẫn giải

- Các cuộc khởi nghĩa đều nổ ra vào nửa cuối thế kỉ XIV chứng tỏ:

+ Xã hội thời Trần đang lâm vào tình trạng mất ổn định.

+ Vai trò tích cực của Vương triều Trần không còn. Nhà Trần không còn khả năng đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng, cần phải thay thế bằng một vương triều mới.

4. Giải bài 1 trang 80 SGK Lịch sử 7

Em hãy trình bày tóm tắt cuộc cải cách của Hồ Quý Ly.

Phương pháp giải

Từ các kiến thức đã học và dựa vào nội dung mục II SGK Lịch sử 7 trang 77, 78, 79 để trả lời.

- Chính trị: thay thế dần võ quan bằng những người có tài năng, quy định cụ thể, rõ ràng cách làm việc của bộ máy chính quyền.

- Kinh tế: phát hành tiền giấy, ban hành chính sách hạn điền, quy định lại biểu thuế đinh, thuế ruộng.

- Xã hội: Ban hành chính sách hạn nô

- Văn hóa - giáo dục: cho dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, sửa đổi chế độ thi cử, học tập.

- Quân sự: sản xuất vũ khí, chế tạo súng thần cơ...

Hướng dẫn giải

- Chính trị: 

+ Thay thế dần võ quan cao cấp do quý tộc tôn thất nhà Trần nắm giữ bằng những người không phải họ Trần có tài năng và thân cận với mình.

+ Đổi tên một số đơn vị hành chính cấp trấn, quy định cụ thể, rõ ràng cách làm việc của bộ máy chính quyền các cấp.

+ Đặt lệ cử quan triều đình về các lộ thăm hỏi đời sống nhân dân và tìm hiểu tình hình làm việc của quan lại để thăng quan hay giáng chức.

- Kinh tế:

+ Phát hành tiền giấy thay tiền đồng.

+ Ban hành chính sách hạn điền, quy định lại biểu thuế đinh, thuế ruộng.

- Xã hội: Ban hành chính sách hạn nô: hạn chế nô tì được nuôi của vương hầu, quý tộc, quan lại.

- Văn hóa - giáo dục: 

+ Bắt các nhà sư chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục.

+ Cho dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm.

+ Sửa đổi chế dộ thi cử, học tập.

- Quân sự:

+ Làm lại sổ đinh để tăng cường quân số.

+ Sản xuất vũ khí, chế tạo súng thần cơ, làm thuyền chiến mới.

+ Bố trí phòng thủ nơi hiểm yếu, xây dựng một số thành kiên cố.

* Nhận xét: những cải cách của Hồ Quý Ly khá toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả thời gian trước và sau khi nhà Hồ được thành lập.

5. Giải bài 2 trang 80 SGK Lịch sử 7

Hãy nêu những mặt tiến bộ và hạn chế của cải cách Hồ Quý Ly.

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung chính được trình bày ở mục 3 SGK Lịch sử 7 trang 80 để đánh giá, nhận xét. 

- Tiến bộ: đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, làm suy yếu thế lực của quý tộc, tăng nguồn thu nhập của nhà nước và tăng cường quyền lực của nhà nước 

- Hạn chế: gia nô, nô tì chưa được giải phóng thân phận, chưa phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

Hướng dẫn giải

* Tiến bộ:

- Đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng.

- Góp phần hạn chế tệ tập trung ruộng đất của giai cấp quý tộc, địa chủ, làm suy yếu thế lực của quý tộc tôn thất nhà Trần, tăng nguồn thu nhập của nhà nước và tăng cường quyền lực của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.

- Những cải cách về văn hoá, giáo dục có nhiều tiến bộ.

* Hạn chế:

- Một số chính sách chưa triệt để: gia nô, nô tì chưa được giải phóng thân phận, chưa phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.

- Chưa giải quyết được những yêu cầu bức thiết của cuộc sống đông đảo nhân dân.

6. Giải bài 3 trang 80 SGK Lịch sử 7

Em có nhận xét, đánh giá như thế nào về nhân vật Hồ Quý Ly?

Phương pháp giải

Dựa vào nội dung SGK, báo chí, internet để đánh giá, nhận xét. 

Nhân vật Hồ Quý Ly

Hướng dẫn giải

- Trong tình trạng đất nước khủng hoảng, Hồ Quý Ly đã mạnh dạn khởi xướng và tiến hành hàng loạt các chính sách cải cách trên nhiều mặt. Cuộc cải cách của ông có nhiều mặt tiến bộ giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng.

→ Ông là một nhà yêu nước có tài năng, có hoài bão, tiến bộ, là một trong những nhà cải cách nổi tiếng trong lịch sử nước ta thời phong kiến.

- Hạn chế và sai lầm lớn nhất của ông là để đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh do đường lối kháng chiến sai lầm và cũng do những hạn chế trong cuộc cải cách của ông.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM