Top 10 kết bài về truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu hay và ấn tượng nhất

eLib xin gửi đến các em những đoạn kết bài mẫu dưới đây nhằm giúp các em có thể tham khảo và dễ dàng hơn khi viết kết bài cho truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Chúc các em sẽ có được những kết bài thật như ý!

Top 10 kết bài về truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu hay và ấn tượng nhất

1. Kết bài 1

Tóm lại, nhân vật người đàn bà hàng chài là một người mẹ giàu đức hi sinh và thấu hiểu lẽ đời. Một phụ nữ vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của người Á Đông là biết nhẫn nhịn, biết hi sinh bản thân vì gia đình, chồng con. Qua nhân vật người đàn bà hàng chài, tác giả muốn gửi đến người đọc những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, về nghệ thuật. "Chiếc thuyền ngoài xa" mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống con người. Đó là cái nhìn đa chiều, ở các cự li khác nhau, để phát hiện ra bản chất sau vẻ ngoài của cuộc sống và con người. Phải chăng sau câu chuyện rất buồn này,trái tim nhân hậu của Nguyễn Minh Châu vẫn ấm áp niềm tin yêu cuốc ông, trân trọng vẻ đẹp của tuổi thơ, của tình mẫu tử, sự can đảm và tấm lòng bao dung của người phụ nữ? Đó không phải là vẻ đẹp chói chang, hào hùng mà là những hạt ngọc khuất lấp, lẫn trong cái lấm láp, lam lũ của đời thường.

2. Kết bài 2

Tóm lại, qua đoạn kết, phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn nói Chiếc thuyền ngoài xa chính là vẻ đẹp của ước mơ, của lí tưởng mà người nghệ sĩ luôn khát khao vươn tới. Nhưng để cho nó có máu thịt của cuộc sống, người nghệ sĩ khi thể hiện nó cần có một tấm lòng trân trọng, cảm thông. Nó là nỗi dằn vặt, đau đáu khi người nghệ sĩ cảm thấy mình chưa thể hiện được hết điều muốn nói.

3. Kết bài 3

Nguyễn Minh Châu đã khắc họa thành công nhân vật người đàn bà hàng chài. Nhân vật này đã giúp bạn đọc cảm nhận được sự thấu hiểu, sự đồng cảm và tình thương mà tác giả dành cho nhân vật của mình. Qua đó, Nguyễn Minh Châu cũng phần nào khẳng định mình xứng đáng với vị trí là một trong những “người mở đường đầy tài hoa và tinh anh” (Nguyên Ngọc) trong công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam.

4. Kết bài 4

Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu thể hiện sâu sắc những đổi mới cơ bản của văn học Việt Nam sau 1975. Văn học đã trở về với những vấn đề của đời sống nhân sinh, quan tâm nhiều hơn đến các đề tài đạo đức - thế sự (như câu chuyện của người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn này). Khác với giai đoạn trước - chủ yếu khắc hoạ con người, ở giai đoạn này, văn học đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm phức tạp và đầy mâu thuẫn của con người trong cuộc sống thường nhật (đời sống tâm hồn của người đàn bà vùng biển).

5. Kết bài 5

Đọc truyện ngắn, Phùng hiện ra cùng với những nét đẹp của một nghệ sĩ đam mê cái đẹp, yêu tha thiết sự công bằng. Qua câu chuyện của người đàn bà ở tòa án huyện, anh nhận ra được nhiều điều về hiện thực cuộc sống và từ đó có những phát hiện mới mẻ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Cuộc đời và nghệ thuật có mối quan hệ gần gũi với nhau không tách rời nhau.

6. Kết bài 6

Qua những nét khắc họa ấn tượng từ ngoại hình dáng vẻ đến cử chỉ, lời nói, hành động,…nhân vật người đàn bà hàng chài đã trở thành một biểu tượng đầy ám ảnh giúp Nguyễn Minh Châu thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc cho truyện ngắn. Đó là niềm cảm thương và nỗi lo âu cho số phận con người bất hạnh bị cầm tù trong đói nghèo, khốn khổ, bạo lực. Đồng thời thể hiện niềm tin yêu trân trọng những phẩm chất tốt đẹp trong tâm hồn, tính cách những con người luôn sống cuộc sống lòng người nhân hậu, vị tha.

7. Kết bài 7

Qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, chỉ qua một nhân vật người đàn bà trong truyện mà người đọc như được nhìn thấy cuộc đời của biết bao nhiêu người phụ nữ Việt nam trong mọi thời đại. Tấm lưng bạc phếch, ánh mắt cam chịu hay nụ cười hạnh phúc khi nhìn những đứa con có lẽ sẽ còn ám ảnh rất lâu trong tâm trí độc giả. Tác giả đã gửi gắm không chỉ niềm cảm thương, xót xa cho số phận con người bị đánh đập, đói nghèo mà còn thể hiện niềm tự hào, trân trọng vì những vẻ đẹp tâm hồn không gì có thể làm lấm bùn.

8. Kết bài 8

Tóm lại, người vợ nhặt và người đàn bà hàng chài là hai nhân vật được xây dựng rất thành công của Kim Lân và Nguyễn Minh Châu. Tuy có nhiều điểm khác nhau trong phong cách nhưng với tinh thần nhân đạo cao cả, hai nhà văn đều khám phá và nâng niu trân trọng những vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Qua hai tác phẩm, các tác giả còn cho chúng ta thêm tin tưởng vào sự bất diệt của những phẩm chất tốt đẹp trong con người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Với tất cả giá trị về nội dung và nghệ thuật ấy, chắc chắn cả hai nhân vật cũng như tên tuổi của Kim Lân và Nguyễn Minh châu sẽ có sức sống lâu dài trong kho tàng văn học dân tộc.

9. Kết bài 9

Gấp trang truyện lại người đọc còn mãi ám ảnh bởi những câu hỏi: Cuộc đời người đàn bà ấy rồi sẽ kết thúc ra sao? Những đứa con tội nghiệp của bà có được cuộc sống hạnh phúc? Đó là những vấn đề nhà văn vẫn chưa đưa ra lời giải đáp. Câu trả nằm trong cuộc sống, hành động của mỗi người chúng ta. Điều đó nói lên giá trị của tác phẩm và tầm vóc to lớn của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.

10. Kết bài 10

Thông qua tình huống truyện nhận thức, Nguyễn Minh Châu đã giúp chúng ta nhận ra nhiều bài học thông điệp có ý nghĩa sâu sắc. Không thể đơn giản, khi nhìn nhận về một vấn đề, đánh giá một hiện tượng. Người nghệ sĩ không thể đứng từ xa nhìn ngắm cuộc đời mà cần có những khám phá đi sâu, kéo sắt nghệ thuật gần với cuộc sống. Tình huống truyện đã góp phần tô đậm giá trị của tác phẩm.

Ngày:23/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM