Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 27: Vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm

Giải bài tập SGK  Địa lí 12 Bài 27: Vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm được eLib tổng hợp lại, hy vọng là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các bạn học sinh lớp 12.

Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 27: Vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm

1. Giải bài 1 trang 124 SGK Địa lí 12

Tại sao công nghiệp năng lượng lại là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta?

Phương pháp giải

Để giải thích tại sao công nghiệp năng lượng lại là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta, cần phân tích các đặc điểm sau:

- Nước ta có thế mạnh lâu dài để phát triển ngành công nghiệp năng lượng.

-  Đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao.

- Tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác.

Gợi ý trả lời

Công nghiệp năng lượng là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta vì:

- Nước ta có thế mạnh lâu dài để phát triển ngành công nghiệp năng lượng:

+ Nguồn nguyên liệu phong phú và đa dạng:

  • Than: than antraxit có trữ lượng khoảng 3 tỉ tấn, tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh. Than antraxit có chất lượng tốt, nhiệt lượng từ 7000 – 8000 calo/kg, vì vậy đây là nguyên liệu quan trọng cho ngành nhiệt điện.
  • Tiềm năng dầu khí: tập trung các bể trầm tích ở thềm lục địa phía Nam với 8 bề trầm tích, trữ lượng khoảng vài tỉ tấn dầu mỏ và hàng trăm tỉ m3 khí đồng hành cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chạy bằng tuốc bin khí.
  • Tiềm năng thủy điện: nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, sông nhiều nước, lại chảy qua địa hình ¾ đồi núi nên có tiềm năng thúy điện lớn. Chủ yếu là các sông lớn ở Tây Bắc, Tây Nguyên. Tiềm năng ước tính đạt khoảng 3000 MW, sản lượng 260 – 270 tỉ kWh (chủ yếu trên hệ thống sông Hồng – 37% và sông Đồng Nai – 19%).

+ Cơ sở vật chất kĩ thuật, cơ sở hạ tầng khá phát triển với mạng lưới giao thông ngày càng hoàn thiện (đường sắt, đường bộ, đường ống) giúp cho việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm dễ dàng hơn. Cơ sở nhà máy, thiết bị khai thác, nhà máy nhiệt  phát triển từ lâu và có nền tảng cơ sở nhất định, hiện nay được đầu tư nâng cấp mở rộng.

- Đem lại hiệu quả kinh tế xã hội cao:

+ Về mặt kinh tế:

  • Đem lại nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn có giá trị cao như than, đặc biệt là dầu khí, được ví như “vàng đen” của nước ta.
  • Cung cấp nguồn năng lượng phục vụ hoạt động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

+ Về mặt xã hội:

  • Góp phần giải quyết việc làm.
  • Thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt ở những vùng khó khăn thì điện được xem là một trong những điều kiện cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) vô cùng quan trọng cần đi trước một bước.

- Tác động mạnh mẽ đến các ngành kinh tế khác:

+ Cung cấp nguồn điện cho hoạt động của tất cả các ngành sản xuất còn lại.

+ Dầu khí là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành chế biến (nước hoa, nhựa đường, chất tẩy rửa, nhựa PV…).

2. Giải bài 2 trang 124 SGK Địa lí 12

Hãy xác định các nhà máy thuỷ điện lớn nhất của nước ta trên bản đồ (lược đồ) và giải thích sự phân bố của chúng.

Hình 27.3. Công nghiệp năng lượng

Phương pháp giải

- Dựa vào kĩ năng đọc và phân tích bản đồ để ác định các nhà máy thuỷ điện lớn nhất của nước ta.

- Dựa vào đặc điểm về địa hình, hệ thống sông để giải thích sự phân bố của chúng.

Gợi ý trả lời

- Các nhà máy thủy điện lớn:

+ Thác Bà (sông Chảy, 110 MW)

+ Hoà Bình (sông Đà, 1900 MW).

+ Sơn La (sông Đà, 2400MW).

+ Lai Châu (sông Đà, 1200MW).

+ Đa Nhim (sông Đồng Nai, 165 MW).

+ Y-a-ly (sông Xê-Xan, 720 MW).

+ Đa Mi- Hàm Thuận (sông La Ngà, 472 MW).

+ Trị An (sông Đồng Nai, 400 MW)

+ Thác Mơ (sông Bé, 150 MW).

- Giải thích sự phân bố:

+ Các nhà máy thủy điện đều phân bố ở miền núi, trên các hệ thống sông lớn.

+ Địa hình miền núi có độ dốc, cao, nước chảy xiết.

+ Địa hình chia cắt mạnh, tạo thành các thung lũng thuận lợi xây dựng hồ chứa nước.

3. Giải bài 3 trang 124 SGK Địa lí 12

Phân tích cơ cấu ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm: cơ sở nguyên liệu, tình hình sản xuất và phân bố.

Phương pháp giải

Dựa vào các đặc điểm về cơ sở nguyên liệu, tình hình sản xuất và phân bố để phân  tích cơ cấu ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm.

Gợi ý trả lời

- Cơ sở nguyên liệu

+ Nguyên liệu cho chế biến sản phẩm trồng trọt là từ ngành trồng cây lương thực, cây công nghiệp và một phần nhập liệu.

+ Nguyên liệu cho chế biến sản phẩm chăn nuôi là từ ngành chăn nuôi: thịt, da, lông,…

+ Nguyên liệu cho chế biến thủy, hải sản là từ đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản,…

- Tình hình sản xuất

+ Ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm là ngành công nghiệp trọng điểm của nước ta, phát triển mạnh mẽ với sản phẩm đa dạng.

+ Chế biến sản phẩm trồng trọt đứng đầu về sản lượng và giá trị, sau đó là chế biến thủy, hải sản.

+ Công nghiệp chế biến sản phẩm từ chăn nuôi còn chưa phát triển mạnh.

+ Hàng năm, ngành chế biến lương thực, thực phẩm cung cấp khoảng 1 triệu tấn đường, 12 vạn tấn chè, 80 vạn tấn cà phê nhân, 300 - 350 triệu hộp sữa; các sản phẩm tôm, cá đông lạnh và đồ hộp...

- Phân bố

+ Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm phát triển gắn với nguồn nguyên liệu và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

+ Ví dụ:

  • Công nghiệp chế biến thủy hải sản phân bố gần các cảng cá, cảng tôm để chế biến kịp thời đảm bảo chất lượng tươi ngon.
  • Công nghiệp đồ uống, nước giải khát phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhanh nên phân bố ở các khu đô thị đông dân cư.
Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM