Công nghệ 11 Bài 23: Cơ cấu trục khuỷu thanh truyền

Ở Bài 20: Khái quát về động cơ đốt trong , chúng ta đã biết cấu tạo chung của ĐCĐT gồm 2 cơ cấu và 4 hệ thống chính. Hôm nay chúng ta tìm hiểu một trong hai cơ cấu trên, đó là cơ cấu trục khuỷu thanh truyền. Mời các em cùng nghiên cứu nội dung Bài 23: Cơ cấu trục khuỷu thanh truyền để có thể nắm vững kiến thức phần này nhé.

Công nghệ 11 Bài 23: Cơ cấu trục khuỷu thanh truyền

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Giới thiệu chung

- Cơ cấu trục khuỷu thanh truyền chia làm 3 nhóm chi tiết chính. Nhóm pit-tông, nhóm thanh truyền, nhóm trục khuỷu. Khi động cơ làm việc pit-tông chuyển động tịnh tiến trong xilanh, trục khuỷu quay tròn, còn thanh truyền là chi tiết truyền lực giữa pit-tông và trục khuỷu.

- Nhiệm vụ: Pit-tông có nhiệm vụ cùng với xilanh, nắp máy tạo thành không gian làm việc, nhận lực đẩy của khí cháy rồi truyền lực cho thục khuỷu để sinh công và nhận lực từ trục khuỷu để thực hiện các quá trình nạp, nén và thải khí.

- Cấu tạo: Pit-tông được chia làm ba phần chính: đỉnh, đầu và thân.

+ Đỉnh pit-tông: có 3 dạng: đỉnh lồi, đỉnh bằng, đỉnh lõm.

+ Đầu pit-tông có các rãnh để lắp xecmăng khí và xecmăng dầu, xecmăng dầu được lắp ở phía dưới. Đáy rãnh lắp xecmang dầu có khoan các lỗ nhỏ thông vào bên trong để thoát dầu.

+ Thân pit-tông có nhiệm vụ dẫn hướng cho pit-tông chuyển động trong xilanh và liên kết thanh truyền lực. Trên thân pit-tông có khoan lỗ để lắp chốt pit-tông liên kết với thanh truyền.

1.2. Thanh truyền

- Nhiệm vụ: Thanh truyền là chi tiết truyền lực giữa pit-tông và trục khuỷu.

- Cấu tạo: Thanh truyền được chia làm 3 phần: đầu nhỏ, thân và đầu to.

+ Đầu nhỏ thanh truyền để lắp vơi chốt pit-tông, có dạng hình trụ.

+ Đầu to thanh truyền để lắp với chốt khuỷu, có thể làm liền khối hoặc làm 2 nửa và dùng bu lông ghép lại với nhau.

+ Bên trong đầu to và đầu nhỏ có lắp bạc lót hoặc ổ bi. Riêng với đầu to thanh truyền loại cắt làm hai nửa chỉ dùng bạc lót 5 và bạc lót cắt làm hai nửa.

1.3. Trục khuỷu

- Nhiệm vụ: Trục khuỷu có nhiệm vụ nhận lực từ thanh truyền tạo ra mô men quay để kéo máy công tác, ngoài ra trục khuỷu còn dẫn động cho tất cả các cơ cấu hệ thống để động cơ hoạt động.

- Cấu tạo: Cấu tạo trục khuỷu gồm các chi tiết sau:

+ Cổ khuỷu 3 là trục quay của trục khuỷu.

+ Chốt khuỷu 2 để lắp đầu to thanh truyền.

+ Má khuỷu 4 nối chốt khuỷu và cổ khuỷu.

Trục khuỷu động cơ bốn xi lanh

- Cổ khuỷu và chốt khuỷu có dạng hình trụ, má khuỷu có hình dạng tuỳ thuộc từng loại động cơ. Trên má khuỷu thường cấu tạo thêm đối trọng 5. Đối trọng làm liền với má khuỷu hoặc làm riêng rồi hàn hoặc lắp với má khuỷu bằng gugiông.

- Đuôi trục khuỷu 6 được cấu tạo lắp bánh đà, cơ cấu truyền tới lực máy công tác.

2. Bài tập minh họa

Bài 1: Tại sao ở đầu nhỏ và đầu to thanh truyền cần phải lắp bạc lót hoặc ổ bi?

Hướng dẫn giải:

Giảm ma sát giữa các chi tiết khi động cơ làm việc.

Dễ dàng tháo lắp, thay thế khi sửa chữa.

Bài 2: Tại sao không làm pit-tông vừa khít với xilanh để không phải sử dụng xecmăng?

Hướng dẫn giải:

Không thể được vì cần độ dãn nở của kim loại. 

Nếu không có bạc xecmăng thì khi nguội có thể nổ máy được nhưng khi máy nóng thì pittông sẽ giãn nở và làm bó máy. 

Bạc xecmăng cũng cần có độ hở vài gem.Và nhất là cũng cần phải có những lỗ nhỏ cho nhớt đi qua.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Nêu nhiệm vụ của pit-tông, thanh truyền và trục khuỷu.

Câu 2: Trình bày cấu tạo của pit-tông, thanh truyền và trục khuỷu.

Câu 3: Trình bày cấu tạo của thanh truyền, cấu tạo đó có ý nghĩa như thế nào với nhiệm vụ truyền lực giữa pit-tông và trục khuỷu?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Điền từ thích hợp vào chỗ trống: .......cùng với xilanh và nắp máy tạo thành không gian làm việc của động cơ.

A. Đỉnh pit-tông

B. Thân pit-tông

C. Đầu pit-tông

D. Chốt pit-tông

Câu 2: Phát biểu nào sau đây sai:

A. Xecmăng dầu ngăn không cho dầu dưới cacte sục lên buồng cháy.

B. Xecmăng khí ngăn không cho khí cháy lọt xuống cate.

C. Nếu chế tạo pit-tông vừa khít với xilanh thì không cần xec măng, nhằm giảm chi phí.

D. Không thể chế tạo pit-tông vừa khít với xilanh để khỏi sử dụng xecmăng

Câu 3: Phát biểu nào sau đây đúng khi nói về thanh truyền:

A. Thân thanh truyền có tiết diện hình chữ I.

B. Đầu to thanh truyền chia làm 2 nửa.

C. Đầu to thanh truyền chỉ dùng bạc lót.

D. Đầu to thanh truyền có thể dùng bạc lót hoặc ổ bi.

Câu 4: Theo em, người ta bố trí trục khuỷu ở:

A. Thân máy

B. Thân xilanh

C. Cacte

D. Trong buồng cháy

Câu 5: Phát biểu nào sau đây đúng?

A. Cổ khuỷu lắp với đầu to thanh truyền.

B. Chốt khuỷu lắp với đầu nhỏ thanh truyền

C. Chốt khuỷu lắp với đầu to thanh truyền

D. Cổ khuỷu lắp với thân thanh truyền

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm ơ cấu trục khuỷu thanh truyền Công nghệ 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần nắm vững các nội dung trọng tâm sau:

  • Biết được nhiệm vụ và cấu tạo của các chi tiết chính trong cơ cấu trục khuỷu thanh truyền.
  • Đọc được sơ đồ cấu tạo của piston, thanh truyền và trục khuỷu.
Ngày:17/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM