Tổng hợp các mở bài hay tác phẩm Việt Bắc Ngữ Văn 12

Một mở bài hay không chỉ cần phải giới thiệu được trọng tâm vấn đề nghị luận mà còn cần có sự lôi cuốn, hấp dẫn. Để  rèn luyện thêm cho mình kỹ năng viết mở bài, mời các em cùng tham khảo tài iệu những mở bài hay về tác phẩm Việt Bắc. Chúc các em làm bài hiệu quả.

Tổng hợp các mở bài hay tác phẩm Việt Bắc Ngữ Văn 12

1. Mở bài 1

Trong nền văn học cách mạng Việt Nam, chúng ta từng xúc động khi nghe những câu thơ dậy sóng của Phan Bội Châu, những vần thơ thép của Hồ Chí Minh. Và những vần thơ bom đạn phá cường quyền của Sóng Hồng. Nhưng có lẽ phải đến thơ Tố Hữu, dòng văn học cách mạng Việt Nam mới thực sự đạt đến trình độ “trữ tình”. Trong đó, bài thơ Việt Bắc được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Tố Hữu. Bằng tài năng nghệ thuật của mình, Tố Hữu đã cấy chất họa, chất nhạc vào thơ để tạo nên những vần thơ tuyệt bút.

2. Mở bài 2

Tố Hữu được biết đến là lá cờ đầu trong thơ ca cách mạng Việt Nam. Hồn thơ Tố Hữu là sự kết hợp hài hòa giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Chính vì vậy mà đọc các tác phẩm thơ của Tố Hữu người đọc có thể thấy được những dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Nói về các tác phẩm thơ Tố Hữu có người đã ví nó như một thước phim quay chậm những trang sử vẻ vang của dân tộc. “Việt Bắc” là một trong những bài thơ như thế.

3. Mở bài 3

Trong những năm tháng oanh liệt của chiến tranh, thơ ca Việt Nam được thổi một luồng cảm hứng sử thi hào hùng. Đặc biệt là niềm tự hào dân tộc và niềm vui chiến thắng. Vì vậy, khuynh hướng sử thi là một trong những điểm nổi bật của thơ ca Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975. Đó cũng chính là đặc điểm phong cách nghệ thuật nổi bật của Tố Hữu. Từ tập thơ Việt Bắc trở đi, Tố Hữu lấy cảm hứng từ sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Thơ ông tập trung đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa lịch sử có tính chất toàn dân. Có thể nói bài thơ Việt Bắc được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của ông. Bài thơ này, song song với dòng chảy trữ tình dào dạt của nỗi nhớ niềm thương. Ta còn bắt gặp cái dòng cháy quặn xiết hào hùng đậm chất sử thi trong bức tranh ra trận của toàn dân tộc.

4. Mở bài 4

“Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”

( Hoan hô chiến sĩ Điện Biên – Tố Hữu)

Đã từ rất lâu mảnh đất Tây Bắc – Điện Biên được coi là quê hương của sự kháng chiến chống giặc, quê hương của những anh hùng, đây là mảnh đất trung du nghèo khó mà nặng trĩu ân tình khiến ai đã đặt chân đến đây cũng phải bồi hồi, xuyến xao. Mảnh đất ấy đã trở thành niềm thương, trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng đến rồi lại phải đi. Có người đã từng nói rằng : “ Thơ chỉ trào ra khi trong tim anh mọi thứ đã thật ứ đầy”, chính từ  những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc con người để rồi nhà thơ Tố Hữu – Một người lính đã từng gắn bó sâu đậm với mảnh đất này viết nên tác phẩm “Việt Bắc” – tuyệt tác của đời mình. Tác phẩm là một khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và  những con người kháng chiến. Bài thơ được viết ra như lời hát về tâm tình của một mối tình thiết tha đầy lưu luyến giữa những con người kháng chiến và đồng bào Việt Bắc đã được thể hiện qua lăng kính trữ tình- chính trị, đậm tính dân tộc và ngòi bút dạt dào cảm xúc của thi nhân.

5. Mở bài 5

Có một nhà thơ lớn để lại những cảm xúc không thể nào quên trong lòng độc giả. Đó là nhà thơ Tố Hữu. Những vần thơ của ông mãi là áng văn ca trữ tình dạt dào cảm xúc nhất. Với chất thơ chính trị kết hợp với trữ tình, ông luôn đề cập đến những vấn đề lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Nhân vật trong thơ Tố Hữu là những con người đại diện cho ý chí, tinh thần, tình cảm của cộng đồng giai cấp. Cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu là cái tôi đại diện, đứng trên lập trường của dân tộc để ngợi ca hay phê phán. Cả bài thơ là nỗi nhớ của người miền ngược nhớ người miền xuôi khi phải chia tay. Để đáp lại tình cảm đó cán bộ kháng chiến cũng dành tình cảm yêu thương cho người miền ngược chung thủy, trọng tình nghĩa.

6. Mở bài 6

Tố Hữu là nhà thơ lớn, con chim đầu đàn của nền thơ ca cách mạng Việt Nam, các chặng đường thơ của ông đều gắn bó với các chặng đường cách mạng dân tộc. Các tác phẩm của Tố Hữu luôn in đậm khuynh hướng trữ tình chính trị và đậm đà tính dân tộc. Và "Việt Bắc" là một trong những bài thơ hay nhất của đời thơ Tố Hữu, đồng thời cũng là đỉnh cao của thơ kháng chiến chống Pháp. Nó được xem như một bản tổng kết bằng thơ cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, anh hùng của dân tộc và lời tri ân sâu nặng về nghĩa tình cách mạng. Đoạn trích "..." là lời của cán bộ kháng chiến về xuôi với người dân Việt Bắc, như sự đáp lời cho câu hỏi đau đáu "Mình về mình có nhớ ta?". Nếu như đồng bào Việt Bắc nhớ cán bộ kháng chiến thì cán bộ kháng chiến cũng dành trọn tình cảm yêu thương cho những con người nghĩa tình ấy. Một tình cảm tri ân đồng vọng.

7. Mở bài 7 

Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nói rằng: “Khi ta ở, đất chỉ là nơi ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Và từ đó đã có một có một mảnh đất tình người đã hóa thân thành hồn thành nỗi nhớ trong lòng người cán bộ về xuôi. Nơi là mảnh đất Việt Bắc ân tình – quê hương của kháng chiến, quê hương của những  con người áo chàm nghèo khó mà “đậm đà lòng son” khiến những ai đã từng đặt chân đến nơi đây cũng phải  hồi, xao xuyến . Mảnh đất Việt Bắc đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ, thành cảm hứng cho thơ ca. Và có một bài thơ đã ra đời vì mảnh đất Việt Bắc yêu thương nghĩa tình ấy – đó chính là bài thơ Việt Bắc của nhà thơ cách mạng Tố Hữu.

8. Mở bài 8

Bài thơ Việt Bắc là đỉnh cao của thơ tố Hữu và cũng là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bài thơ ra đời nhân một sự kiện lịch sử: tháng 10 năm 1954, những người kháng chiến rời căn cứ miền núi trở về miền xuôi. Từ điểm xuất phát ấy, bài thơ ngược về quá khứ để tưởng nhớ một thời cách mạng và kháng chiến gian khổ mà anh hùng, để nói lên nghĩa tình gắn bó thắm thiết với Việt Bắc, với Đảng và Bác Hồ, với đất nước và nhân dân - tất cả là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để dân tộc ta vững vàng bước tiếp trên con đường cách mạng. Nội dung ấy được thể hiện bằng hình thức đậm tính dân tộc.Bài thơ rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu.

9. Mở bài 9

Bàn về tình yêu Tổ quốc Tố Hữu đã từng tâm sự rằng: “Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi như viết về người đàn bà tôi yêu”. Thật vậy , thấm đẫm trong mỗi trang thơ của Tố Hữu là một bản tình ca về quê hương Tổ quốc và người dân đất Việt, là những khúc hát yêu thương thấm đượm nghĩa tình. “Việt Bắc” là bài thơ thể hiện rõ nhất tình yêu bất diệt ấy của nhà thơ.

10. Mở bài 10

Tố Hữu đã  từng nói : Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy, chính những niềm thương, nỗi nhớ trào dâng ấy đã tạo ra những rung động mãnh liệt trong cảm xúc để rồi thơ ca đã trào ra bao nỗi nhớ thương vô vàn. Việt Bắc chính là những rung động mạnh liệt ấy của Tố Hữu. Bài thơ là kết tinh, là di sản của “mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng” giữa cán bộ cách mạng và nhân dân Việt Bắc. Tác phẩm là một khúc tình ca và cũng là khúc hùng ca về cuộc kháng chiến và con người kháng chiến. Bài thơ được viết ra như lời hát tâm tình của một mối tình thiết tha đầy lưu luyến giữa người kháng chiến và đồng bào Việt Bắc được thể hiện qua lăng kính trữ tình – chính trị, đậm tính dân tộc và ngòi bút dạt dào cảm xúc của thi nhân.

Ngày:18/07/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM