Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 29: Ôn tập chương V và chương VI

Để giúp các em học sinh học tập thật tốt bộ môn Lịch Sử 7, eLib xin giới thiệu nội dung giải bài tập SGK trang 147 bên dưới đây. Tài liệu gồm tất cả các bài tập có phương pháp và hướng dẫn giải chi tiết, rõ ràng, sẽ giúp các em ôn tập lại kiến thức, cũng cố kĩ năng làm bài hiệu quả. Mời các em cùng tham khảo.

Giải bài tập SGK Lịch sử 7 Bài 29: Ôn tập chương V và chương VI

1. Giải bài 1 trang 147 SGK Lịch sử 7

Sự suy yếu của nhà nước phong kiến tập quyền đã diễn ra như thế nào?

Phương pháp giải

Từ những hiểu biết của bản thân kết hợp kiến thức bài 22 SGK Lịch sử 7 để trả lời.

- Cuộc xung đột Nam - Bắc triều:

+ Năm 1527, Mạc Đăng Dung lập ra triều Mạc.

+ Năm 1533 phong trào "phù Lê diệt Mạc"

→ Cục diện Nam - Bắc triều hình thành.

- Cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn:

+ Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm lên thay → Chúa Trịnh

+ Nguyễn Hoàng bắt đầu xây dựng một thế lực riêng ở vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam → Chúa Nguyễn

→ Chiến tranh Trịnh - Nguyễn

Hướng dẫn giải

* Sự suy yếu của triều đình nhà Lê ở đầu thế kỉ XVI:

- Từ đầu thế kỉ XVI, nhà Lê bắt đầu suy thoái. Vua, quan ăn chơi xa xỉ, xây dựng lâu đài cung điện tốn kém. Nội bộ triều đình “chia bè kéo cánh”, tranh giành quyền lực.

- Nhân khi triều đình rối loạn, quan lại ở địa phương cậy quyền thế ức hiếp dân. Đời sống nhân dân lâm vào cảnh cùng khốn.

* Cuộc xung đột Nam - Bắc triều:

- Bước sang thế kỉ XVI, khi triều đình nhà Lê càng suy yếu thì sự tranh chấp giữa các phe phái phong kiến càng diễn ra quyết liệt.

- Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, lập ra triều Mạc.

- Năm 1533, một võ quan triều Lê là Nguyễn Kim chạy vào Thanh Hoá, lập một người thuộc dòng dõi nhà Lê lên làm vua, lấy danh nghĩa "phù Lê diệt Mạc", sử cũ gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều (nhà Mạc ở phía bắc).

- Cục diện Nam - Bắc triều hình thành.

→ Chiến tranh Nam - Bắc triều đã gây ra nhiều hậu quả: Làng mạc, gia đình li tán, người chết rất nhiều, hàng vạn người bắt đi lính, di phu. Sản xuất nông nghiệp đình trệ, mùa màng bị tàn phá,… Cùng với đó, chế độ binh dịch ngày càng đè nặng lên đời sống nhân dân.

* Cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn:

- Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm lên thay, nắm toàn bộ binh quyền.

- Người con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng đã xin vào trấn thủ Thuận Hóa, Quảng Nam. Cũng từ đây, Nguyễn Hoàng bắt đầu xây dựng một thế lực riêng ở vùng đất Thuận Hóa, Quảng Nam. Sau khi ông mất, con cháu đời sau nối nhau cầm quyền, nhân dân gọi là "chúa Nguyễn" ở Đàng Trong để phân biệt với “chúa Trịnh” ở Đàng Ngoài.

→ Chiến tranh Trịnh - Nguyễn làm đất nước bị chia cắt thành hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài kéo dài suốt hai thế kỉ. Nhân dân hai miền li tán, đói khổ, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước.

→ Những biểu hiện trên thể hiện sự suy yếu của nhà nước phong kiến tập quyền.

2. Giải bài 2 trang 147 SGK Lịch sử 7

Quang Trung đã đặt nền tảng cho việc thống nhất đất nước và xây dựng quốc gia như thế nào?

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức bài 25, 26 SGK Lịch sử 7 để suy luận trả lời.

- Tây Sơn lật đổ chính quyền Nguyễn, Trịnh, Lê.

- Tây Sơn đánh tan các cuộc xâm lược của Xiêm, Thanh.

Hướng dẫn giải

* Quang Trung đặt nền tảng cho việc thống nhất đất nước:

- Tây Sơn lật đổ chính quyền Nguyễn, Trịnh, Lê: Thắng lợi của phong trào Tây Sơn trong việc lật đổ chính quyền Nguyễn, Trịnh, Lê đã xóa bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt nền tảng cho sự thống nhất quốc gia.

- Tây Sơn đánh tan các cuộc xâm lược của Xiêm, Thanh: bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

* Quang Trung đặt nền tảng cho việc xây dựng quốc gia:

- Vua Quang Trung sáng lập ra Vương triều Tây Sơn với nhiều chính sách cải cách tích cực nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, phát triển văn hóa dân tộc.

- Đồng thời, cũng đưa ra đường lối ngoại giao sáng suốt để củng cố nền độc lập tự chủ của dân tộc.

3. Giải bài 3 trang 147 SGK Lịch sử 7

Nhà Nguyễn lập lại chế độ phong kiến tập quyền ra sao?

Phương pháp giải

Từ những kiến thức được trình bày ở bài 27 SGK Lịch sử 7 để trả lời.

- Xây dựng bộ máy quân chủ chuyên chế

- Ban hành bộ luật Gia Long.

- Ban hành nhiều chính sách phục hồi và phát triển kinh tế.

- Củng cố quốc phòng.

Hướng dẫn giải

Để thiết lập lại chế độ phong kiến tập quyền nhà Nguyễn đã:

- Xây dựng bộ máy quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền, tăng cường quyền lực trong tay vua, tiến hành cải cách hành chính chia đất nước là 30 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên.

- Ban hành bộ luật Hoàng triều luật lệ (luật Gia Long).

- Kinh tế: Ban hành nhiều chính sách phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định sản xuất.

- Củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng quân đội mạnh.

4. Giải bài 4 trang 147 SGK Lịch sử 7

Tình hình kinh tế, văn hóa ở các thế kỉ XVI đến nửa đầu thế kỉ XIX.

Phương pháp giải

Dựa vào kiến thức bài 23, 27, 28 SGK Lịch sử 7 để trả lời.

- Thế kỉ XVI - XVIII

+ Kinh tế: Nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp phát triển mạnh mẽ, xuất hiện thêm nhiều thành thị.

+ Văn hóa: xuất hiện đạo Thiên Chúa giáo, chữ Quốc ngữ được ra đời, xuất hiện nhiều tác phẩm chữ Nôm, phát triển đa dạng loại hình nghệ thuật 

- Nửa đầu thế kỉ XIX

+ Kinh tế: Nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp phát triển trì trệ

+ Văn hóa: văn học dân gian phát triển, chữ Nôm đạt đỉnh cao, nghệ thuật sân khấu, dân gian, kiến trúc, điêu khắc phát triển mạnh mẽ.

+ Khoa học: xuất hiện nhiều thành tựu.

+ Kĩ thuật: nghề làm đồng hồ và kính thiên lí, chế tạo máy xẻ gỗ chạy bằng sức nước, chiếc tàu thủy chạy bằng máy hơi nước.

Hướng dẫn giải

a) Thế kỉ XVI - XVIII

* Kinh tế

- Nông nghiệp:

+ Đàng Ngoài: nông nghiệp trì trệ, vua quan không quan tâm đến ruộng đất.

+ Đàng Trong: rất phát triển, tổ chức khai hoang, cấp nông cụ,…

- Thủ công nghiệp:

+ Cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều phát triển.

+ Xuất hiện nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng: gốm Thổ Hà (Bắc Giang), Bát Tràng (Hà Nội), dệt La Khê (Hà Nội),…

- Thương nghiệp:

- Các chợ làng, chợ huyện được xây dựng, việc giao lưu buôn bán với các thương nhân châu Á, châu Âu được đẩy mạnh.

- Xuất hiện thêm nhiều thành thị.

* Văn hóa

- Tôn giáo: Từ thế kỉ XVI, xuất hiện đạo Thiên Chúa giáo.

- Chữ viết: Thế kỉ XVII, chữ Quốc ngữ được ra đời.

- Văn học và nghệ thuật:

+ Văn học: Xuất hiện nhiều tác phẩm chữ Nôm, tiêu biểu là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ,... Văn học dân gian có nhiều thể loại.

+ Nghệ thuật: phát triển đa dạng như chèo tuồng, hát ả đào,...     

b) Nửa đầu thế kỉ XIX

* Kinh tế

- Nông nghiệp:

+ Việc khai hoang được thực hiện và có hiệu quả.

+ Việc sửa đắp đê gặp khó khăn.

→ Diện tích canh tác tăng nhưng ruộng bị bỏ hoang, nông dân bị cướp ruộng, phải sống lưu vong.

- Thủ công nghiệp: Theo đà phát triển của các thế kỉ trước, thủ công nghiệp nửa đầu thế kỉ XIX có điều kiện phát triển thêm.

- Thương nghiệp: Thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”.

* Văn hóa

- Văn học:

+ Văn học dân gian: tục ngữ, ca dao, truyện thơ dài, truyện tiếu lâm,…

+ Văn học chữ Nôm đạt đỉnh cao với: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm,… các tác giả: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan,…

- Nghệ thuật:

+ Nghệ thuật sân khấu: tuồng, chèo, hát quan họ,…

+ Nghệ thuật tranh dân gian: nhất là dòng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh).

- Kiến trúc, điêu khắc: Công trình kiến trúc: chùa Tây Phương, đình làng Đình Bảng, cung điện, lăng tẩm các vua Nguyễn ở Huế,… Nghệ thuật tạc tượng đồng đạt đến đỉnh cao.

- Khoa học:

+ Sử học: Đại Việt sử kí tiền biên, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện,… Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú là những tác giả tiêu biểu.

+ Địa lí: Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức), Nhất thống dư địa chí (Lê Quang Định),…

+ Y học: Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông) với bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh (66 quyển).

- Kĩ thuật:

+ Học được nghề làm đồng hồ và kính thiên lí.

+ Chế tạo được máy xẻ gỗ chạy bằng sức nước.

+ Đóng được một chiếc tàu thủy chạy bằng máy hơi nước.

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM