Lý 7 Bài 25: Hiệu điện thế

Thiết bị điện nào có tác dụng duy trì dòng điện trong mạch điện kín? Tại sao nguồn điện có tác dụng duy trì dòng điện trong mạch điện kín (ví dụ như để làm sáng bóng đèn)? Tất cả các câu hỏi này sẽ được giải đáp ngay trong nội dung bài học ngày hôm nay bài học. Mời các em cùng nhau tìm hiểu nhé.

Lý 7 Bài 25: Hiệu điện thế

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Hiệu điện thế

- Nguồn điện tạo ra giữa hai cực của nó một hiệu điện thế.

- Hiệu điện thế được kí hiệu bằng chữ U.

- Đơn vị đo hiệu điện thế là vôn, kí hiệu là V.

+ Đối với hiệu điện thế có giá trị nhỏ, người ta dùng đơn vị milivôn, kí hiệu mV.

  • 1 mV = 0,001 V        1 V = 1000 mV

+ Đối với hiệu điện thế có giá trị lớn, người ta dùng đơn vị kilôvôn, kí hiệu là kV.

  • 1 kV = 1000 V         1 V = 0,001 kV

- Trên mỗi nguồn điện có ghi giá trị hiệu điện thế giữa hai cực của nó khi chưa mắc vào mạch.

Hiệu điện thế của các nguồn điện

1.2. Vôn kế

- Vôn kế là dụng cụ để đo hiệu điện thế

- Có 2 loại vôn kế:

  • Vôn kế đồng hồ kim       

Vôn kế đồng hồ kim

  • Vôn kế hiện thị số

Vôn kế hiện thị số

- Kí hiệu vẽ sơ đồ mạch điện:

  Kí hiệu Vôn kế

  • Trên mặt vôn kế ghi chữ V ( thì số đo hiệu điện thế tính theo đơn vị V). trên mặt vôn kế ghi chữ mV ( thì số đo hiệu điện thế tính theo đơn vị mV)

  • Mỗi vôn kế đều có giới hạn đo (GHĐ), và độ chia nhỏ nhất (ĐCNN) xác định 

1.3. Đo hiệu điện thế giữa hai cực của nguồn điện khi mạch điện hở

-  Khi sử dụng vôn kế đo hiệu điện thế cần lưu ý:

  • Chọn Vôn kế có GHĐ và ĐCNN phù hợp với giá trị cần đo.
  • Mắc Vôn kế song song với vật cần đo hiệu điện thế sao cho dòng điện đi vào chốt dương (+) và đi ra chốt (-) của Vôn kế (tức là chốt (+) của Vôn kế mắc về phía cực dương của nguồn điện còn chốt (-) của vôn kế mắc về phía cực âm của nguồn điện).

Mạch điện

- Số chỉ của Vôn kế mắc song song với vật chính là giá trị của hiệu điện thế giữa hai đầu vật dẫn đó.

  • Khi mắc trực tiếp hai chốt của Vôn kế vào hai cực của nguồn điện tức là đo hiệu điện thế giữa hai đầu của nguồn điện đó (hình 3.1)

2. Bài tập minh họa

Câu 1: Trên mỗi nguồn điện có ghi giá trị hiệu điện thế giữa hai cực của nó khi chưa mắc vào mạch. Hãy ghi các giá trị này cho các nguồn điện dưới đây:

*Pin tròn: ... V;

*Acquỵ của xe máy: ... V;

*Giữa hai lỗ, của ổ lấy điện trong nhà: ... V.

Hướng dẫn giải

Pin tròn (pin con ó,...) có U= 1,5 V.

Acquy xe máy có U = 6 V hoặc U = 12V.

Giữa hai lỗ của ổ cắm điện nhà U = 220 V hoặc U = 110 V.

Câu 2: Đổi đơn vị đo cho các giá trị sau đây:

a. 2,5 V = ... mV

b. 6 kV = ...V

c. 110 V = ... kV

d. 1200 mV = ... V

Hướng dẫn giải

a) 2,5 V = 2500 mV

b) 6 kV = 6000 V

c) 110 V = 0,110 kV

d) 1200 mV = 1,2 V

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Quan sát mặt số của một dụng cụ đo điện được vẽ trên hình 25.4 và cho biết:

Vôn kế

Dụng cụ này có tên gọi là gì? Kí hiệu nào trên dụng cụ cho biết điều đó?

Câu 2: Muốn đo hiệu điện thế giữa hai đầu ổ cắm điện trong nhà, ta phải chỉnh trên vôn kế có giới hạn đo bao nhiêu?

Câu 3: Giữa hai lỗ của ổ điện lấy trong mạng điện gia đình ở Việt Nam, giá trị hiệu điện thế là bao nhiêu?

Câu 4: Điền từ thích hợp vào chỗ trống: Nguồn điện tạo ra giữa hai cực của nó một………………

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Phát biểu nào dưới đây là sai?

Đơn vị của hiệu điện thế là:

A. Vôn (V)       B. Ampe (A)       C. Milivôn (mV)       D. Kilovôn (kV)

Câu 2: Dùng vôn kế có độ chia nhỏ nhất là 0,2 V để đo hiệu điện thế giữa hai đầu cực của nguồn điện khi chưa mắc vào mạch. cách viết kết quả đo nào dưới đây là đúng?

A. 314 mV        B. 5,8 V

C. 1,52 V        D. 3,16 V

Câu 3: Chọn câu trả lời đúng: Đo hiệu điện thế giữa hai cực của nguồn điện khi mạch điện hở.

A. Mắc vôn kế song song với 2 cực của nguồn điện. Cực dương của vôn kế nối với cực dương, cực âm nối với cực âm của nguồn điện

B. Mắc vôn kế song song với 2 cực của nguồn điện. Cực dương của vôn kế nối với cực âm, cực âm nối với cực dương của nguồn điện.

C. Mắc vôn kế nối tiếp với 2 cực của nguồn điện. Cực dương của vôn kế nối với cực dương, cực âm nối với cực âm của nguồn điện.

D. Mắc vôn kế nối tiếp với 2 cực của nguồn điện. Cực dương của vôn kế nối với cực âm, cực âm nối với cực dương của nguồn điện.

Câu 4: Chọn câu trả lời sai: Vôn kế là dụng cụ để đo

A. hiệu điện thế giữa hai cực nguồn điện.

B. hiệu điện thế giữa hai đầu bóng đèn.

C. hiệu điện thế giữa hai điểm của một đoạn mạch.

D. hiệu điện thế của cực dương nguồn điện hay của một điểm nào đó trên mạch điện.

4. Kết luận

Qua bài giảng Hiệu điện thế này, các em cần hoàn thành 1 số mục tiêu mà bài đưa ra như:

  • Nêu được: giữa hai cực của nguồn điện có một hiệu điện thế.

  • Nắm được khi mạch hở, hiệu điện thế giữa hai cực của pin hay acquy (còn mới) có giá trị bằng số vôn ghi trên vỏ mỗi nguồn điện này.

  • Nêu được khi có hiệu điện thế giữa hai đầu bóng đèn thì có dòng điện chạy qua bóng đèn.

Ngày:20/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM