Vật lý 7 Bài 15: Chống ô nhiễm tiếng ồn

Nếu như thiếu đi âm thanh thì cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng tẻ nhạt và khó khăn. Tuy nhiên, khi tiếng động lớn và kéo dài thì sẽ gây tác hại rất xấu tới thần kinh của con người. Do đó, người ta cần phải tìm ra cách để hạn chế bớt tiếng ồn, tránh gây ô nhiễm tiếng ồn. Vậy, Ô nhiễm tiếng ồn là gì và có những cách làm nào để hạn chế nó? Mời các em cùng theo dõi nội dung bài học.

Vật lý 7 Bài 15: Chống ô nhiễm tiếng ồn

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Nhận biết ô nhiễm tiếng ồn

a) Ô nhiễm tiếng ồn

- Tiếng ồn gây ô nhiễm là tiếng ồn to, kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hoạt động bình thường của con người

- Ví dụ:

Sấm sét

  • Tiếng sấm sét tuy to nhưng không kéo dài nên không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. ⇒ Không xem là ô nhiễm tiếng ồn.
  • Tiếng ồn máy khoan to và kéo dài gây ảnh hưởng đến việc gọi điện thoại và gây điếc tai người thợ khoan. ⇒ Ô nhiễm tiếng ồn
  • Tiếng họp chợ ồn to và kéo dài gây ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh. ⇒ Ô nhiễm tiếng ồn.

b) Tác hại của ô nhiễm tiếng ồn 

  • Tiếng ồn còn là nguyên nhân làm giảm thính lực của con người, gây điếc tai.

  • Làm tăng các bệnh thần kinh và cao huyết áp đối với những người lớn tuổi. 

  • Tác dụng liên tục của tiếng ồn có thể gây ra bệnh loét dạ dày.

  • Khi có tác động của tiếng ồn có thể dẫn tới giảm khả năng tập trung tư tưởng, giảm độ minh mẫn và giảm khả năng làm việc.

1.2. Các biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn 

- Để chống ô nhiểm tiếng ồn cần làm giảm độ to của tiếng ồn phát ra, ngăn chặn đường truyền âm, làm cho âm truyền theo hướng khác

- Một số biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn (đặc biệt là tiếng ồn giao thông):

  • Treo biển báo “Cấm bóp còi” tại  những nơi gần bệnh viện, trường học. 

Biển báo “Cấm bóp còi”

  • Xây dựng tường bêtông ngăn cách khu dân cư với đường cao tốc.

Tường bêtông

  • Trồng nhiều cây xanh để âm truyền đến gặp lá cây sẽ phản xạ theo các hướng khác nhau.

Cây xanh

  • Làm trần nhà, tường nhà dày bằng xốp, làm tường phủ dạ nhung để ngăn bớt âm truyền qua

Tường nhà

  • Vật liệu cách âm: là những vật liệu được dùng để làm giảm tiếng ồn truyền đến tai ta: Gạch, bê tông, gỗ…

2. Bài tập minh họa

2.1. Dạng 1: Nêu tên một số vật liệu thường dùng để ngăn chặn âm

a) Hãy nêu tên một số vật liệu thường dùng để ngăn chặn âm, làm cho âm truyền qua ít.

b) Hãy nêu tên một số vật liệu phản xạ âm tốt được dùng để cách âm

Hướng dẫn giải:

a) Những vật liệu thường được dùng để ngăn chặn âm, làm cho âm truyền qua ít là các vật liệu mềm như: len, xốp, ...

b) Những vật liệu phản xạ âm tốt được dùng để cách âm là các vật cứng có bề mặt nhẵn như: kính, gạch, ...

2.2. Dạng 2: Xác định trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn

Hãy chỉ ra trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn gần nơi em sống và đề ra một số biện pháp chống sự ô nhiễm tiếng ồn đó.

Hướng dẫn giải:

Các biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn có thể là:

Tiếng ồn họp chợ vào sáng sớm hằng ngày. Biện pháp: đóng cửa phòng, xây tường chắn, trồng cây xung quanh, làm tường cách âm, làm cửa kính cách âm…

Tiếng máy khoan, máy cắt, nổ mìn, phá đá. Biện pháp: bịt , nút tai khi làm việc.

Tiếng lợn kêu vào sáng sớm hằng ngày tại lò mổ. Biện pháp: đề nghị chuyên lò mổ tới nơi xa dân cư sinh sống, xây tường chắn xung quanh…

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Khi người làm việc trong điều kiện ô nhiễm tiếng ồn thì phải bảo vệ bằng cách nào?

Câu 2: Có một đường cao tốc vừa mới được xây dựng gần một trường học. Hàng ngày học sinh phải chịu ô nhiễm tiếng ồn, vì điều kiện chưa đổi được trường về vị trí khác nên người ta đã có những phương án để chống lại những tiếng ồn đó như sau. Ta cần sử dụng hương pháp nào?

Câu 3: Tiếng ồn to, kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động bình thường của con người thì gọi là ô nhiễm tiếng ồn. Đúng hay sai?

Câu 4: Để chống ô nhiễm tiếng ồn, người ta thường sử dụng các biện pháp nào?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Trường hợp nào sau đây không gây ô nhiễm tiếng ồn?

    A. Gần đường ray xe lửa         B. Gần sân bay

    C. Gần ao hồ                            D. Gần đường cao tốc

Câu 2: Giả sử một bệnh viện nằm bên cạnh đường quốc lộ có nhiều xe cộ qua lại. Biện pháp không thể giúp chống ô nhiễm tiếng ồn cho bệnh viện này là:

    A. Treo biển báo cấm bóp còi gần bệnh viện.

    B. Xây tường chắn xung quanh bệnh viện, đóng cửa các phòng để ngăn chặn đường truyền âm.

    C. Trồng nhiều cây xanh xung quanh bệnh viện để hướng âm truyền theo hướng khác.

    D. Dùng nhiều đồ dùng cứng có bề mặt nhẵn để hấp thụ bớt âm.

Câu 3: Tiếng ồn có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của con người?

A. Gây mệt mỏi             B. Gây buồn ngủ

C. Gây hưng phấn         D. Làm thính giác phát triển

Câu 4: Biện pháp nào sau đây không có hiệu quả để chống ô nhiễm tiếng ồn?

A. Làm giảm độ to của tiếng ồn phát ra

B. Ngăn chặn đường truyền âm.

C. Làm cho âm truyền theo hướng khác.

D. Làm cho âm truyền thẳng.

4. Kết luận

Qua bài giảng Chống ô nhiễm tiếng ồn này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Phân biệt được tiếng ồn và ô nhiễm tiếng ồn.

  • Nêu được và giải thích được vài biện pháp chống ô nhiễm tiếng ồn. Kể tên một số vật liệu cách âm.

Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM