Lịch sử 10 Bài 20: Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X-XV

Trong các thế kỉ X – XV, cùng với sự nghiệp chính trị, quân sự và phát triển kinh tế, nhân dân Việt Nam đã từng bước xây dựng cho mình một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Những thành tựu văn hóa đạt được, vừa là sản phẩm của sự nghiệp chung nói trên, vừa là nền móng vững chắc lâu dài cho dân tộc. Chúng ta cùng tìm hiểu bài 20 Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X-XV.

Lịch sử 10 Bài 20: Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc trong các thế kỉ X-XV

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Tư tưởng, tôn giáo

Ở thời kỳ độc lập Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo có điều kiện phát triển mạnh.

a. Nho giáo

- Thời Lý, Trần, Nho giáo dần dần trở thành hệ tư tưởng chính thống của giai cấp thống trị (những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ vua – tôi, cha – con, chồng – vợ), chi phối nội dung giáo dục thi cử. Nho giáo không phổ biến trong nhân dân.

- Thời Lê sơ:

+ Nho giáo chính thức được nâng lên vị trí độc tôn đến cuối thế kỉ XIX, số người theo Phật giáo và Đạo giáo giảm bớt.

+ Nhà nước ban hành nhiều điều lệnh nhằm hạn chế sự phát triển của Phật giáo, thiết lập tôn ti trật tự xã hội Nho giáo trong nhân dân.

+ Sự phát triển của giáo dục Nho học củng cố sự phát triển của Nho giáo.

b. Đạo Phật

- Thời Lý - Trần được phổ biến rộng rãi và giữ vị trí đặc biệt quan trọng.

+ Các nhà sư được triều đình tôn trọng và có lúc đã tham gia bàn việc nước.

+ Vua quan nhiều người theo đạo Phật, góp tiền xây chùa, đúc chuông, tô tượng, viết giáo lí Phật.

+ Chùa chiền được xây dựng khắp nơi, sư sãi đông.

c. Đạo giáo:

- Không phổ cập, hòa lẫn trong tín ngưỡng dân gian.

- Một đạo quán được xây dựng.

- Cuối thế kỉ XIV, Phật giáo và Đạo giáo suy dần.

1.2. Giáo dục, văn học, nghệ thuật, khoa học - kĩ thuật

a. Giáo dục

- Năm 1070, Vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu.

- Năm 1075, tổ chức khoa thi đầu tiên ở kinh thành

- Thế kỉ X - XV, giáo dục được hoàn thiện và phát triển, là nguồn đào tạo quan chức và người tài.

+ Thời Lê sơ, cứ ba năm có một kỳ thi hội, chọn tiến sĩ.

+ Năm 1484, dựng bia ghi tên tiến sĩ => Giáo dục được tôn vinh, quan tâm phát triển.

- Tác dụng của giáo dục đào tạo người làm quan, người tài cho đất nước, nâng cao dân trí, giáo dục nho học không tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.

Khuê Văn Các - kiến trúc tiêu biểu của Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

b. Văn học

- Văn học Đại Việt ở giai đoạn đầu mang nặng tư tưởng Phật giáo. 

- Phát triển mạnh từ thời nhà Trần, nhất là văn học chữ Hán. Tác phẩm tiêu biểu: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bạch Đằng giang phú, Bình Ngô đại cáo.

- Từ thế kỷ XV, văn học chữ Hán và chữ Nôm đều phát triển.

- Đặc điểm, ý nghĩa:

+ Thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

+ Ca ngợi những chiến công oai hùng, cảnh đẹp của quê hương đất nước.

c. Nghệ thuật

- Kiến trúc phát triển chủ yếu ở giai đoạn Lý - Trần - Hồ thế kỷ X - XV theo hướng Phật giáo gồm chùa, tháp, đền. Chùa Một cột, chùa Dâu, chùa Phật tích, tháp Phổ Minh.

Chùa Một Cột - biểu tượng văn hóa Việt Nam

- Bên cạnh đó có những công trình kiến trúc ảnh hưởng của nho giáo: Cung điện, thành quách, thành Thăng Long, thành Nhà Hồ, tháp Chăm.

Thành Nhà Hồ với kĩ thuật xây thành độc đáo

- Điêu khắc: gồm những công trình chạm khắc, trang trí ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo song vẫn mang những nét độc đáo riêng.

- Nghệ thuật sân khấu:

+ Chèo, tuồng ra đời từ sớm và ngày càng phát triển.

+ Múa rối nước là một nghệ thuật đặc sắc, phát triển từ thời Lý.

+ Ca, múa, nhạc mang đậm tính dân gian truyền thống cùng với đó là các cuộc đua tài như: đấu vật, đua thuyền, đá cầu, …

+ Âm nhạc phát triển với nhiều nhạc cụ như trống cơm, sáo, tiêu, đàn cầm, đàn tranh, chiêng cồng,…

→ Nhận xét:

+ Văn hóa Đại Việt thế kỷ X - XV phát triển phong phú đa dạng.

+ Chịu ảnh hưởng của yếu tố ngoài song vẫn mang đậm tính dân tộc và dân gian.

d. Khoa học - kĩ thuật

- Sử học: Bộ Đại Việt sử ký của Lê văn Hưu (bộ sử chính thống thời Trần); Nam Sơn thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên).

- Địa lý: Dư địa chí, Hồng Đức bản đồ.

- Quân sự: có Binh thư yếu lược.

- Thiết chế chính trị: Thiên Nam dư hạ.

- Toán học: Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh; Lập thành toán pháp của Vũ Hữu.

- Kĩ thuật: Hồ Nguyên Trừng chế tạo súng thần cơ, thuyên chiến có lầu, thành nhà Hồ ở Thanh Hoá.

2. Luyện tập

Câu 1: Nhận xét vị trí của Phật giáo ở các thế kỉ X - XIV

Gợi ý trả lời:

Phật giáo có vị trí đặc biệt quan trọng và rất phổ biến trong các thế kỉ X đến XIV:

- Các nhà sư được triều đình tôn trọng, có lúc đã tham gia bàn việc nước.

- Vua quan nhiều người theo đạo Phật, góp tiền xây dựng chùa, đúc chuông, tô tượng, viết giáo lí nhà Phật.

Câu 2: Việc dựng bia Tiến sĩ có tác dụng gì?

Gợi ý trả lời:

Việc dựng bia Tiến sĩ có tác dụng:

- Ghi danh những người có trí thức tài giỏi đỗ đạt trong các kì thi.

- Cổ vũ, khuyến khích hoạt động học tập, thi cử trong nhân dân.

Câu 3: Đặc điểm của thơ văn các thế kỉ XI - XV.

Gợi ý trả lời:

Thơ văn các thế kỉ XI - XV mang những đặc điểm sau:

- Phát triển cả văn thơ chữ Hán và chữ Nôm.

- Thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

- Ca ngợi những chiến công oai hùng, cảnh đẹp quê hương đất nước, ca ngợi đất nước phát triển.

Câu 4: Hãy nhận xét về đời sống văn hóa của nhân dân thời Lý, Trần, Lê.

Gợi ý trả lời:

- Đời sống văn hóa của nhân dân Đại Việt dưới thời Lý, Trần, Lê phát triển phong phú và đa dạng.

- Ngoài những nét văn hóa mang đậm đà bản sắc dân tộc và dân gian, văn hóa dân tộc thời kì này còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố từ bên ngoài vào. 

3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Xây dựng và phát triển văn hóa dân tộc Lịch sử 10 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

Sau khi học xong bài này các em cần nắm được nội dung sau:

  • Biết được rong những thế kỷ độc lập, mặc dù trải qua nhiều biến động, nhân dân ta vẫn nổ lực xây dựng cho mình một nền văn hóa dân tộc tiến lên.
  • Hiểu được trải qua các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý Trần, Hồ, Lê sơ ở các thế kỷ X – XV, công cuộc xây dựng văn hóa được tiến hành đều đặn nhất quán. Đây cũng là giai đoạn hình thành của nền văn hóa Đại Việt (còn gọi là văn hóa Thăng Long).
  • Hiểu được nền văn hóa Thăng Long phản ánh đậm đà tư tưởng yêu nước, tự hào và độc lập dân tộc.
Ngày:04/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM