Bệnh về mắt

Các bệnh lý về mắt đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Khi thời kì công nghiệp hóa và công nghệ số phát triển chóng mặt, cùng với đó là tình trạng ô nhiễm môi trường bởi khói bụi, hóa chất khiến các bệnh lý về mắt ngày càng gia tăng. Chính vì thế mà việc tìm hiểu về các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị một số bệnh về mắt là điều hết sức cần thiết. eLib.VN đã tổng hợp một số bệnh lý về mắt phổ biến hiện nay với mong muốn sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc và bảo vệ mắt trước những tác nhân bên trong lẫn bên ngoài. Mời các bạn tham khảo.

1. Vai trò, cấu tạo và cơ chế hoạt động của mắt

1.1 Vai trò của mắt 

Đôi mắt là một trong năm giác quan quan trọng, giúp con người quan sát hình ảnh và có phản ứng với môi trường xung quanh. Về cơ bản, vai trò của mắt người có thể kể đến:

  • Dưới góc độ sinh học, đôi mắt là bộ phận nhạy cảm của cơ thể trước các tác động của môi trường. Giúp con người thông qua đó có những phản ứng phù hợp với mọi diễn biến biến đổi xung quanh.
  • Về mặt quang học, đôi mắt như 1 máy ảnh thu chụp các thông tin về màu sắc hình ảnh, là một phần hệ thống thu nhận và “mã hoá” thông tin cho đại não, thực hiện chức năng nhìn, quan sát, thu nhận lại hình ảnh của sự vật, màu sắc để chuyển lên cho não bộ xử lý và lưu trữ.
  • Là một cơ quan giúp con người giao tiếp phi ngôn ngữ. Thông qua ánh mắt, con người có thể liên hệ, ra hiệu, trao đổi thông tin với nhau thay cho lời nói.  

1.2 Cấu tạo của mắt

 Cấu tạo bên ngoài

Nhìn tổng thể bên ngoài, đôi mắt được cấu thành bởi các bộ phận sau:

  • Lông mi và mi mắt: chuyển động nhắm vào mở ra của mắt là nhờ cơ chế hoạt động của hai mi mắt, phản xạ nhắm mở này giúp mắt điều tiết tránh bị khô, nhiễm khuẩn khi tiếp xúc với khói, bụi, nước hàng ngày. Trên mi mắt cũng có lớp lông mi giúp bảo vệ mắt khỏi các dị vật: mí trên có lông mi dài cong, lông mi của mí dưới ít hơn và ngắn hơn.
  • Củng mạc: là một màng chắc dày và rất cứng bao quanh và tạo nên hình thể của nhãn cầu (hình cầu).
  • Giác mạc: nằm ở phía trước củng mạc, có hình chỏm cầu hơi nhô ra khỏi ổ mắt, đóng vai trò như một thấu kính, hội tụ hình ảnh lên võng mạc, giúp ta có thể nhìn thấy vật.
  • Kết mạc: là lớp niêm mạc che phủ phần củng mạc (lòng trắng) của nhãn cầu có chức năng duy trì sự ổn định lớp nước mắt và tiết ra một số chất có trong nước mắt chống lại mọi sự xâm nhập vào giác mạc.
  • Mống mắt: Ngay phía sau giác mạc là màng sắc tố bao quanh đồng tử được gọi là mống mắt. Mống mắt có đặc điểm riêng quyết định màu mắt của con người ( nâu, xanh, đen…)
  • Đồng tử: là lỗ tròn màu đen nằm ở trung tâm của mống mắt. Đồng tử có thể điều chỉnh co lại hoặc giãn ra nhờ các cơ nằm trong mống mắt giúp cân bằng lượng ánh sáng vào mắt.

Đây là các phần thuộc cấu tạo bên ngoài mắt có thể thăm khám bằng mắt thường hoặc qua các dụng cụ đơn giản như đèn pin, kính lúp.

Cấu tạo bên trong

Cấu tạo bên trong của mắt rất tinh vi và kì công, trong đó thủy tinh thể và võng mạc là hai bộ phận cơ bản có vai trò quan trọng nhất để đảm bảo chức năng nhìn của mắt. Hầu hết các bộ phận thuộc cấu tạo bên trong của mắt đều chỉ có thể thăm khám bằng các phương tiện chuyên khoa:

  • Thủy dịch: Là chất dịch do thể mi tiết ra tiền phòng (khoang nằm giữa giác mạc và thể thuỷ tinh) và hậu phòng (khoang nằm sau mống mắt), tạo nên áp lực dương (gọi là nhãn áp) để duy trì hình dạng cầu căng cho mắt và cung cấp dinh dưỡng cho giác mạc và thể thuỷ tinh.
  • Thủy tinh thể: là thành phần quang học mắt quan trọng nhất, có cấu trúc trong suốt nằm phía sau đồng tử, có tác dụng như một thấu kính giúp hội tụ các tia sáng đúng vào võng mạc để tạo thành hình ảnh rõ ràng, sắc nét.
  • Võng mạc: là một lớp màng mỏng trong cùng của nhãn cầu có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ thủy tinh thể hội tụ lại, cảm nhận ánh sáng và truyền tín hiệu đến não thông qua hệ dây thần kinh thị giác, não bộ sẽ cho chúng ta ý thức về vật chúng ta đang nhìn thấy.
  • Dịch kính: Là một cấu trúc giống như thạch, trong suốt, nằm ở giữa thể thuỷ tinh và võng mạc, có vai trò như một môi trường đệm giúp nhãn cầu giữ được hình thể ổn định. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mọi vật khi giác mạc, thể thuỷ tinh và dịch kính còn trong suốt, cho phép ánh sáng đi qua đến võng mạc.
  • Hắc mạc: Là lớp màng mỏng nằm giữa củng mạc và võng mạc, hắc mạc nối tiếp với mống mắt ở phía trước và có nhiều mạch máu giúp nuôi dưỡng con mắt.

1.3 Cơ chế hoạt động

Về cơ bản, cơ chế hoạt động của mắt tương tự cơ chế hoạt động của một máy chụp ảnh. Cấu tạo của mắt có hệ thấu kính bao gồm giác mạc, thủy tinh thể.

Đầu tiên, ánh sáng sau khi được khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể sẽ hội tụ trên võng mạc của mắt. Tại đây các tín hiệu ánh sáng sẽ được các tế bào cảm thụ ánh sáng trên võng mạc chuyển thành tín hiệu thần kinh. Sau đó, tín hiệu đó được truyền đến não bộ thông qua hệ thần kinh thị giác và được xác nhận là hình ảnh tại não bộ. Đây chính là cơ chế hoạt động của mắt để chúng ta nhìn thấy một vật, một sự việc nào đó.

Nếu như đối với máy ảnh, chúng ta thường phải điều chỉnh tiêu cự thấu kính và mức độ ánh sáng, phải lau chùi và bảo dưỡng khi ống kính bị bẩn thì trên thực tế, mắt chúng ta đã thực hiện những chức năng đó hoàn toàn tự động. Thông qua thay đổi độ cong thủy tinh thể, độ co giãn của mồng mắt, kích thước của đồng tử,...từ đó điều khiển tiêu cự, cường độ chùm sáng đi vào.

Bên cạnh đó, để mắt liên tục điều tiết chống khô rát, các tuyến lệ chính và phụ luôn hoạt động để bôi trơn giác mạc. Đây là một cơ chế vệ sinh hoàn toàn tự nhiên của cơ thể giúp bảo vệ đôi mắt khỏi các tác nhân khói, bụi, nhiễm khuẩn...

2. Một số bệnh lý và triệu chứng về mắt phổ biến

Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)

Tuy là một bệnh lành tính nhưng đau mắt đỏ lại có khả năng lây nhiễm cao từ người này sang người khác qua đường hô hấp, dịch tiết hay dùng chung đồ vật… và dễ bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp hạn chế lây lan.

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng, vi khuẩn, virus xâm nhập qua tay bẩn hoặc thậm chí là do dị ứng.

Bệnh gây đau, sưng, ngứa, đỏ, chảy nước mắt, mắt nhiều gỉ, có thể giảm thị lực... Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, từ trẻ em, người lớn tới người già và có thể bị tái đi tái lại nhiều lần do cơ thể không sản sinh ra miễn dịch trọn đời với bệnh viêm kết mạc.        

Viêm bờ mi mắt

Là một bệnh lý mạn tính rất phổ biến hay gặp ở người trung niên và cao tuổi. Bệnh dù ít nguy hiểm nhưng lại gây rất nhiều khó chịu cho bệnh nhân như ngứa, cộm xốn, cảm giác bỏng rát, khô mắt,…

Nguyên nhân gây viêm bờ mi mắt có thể do: Rối loạn chức năng tuyến Meibomian, khô mắt, nhiễm nấm/ ký sinh trùng/ vi khuẩn trên mí mắt.

Tăng nhãn áp 

Chứng tăng nhãn áp là nguyên nhân thứ 2 gây hiện tượng mù vĩnh viễn trên thế giới. Bệnh thường gặp ở những người trên 40 tuổi và những người có tiền sử gia đình bị bệnh tăng nhãn áp có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những người khác.

Nguyên nhân chính của chứng tăng nhãn áp là sự gia tăng áp lực của chất lỏng trong mắt khiến dây thần kinh thị giác bị hỏng làm ảnh hưởng tới thị lực của mắt.

Bệnh tăng nhãn áp có thể xảy ra đột ngột mà không có triệu chứng,vì vậy hãy thường xuyên đi khám mắt định kỳ để phòng tránh, phát hiện bệnh.

Tật khúc xạ

Theo nghiên cứu của bệnh viện mắt Sài gòn, tật khúc xạ là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vấn đề về thị giác. Mắt chúng ta nhìn được vật do khúc xạ trong mắt xảy ra khi ánh sáng đi qua giác mạc, đến võng mạc. Tật khúc xạ xảy ra do độ dài của nhãn cầu, sự thay đổi hình dạng của giác mạc hoặc do lão hóa tự nhiên của mắt. Cận thị, viễn thị và loạn thị là những triệu chứng của tật khúc xạ. Tật khúc xạ thường gặp nhất ở những người sau 40 tuổi.

Thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng (ARMD hoặc AMD) liên quan đến tuổi tác, bệnh thường xảy ra ở nam và nữ ở các nhóm tuổi trên 50. AMD là hiện tượng võng mạc bị tổn thương dẫn đến mất thị lực một phần, nặng có thể gây mù lòa. Bệnh thoái hóa điểm vàng không có triệu chứng. do đó, rất khó để phát hiện bệnh. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi đã tiến triển nặng. Vì thế để tránh nguy cơ mất thị lực do thoái hóa điểm vàng, bạn nên thường xuyên đến khám tại các bệnh viện mắt gần nhất.

3. Lời khuyên chăm sóc cho đôi mắt khỏe mạnh

Nếu không được chăm sóc đúng cách, đôi mắt sẽ yếu dần và rất có thể sẽ gặp phải những bệnh kể trên. Hãy bỏ túi ngay những mẹo sau để có được một đôi mắt sáng, khỏe, đẹp.

  • Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết: Thực phẩm giàu axit béo omega-3, lutein, kẽm và vitamin A, C và E;
  • Đeo kính bảo vệ mắt: Đeo kính râm khi ra đường giúp hạn chế sự tác động của tia UV ảnh hưởng tới mắt, hoặc đeo kính cận, viễn, loạn thị với số phù hợp;
  • Khi làm việc nhiều với máy tính, nên sử dụng loại kính chống ánh sáng xanh để chống lại tác động từ ánh sáng điện tử tới mắt.
  • Tránh dụi mắt, để không làm xước giác mạc, khi bụi bay vào mắt hãy nhỏ nước mắt để dị vật chảy ra;
  • Đắp dưa leo và nghỉ ngơi hợp lý giúp mắt giải tỏa stress, đồng thời cải thiện vùng bọng mắt;
  • Khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần, nhất là người có bệnh lý, người trên 60 tuổi, hoặc khi mắt có biểu hiện bất thường;
  • Khi gặp các vấn đề về mắt như mờ/lệch nếp mí, sa da mi, sa cung mày, sẹo mi,... cần thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cách chăm sóc da mi, phẫu thuật tái tạo sự cân bằng và thẩm mỹ cho mi mắt khi cần.

Trên đây là một số thông tin tổng quan về mắt, để có những hiểu biết chi tiết và cụ thể hơn về các bệnh lý liên quan đến mắt, các bạn có thể tham khảo mục Bệnh về mắt mà eLib.VN đã tổng hợp. Chúc các bạn có một chế độ chăm sóc và bảo vệ mắt tốt để hạn chế tối đa các tác nhân ảnh hưởng đến mắt nhé!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM