Lịch sử 10 Bài 11: Tây Âu thời kì trung đại

Sự phát triển nhanh chóng của sản xuất đã làm cho nhu cầu về thương hiệu, vàng bạc, thị trường ngày một tăng. Việc tìm con đường đi sang phương Đông đã thúc đẩy các cuộc phát kiến lớn về địa lí. Nó mang lại nguồn của cải lớn về châu Âu cũng như những hiểu biết mới về Trái Đất. Trên cơ sở đó, công cuộc tích lũy tư bản ban đầu được tiến hành. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa hình thành, hai giai cấp mới là tư sản và vô sản từ đó cũng ra đời. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nội dung chi tiết thông qua bài học dưới đây nhé!

Lịch sử 10 Bài 11: Tây Âu thời kì trung đại

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Những cuộc phát kiến địa lí

a) Nguyên nhân:

- Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất làm cho nhu cầu về hương liệu, vàng bạc, thị trường ngày một tăng.

- Từ thế kỉ XV, con đường giao lưu buôn bán qua Tây Á và Địa Trung Hải do người Ả-rập độc chiếm.

→ Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải tìm con đường thương mại giữa phương Đông và châu Âu.

- Khoa học - kĩ thuật có những bước tiến quan trọng. Đây chính là tiền đề cho các cuộc phát kiến địa lí.

+ Có những hiểu biết về đại dương, quan niệm đúng đắn về hình dạng Trái Đất.

+ Vẽ được nhiều bản đồ, hải đồ ghi rõ các vùng đất, các hòn đảo có cư dân.

+ Máy đo góc thiên văn, la bàn được sử dụng.

+ Kĩ thuật đóng tàu có những tiến bộ mới, đóng được tàu có bánh lái và hệ thống buồm lớn như loại tàu Ca-ra-ven.

Tàu Caraven

b) Những cuộc phát kiến địa lí lớn:

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là những nước tiên phong.

- B. Đi-a-xơ (1487), đã dẫn đầu đoàn thám hiểm đi vòng qua cực Nam của châu Phi. Điểm đó được ông đặt tên là mũi lão Tố, sau gọi là mũi Hảo Vọng.

- C. Cô-lôm-bô (1492), dẫn đầu đoàn thuỷ thủ Tây Ban Nha đi về hướng Tây. Ông đã dẫn đến một số đảo thuộc vùng biển Ca-ri-bê ngày nay, nhưng ông tưởng đây là miền “Đông Ấn Độ”, Cô-lôm-bô được coi là người phát hiện ra châu Mĩ.

- Va-xcô đơ Ga-ma (1497), rời cảng Li-xbon đến Ca-li-cút thuộc bờ Tây Nam Ấn Độ. Trở về Li-xbon, Va-xcô đơ Ga-ma được phong làm Phó vương Ấn Độ.

- Ph. Ma-gien-lan (1519-1522) là người đã thực hiện chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới bằng đường biển.

+ Đoàn tàu của ông đi vòng qua điểm cực Nam của Nam Mĩ (sau này được gọi là eo biển Ma-gien-lan) tiến vào đại dương, mà ông đặt tên là Thái Bình Dương.

+ Tại Phi-líp-pin, ông bị thiệt mạng trong lúc giao tranh với thổ dân.

+ Cuối cùng, đoàn thám hiểm chỉ còn 1 thuyền và 18 thuỷ thủ về đến bờ biển Tây Ban Nha.

Lược đồ những cuộc phát kiến địa lí

c) Ý nghĩa:

- Mở ra một trang mới trong tiến trình phát triển của lịch sử loài người.

- Mở ra những con đường mới, những vùng đất mới, những dân tộc mới, những kiến thức mới, tăng cường giao lưu văn hoá giữa các châu lục. 

- Thị trường thế giới được mở rộng, hàng hải quốc tế phát triển.

- Thúc đẩy quá trình khủng hoảng, tan rã của quan hệ phong kiến và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu.

- Tuy nhiên, các cuộc phát kiến địa lí cũng làm nảy sinh quá trình cướp bóc thuộc địa và buôn bán nô lệ.

1.2. Sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu

Sau các cuộc phát kiến địa lí, kinh tế ở châu Âu phát triển nhanh.

- Tầng lớp quý tộc, thương nhân Tây Âu ra sức cướp bóc của cải, tài nguyên của các nước ở châu Mĩ, châu Phi và châu Á → Giai cấp tư sản tích luỹ được số vốn ban đầu bằng sự cướp bóc thực dân. Họ còn dùng bạo lực để cướp đoạt ruộng đất của nông dân.

- Đến đầu thế kỉ XVI, ở Tây Âu bắt đầu xuất hiện hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa.

+ Công trường thủ công thay thế các phường hội. Các công xưởng thủ công có quy mô lớn.

+ Nhờ áp dụng kĩ thuật mới vào quy trình sản xuất, năng suất lao động tăng, sản phẩm nhiều hơn, giá cả hạ.

+ Chủ xưởng tiến hành bóc lột những người lao động làm thuê => Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa thành trong các công trường thủ công.

- Ở nông thôn, hình thức sản xuất đồn điền, trang trại xuất hiện. Người lao động biến thành công nhân nông nghiệp theo chế độ làm công ăn lương. Chủ ruộng đất trở thành tư sản nông thôn hay quý tộc mới.

- Trong ngành thương nghiệp cũng xuất hiện các công ti thương mại thay cho các thương hội trung đại.

→ Tạo nên những biến đổi trong xã hội Tây Âu:

- Giai cấp tư sản ra đời. Đó là những chủ xưởng, chủ ngân hàng, chủ đồn điền,...

- Giai cấp vô sản: Những người làm thuê, bị bóc lột.

1.3. Phong trào Văn hóa Phục hưng

a) Nguyên nhân:

- Giai cấp tư sản mới ra đời, tuy có thế lực về kinh tế, nhưng lại chưa có địa vị xã hội tương ứng.

- Cùng với việc nhận thức được bản chất của thế giới, giai cấp tư sản đã đứng lên đấu tranh, chống lại giáo lí Kitô mang nặng những quan điểm lỗi thời của xã hội phong kiến.

b) Phong trào Văn hoá Phục hưng:

- Giai cấp tư sản, một mặt muốn khôi phục lại tinh hoa văn hoá xán lạn của các quốc gia cổ đại Hi Lạp, Rô-ma. Mặt khác cũng góp phần xây dựng một nền văn hoá mới, đề cao giá trị con người, đòi quyền tự do cá nhân, coi trọng khoa học - kĩ thuật. Trào lưu văn hóa này được gọi là phong trào Văn hoá Phục hưng.

- Quê hương của phong trào Văn hoá Phục hưng là I-ta-li-a. Từ đây, phong trào đã lan nhanh sang các nước Tây Âu và trở thành một trào lưu rộng lớn.

- Thời đại Văn hoá Phục hưng chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của khoa học - kĩ thuật, sự phát triển phong phú về văn học và sự nở rộ các tài năng.

- Những cá nhân tiêu biểu thời kì này được gọi là những con người “khổng lổ”. Đó là:

+ Ra-bơ-le vừa là nhà văn, vừa là nhà y học;

+ Đê-các-tơ vừa là nhà toán học xuất sắc, vừa là nhà triết học lớn;

+ Lê-ô-na đơ Vanh-xi vừa là hoạ sĩ thiên tài, vừa là kĩ sư nổi tiếng;

+ Sếch-xpia là nhà soạn kịch vĩ đại,...

- Nội dung chính:

+ Lên án nghiêm khắc Giáo hội Ki tô, tấn công vào trật tự xã hội phong kiến.

+ Đề cao giá trị nhân bản và tự do cá nhân, xây dựng thế giới quan tiến bộ.

- Đây là cuộc đấu tranh công khai đầu tiên trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng của giai cấp tư sản chống lại giai cấp phong kiến lỗi thời. Nó đã cổ vũ và mở đường cho văn hoá châu Âu phát triển hơn.

Bức họa

2. Luyện tập

Câu 1: Những biểu hiện của sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở châu Âu là gì?

Gợi ý trả lời:

Sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở châu Âu được biểu hiện qua các khía cạnh sau:

* Trong kinh tế:

- Thủ công nghiệp: Công trường thủ công thay thế các phường hội. Quan hệ chủ - thợ xuất hiện.

- Nông nghiệp:

+ Sản xuất nhỏ của nông dân dần dần bị thay thế bằng hình thức đồn điền hay trang trại.

+ Người lao động trở thành công nhân nông nghiệp theo chế độ làm công ăn lương. Chủ ruộng đất trở thành tư sản nông thôn hay quý tộc mới.

- Thương nghiệp: Xuất hiện các công ti thương mại thay cho các thương hội trung đại.

* Trong xã hội: Các giai cấp mới được hình thành:

- Những chủ xưởng, chủ ngân hàng, chủ đồn điền hợp thành giai cấp tư sản.

- Những người làm thuê, bị bóc lột trở thành giai cấp vô sản.

Câu 2: Vì sao có sự xuất hiện của phong trào Văn hóa Phục hưng?

Gợi ý trả lời:

Bước vào thời hậu kì trung đại, bộ mặt Tây Âu có nhiều thay đổi:

- Giai cấp tư sản mới ra đời, có thế lực về kinh tế nhưng chưa có địa vị xã hội tương ứng.

- Những tiến bộ của khoa học, kĩ thuật giúp con người thoát khỏi tình trạng lạc hậu, nhận thức được bản chất của thế giới.

- Giáo lí Ki-tô mang nặng những quan điểm lỗi thời của xã hội phong kiến kìm hãm sự phát triển của giai cấp tư sản.

- Giai cấp tư sản một mặt muốn khôi phục lại văn hóa cổ đại Hi Lạp, Rô-ma, mặt khác muốn góp phần xây dựng một nền văn hóa mới, đề cao giá trị con người, đòi quyền tự do cá nhân, coi trọng khoa học - kĩ thuật.

→ Đây là những nguyên nhân dẫn đến sự ra đời và phát triển của phong trào Văn hóa Phục hưng.

Câu 3: Hãy trình bày những nét chính của Chiến tranh nông dân Đức?

Gợi ý trả lời:

* Nguyên nhân:

- Chế độ phong bảo thủ cản trở sự phát triển của giai cấp tư sản.

- Nông dân bị áp bức, bóc lột nặng nề nên đã tiếp thu tư tưởng của cải cách tôn giáo, tiếp thu tư tưởng của Lu-thơ.

* Diễn biến, kết quả:

- Từ mùa xuân 1524, cuộc đấu tranh đã có tính chất quyết liệt, mở đầu cho cuộc chiến tranh nông dân thực sự. Lãnh tụ kiệt xuất cả phong trào là Tô-mát Muyn-xe.

- Phong trào nông dân Đức đã giành thắng lợi bước đầu, chiếm được 1/3 lãnh thổ Đức.

- Giới quý tộc phong kiến và tăng lữ ra sức đàn áp nên phong trào bị tổn thất nặng nề.

* Ý nghĩa:

- Biểu hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt và khí phách anh hùng của nông dân Đức đấu tranh chống lại giáo hội phong kiến.

- Báo hiệu sự khủng hoảng, suy vong của chế độ phong kiến.

Câu 4: Em hãy cho biết nguyên nhân của các cuộc phát kiến địa lí?

Gợi ý trả lời: 

- Vào thế kỉ XV kinh tế hàng hóa ở Châu Âu phát triển, nhu cầu sản xuất xã hội, nhu cầu tiêu dùng của quý tộc phong kiến ngày càng tăng, đòi hỏi nhiều hơn về hàng hóa, nguyên liệu, vàng bạc, thị trườn từ các nước phương Đông.

- Trong khi đó, việc buôn bán trực tiếp với các nước phương Đông lại bị ách tắc do con đường giao lưu thương mại qua Tây Á và Địa Trung Hải bị người Thổ Nhĩ Kì chiếm độc quyền. Do vậy, đã nảy sinh ra nhu cầu tìm kiếm con đường mới.

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Tây Âu thời kì trung đại Lịch sử 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau khi học bài cần nắm được các nội dung chính:

  • Những cuộc phát kiến địa lí: nguyên nhân, những cuộc phát kiến địa lí lớn và ý nghĩa.
  • Tóm tắt về sự nảy sinh chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu.
  • Nguyên nhân và những nội dung chính của phong trào Văn hóa Phục hưng.
Ngày:03/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM