Lý 7 Bài 13: Môi trường truyền âm

Có những môi trường nào truyền được âm? Để biết chi tiết hơn, eLib xin chia sẻ bài học dưới đây. Hi vọng với phần lý thuyết và hướng dẫn trả lời câu hỏi một cách chi tiết, đây sẽ là tài liệu giúp các em học tập tốt hơn. Chúc các em học tốt!

Lý 7 Bài 13: Môi trường truyền âm

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Môi trường truyền âm

a)  Sự truyền âm trong chất khí:

- Thí nghiệm

Quả cầu bấc và trống

  • Khi gõ vào trống 1, quả cầu bấc treo gần trống 2 dao động.

  • Hiện tượng đó chứng tỏ mặt trống 2 dao động do âm đã được truyền từ mặt trống 1 đến mặt trống 2 quamôi trường không khí. 

  • Biên độ dao động của quả cầu bốc ở trống 2 nhỏ hơn biên độ dao động của quả cầu bốc ở trống 1.

- Kết luận: Độ to của âm càng giảm khi ở càng xa nguồn âm

b) Sự truyền âm trong chất rắn

- Thí nghiệm

Sự truyền âm trong chất rắn

  • Bạn A gõ nhẹ đầu bút chì xuống một góc bàn, sao cho bạn B đứng cuối bàn không nghe thấy, còn Bạn C áp tai xuống mặt bàn thì nghe rõ

- Kết luận: Âm truyền đến tai qua môi trường chất rắn (gỗ).

c) Sự truyền âm trong chất lỏng

- Thí nghiệm

Sự truyền âm trong chất lỏng

Đặt nguồn âm vào trong cốc kín, treo lơ lửng cốc trong một bình nước, ta vẫn nghe được âm phát ra.

- Kết luận: Âm truyền đến tai ta qua những môi trường: Khí, rắn, lỏng.

d) Âm có thể truyền được trong chân không hay không

- Thí nghiệm

Chuông điện

- Đặt một chuông điện trong 1 bình thuỷ tinh kín, ta vẫn nghe thấy tiếng chuông reo.

- Hút dần không khí trong bình ra, ta thấy:

  • Không khí trong bình càng ít, tiếng chuông nghe được càng nhỏ.

  • Khi trong bình hết không khí ta không nghe thấy tiếng chuông reo.

  • Nếu tiếp tục cho không khí vào bình ta lại nghe thấy tiếng chuông reo

- Kết luận: Âm không truyền được qua môi trường chân không

Hay : Âm có thể truyền qua những môi trường rắn, lỏng, khí và không thể truyền qua chân không

e)  Vận tốc truyền âm

- Vận tốc truyền âm trong 1 số chất ở  \({20^0}C\)

- Vận tốc truyền âm trong không khí nhỏ hơn trong nước, vận tốc truyền âm trong nước nhỏ hơn trong thép

- Vậy: 

  • Vận tốc truyền âm trong chất rắn lớn hơn trong chất lỏng, trong chất lỏng lớn hơn trong chất khí.

1.2. Tổng kết

Sơ đồ tư duy về môi trường truyền âm

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Giải thích sự truyền âm ở môi trường chân không

Khi ở ngoài khoảng không (chân không), các nhà du hành vũ trụ có thể nói chuyện với nhau một cách bình thường như khi họ trên mặt đất được không? Tại sao?

Hướng dẫn giải:

Các nhà du hành vũ trụ không thể nói chuyện với nhau một cách bình thường như khi họ trên mặt đất vì giữa họ bị ngăn cách bởi chân không bên ngoài bộ áo, mũ giáp bảo vệ. Âm thanh không thể truyền qua chân không để đến tai nhà du hành vũ trụ.

2.2. Dạng 2: Tìm vận tốc truyền âm trong các chất

Hãy so sánh vận tốc truyền âm trong không khí, nước và thép?

Hướng dẫn giải:

Vận tốc truyền âm trong không khí là 340 m/s.

Vận tốc truyền âm trong nước là 1500m/s.

Vận tốc truyền âm trong thép là 6100m/s.

⇒ Vận tốc truyền âm trong không khí < vận tốc truyền âm trong nước < vận tốc truyền âm trong thép. 

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Khi lặn xuống hồ, một người thợ lặn nghe được tiếng chuông sau 1/20 giây kể từ khi nó reo. Biết đồng hồ cũng được đặt chìm trong nước, hỏi khoảng cách giữa nó và người thợ lặn lúc này là bao nhiêu?

Câu 2: Một đoàn tàu bắt đầu chuyển động trong sân ga sau khi dừng ở đấy một thời gian. Hỏi bao lâu sau thì một người ở cách ga 2km và áp tai vào đường sắt thì nghe thấy tiếng tàu chạy? Biết vận tốc âm truyền trong đường ray là 6100 m/s.

Câu 3: Cho vận tốc truyền âm trong không khí là 340 m/s và trong nước là 1500 m/s. Vận tốc truyền âm trong thanh nhôm ở cùng điều kiện nhiệt độ có thể nhận giá trị nào?

Câu 4: Trong môi trường nào mà cứ 2 giây thì âm thanh lan truyền được 3000 mét?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Vận tốc truyền âm trong các môi trường được sắp xếp theo thứ tự tăng dần là:

A. Rắn, lỏng, khí        B. Lỏng, khí, rắn

C. Khí, lỏng, rắn        D. Rắn, khí, lỏng

Câu 2: Trong các môi trường sau, môi trường nào không thể truyền được âm: Nước sôi, tấm nhựa, chân không, cao su?

A. Tấm nhựa        B. Chân không

C. Nước sôi        D. Cao su

Câu 3: Nước có thể tồn tại ở ba thể là: rắn, lỏng, khí. Hãy chỉ ra nội dung nào sai trong các nội dung dưới đây?

A. Trong ba thể: rắn, lỏng, khí thì ở trạng thái rắn, nước truyền âm tốt nhất.

B. Trong ba thể: rắn, lỏng, khí thì ở trạng thái khí, nước truyền âm kém nhất.

C. Tốc độ truyền âm giảm theo thứ tự từ rắn, lỏng, khí.

D. Vì cùng là nước nên tốc độ truyền âm như nhau.

Câu 4: Âm truyền nhanh nhất trong trường hợp nào dưới đây?

A. Nước        B. Sắt        C. Khí O2        D. Chân không

4. Kết luận

Qua bài giảng Môi trường truyền âm này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Kể tên được một số môi trường truyền âm và không truyền được âm.

  • Nêu được một số thí dụ về sự truyền âm trong các môi trường khác nhau: Rắn, lỏng, khí.

Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM