Lịch sử 9 Bài 25: Những năm đầu của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 -1950)
eLib xin giới thiệu đến các em bài học dưới đây, nội dung này sẽ giúp các em tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Pháp với quy mô toàn quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh như thế nào? Đảng ta và Bác đã làm gì để lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện là như thế nào? Pháp tấn công Việt Bắc ra sao? Mời các em cùng tìm hiểu.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ (9-12-1946)
a. Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ
Mặc dù ta đã nhân nhượng nhưng Thực dân Pháp vẫn quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng đánh chiếm Hà Nội, gửi tối hậu thư cho ta. Trước tình hình đó, Đảng ta quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Ngay tối, 19-12 -1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quôc kháng chiến.
b. Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng ta
Tính chất, mục đích nội dung phương châm chiến lược của chiến tranh nhân dân là toàn dân toàn diện, trường kì tự lực cánh sinh, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
1.2. Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16
Ở Hà Nội, ngày 17-2-1947, Trung đoàn thủ đô được thành lập. Tại các thành phố Nam Định, Huế, Đà Nẵng quân ta chủ động tiến công địch.
1.3. Tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến đâu lâu dài
Quyết định đưa máy móc,thiết bị đến nơi an toàn, tiến hành tiêu thổ kháng chiến. Chia cả nước thành 12 khu hành chính. Mọi người dân từ 18 đến 45 tuổi đều được tuyển chọn vào du kích, bộ đội địa phương. Thực hiện các khẩu hiệu ăn no đánh thắng.
1.4. Chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947
Pháp thực hiện âm mưu đánh nhanh thắng nhanh. Chúng huy động 12000 quân tiến công lên Việt Bắc. Thực hiện chủ trương của Đảng trên các hướng của mặt trận, quân dân ta anh dũng chiến đấu , tiêu diệt nhiều sinh lực địch,bẻ gãy từng gọng kìm của chúng. Cuộc chiến đấu kết thúc thắng lợi.
1.5. Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân toàn diện
Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến, ta đã chuẩn bị đẩy mạnh trên mọi mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế, văn hóa giáo dục.
2. Luyện tập
Câu 1: Tại sao cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân dân Pháp của nhân dân ta bùng nổ 19-12-1946?
Gợi ý trả lời:
- Mặc dù đã kí Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946, nhưng thực dân Pháp không nghiêm túc thực hiện mà ra sức khiêu khích, phá hoại. Chúng không ngừng bắn ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, tìm cách thành lập “Nam Kì tự trị”. Hạ tuần tháng 11-1946, chũng chiếm đóng ở Hải Phòng, Lạng Sơn. Đầu tháng 12 chúng đổ bộ lên Đà Nẵng, chiếm đóng Hải Dương và tăng thêm quân ở Hải Phòng.
- Tại Hà Nội, liên tiếp từ đầu tháng 12-1946, quân Pháp ra sức khiêu khích như đốt cháy Nhà Thông tin ở phố Tràng Tiền, phá chướng ngại vật của ta ở phố Lò Đúc, bắn vào dân thường như phố Hàng Bún, Yên Ninh, chiếm đóng trị sở Bộ Tài chính, Bộ Giao Thông công chính.
- Đến đây, bộ mặt của thực dân Pháp muốn xâm lược nước ta đã rõ ràng. Tình hình đó đòi hỏi Đáng và Chính ohur phải có những quyết sách kịp thời. Ngày 12-12-1946, Đảng đã họp và ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”.
- Đặc biệt nghiêm trọng là trong các ngày 18 và 19-12-1946, quân Pháp gửi tối hậu thư như đòi ta phải giải tán lực lượng tự vệ và nắm quyền kiểm soát thủ đô, nếu không được chấp nhận thì chậm nhất là sáng ngày 20-12-1946 chúng sẽ chuyển sang hành động.
- Nền độc lập của chúng ta đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì vậy, trong hai ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc, Hà Đông phát động cuộc kháng chiến toàn quốc. Khoảng 20h ngày 19-12-1946 công nhân nhà máy điện Yên Phụ phá máy, cả Hà Nội mất điện. Đó là tín hiệu của cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu.
Câu 2: Cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện của nhân dân ta được đẩy mạnh như thế nào?
Gợi ý trả lời:
- Về quân sự : thực hiện vũ trang toàn dân, phát động chiến tranh du kích.
- Về chính trị - ngoại giao : năm 1948, tại Nam Bỏ, lần đầu tiên ta tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân từ cấp xã đến cấp tỉnh. Củng cố ủy ban kháng chiến hành chính các cấp. Đầu năm 1950, Trung Quốc, Liên Xô và nhiều nước dân chủ nhân dân đã đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.
- Về kinh tế : ta chủ trương phá hoại kinh tế của địch, xây dựng nền kinh tế tự cấp, tự túc.
- Về văn hoá, giáo dục : tháng 7-1950, Chính phủ đề ra chủ trương cải cách giáo dục phổ thông.
Câu 3: Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của Đảng được cụ thể hóa ra sao?
Gợi ý trả lời:
- Đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của Đảng được thể hiện qua lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh, Tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của đồng chí Trường Chinh.
- Đảng và Chính phủ chủ trương tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến cơ sở, tăng cường lực lượng vũ trang nhân dân, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.
- Về quân sự, ta chủ trương động viên nhân dân thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển chiến tranh du kích.
- Về chính trị và ngoại giao, năm 1948, tại Nam Bộ, lần đầu tiên ta tiến hành bầu cử Hội đồng Nhân dân cấp xã đến cấp tỉnh, ở nhiều nơi, Hội đồng Nhân dân và ủy ban Kháng chiến hành chính các cấp được củng cố và kiện toàn.
- Tháng 6 - 1949, Việt Minh và Hội Liên Việt quyết định tiến tới thống nhất hai tổ chức từ cơ sở đến trung ương.
- Ngày 14 - 1 - 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với bất cứ nước lao tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Sau lời tuyên bố đó, chính phủ nhiều nước chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với ta đầu tiên là Trung Quốc, tiếp đó là Liên Xô, rồi lần lượt các nước dân chủ nhân dân khác.
- Về kinh tế, ta chủ trương vừa ra sức phá hóa kinh tế địch, vừa đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ nền kinh tế dân chủ nhân dân có khả năng tự cấp tự túc.
- Về văn hóa, giáo dục, tháng 7 - 1950, Chính phủ đề ra chủ trương cải cách giáo dục phổ thông, thay hệ thống giáo dục 12 năm bằng hệ thống giáo dục 9 năm, hướng giáo dục phục vụ kháng chiến và kiến quốc, đặt nền móng cho nền giáo dục dân tộc dân chủ nhân dân.
Câu 4: Phân tích ý nghĩa lịch sử của cuộc chiến đấu ở các đô thị và chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947?
Gợi ý trả lời:
- Ý nghĩa của cuộc chiến đấu thắng lợi ở các đô thị:
- Cuộc chiến đấu chủ động bao vây và tiến công quân Pháp của ta đã làm tiêu hao lực lượng địch, tạo ra thế trận cho chiến tranh nhân dân, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài, toàn dân, toàn diện.
- Ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947:
- Đây là chiến dịch phản công lớn đầu tiên của ta giành được thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng này đã chứng minh sự đúng đắn về đường lối kháng chiến lâu dài của Đảng. Chứng minh sự vững chắc của Căn cứ địa Việt Bắc. Sau chiến thắng Việt Bắc, ta có thêm điều kiện để xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến toàn quốc, toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh.
- Căn cứ Việt Bắc vẫn được giữ vững, bộ đội chủ lực ngày càng trưởng thành.
- Làm thất bại âm mưu của Pháp, buộc Pháp phải chuyển sang đánh lâu dài với ta.
- Thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc đã chứng tỏ rằng lực lượng của ta ngày càng hùng mạnh , lực lượng của địch ngày càng suy yếu, cuộc chiến thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ta.
3. Kết luận
Sau bài học các em học sinh nắm được:
- Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ (19-12-1946) và đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của ta.
- Tóm tắt cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16.
- Những nét chính về quá trình tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài của Đảng và Nhân dân ta trên các mặt: kinh tế, chính trị, quân sự, giáo dục...
- Tóm tắt Chiến dịch Việt Bắc thu - đông năm 1947: âm mưu của Pháp, chủ trương của ta, diễn biến, kết quả, ý nghĩa.
- Tóm tắt: Đẩy mạnh kháng chiến toàn dân, toàn diện trên các mặt: quân sự, chính trị - ngoại giao, kinh tế, văn hóa - giáo dục.