Luận văn Kinh tế

Chuyên mục Luận văn Kinh tế tổng hợp các luận văn về kinh tế học, kinh tế phát triển, kinh tế đầu tư, kinh tế chính trị, khinh tế bất động sản,... phục vụ cho các bạn sinh viên chuyên ngành kinh tế làm tư liệu học tập cho các môn học có liên quan. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Thế nào là luận văn tốt nghiệp?

Luận văn tốt nghiệp: là một văn bản nghiên cứu của các sinh viên Đại học vào cuối kỳ học về một chủ đề nào đó và cấu trúc luận văn sẽ do yêu cầu của giáo viên hoặc từng trường quy định. Luận văn sẽ được làm vào cuối khóa học để trình bày những kết quả nghiên cứu về chủ đề đã chọn. Sau khi bảo vệ xong thì bạn sẽ kết thúc khóa học và tốt nghiệp. Trong tiếng anh sẽ tương đương với Thesis/Dissertation.

Khái niệm này tương đương với khóa luận, đồ án tốt nghiệp ở một số trường, nhưng luận văn mang tính chất nghiên cứu lý thuyết nhiều hơn – còn đồ án (dành cho khối ngành kỹ thuật, thiết kế…) chủ yếu là thực hành, có thể tạo thành 1 sản phẩm cụ thể.

Mục đích của luận văn là học tập, phản ánh kết quả của quá trình học tập của mỗi cá nhân. Đây, cũng là một công trình nghiên cứu khoa học, thể hiện được sự lao động độc lập của một người với nhiều ý tưởng sáng tạo và bài viết khoa học của họ.

Luận văn là một công trình khoa học nên đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc và phải đạt yêu cầu như:

  • Luận văn phải có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn.
  • Số liệu và các nguồn trích dẫn phải thật chính xác và đáng tin cậy.
  • Về văn phong phải mạch lạc, chuẩn xác; trình bày theo cấu trúc và sạch sẽ.
  • Trình bày đúng quy định và thể hiện người viết có phương pháp nghiên cứu.

2. Bố cục bài luận văn tốt nghiệp

Nội dung chính của một bài luận văn gồm nhiều chương. Tùy theo nội dung nghiên cứu, lĩnh vực nghiên cứu, chuyên ngành, bậc đào tạo mà có số chương khác nhau, nhưng thông thường gồm các chương sau:

Chương 1: Giới thiệu

Giới thiệu chủ đề nghiên cứu của luận văn để làm rõ tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của chủ đề. Nội dung bao gồm bối cảnh, đặt ra các giả thuyết và mục tiêu nghiên cứu sẽ đạt được. Riêng đối với luận án tiến sĩ cần có thêm các mục như ý nghĩa của luận án và những điểm mới của luận án. Chương này thường gồm các phần sau:

- Đặt vấn đề nghiên cứu: Nêu lý do hay sự cần thiết để thực hiện đề tài nghiên cứu.

- Mục tiêu nghiên cứu

  • Mục tiêu chung: Mục tiêu cơ bản, cuối cùng, tổng quát của đề tài nghiên cứu.
  • Mục tiêu cụ thể: Phát triển mục tiêu chung thành các mục tiêu nhỏ hơn, ở mức độ chi tiết, nhằm nghiên cứu sâu hơn các khía cạnh của đề tài.

- Phạm vi nghiên cứu

  • Không gian: Địa bàn, cơ quan nghiên cứu.
  • Thời gian: Thời gian thu thập số liệu, thời gian thực hiện đề tài nghiên cứu.

- Đối tượng nghiên cứu...

Chương 2: Tổng quan tài liệu

Nội dung phải tổng quan được tài liệu liên quan đến chủ đề của luận văn để làm cơ sở cho việc thiết kế các nội dung nghiên cứu. Tài liệu phải cập nhật, viết có tính phân tích tổng hợp chứ không làm tóm tắt các kết quả nghiên cứu từ tài liệu lược khảo. Phải ghi đầy đủ họ và tên tác giả, năm, tên bài nghiên cứu, địa bàn nghiên cứu, số liệu, phương pháp phân tích và kết quả nghiên cứu.

Chương 3: Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

- Cơ sở lý luận

Trình bày khung lý thuyết nghiên cứu (hệ thống hóa về lý luận các vấn đề có liên quan đến đề tài được chọn nghiên cứu để làm cơ sở cho phân tích thực tiễn).

Trình bày và thảo luận các khái niệm quan trọng nhất liên quan đến vấn đề nghiên cứu, các chỉ tiêu, công thức tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đo lường được sử dụng trong đề tài nghiên cứu (dựa vào các lý thuyết, nghiên cứu từ trước đến nay) giúp người đọc hiểu được nghiên cứu của tác giả.

- Phương pháp nghiên cứu:

Phương pháp thu thập số liệu

Trình bày chi tiết về số liệu được sử dụng trong nghiên cứu. Đối với đề tài sử dụng số liệu sơ cấp, người viết cần trình bày một cách chi tiết và lý giải về thiết kế mẫu (phương pháp chọn mẫu, cỡ mẫu, địa bàn) và phương pháp thu thập số liệu. Đối với đề tài sử dụng số liệu thứ cấp, thông tin chi tiết về nguồn số liệu sẵn có cần phải được trình bày.

Phương pháp phân tích số liệu

  • Trình bày và thảo luận các lý thuyết, mô hình có liên quan đến vấn đề nghiên cứu, các kết quả thực hiện về vấn đề nghiên cứu trong các nghiên cứu thực nghiệm trước, những vấn đề chưa được nghiên cứu hay những thiếu sót còn tồn tại trong các nghiên cứu trước để làm cơ sở cho các bổ sung, phát triển trong nghiên cứu này tại nội dung về xây dựng mô hình nghiên cứu ở bước tiếp theo.
  • Xây dựng mô hình nghiên cứu cho luận văn (ví dụ mô hình sự thỏa mãn của nhân viên, mô hình lòng trung thành của khách hàng…). Phần này sẽ trình bày chi tiết các giả thuyết cần kiểm định trong mô hình nghiên cứu. Các biến số trong mô hình phải được định nghĩa rõ ràng (cách thức đo lường và đơn vị tính).
  • Trình bày chi tiết về phương pháp phân tích. Người viết phải trình bày các phương pháp, công cụ được sử dụng nhằm giải quyết mục tiêu chính của đề tài đã được đưa ra ở chương 1.

Chương 4: Giới thiệu tổng quan vấn đề nghiên cứu (Cơ quan hoặc địa bàn nghiên cứu)

Tên chương này phải điều chỉnh cho phù hợp với từng nội dung đề tài (ví dụ: Thực trạng tín dụng ở ĐBSCL hoặc Giới thiệu khái quát về Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam)

- Đối với địa bàn nghiên cứu

  • Khái quát địa bàn nghiên cứu, tổ chức có liên quan đến nội dung nghiên cứu
  • Tổng quan về môi trường vĩ mô, sản xuất kinh doanh của ngành, các thể chế, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng nghiên cứu.
  • Đánh giá thực trạng của đối tượng nghiên cứu

Chú ý, tên mục chỉ mang tính gợi ý, tùy theo đề tài mà có sự điều chỉnh cho phù hợp.

- Nếu là cơ quan cụ thể:

  • Lịch sử hình thành
  • Cơ cấu tổ chức
  • Ngành nghề kinh doanh hoặc chức năng nhiệm vụ
  • Tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh
  • Thuận lợi, khó khăn, định hướng phát triển

Chương 5: Kết quả và thảo luận

Tên chương chỉ mang tính gợi ý, tùy theo nội dung nghiên cứu chương này có thể được điều chỉnh thành nhiều chương theo mục của đề tài.

Chương này trình bày chi tiết kết quả của nghiên cứu bằng cách sử dụng bảng số liệu, hình, mô tả, sử dụng phép thống kê đánh giá kết quả,… sao cho kết quả chính của nghiên cứu được nổi bật.

Chương này có thể viết thành hai dạng (i) trình bày kết quả và thảo luận chung hay (ii) tách trình bày kết quả và thảo luận riêng. Người viết chọn cách viết sao cho phù hợp với khả năng của mình cũng như đặc điểm điểm của kết quả nghiên cứu.

Nội dung thảo luận phải làm nổi bậc mối quan hệ của kết quả đạt được của nghiên cứu với giả thuyết đặt ra cho nghiên cứu. Thảo luận làm rõ những kết quả chính, ý nghĩa, các vấn đề có liên quan; dùng tài liệu tham khảo để biện minh kết quả nghiên cứu. Bài viết phải tạo được sự gắn kết của kết quả nghiên cứu với nội dung, nội dung với mục tiêu, và mục tiêu với tên đề tài.

Chương cuối: Kết luận và kiến nghị

Căn cứ vào kết quả chính của nghiên cứu để đưa ra các kết luận trong mối liên hệ với mục tiêu của nghiên cứu và đề xuất cho các nghiên cứu tiếp theo (nếu có). Lưu ý khi viết kết luận thì không giải thích và đề xuất phải gắn với chủ đề của luận văn.

3. Hình thức trình bày luận văn tốt nghiệp

Luận văn là tên gọi của khóa luận tốt nghiệp của sinh viên các ngành khối kinh tế, hội đủ các điều kiện theo qui định, được viết trên cơ sở phát triển luận văn chuyên ngành và được bảo vệ trước hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp.

Để thống nhất cách trình bày luận văn tốt nghiệp, nhà trường hướng dẫn một số vấn đề khi viết và trình bày như sau:

- Trang bìa hình thức: bìa cứng, simili xanh in chữ nhũ vàng (đối với luận văn tốt nghiệp), bìa giấy cứng khổ giấy A4, màu xanh hoặc vàng nhạt (đối với báo cáo thực tập)

- Trang bìa trong (trình bày giống trang bìa, đánh số trang dạng i,ii,iii,iv,v,vi,vii….)

- Trang Lời cảm ơn: đánh số trang tiếp theo trang bìa trong

- Trang Nhận xét của cơ quan tác giả thực tập (nếu có); đánh số trang tiếp theo phần lời cảm ơn.

- Trang nhận xét của giảng viên hướng dẫn, đánh số trang tiếp theo của phần nhận xét của cơ quan thực tập, Giảng viên hướng dẫn nhận xét các vấn đề:

  • Kết cấu, phương pháp trình bày.
  • Cơ sở lý luận.
  • Tính thực tiễn và khả năng ứng dụng của luận văn
  • Các hướng nghiên cứu của đề tài có thể tiếp tục phát triển cao hơn.
  • Kết quả: Đạt ở mức nào (hoặc không đạt). Không cho điểm vào trang nhận xét này.

- Trang Nhận xét của người phản biện, đánh số trang tiếp theo trang nhận xét của giảng viên hướng dẫn

  • Cần thể hiện rõ quan điểm của người phản biện
  • Không cho điểm vào trang nhận xét này.

- Trang Mục lục, tiếp theo nhận xét người phản biện

- Trang Danh mục các bảng biểu, sơ đồ, hình,.. (đánh số trang tiếp theo mục lục)

- Trang lời mở đầu (đánh số lại từ đầu với kiểu 1,2,…)

  • Viết ngắn gọn.
  • Nói rõ lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, tình hình nghiên cứu, phạm vi và phương pháp nghiên cứu, kết cấu của đề tài…..

- Phụ lục: đưa vào sau trang cuối cùng của chương cuối cùng của luận văn

- Cách thể hiện luận văn

  • Luận văn viết trên khổ giấy A4, tối đa 50 trang và tối thiểu là 45 trang.
  • Viết theo chương, mục, các tiểu mục. (không viết theo phần rồi mới đến chương, mục, tiểu mục,…)
  • Mỗi trang đươc trình bày theo quy định
  • Tài liệu tham khảo bắt buộc phải ghi, đưa vào sau phụ lục, xếp theo thứ tự abc
  • Đóng bằng đinh bấm, bọc gáy, không được đóng bằng lò xo - đục lỗ
  • Canh lề: Trái : 3cm; Phải : 2cm; Trên : 2cm; Dưới : 2cm
  • Cách dòng: 1,3 – 1,5
  • Chữ viết ở các trang của luận văn là size 13, Font Times New Roman, không được dùng các kiểu chữ dạng thư pháp.
  • Không được trích các câu tục ngữ, thành ngữ, sử dụng các hoa văn, hình vẽ để trang trí hoặc làm đề dẫn ở đầu mỗi trang, mỗi chương, mục,…,
  • Chữ in màu đen; hình vẽ, đồ thị, logo của trường ĐH… có thể in màu.
  • Các chú thích phải đánh số và viết ghi chú ở cuối mỗi trang.
  • Hạn chế viết tắt, nếu phải viết tắt phải mở ngoặc và đóng ngoặc (…) để giải nghĩa ngay từ các chữ viết tắt đầu tiên, sau đó liệt kê thành trang, đưa vào sau các trang danh mục các bảng, biểu, hình,…
  • Cách đánh số các chương mục, tiểu mục phải theo quy định

4. Các lỗi thường gặp trong luận văn tốt nghiệp

  • Lỗi về việc lựa chọn đề tài: Không ít sinh viên lựa chọn những đề tài luận văn tốt nghiệp khá “cũ kỹ”, đã được làm đi làm lại, không mới mẻ. Điều này khiến cho bài luận của bạn thiếu đi tính sáng tạo và không được đánh giá cao. Vì vậy, trước khi bắt tay vào làm luận văn, hãy dành một khoảng thời gian đủ nhiều để suy nghĩ một đề tài thật hấp dẫn, mới lạ nhé.
  • Bài luận văn viết theo dạng liệt kê, không giải thích. Hầu hết, người viết có thể hiểu hết những nội dung mà họ đã trình bày trong bài luận văn. Điều đó không có nghĩa là độc giả có thể thông suốt chúng. Vì vậy, bạn hãy lưu ý đến việc giải thích những điều được trình bày một cách ngắn gọn, xúc tích và dễ hiểu đối với vấn đề có độ khó.
  • Cơ sở lý luận, nội dung chính không có sự liên hệ.
  • Trích dẫn tài liệu tham khảo không đúng: Hầu hết, các bạn sinh viên chỉ liệt kê tất cả những tài liệu đã sử dụng trong bài luận văn tốt nghiệp những lại không chỉ ra nó được dùng trong phần cụ thể nào.
  • Sai cấu trúc câu, chấm, phẩy không hợp lý, sử dụng nhầm dấu phân cách đơn vị đối với số.

5. Một số đề tài luận văn kinh tế

Luận văn Kinh tế học:

  • Các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khai thác cảng tại cảng Long Bình
  • Điều kiện để đồng tiền Việt Nam thành đồng tiền chuyển đổi

Luận văn Kinh tế bất động sản:

  • Sự biến động của thị trường bất động sản và ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế Việt Nam
  • Thị trường bất động sản Việt Nam và ảnh hưởng của nó đến tăng trưởng kinh tế
  • Thị trường Bất động sản và một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển Thị trường Bất động sản ở Việt Nam
  • Thị trường bất động sản Việt Nam thực trạng và giải pháp
  • Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường bất động sản Việt Nam
  • Thị trường bất động sản Hà Nội - Thực trạng và giải pháp

Luận văn Kinh tế chính trị:

  • Phát triển kinh tế trang trại ở huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam
  • Thực trạng và một số giải pháp để phát triển khu vực kinh tế tư bản tư nhân
  • Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
  • Phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp trong công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở nước ta hiện nay
  • Tiến trình Tái khởi động quan hệ Nga - Mỹ từ 2009 đến 2012: Hướng triển khai và kết quả

Luận văn Kinh tế đầu tư:

  • Thẩm định dự án đầu tư tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Huế, nghiên cứu trường hợp dự án nâng cấp tuyến ống truyền tải nước sạch dọc đường Điện Biên Phủ và Đống Đa, thành phố Huế
  • Thẩm định dự án đầu tư tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín - Chi nhánh Hà Tĩnh
  • Thực trạng thẩm định dự án đầu tư thông qua hoạt động ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đối với Hộ nghèo giai đoạn 2013-2015
  • Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố Huế trong giai đoạn 2011-2015
  • Hiệu quả kinh tế đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê 30 Hùng Vương của Công ty cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế

Luận văn Thẩm định giá:

  • Hoàn thiện việc vận dụng quy trình và phương pháp thẩm định giá bất động sản tại Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thế Kỷ
  • Giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định giá tài sản bảo đảm nhằm mục đích cho vay tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV chi nhánh Tây Hà Nội
  • Giải pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam

Luận văn Kinh tế phát triển:

  • Hiệu quả kinh tế canh tác lạc ở phường Hương An, thị xã Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Đánh giá tác động của chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến phát triển kinh tế hộ nông dân xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên
  • Đánh giá hiệu quả kinh tế giữa hai mô hình trồng lúa và trồng rau tại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh
  • Hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn thịt của các hộ nông dân ở xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
  • Hiệu quả kinh tế của việc sản xuất lúa ở xã Phong Chương, huyện Phong Điền, Tỉnh Thừa Thiên Huế

Trên đây là một số thông tin về luận văn tốt nghiệp, bố cục của luận văn tốt nghiệp, hướng dẫn hình thức trình bày luận văn tốt nghiệp và một số đề tài luận văn kinh tế. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm các luận văn kinh tế khác tại eLib.vn, hi vọng đây sẽ là tư liệu hữu ích hỗ trợ bạn trong quá trình học tập của mình. Chúc các bạn thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM