Top 10 mở bài hay tác phẩm Tây Tiến

Mở bài là một phần bắt buộc và vô cùng quan trọng trong cấu trúc một bài văn, không chỉ giúp cho bài văn hoàn chỉnh mà còn có vai trò tạo ấn tượng từ ban đầu cho người đọc, người nghe. Mời các em cùng tham khảo những mở bài hay nhất của tác phẩm Tây Tiến do eLib sưu tầm dưới đây để có cho mình những kinh nghiệm viết mở bài hay nhé. Chúc các em học tốt!

Top 10 mở bài hay tác phẩm Tây Tiến

1. Mở bài 1

Chiến tranh đã qua đi, những hạt bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước, họ đã dùng máu và nước mắt của mình tô lên hai chữ “độc lập” của dân tộc. Tây Tiến là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn lịch sử khốc liệt những 1945-1954. Qua bài thơ này, Quang Dũng đã dùng bút lực của mình để vẽ lên thi đàn văn chương một bức tượng đài người lính Tây Tiến vừa lãng mạn hào hoa, vừa hào hùng bi tráng.

2. Mở bài 2

Nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhận xét và bài thơ Tây Tiến : “Quang Dũng đứng riêng một ốc đảo, đặc biệt với bài thơ Tây Tiến, ông không có điểm gì chung với những nhà thơ khác, ông đứng biệt lập như một hòn đảo giữa các nhà thơ kháng chiến”. Phải chăng cái mới, cái lạ, cái riêng biệt ấy chính là tượng đài những người chiến sĩ, những người anh hùng của dân tộc đã hy sinh vì dân tộc, được tạc dựng lại vừa mang vẻ đẹp của sự anh dũng, kiên cường vừa mang vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn.

3. Mở bài 3

Buy- phông từng khẳng định: “Phong cách chính là người”. Qua giọng thơ ta có thể nhận ra người thơ. Chẳng ở đâu tìm được một tiếng thơ “sắc nhọn như thủy tinh gằn” của Tú Xương, tiếng thơ “thiết tha, rạo rực, băn khoăn” như Xuân Diệu, một hồn thơ chứa cả một thế giới Kinh Bắc nơi Hoàng Cầm. Và trong dàn đồng ca của những khúc tráng ca hào hùng thời kháng chiến chống Pháp, ta vẫn nhận ra một tiếng thơ vừa lãng mạn, phóng khoáng lại rất mực tài hoa như chính tâm hồn của người cầm bút vậy- Quang Dũng. Có thể nói: “Tây Tiến” là bài thơ thể hiện một cách đầy đủ nhất những điều ấy.

4. Mở bài 4

Người lính, hình ảnh thân thương và rất đỗi cao cả ấy, đã đi vào thơ ca và làm trăn trở biết bao ngòi bút thi nhân. Hoàng Trung Thông từng viết: “Ta viết tiếp bài thơ báng súng/ Con lớn lên viết tiếp thay cha/ Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống/ Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”. Nhà thơ, qua nhiều thế hệ, họ đã cùng nhau viết về những người lính, với những góc nhìn khác nhau. Quang Dũng cũng từng gửi tâm sự của mình qua những dòng thơ viết về người lính trong “Tây Tiến” – một bài thơ đặc sắc của thơ ca Cách mạng Việt Nam.

5. Mở bài 5

Quang Dũng là một nhà thơ rất đặc biệt, bởi ông không chỉ là một nhà thơ cầm bút sáng tác mà còn là một người lính cầm súng đánh giặc. Có lẽ bởi vì vậy mà những bài thơ của Quang Dũng luôn gắn liền với hình ảnh những người lính, cũng là những người đồng đội của ông. Nổi bật nhất trong các sáng tác của ông là bài thơ Tây Tiến. Với bút pháp lãng mạn xen lẫn với tả thực, bài thơ đã khắc họa thật thành công hình ảnh đoàn binh Tây tiến với khí thế hiên ngang, tâm hồn thơ mộng trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.

6. Mở bài 6

Bài thơ Tây tiến được sáng tác năm 1948 - thời kì cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc vẫn còn nhiều gian lao, thử thách - là một trong những bài thơ hay nhất, thể hiện rõ nhất từ hình ảnh, cuộc sống cho đến tâm hồn những người lính chiến đấu xa nhà. Những địa điểm mà người lính từng đi qua hay hình ảnh những người dân ở đó đều có thể trở thành những gì thân thuộc nhất với người chiến sĩ. Đọc bài thơ, ta có thể hiểu thêm về những người anh hùng của dân tộc.

7. Mở bài 7

Nếu trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Văn học Việt Nam với tác phẩm tiêu biểu là Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật thì ở thời kì kháng chiến chống Pháp, bài thơ được biết đến nhiều nhất có lẽ là bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Bài thơ đã thể hiện lên vẻ đẹp hào hùng, anh dũng của những người chiến sĩ dưới ngòi bút tài hoa, lãng mạn đầy thi vị của tác giả. Có lẽ khó có một bài thơ nào trong thời kì này sánh được bằng đoàn binh Tây tiến của ông.

8. Mở bài 8

Mọi cuộc chiến tranh rồi sẽ qua đi, bụi thời gian có thể phủ dày lên hình ảnh của những anh hùng vô danh, nhưng văn học với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc họa một cách vĩnh viễn vào tâm hồn người đọc hình ảnh những người con anh hùng của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập của Tổ quốc trong suốt trường kỳ lịch sử. Và “Tây Tiến” là 1 trong những bài thơ hay, tiêu biểu của Quang Dũng cũng đã dựng lên một bức tượng đài bất tử như vậy về người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là bức tượng đài đã làm cho những người chiến sĩ yêu nước từng ngã xuống trong những tháng năm gian khổ ấy bất tử cùng thời gian.

9. Mở bài 9

Có những “bài ca không bao giờ quên”, cũng có những năm tháng chiến tranh không phai mờ trong ký ức. Cùng với khí thế sôi sục của những năm mưa bom bão đạn, văn học, với sứ mệnh thiêng liêng của nó đã khắc tạc một cách sống động tượng đài của những chiến sĩ anh hùng kiên trung. Để ngày hôm nay lòng ta không khỏi bùi ngùi xúc động khi đọc lên những câu thơ bất hủ trong áng thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. 

10. Mở bài 10

Bàn về sức sống của văn chương nghệ thuật, trong bài thơ “Nghĩ lại về Pau-xtốp-xki” – nhà thơ Bằng Việt từng viết: “Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”. Vâng! Có những tác phẩm ra đời để rồi chìm khuất giữa ồn ào náo nhiệt của phiên chợ văn chương, nhưng cũng có những tác phẩm lại như “những dòng sông đỏ nặng phù sa”, như “bản trường ca rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn” để rồi in dấu ấn và chạm khắc trong tâm khảm ta những gì đẹp nhất để “suốt đời đi vẫn nhớ”. Đó phải chăng là những tác phẩm đã “vượt qua mọi băng hoại” của thời gian trở thành “bài ca đi cùng năm tháng” để lại trong tâm hồn bạn đọc bao thế hệ những dư vang không thể nào quên. Một trong số bài ca đó phải kể đến “Tây Tiến” của người nghệ sĩ đa tài Quang Dũng. 

Ngày:09/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM