Lý 7 Bài 17: Sự nhiễm điện do cọ xát

Tại sao vào ngày hanh khô khi chúng ta cởi áo khoác len thì sẽ nghe thấy những tiếng lách tách? Đặc biệt khi ở trong phòng tối còn có thể thấy các đốm sáng li ti nữa? Câu trả lời được  đưa ra là sự nhiễm điện do cọ xát đã gây ra. Nhưng sự cọ xát do nhiễm điện là gì ? Nó có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống của chúng ta? Đó cũng chính là nội dung chính mà chúng ta cần tìm hiểu ngày hôm nay. Mời các em cùng tìm hiểu nội dung bài học.

Lý 7 Bài 17: Sự nhiễm điện do cọ xát

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Thế nào là vật nhiễm điện

Vật nhiễm điện là vật có khả năng hút các vật khác hoặc phóng tia lửa điện sang các vật khác.

Vật bị nhiễm điện

a) Chiếc thước nhựa nhiễm điện hút các mảnh giấy vụn

b) Các đám mây nhiễm điệm (do sự cọ xát của những giọt nước mưa trong không khí) ⇒ xuất hiện tia lửa điện phát ra ánh chớp chói lóa trên bầu trời.

1.2. Phát hiện vật bị cọ xát bị nhiễm điện có khả năng làm sáng bóng đèn bút thử điện

- Thí nghiệm:

+ Bước 1:

  • Khi mảnh phim nhựa chưa bị cọ xát, chạm bút thử điện vào mảnh tôn phẳng đã được áp sát vào mảnh phim nhựa.

  • Bóng đèn bút thử điện không sáng.

+ Bước 2:

  • Dùng mảnh len cọ xát mảnh phim nhựa nhiều lần. 

  • Quan sát đèn của bút thử điện khi chạm bút vào mảnh tôn.

Thí nghiệm phát hiện vật nhiễm điện khi bị cọ xát

Kết luận: Nhiều vật sau khi bị cọ xát có khả năng làm sáng bóng đèn bút thử điện

1.3. Kết luận chung

  • Có thể làm nhiễm điện nhiều vật bằng cách cọ xát.

  • Các vật bị cọ xát có khả năng hút các vật khác hoặc có thể làm bóng đèn của bút thử điện sáng. Các vật đó gọi là các vật  nhiễm điện hay các vật mang điện tích. 

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Khi ta thổi vào mặt bàn, bụi bay đi. Tại sao cánh quạt điện thổi gió mạnh, sau một thời gian lại có nhiều bụi bám vào cánh quạt đặc biệt ở mép cánh quạt chém vào không khí?

Hướng dẫn giải

Khi ta thổi bụi trên mặt bàn, luồng gió thổi làm bụi bay đi.

Cánh quạt điện khi quay cọ xát mạnh với không khí và bị nhiễm điện, vì thế cánh quạt hút các hạt bụi có trong không khí ở gần nó. Lực hút của cánh quạt lên bụi mạnh hơn nhiều lực đẩy của gió lên hạt bụi nên hạt bụi bám vào cánh quạt.

Đặc biệt mép cánh quạt được cọ xát mạnh nhất nên nhiễm điện nhiều nhất. Do đó, chỗ mép cánh quạt hút bụi mạnh nhất và bụi bám ở mép cánh quạt nhiều nhất.

Câu 2: Vào những ngày thời tiết khô ráo, khi lau chùi gương soi, kính cửa sổ hay màn hình tivi bằng khăn bông khô, ta vẵn thấy có bụi vải bám vào chúng. Giải thích tại sao?

Hướng dẫn giải

Khi lau chùi gương soi, kính cửa sổ hay màn hình tivi bằng khăn bông khô, chúng cọ xát với khăn bông khô và bị nhiễm điện. Vì thế chúng hút các hạt bụi vải.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Vào những ngày như thế nào thì các thí nghiệm về sự nhiễm điện do cọ xát thực hiện dễ thành công?

Câu 2: Vì sao sau một thời gian hoạt động, cánh quạt dính nhiều bụi?

Câu 3: Xe chạy một thời gian dài. Sau khi xuống xe, sờ vào thành xe, đôi lúc ta thấy như bị điện giật. Nguyên nhân là gì?

Câu 4: Trong một số ngành sản xuất, nhiều khi người ta thấy có các tia lửa phóng ra giữa dây kéo và ròng rọc. Giải thích vì sao?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Trong các thí nghiệm về sự nhiễm điện do cọ xát, vai trò (tác dụng) của các vụn giấy, quả cầu nhựa xốp, bút thử điện là:

A. xác định xem các vụn giấy, quả cầu nhựa xốp có bị hút hoặc đẩy không.

B. xác định xem bóng đèn bút thử điện có sáng lên hay không.

C. những vật ″thử″, qua biểu hiện của chúng mà ta xác định được một vật có nhiễm điện hay không.

D. tạo ra hiện tượng hút hoặc đẩy, sáng hay không sáng.

Câu 2: Những ngày hanh khô, khi chải tóc khô bằng lược nhựa thì nhiều sợi tóc bị

lược nhựa hút kéo thẳng ra vì:

A. lược nhựa chuyển động thẳng kéo sợi tóc thẳng ra.

B. các sợi tóc trơn hơn và bị cuốn thẳng ra.

C. tóc đang rối, bị chải thì thẳng ra.

D. khi cọ xát với tóc lược nhựa bị nhiễm điện nên nó hút và kéo làm cho sợi tóc thẳng ra.

Câu 3: Có thể làm nhiễm điện cho một vật bằng cách

A. Cọ xát vật        B. Nhúng vật vào nước đá

C. Cho chạm vào nam châm        D. Nung nóng vật

Câu 4: Nhiều vật sau khi cọ xát có khả năng

A. đẩy các vật khác       B. hút các vật khác

C. vừa hút vừa đẩy các vật khác        D. không hút, không đẩy các vật khác

4. Kết luận

Qua bài giảng Sự nhiễm điện do cọ xát này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Mô tả được một hiện tượng hoặc một thí nghiệm chứng tỏ vật bị nhiễm điện do cọ xát.

  • Giải thích được một số hiện tượng nhiễm điện do cọ xát trong thực tế (chỉ ra các vật nào cọ xát với nhau và biểu hiện của sự nhiễm điện).

Ngày:19/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM