Lịch sử 9 Bài 14: Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất

Hãy cùng eLib ôn tập kiến thức bài học để biết Sau chiến tranh, thực dân Pháp tiến hành chương trình khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Việt Nam như thế nào. Điều đó khiến cho kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta lúc bấy giờ bị biến đổi sâu sắc. Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này kĩ hơn ở dưới đây nhé!

Lịch sử 9 Bài 14: Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Chương trình khai thác lần thứ hai của thực dân Pháp

a. Nguyên nhân

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp là nước thắng trận nhưng bị tàn phá nặng nề, kinh tế kiệt quệ.
Bản chất của đế quốc

→ Mục đích: vơ vét, bóc lột để bù đắp thiệt hại do chiến tranh gây ra.

b. Nội dung

- Nông nghiệp: được đầu tư vốn nhiều nhất, mở rộng diện tích canh tác cây công nghiệp, chủ yếu là đồn điền cao su.

- Công nghiệp: Tăng cường đầu tư vào khai thác mỏ, đặc biệt là than và một số kim loại màu: thiếc, chì, kẽm. Đồng thời mở rộng một số cơ sở công nghiệp nhẹ như sợi, vải, diêm…

- Thương nghiệp: Đánh thuế nặng vào hàng hóa các nước nhập vào Việt Nam, chủ yếu là hàng hóa Pháp.

- Giao thông vận tải: đầu tư xây dựng đường sắt xuyên Đông Dương

- Tài chính: Ngân hàng Đông Dương độc quyền phát hành giấy bạc, chi phối toàn bộ ngành kinh tế.

- Thuế khóa: Đánh thuế nặng vào ruộng đất, thuế khóa, rượu, muối…

c. Đặc điểm: Diễn ra với tốc độ và quy mô lớn chưa từng thấy từ trước đến nay.

d. Tác động: Nền kinh tế tuy có phát triển nhưng què quặt, lạc hậu và phụ thuộc vào kinh tế Pháp…

Nguồn lợi của tư bản Pháp ở Việt Nam trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai

1.2. Các chính sách chính trị, văn hóa, giáo dục

a. Chính trị

- Thực hiện chính sách “ chia để trị”.

- Thâu tóm mọi quyền hành, cấm đoán tự do dân chủ, thẳng tay đàn áp, khủng bố…

b. Văn hóa, giáo dục

Pháp khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, hạn chế mở trường học…

→ Phục vụ cho công cuộc cai trị, khai thác, bóc lột ở thuộc địa

1.3. Xã hội Việt Nam phân hóa

a. Giai cấp địa chủ phong kiến

- Câu kết chặt chẽ với thực dân Pháp làm tay sai, áp bức bóc lột nhân dân.

- Bộ phân địa chủ nhỏ và vừa có tinh thần yêu nước.

b. Giai cấp tư sản

Ra đời sau chiến tranh

- Phân hóa thành 2 bộ phận: tư sản mại bản (làm tay sai cho Pháp) và tư sản dân tộc ( chống đế quốc, chống phong kiến).

c. Tầng lớp tiểu tư sản thành thị

- Số lượng tăng nhanh, đời sống bấp bênh

- Bộ phận tri thức có tinh thần hăng hái cách mạng.

d. Giai cấp nông dân

- Chiếm hơn 90% dân số, bị thực dân, phong kiến áp bức, bóc lột nặng nề, bị bần cùng hóa.

- Là lực lượng hăng hái, đông đảo của cách mạng.

e. Giai cấp công nhân

Phát triển nhanh về số lượng và chất lượng

Bị ba tầng áp bức, có quan hệ gần gũi với người nông dân, có truyền thống yêu nước.

→ Xã hội Việt Nam có sự phân hóa sâu sắc, mỗi giai cấp tầng lớp có thái độ chính trị và khả năng cách mạng riêng.

2. Luyện tập

Câu 1: Tại sao thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Việt Nam và Đông Dương ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất?

Gợi ý trả lời

Sở dĩ thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác Việt Nam và Đông Dương ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất do:

- Sau chiến tranh, Pháp tuy là nước thắng trận, nhưng đất nước bị tàn phá nặng nề, nền kinh tế kiệt quệ.

- Để bù lại những thiệt hại do chiến tranh gây ra, thực dân Pháp vừa tăng cường bóc lột nhân trong nước vừa đẩy mạnh khai thác thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

Câu 2: Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp đã thi hành ở Việt Nam những thủ đoạn chính trị, văn hóa, giáo dục nào?

Gợi ý trả lời

1. Về chính trị:

- Pháp thực hiện các chính sách "chia để trị", chia nước ta làm ba kì với ba chế độ chính trị khác nhau. Chia rẽ giữa các dân tộc đa số và thiểu số, chia rẽ tôn giáo.

- Triệt để lợi dụng bộ máy của bọn cường hào, địa chủ ở nông thôn để củng cố uy quyền và bảo vệ sự thống trị của chúng.

2. Về văn hóa, giáo dục:

- Triệt để thi hành chính sách văn hóa giáo dục nô dịch nhằm gây tâm lý tự ti, ra sức khuyến khích các hoạt động mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, bán dâm,…

- Hạn chế mở trường học.

- Xuất bản các sách báo công khai để tuyên truyền cho chính sách khai hóa của thực dân và gieo rắc ảo tưởng hoà bình, hợp tác với bọn thực dân cướp nước và vua quan bù nhìn bán nước.

Câu 3: Mục đích của những thủ đoạn về chính trị, văn hóa, giáo dục của Pháp là gì?

Gợi ý trả lời

Mục đích của những thủ đoạn về chính trị, văn hóa, giáo dục của Pháp:

- Phục vụ cho công cuộc đẩy mạnh khai thác, bóc lột và củng cố bộ máy chính trị của thực dân Pháp ở thuộc địa.

- Nô dịch tinh thần quần chúng, biến quần chúng thành những đám đông tự ti, kém hiểu biết,.. truỵ lạc hoá đối với người dân, đặc biệt là thanh niên với mọi thủ đoạn.

3. Kết luận

Qua bài học này các em cần nắm được những nét nổi bật tình hình Việt Nam sau chiến tranh thế giới 1 cụ thể như:

  • Chương trình khai thác lần thứ hai của thực dân Pháp 
  • Chính sách chính trị, văn hóa, giáo dục
Ngày:02/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM