Mẫu hợp đồng mua bán doanh nghiệp mới nhất

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp cho bên mua và nhận tiền, bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán. Để hiểu rõ hơn về Hợp đồng mua bán doanh nghiệp như thế nào mời các bạn cùng eLib tham khảo bài viết dưới đây nhé!

Mẫu hợp đồng mua bán doanh nghiệp mới nhất

1. Hợp đồng mua bán doanh nghiệp là gì?

Mua bán doanh nghiệp là hoạt động thương mại, theo đó chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp của mình cho bên mua trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên thông qua một hợp đồng mua bán doanh nghiệp.

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp cho bên mua và nhận tiền, bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán.

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp (Business purchase agreement) bao gồm hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần chi phối, hợp đồng mua bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (gọi chung là hợp đồng mua bán doanh nghiệp), là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó chủ sở hữu doanh nghiệp chuyển nhượng toàn bộ vốn hoặc phần vốn chi phối cho bên mua doanh nghiệp. 

2. Đặc điểm và nội dung của hợp đồng mua bán doanh nghiệp 

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp là một loại hợp đồng, bởi vậy nó mang đầy đủ các đặc trưng pháp lý của hợp đồng dân sự. Đó là sự thỏa thuận giữa các bên và làm phá sinh hậu quả pháp lý.

Đối tượng của quan hệ mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp. Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động kinh doanh.

Chủ thể của hợp đồng mua bán doanh nghiệp gồm bên bán doanh nghiệp và bên mua doanh nghiệp. Theo đó, các chủ thể của hợp đồng doanh nghiệp phải là các tổ chức, cá nhân không thuộc một trong các trường hợp nhà nước cấm quyền kinh doanh, tức là không bị cấm thành lập, quản lí doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Hình thức của hợp đồng mua bán doanh nghiệp thường được xác lập bằng văn bản. Bởi lẽ không giống như mua bán hàng hóa, tài sản thông thường, mua bán doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc chuyển tiền và giao hàng hóa mà hai bên còn phải giải quyết hàng lọat các vấn đề hậu mua bán doanh nghiệp.Việc xác lập hợp đồng bằng ăn bản là cơ sở để tiến hành đăng kí mã số thuế, xác định phần sở hữu của doanh nghiệp, thương hiệu của doanh nghiệp bị mua lại.

Nội dung cơ bản trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Các nội dung cần đảm bảo trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp phải kể đến:

- Thông tin liên quan đến ngày, tháng, năm kí kết hợp đồng; Thông tin liên quan đến bên bán, bên mua doanh nghiệp (tên, địa chỉ, số tài khoản…).

- Đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp: tên, địa chỉ trụ sở doanh nghiệp hoặc tên bộ phận doanh nghiệp cần bán, ngành nghề đăng ký kinh doanh.

- Điều khoản về giá mua bán doanh nghiệp.

- Thời điểm và phương thức thanh toán.

- Thỏa thuận về việc kế thừa quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp được mua bán.

- Thỏa thuận về các điều cấm cạnh tranh.

- Thỏa thuận về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, thời điểm chuyển rủi ro và thỏa thuận cụ thể về người quản lý, điều hành doanh nghiệp sau khi đã kí kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp.

- Thỏa thuận về nghĩa vụ cung cấp các thông tin về doanh nghiệp mục tiêu của bên bán doanh nghiệp cho bên mua doanh nghiệp.

- Thỏa thuận về trách nhiệmcủa bên bán – bên mua doanh nghiệp trong trường hợp các bên vi phạm các thỏa thuận trong trường hợp mua bán doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật.

- Các thỏa thuận khác.

3. Thủ tục mua bán doanh nghiệp

3.1 Mua bán doanh nghiệp tư nhân

Theo các quy định pháp luật Việt Nam, chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới được phép bán toàn bộ. Bởi doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp chỉ do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó theo quy định của Luật doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán toàn bộ doanh nghiệp của mình cho người khác.

Dưới đây là thủ tục mua bán doanh nghiệp tư nhân.

Hồ sơ bán doanh nghiệp tư nhân

- Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân có chữ ký của người bán và người mua.

- Bản sao hợp lệ một trong những giấy tờ chứng thực cán nhân của người mua.

- Hợp đồng mua bán doanh nghiệp và các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân.

- Bản sao hợp lệ giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ chứng thực cá nhân khác của chủ doanh nghiệp tư nhân.

- Văn bản xác nhận vốn pháp định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có vốn pháp định.

- Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của một hoặc một số cá nhân theo quy định đối với doanh nghiệp tư nhân kinh doanh các ngành, nghề mà theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề.

Tiến trình mua bán doanh nghiệp tư nhân

Thực hiện mua bán doanh nghiệp với người mua:

- Soạn thảo Hợp đồng mua bán doanh nghiệp

- Xác lập người mua doanh nghiệp phải là người có quyền thành lập, góp vốn thành lập, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp theo quy định tại  Luật Doanh nghiệp và không thuộc trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại luật này

- Các tài liệu chứng minh việc mua bán doanh nghiệp tư nhân đã hoàn thành (giấy biên nhận tiền mua bán doanh nghiệp, Biên bản thanh lý hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân và thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp cho người mua).

Đăng ký sang tên doanh nghiệp cho người mua

- Trong vòng 15 ngày kể từ ngày chuyển giao doanh nghiệp cho người mua, chủ doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh

- Nội dung thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân: Tên, trụ sở của doanh nghiệp; tên, địa chỉ của người mua; tổng số nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, số nợ và thời hạn thanh toán cho từng chủ nợ; hợp đồng lao động và các hợp đồng khác đã ký mà chưa thực hiện xong và cách thức giải quyết các hợp đồng đó. 

3.2 Mua bán công ty cổ phần

Việc mua bán công ty cổ phần được thực hiện bằng cách chuyển nhượng cổ phần

Các bên liên quan ký kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần.

Tiến hành lập biên bản xác nhận về việc đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng cổ phần.

Tổ chức cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần.

Tiến hành chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty.

Tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông theo quy định.

3.3 Mua bán công ty TNHH

Tương tự như công ty cổ phần, việc mua bán doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn được tiến hành thông qua việc chuyển nhượng vốn góp trong công ty này.

Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;

Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán.

Thay đổi thành viên do chuyển nhượng phần vốn góp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định thay đổi Công ty gửi thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký kinh doanh.

4. Những điều cần lưu ý của trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Khi tiến hành hoạt động mua bán doanh nghiệp cần lưu ý một số điều khoản cơ bản trong hợp đồng như giá chuyển nhượng, phương thức và thời gian thanh toán, … để hạn chế tối đa rủi ro cho doanh nghiệp. Cụ thể:

Chủ thể: Cần ghi rõ thông tin của các bên như: tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật, số CMND (hoặc số hộ chiếu) của người đại diện theo pháp luật, mã số thuế doanh nghiệp, … theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư. Khi tiến hành giao kết hợp đồng, các bên có thể liên hệ và yêu cầu đối tác cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư để đảm bảo đúng thông tin và thẩm quyền ký kết.

Giá chuyển nhượng: Cần ghi rõ tổng giá trị của hợp đồng. Doanh nghiệp cần lưu ý đồng tiền thanh toán là Việt Nam đồng, trừ một số trường hợp được Nhà nước cho phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Thông tư 32/2013/TT-NHNN.

Phương thức và thời gian thanh toán: Các bên cần ghi rõ phương thức thanh toán (chuyển khoản hay tiền mặt) và thời gian thanh toán cụ thể với số tiền thanh toán của từng đợt. Để đảm bảo an toàn, các bên nên yêu cầu một tổ chức uy tín có thẩm quyền thực hiện dịch vụ tài chính trung gian. Bên thứ ba này sẽ đứng ra đảm bảo các bên trong hợp đồng thực hiện đúng thỏa thuận và hợp pháp.

Điều kiện, thời hạn chuyển giao tài sản: Đối với bên mua, cần quy định rõ những điều kiện kèm theo và thời điểm cụ thể trong tiến trình M&A để bên bán thực hiện nghĩa vụ trong việc chuyển giao tài sản, cổ phần, cổ phiếu theo quy định của hợp đồng.

Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên: Các bên cần chi tiết hóa các nghĩa vụ trong giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện hợp đồng cũng như thời điểm chấm dứt cụ thể.

Điều khoản ràng buộc trách nhiệm: Các bên có thể dự trù các tình huống đối phương có thể vận dụng để không thực hiện hợp đồng mà soạn thảo những điều khoản thích hợp, như trách nhiệm của bên mua khi không thanh toán, hoặc trách nhiệm của bên bán khi không chuyển giao đối tượng của hợp đồng.

Thời hạn thực hiện hợp đồng: Trong hợp đồng cần quy định rõ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và chấm dứt, hoặc những căn cứ phát sinh dẫn đến hợp đồng chấm dứt hiệu lực.

Điều khoản giải quyết tranh chấp: Tranh chấp có thể được đưa ra Tòa án có thẩm quyền hoặc Trọng tài thương mại để giải quyết.

Tuyên bố và cam kết của hai bên về tình trạng doanh nghiệp: Hợp đồng cần có điều khoản quy định bên bán phải khẳng định và cam kết về các khoản nợ của doanh nghiệp. Việc này nhằm hạn chế tranh chấp và rủi ro đối với bên mua.

Ngoài các điều khoản cơ bản nêu trên, doanh nghiệp cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề như sau: nguyên tắc hợp tác; phương án sử dụng lao động; lưu ý đối với một số cụm từ như “trừ những thiếu sót không đáng kể mà không gây ra tổn thất hay trách nhiệm pháp lý đối với”, “hợp đồng chấm dứt khi các bên hoàn thành các công việc và nghĩa vụ quy định trong hợp đồng”, …

5. Mẫu hợp đồng mua bán doanh nghiệp tham khảo

Mẫu hợp đồng mua bán doanh nghiệp

Mời các bạn bấm nút TẢI VỀ hoặc XEM ONLINE để tham khảo đầy đủ các Mẫu hợp đồng mua bán doanh nghiệp mới nhất!

Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM