Bệnh chấn thương mắt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Chấn thương mắt có thể dao động từ mức độ rất nhỏ như xà phòng bắn vào mắt đến những thảm họa nghiêm trọng như mất thị lực vĩnh viễn hoặc hỏng mắt. Cùng eLib.VN tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về loại chấn thương nguy hiểm này.

Bệnh chấn thương mắt - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Chấn thương mắt là gì?

Tổn thương mắt có thể dao động từ mức độ rất nhỏ như xà phòng bắn vào mắt đến những thảm họa nghiêm trọng như mất thị lực vĩnh viễn hoặc hỏng mắt. Những loại chấn thương thường xảy ra tại nơi làm việc, ở nhà, do tai nạn hoặc khi tham gia các môn thể thao.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương mắt là gì?

Các triệu chứng phổ biến của chấn thương mắt bao gồm:

Tiếp xúc với hóa chất: các triệu chứng phổ biến nhất là đau hoặc bỏng rát dữ dội. Chảy nước mắt đầm đìa, mắt có thể đỏ và mí mắt sưng tấy. Xuất huyết dưới kết mạc (chảy máu): thông thường, tình trạng này đơn thuần không gây đau. Tầm nhìn không bị ảnh hưởng. Mắt có một vài đốm máu đỏ trên củng mạc (phần lòng trắng của mắt). Điều này xảy ra khi một mạch máu nhỏ trên bề mặt mắt bị vỡ. Vùng xuất huyết có thể khá lớn và đôi khi đáng báo động. Xuất huyết kết mạc tự phát có thể xảy ra mà không kèm theo chấn thương nào hết. Nếu chấn thương không liên quan đến các dấu hiệu chấn thương khác, nó thường không nguy hiểm và tự hết trong khoảng thời gian từ 4-10 ngày. Trầy xước giác mạc: các triệu chứng bao gồm đau, cảm giác cộm, chảy nước mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Viêm mống mắt: đau và nhạy cảm với ánh sáng là những dấu hiệu phổ biến. Cơn đau có thể được mô tả là đau sâu bên trong và xung quanh mắt. Đôi khi, bạn có thể chảy nước mắt rất nhiều. Xuất huyết tiền phòng: đau và mờ mắt là triệu chứng chính của tình trạng này. Vỡ sàn ổ mắt: các triệu chứng bao gồm đau, đặc biệt khi chuyển động mắt; nhìn đôi biến mất khi che một mắt; sưng mí mắt tăng lên khi sổ mũi. Môi trên bên bị ảnh hưởng có thể bị tê bì. Sưng quanh mắt và bầm tím thường xảy ra. Máu xuất huyết tích tụ trong mí mắt làm mắt tím đen. Điều này có thể biến mất hoàn toàn sau vài tuần. Rách kết mạc: các triệu chứng bao gồm đau, mẩn đỏ và cảm giác cộm trong mắt. Các vết cắt ở giác mạc và củng mạc: các triệu chứng bao gồm giảm tầm nhìn và đau. Dị vật: Trên giác mạc: cảm giác có cái gì trong mắt, chảy nước mắt, mờ mắt và nhạy cảm ánh sáng là những triệu chứng phổ biến. Đôi khi dị vật có thể nhìn thấy trên giác mạc. Nếu vật thể lạ là kim loại, vết gỉ sét có thể tìm thấy. Trong ổ mắt: triệu chứng như giảm tầm nhìn, đau và nhìn đôi thường xuất hiện sau khi bị chấn thương vài giờ đến vài ngày. Đôi khi, bạn sẽ không có triệu chứng. Trong mắt: bị đau mắt và giảm thị lực, nhưng ban đầu nếu các dị vật nhỏ nằm ở góc cao của mắt, có thể không biểu hiện triệu chứng gì. Chấn thương gây ra do ánh sáng: Viêm giác mạc do tia cực tím: các triệu chứng bao gồm đau, nhạy cảm ánh sáng, đỏ mắt và cảm giác rất khó chịu như có một vật gì trong mắt. Các triệu chứng không xuất hiện ngay lập tức mà khoảng 4 giờ sau khi tiếp xúc với tia cực tím. Bệnh võng mạc do mặt trời: triệu chứng chính là giảm thị lực do bị mờ một vùng nhỏ ở trung tâm

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Trong hầu hết các trường hợp, nếu bạn có các triệu chứng diễn ra liên tục như đau, rối loạn thị giác, biểu hiện bất thường của mắt hoặc chảy máu, nên đến ngay khoa cấp cứu hoặc gặp bác sĩ nhãn khoa (bác sĩ y khoa chuyên về chăm sóc mắt và phẫu thuật mắt)

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra chấn thương mắt?

Tổn thương mắt do những nguyên nhân sau:

Tiếp xúc hay bị bỏng do các hóa chất: bỏng do hóa chất có thể xảy ra do một số nguyên nhân nhưng thường hay xảy ra do chất lỏng bắn vào mắt. Nhiều loại hóa chất như xà phòng, kem chống nắng và thậm chí hơi cay, chỉ đơn thuần là chất gây kích ứng mắt và thường không gây tổn thương vĩnh viễn. Tuy nhiên, axit mạnh và kiềm có tính ăn mòn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng và lâu dài cho mắt. Axit (như axit sulfuric tìm thấy trong các loại pin xe) hoặc các chất kiềm (như dung dịch kiềm có trong chất tẩy rửa ống cống và amoniac) có thể văng vào mắt. Giụi mắt bằng tay có dính hoá chất. Tiếp xúc với thuốc phun xịt gây nguy cơ tổn thương do hoá chất như Mace, hơi cay, bình xịt hơi cay hoặc keo xịt tóc. Xuất huyết dưới kết mạc (chảy máu): tụ máu nằm trên bề mặt của tròng trắng mắt (màng cứng). Củng mạc được bao phủ bởi kết mạc, đó là màng mạch máu trong suốt nằm trên củng mạc. Xuất huyết dưới kết mạc có thể đi cùng bất kỳ chấn thương mắt nào. Chấn thương cũng có thể tự phát. Mức độ xuất huyết dưới kết mạc không nhất thiết liên quan đến mức độ chấn thương. Trầy xước giác mạc: giác mạc là mô trong suốt nằm phía trước đồng tử và mống mắt. Giác mạc bị trầy xước khi có một vết rách hoặc tổn thương do chấn thương bề mặt giác mạc. Những người bị trầy xước giác mạc thường do “đâm” vào mắt bởi một món đồ chơi, một vật bằng kim loại, móng tay của trẻ, một nhánh cây hay do đeo kính áp tròng quá lâu. Viêm mống mắt do chấn thương: đây là loại chấn thương có thể xảy ra tương tự như trầy xước  giác mạc nhưng hay gặp do một đòn đánh vào mắt  như nắm đấm, gậy, hoặc túi khí xe hơi. Mống mắt là phần có màu sắc của mắt. Nó bao gồm các cơ kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt qua đồng tử. Viêm mống mắt chỉ đơn giản là mống mắt bị viêm. Chấn thương nhãn cầu và hốc mắt: những chấn thương có liên quan đến một lực rất mạnh từ một vật đánh thẳng vào mắt và các cấu trúc xung quanh. Ví dụ bị một quả bóng chày hoặc nắm đấm thụi vào mắt, bị đá vào mặt, hoặc một quả bóng quần vợt, nút chai sâm banh, hoặc một số vật tương tự đập vào mắt. Xuất huyết tiền phòng là do chảy máu ở phần trước của mắt gọi là khoang phía trước. Đây là khoảng trống giữa giác mạc và mống mắt. Khoang phía trước được lấp đầy bởi chất lỏng trong suốt, được gọi là dung dịch nước. Gãy xương ổ mắt là vùng xương mặt xung quanh mắt bị gãy vỡ. Vỡ xương sàn ổ mắt là xương mỏng tạo thành sàn ổ mắt để hỗ trợ và bảo vệ mắt. Vết rách (vết cắt) ở mí mắt hoặc kết mạc (Màng trong suốt bao quanh tròng trắng mắt). Những chấn thương thường xảy ra do các vật sắc nhọn nhưng cũng có thể xảy ra sau khi bị ngã. Các vết cắt ở giác mạc và củng mạc: những tổn thương này thường rất nghiêm trọng và thường xuyên liên quan đến các vật sắc nhọn bằng kim loại hoặc thủy tinh. Dị vật trong mắt: thường là mảnh nhỏ kim loại, gỗ hoặc nhựa. Dị vật giác mạc là dị vật nằm trên giác mạc có nghĩa chưa thâm nhập vào trong mắt. Dị vật là sắt có thể gây ra một vết gỉ sét trên giác mạc cần được điều trị ngay. Dị vật trong mắt là dị vật nằm xung quanh mắt (hoặc hốc mắt) nhưng chưa thâm nhập vào trong mắt. Dị vật trong nhãn cầu là các chấn thương làm bức tường bên ngoài của mắt bị thủng nên dị vật thâm nhập vào trong và kẹt bên trong nhãn cầu. Viêm giác mạc do tia cực tím (hoặc bỏng giác mạc do đèn chiếu sáng): ánh sáng phổ biến nhất gây viêm giác mạc là tia cực tím, có thể được coi như giác mạc cháy nắng. Các nguồn ánh sáng cực tím gây tôn thương thường gặp như hàn xì, máy làm rám da và ánh sáng mặt trời phản chiếu bởi tuyết, nước hoặc các bề mặt phản xạ khác, đặc biệt tia UV rất mạnh ở trên cao. Bệnh võng mạc do mặt trời: tổn thương phần trung tâm của võng mạc có thể xảy ra do nhìn chằm chằm vào mặt trời. Các tình huống phổ biến có thể gây ra tổn thương này như xem nhật thực không có kính bảo hộ hoặc các trạng thái phê thuốc nên nhìn vào mặt trời một khoảng thời gian dài.

4. Nguy cơ mắc phải

Mức độ phổ biến của chấn thương mắt?

Tổn thương mắt là tình trạng rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chấn thương mắt?

Giống bất kỳ tình trạng sức khỏe nào, hoàn cảnh và cách gây chấn thương sẽ giúp bác sĩ cấp cứu hoặc bác sĩ nhãn khoa tập trung để chẩn đoán tình trạng. Kiểm tra thị lực sẽ được thực hiện, do đó bệnh nhân nên mang theo kính khi đi khám. Bác sĩ nhãn khoa sẽ tập trung đến việc bảo tồn thị lực một cách tốt nhất.

Để kiểm tra các tổn thương ở giác mạc, bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ cấp cứu thường nhỏ một giọt thuốc nhuộm đặc biệt hoặc phẩm màu vào khu vực tạo nước mắt làm ẩm mắt. Thuốc nhuộm phát huỳnh quang, làm đổi màu khu vực giác mạc bị tổn thương. Khi ánh sáng  xanh trời chiếu vào mắt, vết trầy xước giác mạc chuyển sang màu xanh lục.

Đèn khe là một dụng cụ khám mắt hay được dùng. Đèn khe về cơ bản là một kính lúp đặc biệt và kính hiển vi chiếu sáng để khám xét mắt chi tiết hơn.

X-quang hiếm khi được sử dụng, trừ khi có nghi ngờ gãy xương ổ mắt, dị vật trong mắt hay trong nhãn cầu. Dị vật giác mạc không cần X-quang.

Những phương pháp nào dùng để điều trị chấn thương mắt?

Chấn thương mắt nhẹ có thể được chăm sóc bởi bác sĩ phòng cấp cứu. Đối với chấn thương mắt nghiêm trọng hơn hoặc nếu có bất kỳ thắc mắc nào ngay cả với những chấn thương dường như không đáng kể, bạn nên được tư vấn bởi bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ nhãn khoa có chuyên môn sâu trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt. Một số bệnh nhân có thể cần tham khảo ý kiến của bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của chấn thương mắt ?

Hầu hết các chấn thương mắt nhẹ có thể được điều trị tại nhà.

Nếu bạn có một vết cắt trên mí mắt, dùng băng vô trùng hoặc vải sạch để bảo vệ khu vực này, không sử dụng băng bông mịn băng quanh mắt. Những loại băng bông mịn có thể bị bung ra và sợi bông mắc kẹt trong mắt. Bạn nên giữ cho băng sạch và khô. Để làm giảm sưng quanh mắt, bạn chườm đá hoặc túi lạnh trong 15 phút, 3 hoặc 4 lần mỗi ngày trong vòng 48 giờ đầu tiên sau khi  bị chấn thương.  Bạn chườm lạnh càng sớm thì sưng nề mắt càng giảm nhanh. Bạn nên đặt một miếng vải giữa túi đá và da của bạn. Khi đã bớt sưng đắp  gạc ấm có thể giúp giảm đau. Không sử dụng gói hoá chất đắp cho vùng mắt. Nếu gói bị rò rỉ, các hóa chất có thể gây tổn thương mắt nặng hơn. Giữ đầu cao giúp giảm sưng. Uống thuốc giảm đau không cần toa như acetaminophen, ibuprofen hoặc aspirin để giảm đau. Đừng uống aspirin nếu bạn dưới 20 tuổi trừ khi do bác sĩ kê toa.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến chấn thương mắt, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:27/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM