Phân tích và cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Nhà văn Kim Lân đã gửi gắm đứa con tinh thần của mình qua nhân vật Tràng, Tràng chính là đại diện cho phẩm chất tốt đẹp của nhân dân ta dù nghèo khó những vẫn có lòng thương người. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích và cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

1. Dàn ý phân tích nhân vật Tràng của Kim Lân

a. Mở bài:

- Kim Lân là nhà văn phản ánh sâu sắc hiện thực làng quê Việt Nam.

- Vợ nhặt là truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân, tác phẩm này tái hiện được nạn đói năm 1945.

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh:

+ Hoàn cảnh gia đình: dân ngụ cư bị khinh bỉ, cha mất sớm, mẹ già, nhà ở tồi tàn, cuộc sống bấp bênh,...

+ Hoàn cảnh bản thân: xấu xí, thô kệch, “hai con mắt nhỏ tí”, “hai bên quai hàm bạnh ra”, thân hình to lớn vập vạp, trí tuệ ngờ nghệch, vụng về,...

- Tâm trạng và hành động:

+ Gặp gỡ và quyết định nhặt vợ.

+  Khi bị cô gái mắng, Tràng chỉ cười toét miệng và mời cô ta ăn dù không dư dả gì. Đó là hành động của người nông dân hiền lành tốt bụng.

+ Khi người đàn bà quyết định theo mình về: Tràng trợn nghĩ về việc đèo bòng thêm miệng ăn, nhưng rồi tặc lưỡi “chậc, kệ”. Đây không phải quyết định của kẻ bồng bột mà là thái độ dũng cảm, chấp nhận hoàn cảnh, khát khao hạnh phúc, thương yêu người cùng cảnh ngộ.

+ Trên đường về:

  • Vẻ mặt “có cái gì phơn khác thường”, “tủm tỉm cười một mình”, “cảm thấy vênh vênh tự đắc”. Đó là tâm trạng hạnh phúc, hãnh diễn.
  • Mua dầu về thắp để khi thị về nhà mình căn nhà trở nên sáng sủa.

+ Khi về đến nhà:

  • Xăm xăm bước vào dọn dẹp sơ qua, thanh minh về sự bừa bộn vì thiếu bàn tay của đàn bà. Hành động ngượng nghịu nhưng chân thật, mộc mạc.
  • Khi bà cụ Tứ chưa về, Tràng có cảm giác “sờ sợ” vì lo rằng người vợ sẽ bỏ đi vi gia cảnh quá khó khăn, sợ hạnh phúc sẽ tuột khỏi tay.
  • Sốt ruột chờ mong bà cụ Tứ về để thưa chuyện vì trong cảnh đói khổ vẫn phải nghĩ đến quyết định của mẹ. Đây là biểu hiện của đứa con biết lễ nghĩa.
  • Khi bà cụ Tứ về: thưa chuyện một cách trịnh trọng, biện minh lí do lấy vợ là “phải duyên”, căng thẳng mong mẹ vun đắp. Khi bà cụ Tứ tỏ ý mừng lòng Tràng thở phào, ngực nhẹ hẳn đi.

+ Sáng hôm sau khi tỉnh dậy:

  • Tràng nhận thấy sự thay đổi kì lạ của ngôi nhà (sân vườn, ang nước, quần áo, ...), Tràng nhận ra vai trò và vị trí của người đàn bà trong gia đình. Cũng thấy mình trưởng thành hơn.
  • Lúc ăn cơm trong suy nghĩ của Tràng là hình ảnh đám người đói và lá cờ bay phấp phới. Đó là hình ảnh báo hiệu sự đổi đời, con đường đi mới.

c. Kết bài:

- Nêu suy nghĩ về nhân vật Tràng.

- Khái quát giá trị nghệ thuật xây dựng nhân vật: đặt nhân vật vào tình huống éo le, độc đáo để nhân vật bộc lộ tâm trạng, tích cách; miêu tả tâm lí nhân vật, ngôn ngữ bình dị, gần gũi.

2. Cảm nhận của em về Tràng trong Vợ Nhặt

Kim Lân thuộc hàng những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Ông thường viết về nông thôn và những con người dân quê, lam lũ hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông. Tác phẩm đã khắc hoạ thành công nhân vật Tràng, một người lao động nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương, luôn khao khát hạnh phúc gia đình giản dị, biết hướng tới tương lai tươi đẹp.

Kim Lân rất am hiểu nông thôn và đời sống của nhân dân nên ông có những trang viết sâu sắc, cảm động. Truyện Vợ nhặt rút từ tập Con chó xấu xí) được coi là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân. Thiên truyện có một quá trình sáng tác khá dài. Nó vốn được rút ra từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư (cuốn tiểu thuyết viết dang dở ở thời kì trước Cách mạng). Hòa bình lập lại, Kim Lân viết lại. Vợ nhặt mang dấu ấn của cả một quá trình nghiền ngẫm lâu dài về nội dung và chiêm nghiệm kĩ lưỡng về nghệ thuật.

Hoàn cảnh sống của Tràng là sống trong một xóm ngụ cư, đó là tập thể những con người sống không định cư một chỗ mà chỉ sống cho qua ngày. Đặc biệt họ là những người ở nơi khác dạt đến chứ không phải người dân chính gốc ở đây. Hoàn cảnh sống của Tràng là sống trong nạn đói năm 1945. Gia đình chỉ còn mẹ già là bà cụ Tứ, em gái thì đi lấy chồng còn cha thì đã mất. Hai mẹ con nương tựa vào nhau để mà sống sót qua nạn đói này. Tràng thì làm nghề kéo xe bò thuê nên cũng chưa đến mức phải chết đói. Sáng nào Tràng đi làm cũng chứng kiến biết bao nhiêu là xác người chết, rồi những người sống thì lại bồng bế dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma. Không khí vẩn lên những mùi hôi thối tanh tủa của xác người. Tràng làm, ăn, ngủ trong tiếng quạ kêu trên những gốc đa và tiếng người khóc khi nhà có người chết đói. Tóm lại Tràng sinh ra trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước.

Trước hết là ngoại hình của Tràng, khi nạn đói chưa đến xóm ngụ cư, Tràng xuất hiện với dáng đi ngật ngưỡng, mắt một mí lại gà gà đắm vào bóng chiều. Thân hình thì to lớn vập vạp quai hàm bạnh ra, lưng to như thân một con gấu lớn. Qua những nét ngoại hình ấy ai trong chúng ta cũng biết Tràng không hề đẹp nếu không nói là quá xấu. Tràng giữ cho mình một nét thô kệch nông dân chính gốc. Thế nhưng Tràng lại quá xấu, cái xấu ấy phải chăng tạo hóa đã ban cho anh mà không hề thương xót. Ngoại hình của Tràng còn được nói đến khi nạn đói tràn vào xóm ngụ cư. Khi ấy Tràng không còn ngất ngưởng vui vẻ được nữa, thay vào đó là dáng đi mệt mỏi, đầu thì về đằng trước mặt cúi gằm lại.Cái đói đã làm mụ mị cả con người Tràng.

Tràng cũng chẳng biết tính toán, suy nghĩ cũng giản đơn. Ngay cả chuyện trọng đại của đời người như lấy vợ cũng được anh quyết định rất nhanh chóng. Có lẽ từ trước nay chưa có ai lấy vợ nhanh như Tràng. Chỉ cần một câu hò và bốn bát bánh đúc, Tràng đã có một cô ả theo về làm vợ chồng. Một người xấu xí, nghèo đói và thô kệch như Tràng mà cũng có được vợ, nhất lại là trong lúc “chết đói” thì quả đúng là đám cưới có một không hai.

Thực ra ban đầu, Tràng chẳng chủ tâm đưa tình đẩy ý với cô nào trong đám con gái bên đường hôm ấy. Chẳng ngờ, chỉ vì một câu hò vui cho đỡ nhọc mà thị lon ton đến đẩy xe bò cho anh và đòi trả công. Thấy người đàn bà đói, Tràng cũng hào phóng mời thị ăn rồi ngỏ ý mời về cùng. Chỉ sau bốn bát bánh đúc và lời mời của Tràng, thị đã trở thành vợ của anh ta. Tràng có vợ, lấy được vợ trước hết là vì lòng thương nhân hậu đối với một con người cùng cảnh ngộ với mình, thậm chí đói khát hơn mình.

Tràng vốn dĩ là người thô kệch trong thời buổi khó khăn này, chưa nghĩ tới nghèo đói lấy được vợ mà ngay cả chuyện tìm được một người ưng ý cũng đã khó. Chính vì vậy khi mà anh tự dưng có vợ thì Tràng vân chưa hết bất ngờ: “đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư?”. Rồi cái ngỡ ngàng trước hạnh phúc kia cũng nhanh chóng đẩy thành niềm vui hữu hình cụ thể. Đó là niềm vui về hạnh phúc gia đình – một niềm vui giản dị nhưng lớn lao không gì sánh nổi.

Qua câu chuyện chúng ta còn thấy nhiều vẻ đẹp ở nhân vật tràng, nó được thể hiện những chi tiết nhỏ nhặt nhưng cũng đủ làm nổi bật hình ảnh của một người đàn ông biết thương yêu biết coi chuyện gia đình là nghiêm túc. Mặc dù người vợ được hắn nhặt về, nhưng Tràng không hề rẻ rúng, khinh miệt thị. Trái lại, Tràng vô cùng trân trọng, coi chuyện lấy thi là một điều nghiêm túc. Khát vọng mái ấm gia đình đã khiến Tràng vượt qua lo lắng về cái đói “đến thân còn chẳng lo nổi, lại còn đèo bòng”. Tràng chậc lưỡi “kệ” cái đói, mua cho thị cái thúng con, vài xu dầu và dẫn thị về căn nhà lụp xụp rách nát của mẹ con mình.

Tác giả Kim Lân còn miêu tả tâm lí của Tràng một cách đặc sắc, đó là cảm giác của tràng vào buổi sáng hôm sau, Tràng thấy khoan khoái như người từ trong giấc mơ đi ra. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Đó là một điều thật bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời Tràng. Hắn thấy hắn nên người. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Một niềm vui thật cảm động, lẫn cả hiện thực lẫn giấc mơ. Thêm vào đó chi tiết: “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà” là một đột biến quan trọng, một bước ngoặt đổi thay cả số phận lẫn tính cách của Tràng: từ khổ đau sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời, từ ngây dại sang ý thức. Từ trong thâm tâm của anh, anh đã có một ý thức và trách nhiệm sâu sắc rằng anh đã có vợ và phải cố gắng để lo lắng cho tổ ấm của mình. Cùng với đó, ở phần kết khi mà hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng cứ mãi xuất hiện trong đầu Tràng dự báo cho một tương lai mới sẽ xảy ra. Đây là điều mà các tác phẩm văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 không nhìn thấy được.

Có thể nói rằng, “Vợ nhặt” là một bức tranh sống động về đời sống người nông dân trong nạn đói 1945. Tuy rằng ở đó, con người hãy còn chìm trong bóng tối, đói nghèo và chết chóc nhưng với con mắt tinh tường, nhà văn Kim Lân vẫn phát hiện ra chiều sâu tâm hồn tốt đẹp ẩn chứa bên trong họ. Đó là tình yêu thương con người, là ý thức trách trách nhiệm của mình đối với gia đình và và xã hội. Trên cái nền đen tối ấy, con người đã vượt lên và tỏa sáng những vẻ đẹp rực rỡ nhất. Đó cũng chính là giá trị nhân bản, nhân văn sâu sắc mà nhà văn Kim Lân muốn gửi gắm đến bạn đọc.

3. Bài văn phân tích hình tượng Tràng của Kim Lân

Độc giả biết nhiều hơn tới Kim Lân với những tác phẩm gắn liền với những truyện ngắn tài năng của Văn học Hiện đại Việt Nam. Những nhân vật của ông thường là những con người nghèo khổ và bần cùng. Nhưng ở họ vẫn luôn tồn tại một nét đẹp tâm hồn bất diệt. Nhà văn đã khai thác triệt để vẻ đẹp đó và viết nên những trang truyện mà khiến cho người đọc xúc động và rút ra nhiều bài học ý nghĩa. Vợ nhặt là một trong những sáng tác tiêu biểu của ông. Tác phẩm đã khắc hoạ thành công nhân vật Tràng, một người lao động nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương, luôn khao khát hạnh phúc gia đình giản dị.

Tác phẩm Vợ Nhặt ra đời trong hoàn cảnh đất nước rơi vào nạn đói kinh hoàng thời kì 1945, khi mà nhân dân ta chịu cảnh chết đói như ngả rạ, người người nhà nhà rơi vào cảnh khó xử. Không khí của những làng quê được miêu tả là “người chết như ngả rạ, không buổi sáng nào người trong làng đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí bốc lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Khung cảnh xóm ngụ cư ấy đã diễn tả được cái đói đang hoành hành, đời sống nhân dân thê thảm”. Xóm nghèo ấy cũng là xóm ngụ cư,mọi người tứ phương đổ về ai cũng mong muốn tìm được cái ăn để đỡ đói qua ngày.

Đọc lướt qua câu chuyện ta ngỡ như việc “nhặt vợ” của Tràng là tình cờ nhưng nghĩ cho kĩ ta sẽ thấy rằng việc làm ấy xuất phát từ tình yêu thương của con người chân chính. Tình thương người đã cho anh quyết định dứt khoát là đưa người đàn bà xa lạ về chung sống. Hành động ấy của Tràng còn tiềm ẩn khát vọng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình mà trước đây anh không dám ao ước.

Khi đã có vợ rồi niềm vui sướng trong anh tràn ngập. Dường như anh đã quên đi cuộc sống tối tăm thường nhật và cảm nhận một sự thay đổi. Tràng ý thức được trách nhiệm, bổn phận của người chồng, người chủ gia đình “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng… Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”.

Từ một con người cục mịch, sống vô tư, chỉ biết việc trước mắt, Tràng đã là người quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi đời. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập, Tràng đã thần mặt ra nghĩ ngợi, đây là điều hiếm có đối với Tràng xưa nay. Trong ý nghĩ của anh lại vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ đỏ. Tràng nhớ tới cảnh ấy và lòng ân hận, tiếc rẻ và trong óc vẫn thấy đám người đói và lá cờ bay phấp phới…

Chính khát vọng và tình thương đã làm cho Tràng biến đổi từ dáng vẻ bên ngoài đến bên trong tâm hồn. “Mặt hắn có một vẻ gì hớn hở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Với cách miêu tả ấy dường như trước mắt người đọc là một anh Tràng khác hẳn. Từ một con người mang mặc cảm về thân phận, một trái tim cằn cỗi nay lại hồi sinh.

Về đến nhà, lúc đầu Tràng thấy "ngượng nghịu" rồi cứ thế "đứng tây ngây ra giữa nhà, chợt hắn thấy sờ sợ". Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua thôi. Hạnh phúc lớn lao quá khiến Tràng lại lấy lại được thăng bằng nhanh chóng. Lúc sau Tràng tủm tỉm cười một mình với ý nghĩ có phần ngạc nhiên sửng sốt, không dám tin đó là sự thật: "hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?". Đó là sự ngạc nhiên trong sung sướng.

Sáng hôm sau Tràng tỉnh dậy muộn nhưng vẫn chưa hết cảm giác ngỡ ngàng: "Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải". Lần đầu tiên trong đời Tràng nhận thấy niềm hạnh phúc thật giản dị đang hiện hữu ngay trong ngôi nhà của mình, vẫn là căn nhà ấy nhưng lâu nay nhếch nhác, bừa bộn nay được mẹ và vợ sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng. Hắn nhận thấy ngôi nhà mới thực sự là tổ ấm của mình, lâu nay hắn vẫn ở trong ngôi nhà ấy nhưng hôm nay: "bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng." Đó chính là một gia đình, một nguồn vui sống, phấn chấn khi hắn cảm nhận được hạnh phúc một gia đình. Bấy giờ hắn mới nhận thấy hắn "nên người", hắn nhận thấy hắn có bổn phận chăm lo cho vợ con sau này.

Ở cuối tác phẩm, ta thấy trong suy nghĩ của Tràng xuất hiện cảnh những người nghèo đói khổ đang kéo nhau ầm ầm đi trên đê Sộp, ở đằng trước là một lá cờ đỏ sao vàng. Đoàn người đang đi phá kho thóc Nhật. Đây là một hiện thực và cũng là ước mơ tin về tương lai, tin về Đảng và cách mạng của Tràng cũng như của những người như Tràng. Kim Lân rất xuất sắc và thành công khi có thể lột tả được sự thay đổi cũng như miêu tả được tâm lý nhân vật bằng ngòi bút nhân đạo vô cùng sâu sắc của tác giả.

Tràng giống như một đứa con tinh thần của Kim Lân. Tình huống nhặt vợ đầy bất ngờ và đặc biệt nhưng đã thể hiện được tư tưởng sâu sắc của tác phẩm đó chính là dù người nghèo đói, cùng cực nhưng họ luôn nghĩ đến sự sống chứ không phải là cái chết, luôn có niềm tin vào tương lai tươi đẹp. Qua Tràng ta cũng đã cảm nhận được một tâm hồn trong sáng đẹp đẽ của người dân lao động nghèo đó chính là tình người và hi vọng.

4. Bình giảng về nhân vật Tràng

Vợ Nhặt là một tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Kim Lân, tác phẩm xuất sắc cho văn học Việt Nam được sáng tác năm 1945 giữa nạn đói khủng khiếp, thể hiện nội dung nhân đạo sâu sắc trong từng câu văn, hình ảnh, chi tiết của tác phẩm. Qua đó, người đọc ấn tượng với nhân vật Tràng, từ ngoại hình tính cách, gia cảnh, đến việc quan trọng nhất đời người là lấy vợ.

Truyện xoay quanh tình huống anh Tràng nhặt được vợ trong hoàn cảnh đói khát. Ở nhân vật này, nhà văn đã miêu tả với nhiều chi tiết nói về ngoại hình, tính cách, gia cảnh nhưng gần như tạo hóa không cho anh ta một điểm đáng tự hào nào cả: người thô kệch, lưng rộng như lưng gấu, đầu trọc, nhà nghèo, dân ngụ cư, nghèo kiết xã, thô. Điểm ấn tượng nhất về bề ngoài là sự ngờ nghệch có cái tật vừa đi, vừa nói, vừa cười tủm tỉm một mình. Hơn nữa, Tràng sống với mẹ, nghèo đến nỗi cái nhà hắn ở "rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại" mẹ góa con côi. Tuy nhiên ở Tràng cũng có điểm đáng quý: vui vẻ, dễ gần, tốt bụng đối với lũ trẻ con trong xóm vẫn xúm lại trêu đùa. Anh ta không bao giờ dám nghĩ đến chuyện mình có thể lấy nổi vợ; tức là anh ta đã ế vợ và không có khả năng lấy được vợ. Hơn nữa đang trong thời điểm tất cả mọi người đều rơi vào nạn đói thê thảm. Thế mà anh ta lại nhặt được vợ một cách rất dễ dàng ngay giữa đường, giữa chợ chỉ qua vài câu nói tầm phơ tầm phào.

Tràng một thanh niên chất phát, anh chính là người đại diện cho tầng lớp nông dân nghèo khổ, sống ở xóm ngụ cư nuôi mẹ già, công việc hằng ngày kiếm sống chính là đẩy xe bò mướn. Người ta thường nói cuộc đời vốn dĩ công bằng, nhưng có lẽ đối với người thanh niên Tràng thì lại quá bất công, số phận khổ cực bần cùng của chàng trai đi đôi với ngoại hình xấu xí, thô kệch với cái đầu trọc lóc, cái lưng to bè như lưng gấu, đôi mắt thì nhỏ tí gà gà. Tính tình Tràng thì lại dở hơi nhưng cũng vô cùng tốt bụng, và rất mực yêu trẻ con, chàng thường hay vui đùa với những đứa trẻ trong xóm. Một người vô cùng bất hạnh và tội nghiệp.

Nhưng may rủi sao, một con người thấp hèn ấy, một hoàn cảnh cơ cực như thế lại trở thành một chú rể, đây có phải là một sự may mắn, là hạnh phúc của Tràng không. Bỗng dưng có vợ - Tràng nhặt được vợ chỉ sau hai lần gặp gỡ, chỉ qua vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc giữa ngày đói. Có thể nói, chuyện lấy vợ của Tràng giống như là một điều lạ nhưng thú vị, giống như đùa nhưng cũng là thật. Mới ban đầu, khi người phụ nữ đói nghèo, rách rưới là thị đồng ý lấy không Tràng, lúc đó, người thanh niên này cũng thấy hơi chột dạ “Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng rồi Tràng chặc lưỡi và suy nghĩ đến đâu hay đến đó. “Chậc, kệ!”- câu nói như đồng ý, như chấp nhận số phận, như bắt đầu một cuộc sống mới, một cuộc sống có vợ. Việc hai người này đến với nhau tuy ngẫu nhiên nhưng cũng là điều tất nhiên, Tràng cần một người vợ để biết đến hạnh phúc còn Thị - người đàn bà nghèo ấy cần một chỗ dựa để qua khỏi hoàn cảnh đói kém, một sự chở che. Đây chính là cuộc sống thường nhật trên đời.

Tràng cảm thấy con người mình đổi khác. Từ niềm vui đến nỗi lo âu và Tràng thấy mình cần phải có trách nhiệm trong cuộc sống gia đình hiện tại và tương lai, dù đêm đầu tiên của đôi vợ chồng trẻ qua đi trong không khí khét lẹt mùi chết chóc và tiếng hờ khóc ai.

Bà mẹ Tràng đãi hai con ít cháo và "nồi chè đặc biệt". Miếng cám chát bứ, nghẹn cổ nhưng mọi người đều thoáng thấy có một niềm vui. Cả mẹ con đều bắt tay vào việc dọn dẹp, quét tước nhà cửa, vườn tược cho quang quẻ, hướng về một cuộc sống đổi khác. Trong óc Tràng hiện ra đám người phá kho thóc của Nhật và lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới.

Khuôn mặt của Tràng bây giờ tươi tỉnh hẳn lên "hắn cười khì khì" mặc dù cái đêm đầu tiên với người vợ nhặt ấy đi qua trong "tiếng hờ khóc tỉ tê" và "diều quạ trên mấy cây ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết" như tiếng gọi của thần chết. Và sáng ra, Tràng "bỗng vừa chợt nhận ra xung quanh mình cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng...". Tràng nhìn người mẹ đang lúi húi giẫy cỏ, nhìn vợ quét lại cái sân. Cảnh tượng thật đơn giản, bình thường nhưng đã gợi lên trong lòng Tràng một sự thấm thía cảm động. Tràng như chợt hiểu ra thế nào là hạnh phúc? Trong lòng Tràng lại dậy lên một lòng yêu thương, gắn bó với người vợ Tràng, với gia đình Tràng. Tràng lại nghĩ về tương lai và thấy rõ cái bổn phận và trách nhiệm của mình trong việc tạo lập cuộc sống hạnh phúc cho tương lai: "Bỗng nhiên hắn thấy hắn yêu thương, gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưu che nắng. Một niềm vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bốn phận lo lắng cho vợ con sau này...".

Hạnh phúc thành hình trên nền cuộc sống tột cùng bi kịch, khi sự sống bị dồn vào ngõ cụt không lối thoát. Con đường duyên phận thành con đường rước thêm cái của nợ đời khiến những người biết nghĩ đều phải thở dài ái ngại. Việc Tràng có vợ có lẽ là giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời anh. Đó cũng là cảm xúc rất tự nhiên và chân thật của một con người đang sống choáng ngợp trước hạnh phúc và bất ngờ lớn lao đã đến.

Con đường về nhà Tràng là sự thay đổi trong tâm lí nhân vật: Sự thật quá lớn lao vượt qua suy nghĩ mơ ước của một anh chàng nghèo khổ, xấu xí khiến Tràng không nhận biết hoàn cảnh giống mọi người, Choáng ngợp tâm trí Tràng lúc này là hạnh phúc của riêng anh.

Ngày:19/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM