Lịch sử 10 Bài 19: Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm ở các thế kỉ X-XV
Trong những thế kỉ xây dựng đất nước, nhân dân ta vẫn phải liên tục tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Với lòng yêu nước nồng nàn, với tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng, nhân dân Đại Việt đã làm nên biết bao chiến thắng huy hoàng, giữ vững nền độc lập dân tộc. Cùng eLib nhìn lại những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta thế kỉ X - XV qua bài học dưới đây.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống
a. Kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (981)
- Năm 980, nhân lúc triều đình nhà Đinh gặp khó khăn, vua Tống cử quân sang xâm lược nước ta.
- Trước tình hình đó Thái hậu họ Dương và triều đình nhà Đinh đã tôn Lê Hoàn làm vua để lãnh đạo kháng chiến.
- Năm 981, quân dân Đại Cồ Việt chiến đấu anh dũng, thắng lớn nhanh chóng ở vùng Đông Bắc khiến vua Tống không dám nghĩ đến việc xâm lược Đại Việt, củng cố vững chắc nền độc lập.
b. Kháng chiến chống Tống thời Lý (1075 - 1077)
- Thập kỷ 70 của thế kỷ XI, trong lúc Đại Việt đang phát triển thì nhà Tống bước vào giai đoạn khủng hoảng
→ nhà Tống âm mưu xâm lược Đại Việt, đồng thời tích cực chuẩn bị cho cuộc xâm lược.
- Trước âm mưu xâm lược của quân Tống, nhà Lý đã tổ chức kháng chiến. Thái úy Lý Thường Kiệt chủ trương: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc”.
+ Giai đoạn 1: Lý Thường Kiệt tổ chức thực hiện chiến lược "tiên phát chế nhân" đem quân đánh trước chặn thế mạnh của giặc.
- Năm 1075, Thái uý Lý Thường Kiệt đã kết hợp quân triều đình cùng các dân tộc miền núi đánh sang đất Tống, Châu Khâm, Châu Liêm, Ung Châu, sau đó rút về phòng thủ.
+ Giai đoạn 2: Chủ động lui về phòng thủ đợi giặc.
- Năm 1077, ba mươi vạn quân Tống kéo sang bờ bắc của sông Như Nguyệt, cuộc kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, ta chủ động giảng hòa và kết thúc chiến tranh.
1.2. Các cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII
a) Các cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII
- Năm 1258 - 1288 quân Mông - Nguyên 3 lần xâm lược nước ta. Giặc rất mạnh và hung bạo.
- Các vua Trần cùng nhà quân sự Trần Quốc Tuấn đã lãnh đạo nhân dân cả nước quyết tâm đánh giặc giữ nước.
- Những thắng lợi tiêu biểu: Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Bạch Đằng.
+ Lần 1: Đông Bộ Đầu (bên sông Hồng từ dốc Hàng Than đến dốc Hóc Mai Ba Đình - Hà Nội).
+ Lần 2: Đẩy lùi quân xâm lược năm 1285.
+ Lần 3: Trận Bạch Đằng năm 1288 đè bẹp ý chí xâm lược của quân Mông - Nguyên bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên của nhân dân ta.
b) Nguyên nhân thắng lợi:
- Nhà Trần có vua hiền, tướng tài, triều đình quyết tâm đoàn kết nội bộ và đoàn kết nhân dân chống xâm lược.
- Nhà Trần vốn được lòng dân bởi những chính sách kinh tế của mình, nhân dân đoàn kết xung quanh triều đình vâng mệnh kháng chiến.
1.3. Phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Minh và khởi nghĩa Lam Sơn
a. Phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Minh và khởi nghĩa Lam Sơn
- Cuối thế kỉ XIV, nhà Trần suy vong. Năm 1400, nhà Hồ thành lập. Cuộc cải cách của nhà Hồ chưa đạt được kết quả mong muốn thì quân Minh ồ ạt tiến sang xâm lược.
- Năm 1407, cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhà Hồ thất bại, nước ta rơi vào ách thống trị của nhà Minh.
- Năm 1418, Khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ do Lê Lợi - Nguyễn Trãi lãnh đạo.
- Thắng lợi tiêu biểu:
+ Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ Lam Sơn (Thanh Hóa) được sự hưởng ứng của nhân dân vùng giải phóng cánh mở rộng từ Thanh Hóa vào Nam.
+ Chiến thắng Tốt Động, đẩy quân Minh vào thế bị động.
+ Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang đập tan 10 vạn quân cứu viện khiến giặc cùng quẫn tháo chạy về nước.
* Đặc điểm khởi nghĩa Lam Sơn:
- Từ một cuộc chiến tranh ở địa phương phát triển thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Suốt từ đầu đến cuối cuộc khởi nghĩa tư tưởng nhân nghĩa được đề cao.
- Có đại bản doanh, căn cứ địa.
2. Luyện tập
Câu 1: Tại sao nhân dân thời Trần sẵn sàng đoàn kết với triều đình chống giặc giữ nước?
Gợi ý trả lời:
- Giặc Mông - Nguyên quá mạnh, vì vậy cần đoàn kết đấu tranh để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Nhà Trần là một triều đại danh chính ngôn thuận. Vua tôi nhà Trần rất đoàn kết, trên dưới một lòng vì dân vì nước. Vì thế, nhà Trần lúc đó rất được lòng dân.
- Nhà Trần biết hiệu triệu nhân dân, điển hình là việc triệu tập hội nghị Diên Hồng, đây là một hành động thể hiện triều đình biết trân trọng ý kiến của nhân dân, nhất là những người lớn tuổi.
- Nhân dân ta luôn có tinh thần đoàn kết dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ đất nước.
Câu 2: Hãy cho biết nguyên nhân thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống thời Tiền Lê.
Gợi ý trả lời:
* Nguyên nhân thắng lợi:
- Có sự lãnh đạo, chỉ huy tài tình của Lê Hoàn.
- Ý chí quyết tâm chiến đầu bảo vệ nền độc lập dân tộc của quân và dân ta.
Câu 3: Nêu một vài đặc điểm của khởi nghĩa Lam Sơn. So sánh với các cuộc kháng chiến thời Lý, Trần?
Gợi ý trả lời:
- Một vài đặc điểm khởi nghĩa Lam Sơn:
+ Từ một cuộc chiến tranh ở địa phương phát triển thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
+ Suốt từ đầu đến cuối cuộc khởi nghĩa, tư tưởng nhân nghĩa được đề cao.
+ Khởi nghĩa đã thành lập được đại bản danh và căn cứ để nghĩa quân đóng.
- So sánh cuộc kháng chiến thời lý, Trần:
+ Giống nhau:
- Tất cả các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa đều chống kẻ thù hung hãn của phong kiến phương Bắc có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần.
- Các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa đều thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa đều gắn với tên tuổi của nhiều danh tướng tài ba và các vị vua kiệt xuất.
- Các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa cuối cùng đã giành được thắng lợi vẻ vang gây dựng lại nền độc lập cho dân tộc.
- Các cuộc kháng chiến và khởi nghĩa đều đi từ yếu đến mạnh để tiến lên đánh bại hoàn toàn kẻ thù xâm lược.
+ Khác nhau:
- Cuộc kháng chiến thời Lý, Trần đã diễn ra trong hoàn cảnh đất nước đã được độc lập, nhân dân cùng nhà nước chăm lo xây dựng đất nước. Còn cuộc khởi nghĩa Lam Sơn diễn ra trong lúc đất nước bị quân Minh xâm lược và đô hộ. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra nhưng bị đàn áp.
- Các cuộc kháng chiến thời Lý, Trần sức dân đã được chuẩn bị ngay từ đầu còn khởi nghĩa Lam Sơn vừa khởi nghĩa vừa huy động lực lượng nghĩa quân, vừa đánh vừa gây căn cứ cho quân khởi nghĩa.
3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm Lịch sử 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
Qua bài học các em học sinh nắm được:
- Những nét chính về các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống: lháng chiến chống Tống thời Tiền Lê (981); kháng chiến chống Tống thời Lý (1075 - 1077).
- Tóm tắt về các cuộc kháng chiến chống xâm lược Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII và nguyên nhân thắng lợi.
- Phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Minh và khởi nghĩa Lam Sơn; đặc điểm của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.