Tổng hợp 10 mở bài, kết bài hay tác phẩm Sóng của Xuân Quỳnh

Mở bài, kết bài là những phần quan trọng không thể thiếu để hoàn thành một bài văn chỉnh chu. Nhằm giúp các em rèn luyện thêm cho mình kỹ năng viết mở bài, kết bài của mình, eLib đã tổng hợp và biên soạn các mở, kết bài hay về tác phẩm Sóng. Mời các em cùng tham khảo nội dung bên dưới.

Tổng hợp 10 mở bài, kết bài hay tác phẩm Sóng của Xuân Quỳnh

1. Mở bài hay cho tác phẩm Sóng

1.1. Mở bài 1

Tình yêu là đề tài muôn thuở của thi ca. Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã viết về tình yêu với tất cả sự nồng nhiệt của một trái tim tuổi trẻ . Ta bắt gặp một Xuân Diệu nồng nàn, đắm say và khát khao dâng hiến cho tình yêu, một Nguyễn Bính mơ màng tìm về tình yêu đồng nội, một Anh Thơ tha thiết nhưng thẹn thùng cái duyên con gái… nhưng chỉ đến Xuân Quỳnh, cái khát vọng rất đỗi đời thường của con người đó mới được bộc bạch, mà bộc bạch một cách chân thành như chính cuộc đời nhà thơ vậy: một thứ tình yêu vừa phong phú, phức tạp, vừa thiết tha sôi nổi của một trái tim phụ nữ đang rạo rực, đang khao khát yêu đương. Sóng là một trong những bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh viết về tình yêu.

1.2. Mở bài 2

Ta từng biết đến những vần thơ yêu đương vội vàng, hối hả của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu: “Đã hôn rồi hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt”. Nhưng cũng không thể không nhắc đến một Xuân Quỳnh với tình yêu dịu dàng, nhưng đậm sâu, khắc khoải, điển tình của người con gái. Tình yêu ấy đã được thể hiện đầy đủ và trọn vẹn nhất trong bài: “Sóng”.

1.3. Mở bài 3

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ tiêu biểu nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại. Người yêu thơ mệnh danh chị là “Nữ hoàng của thi ca tình yêu”. Thơ của chị là tiếng nói nhân hậu, thủy chung, giàu trực cảm và da diết khát vọng hạnh phúc đời thường. Sóng là bài thơ được làm năm 1967 nhân chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền. Bài thơ sau đó được in trong tập Hoa dọc chiến hào. Sóng là bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ tình yêu của Xuân Quỳnh.

1.4. Mở bài 4

Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường. Thơ bà là tiếng lòng của một tâm hồn luôn luôn khao khát tình yêu, gắn bó hết mình với cuộc sống hàng ngày, trân trọng, nâng niu và chăm chút cho hạnh phúc đời thường. Trong các nhà thơ nữ Việt Nạm, Xuân Quỳnh xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu. Bà viết nhiều, viết hay về tình yêu nhưng có lẽ Sóng là bài thơ đặc sắc hơn cả. Bởi nó nói lên được một tâm hồn khao khát yêu đương, một tình yêu vừa hồn nhiên chân thật, vừa mãnh liệt, sôi nổi của một trái tim phụ nữ.

1.5. Mở bài 5

Không biết từ bao giờ những con sóng ào ạt từ sông, từ biển đã tròn lăn chạm vào trái tim của người nghệ sĩ. Nếu Nguyễn Khuyến thổi vào gợn sóng biếc hơi thở của một mùa thu trong veo, Huy Cận vẽ sóng Tràng Giang bằng những dòng thơ hiu hắt của một kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc thì nữ sĩ Xuân Quỳnh đã khoác lên những con sóng bạc đầu tấm áo tình yêu nồng nàn, vĩnh cửu bằng một hồn thơ đắm say, cháy bỏng. Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang nước sôi lửa bỏng, vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy trong tình yêu của người con gái được Xuân Quỳnh thể hiện trong bài thơ “Sóng” ngời sáng như một hòn ngọc báu của văn chương.

2. Kết bài hay cho tác phẩm Sóng

2.1. Kết bài 1

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được khát vọng tình yêu mãnh liệt và khao khát vươn tới sự vĩnh hằng, bất biến nhưng vẫn chứa đựng dự cảm của sự lo âu qua nhãn quan của một người phụ nữ đa sầu, đa cảm. Tất cả đã được tái hiện thành công thông qua việc sử dụng thể thơ năm chữ, nhịp điệu linh hoạt. Tình yêu đã được khám phá, nhìn nhận thông qua hình tượng “sóng” trong sự quyện hòa, sóng đôi với hình tượng nhân vật trữ tình “em”. Qua đó, chúng ta có thể thấy được cái “tôi” tràn đầy cảm xúc khao khát hướng đến một tình yêu tuyệt đối, thể hiện một trái tim đang yêu đằm thắm, chân thành giống như những vần thơ trong bài thơ “Tự hát”:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi…”

2.2. Kết bài 2

Như vậy, bài thơ “Sóng” là một sáng tác đặc sắc, độc đáo viết về đề tài tình yêu, đồng thời là thi phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Thông qua việc sử dụng thể thơ năm chữ cùng cách ngắt nhịp linh hoạt tạo nên nhịp điệu độc đáo cùng việc sử dụng hình tượng “sóng”, nhà thơ đã bộc lộ chân thành khát vọng tình yêu mãnh liệt, sôi nổi của trái tim người phụ nữ. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định “Xuân Quỳnh là nhà thơ của khát vọng hạnh phúc đời thường” với một tình yêu nồng nhiệt, vừa táo bạo say đắm vừa thiết tha dịu dàng, đồng thời thấy được khát vọng vươn tới một tình yêu đích thực và vượt qua mọi sự hữu hạn của kiếp người luôn thường trực trong trái tim người phụ nữ.

2.3. Kết bài 3

Sóng là một bài thơ tình yêu rất tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách thơ Xuân Quỳnh ở giai đoạn đầu. Một bài thơ vừa xinh xắn, duyên dáng, vừa mãnh liệt, sôi nổi, vừa hồn nhiên, trong sáng, vừa ý nhị sâu xa. Sau này khi đã nếm trải nhiều cay đắng trong tình yêu, giọng thơ Xuân Quỳnh không còn phơi phới bốc men say nữa, nhưng cái khát vọng tình yêu vẫn tồn tại mãi mãi trong trái tim tràn ngập yêu thương của nhà thơ .

2.4. Kết bài 4

Đầy đủ sắc thái tâm trạng của người đang yêu: nỗi khát khao niềm đam mê bất tận nỗi nhớ nhung cùng sự sôi nổi và suy tư lắng đọng…rồi cả ước mơ, Xuân Quỳnh đã diễn tả thật tinh tế và tài hoa trong bài thơ “Sóng”. Sau này, ta sẽ còn bắt gặt một Xuân Quỳnh tha thiết, một Xuân Quỳnh nồng nàn, một Xuân Quỳnh nhân hậu trong nhiều bài thơ tình nữa, nhưng rõ ràng, ở bài “Sóng”, Xuân Quỳnh đã bộc lộ khá đầy đủ phong cách thơ của mình. Giữa những năm chiến tranh đầy máu lửa, thơ tình Xuân Quỳnh đã làm người ta tin vào sự sống, tin vào con người hơn nữa. Thơ tình Xuân Quỳnh mang lại khoảng bình yên cho tâm hồn người đọc, mang lại tình yêu cho đôi lứa đang yêu.

2.5. Kết bài 5

Xuân Quỳnh viết bài thơ này vào năm 1967, khi cuộc kháng chiến của nhân dân Miền Nam đi vào giai đoạn ác liệt, khi thanh niên trai gái ào ào ra trận “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, khi sân ga, bến đước, sân đình, sân trường diễn ra những cuộc chia ly màu đỏ. Cho nên có đặt bài thơ vào trong hoàn cảnh ấy ta mới thấy rõ khát khao của người con gái trong tình yêu:

“Khi ta còn trẻ, thơ là người mẹ

Ta lớn lên rồi thơ là người yêu

Chăm sóc tuổi già, thơ là con gái

Lúc chết đi rồi, kỉ niệm hóa lưu thơ”

Đọc xong bài thơ Sóng, ta càng cảm thấy ngưỡng mộ hơn những người con gái Việt Nam, những con người luôn sống thủy chung, luôn hết mình vì tình yêu, khát vọng hạnh phúc. Xuân Quỳnh xứng đáng là một nhà thơ nữ của tình yêu lứa đôi khi đã thổi một làn gió mới vào nền văn học thơ ca nước nhà.

Ngày:10/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM