Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 16: Đặc điểm dân số và phân bố dân cư ở nước ta
eLib xin giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh nội dung giải bài tập Đặc điểm dân số và phân bố dân cư ở nước ta SGK Địa lí 12 dưới đây. Tài liệu gồm các bài tập có phương pháp và hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp các em ôn tập thật tốt kiến thức, củng cố kỹ năng làm bài tập hiệu quả. Mời các em cùng tham khảo!
Mục lục nội dung
1. Giải bài 1 trang 72 SGK Địa lí 12
Phân tích tác động của đặc điểm dân số nước ta đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Phương pháp giải
Cần phân tích tác động tích cực và tiêu cực ở các mặt dân số, thành phần dân tộc, kinh tế, xã hội và môi trường để trả lời câu hỏi đề bài.
Gợi ý trả lời
- Thuận lợi:
+ Dân số đông:
- Nguồn lao động dồi dào, tác động tích cực đến nền kinh tế, phát triển các ngành cần nhiều lao động, thu hút đầu tư nước ngoài.
- Thị trường tiêu thụ rộng lớn, thúc đẩy cung cầu của thị trường trong và ngoài nước.
+ Dân số trẻ:
- Năng động sáng tạo, tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học kĩ thuật.
- Tỉ lệ người phụ thuộc ít, giúp tập trung phát triển kinh tế.
+ Thành phần dân tộc đa dạng:
- Các dân tộc đoàn kết, phát huy truyền thống văn hóa, tạo nên sức mạnh phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ Quốc.
- Tất cả bộ phận người Việt sống ở nước ngoài đều hướng về Tổ Quốc và đóng góp công sức cho xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở quê hương.
- Khó khăn:
+ Về kinh tế:
- Mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn mức gia tăng dân số, khiến cho nền kinh tế bị kĩm hãm.
- Vấn đề thiếu việc làm và thất nghiệp trở nên gay gắt.
- Dân cư phân bố không hợp lý nên việc sử dụng và khai thác tài nguyên chưa hợp lý và hiệu quả.
+ Về xã hội:
- Trình độ dân trí chênh lệch, nền văn hóa còn nhiều khác biệt.
- Mức sống thấp, bình quân đầu người chưa cao.
- Các dịch vụ y tế giáo dục còn nhiều gánh nặng.
+ Môi trường:
- Ô nhiễm môi trường.
- Cạn kiệt tài nguyên.
2. Giải bài 2 trang 72 SGK Địa lí 12
Tại sao ở nước ta hiện nay, tỉ lệ gia tăng dân số có xu hướng giảm, nhưng quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng? Nêu ví dụ minh họa.
Phương pháp giải
Dựa vào đặc điểm quy mô và cơ cấu dân số nước ta để giải thích tại sao ở nước ta hiện nay, tỉ lệ gia tăng dân số có xu hướng giảm, nhưng quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng. Từ đó đưa ra ví dụ minh họa cụ thể.
Gợi ý trả lời
- Tỉ lệ gia tăng dân số có xu hướng giảm nhưng quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng vì : Việt Nam có quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số trẻ nên số người trong độ tuổi sinh đẻ cao => dẫn đến tỉ lệ sinh cao
- Ví dụ : Nếu số dân là 65 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số 1,5%, thì mỗi năm dân số tăng 0,975 triệu người. Nếu quy mô dân số 85 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số 1,3%, thì mỗi năm dân số tăng thêm 1,105 triệu người.
=> Như vậy, mặc dù tỉ lệ gia tăng dân số giảm nhưng quy mô dân số lớn nên dân số vẫn tăng thêm nhiều hơn.
3. Giải bài 3 trang 72 SGK Địa lí 12
Vì sao nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư cho hợp lí? Nêu một số phương hướng và biện pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua.
Phương pháp giải
- Liên hệ thực trạng phân bố dân cư nước ta và kiến thức trong bài học để giải thích vì sao nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư cho hợp lí.
- Dựa vào thực trạng đã nêu để đưa ra một số phương hướng và biện pháp.
Gợi ý trả lời
- Nước ta phải thực hiện phân bố lại dân cư cho hợp lí vì: hiện nay dân cư nước ta có sự phân bố còn chưa hợp lí giữa vùng đồng bằng với trung dù và miền núi, giữa thành thị và nông thôn, ảnh hưởng rất lớn đến việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên.
Vùng đồng bằng tập trung khoảng 75% dân số cả nước trong khi diện tích bằng ¼ cả nước. Trung du miền núi là nơi tập trung nhiều tài nguyên quan trọng nhưng mật độ dân số lại thấp, thiếu lao động cho khai thác và sử dụng hợp lí tài nguyên.
- Một số phương hướng và biện pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua :
+ Thực hiện các giải pháp kiềm chế tốc độ tăng dân số, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân số và kế hoạch hoá gia đình.
+ Xây dựng chính sách di cư phù hợp để thúc đẩy sự phân bố dân cư, lao động giữa các vùng.
+ Đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp ở trung du, miền núi, phát triển công nghiệp nông thôn để khai thác tài nguyên và sử dụng tối đa nguồn lao động của đất nước.
+ Phân bố lại dân cư và lao động giữa các vùng trong cả nước.
+ Đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tăng cường đào tạo tay nghề cho lao động xuất khẩu.