Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 36: Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Duyên hải Nam Trung Bộ

Giải bài tập Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Duyên hải Nam Trung Bộ eLib sưu tầm và tổng hợp bên dưới đây. Tài liệu là lời giải hay, chi tiết và chính xác cho các bài tập trong SGK Địa lí 12. Hi vọng tài liệu sẽ giúp ích cho quá trình học tập và nâng cao kiến thức của các bạn học sinh. Mời các bạn tham khảo tài liệu dưới đây chuẩn bị cho bài học sắp tới.

Giải bài tập SGK Địa lí 12 Bài 36: Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở Duyên hải Nam Trung Bộ

1. Giải bài 1 trang 166 SGK Địa lí 12

Hãy phân tích những thuận lợi và khó khăn trong phát triển kinh tế ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Phương pháp giải

Dựa vào đặc điểm về vị trí địa lí, đặc điểm tự nhiên, kinh tế- xã hội để phân tích những thuận lợi và khó khăn trong phát triển kinh tế ở Duyên hải Nam Trung Bộ.

Gợi ý trả lời

- Thuận lợi

+ Vị trí địa lí: giáp các vùng Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Biển Đông thuận lợi giao lưu kinh tế trong và ngoài khu vực, phát triển cơ cấu kinh tế đa dạng.

+ Về tự nhiên:

  • Địa hình: bờ biển bị cắt xẻ mạnh tạo ra hàng loạt các bán đảo, các vũng vịnh và bãi biển đẹp phục vụ du lịch và xây dựng cảng nước sâu.
  • Nguồn tài nguyên thủy hải sản vô cùng phong phú.
  • Khoáng sản chủ yếu là các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mỏ cát làm thủy tinh, vàng, dầu khí,...
  • Tiềm năng thủy điện không lớn nhưng có thể xây dựng các nhà máy thủy điện công suất trung bình và nhỏ trên một số sông.
  • Rừng có nhiều gỗ, chim và thú quý. Diện tích rừng hơn 1,77 triệu ha, độ che phủ rừng là 38,9%.
  • Đồng bằng nhỏ hẹp, đất cát pha và đất cát là chính, nhưng cũng có những đồng bằng màu mỡ như đồng bằng Tuy Hoà (Phú Yên) thuận lợi trồng cây lương thực, rau màu và công nghiệp ngắn ngày.
  • Các vùng gò đồi thuận lợi cho chăn nuôi bò, dê, cừu.

+ Về kinh tế - xã hội:

  • Có nhiều dân tộc thiểu số, nên đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán.
  • Có các đô thị tương đối lớn như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết.
  • Các di tích văn hoá thế giới là Phố cổ Hội An và Di tích Mỹ Sơn.
  • Là vùng đang thu hút các dự án đầu tư của nước ngoài.

- Khó khăn

+ Mùa hạ có gió phơn Tây Nam khô nóng; phía nam Duyên hải Nam Trung Bộ thường ít mưa, khô hạn kéo dài, đặc biệt ở Ninh Thuận và Bình Thuận.

+ Khoáng sản ít, trữ lượng nhỏ.

+ Các dòng sông có lũ lên nhanh, nhưng về mùa khô lại rất cạn.

+ Trong chiến tranh, chịu tổn thất về người và của.

+ Cơ sở vật chất kĩ thuật còn nghèo nàn.

2. Giải bài 2 trang 166 SGK Địa lí 12

Vấn đề lương thực, thực phẩm trong vùng cần được giải quyết bằng cách nào? Khả năng giải quyết vấn đề này.

Phương pháp giải

Để giải quyết vấn đề  lương thực, thực phẩm cần biết khai thác các lợi thế về nông nghiệp, áp dụng khoa học kĩ thuật, đẩy mạnh chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Gợi ý trả lời

- Vấn đề lương thực, thực phẩm trong vùng cần được giải quyết bằng cách:

+ Tăng cường khai thác các lợi thế về nông nghiệp để phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày ở những nơi có điều kiện thuận lợi, nhất là đồng bằng Phú Yên-Khánh Hòa, Ninh Thuận-Bình Thuận…

+ Áp dụng khoa học kĩ thuật để tăng năng suất và sản lượng cây trồng.

+ Trao đổi các sản phẩm mà vùng có thế mạnh để đổi lấy lương thực từ các vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông cửu Long.

+ Đẩy mạnh chăn nuôi ở vùng đồi núi phía Tây: bò, cừu, dê…

+ Phát triển nuôi trồng thủy sản ở ven biển, đẩy mạnh đánh bắt hải sản xa bờ.

+ Tăng thêm khẩu phần cá và các thủy sản khác trong cơ cấu bữa ăn

- Khả năng giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm của vùng lớn. Vấn đề đảm bảo an ninh lương thực của vùng hoàn toàn có thể đảm bảo được nhờ những thế mạnh sẵn có.

3. Giải bài 3 trang 166 SGK Địa lí 12

Dựa vào hình 36 (hoặc Atlal Địa lí Việt Nam), hãy phân tích các nguồn tài nguyên để phát triển công nghiệp, hiện trạng phát triển và phân bố công nghiệp trong vùng.

Hình 36. Khai thác các thế mạnh chủ yếu của Duyên hải Nam Trung Bộ

Phương pháp giải

Dựa và kỹ năng đọc và phân tích bản đồ kết hợp với kiến thức bài học để phân tích các nguồn tài nguyên để phát triển công nghiệp, hiện trạng phát triển và phân bố công nghiệp trong vùng.

Gợi ý trả lời

- Các nguồn tài nguyên phát triển công nghiệp

+ Khoáng sản:

  • Chủ yếu là các loại vật liệu xây dựng, đặc biệt là các mỏ cát làm thủy tinh trên bán đảo Hòn Gốm, Nha Trang (Khánh Hòa).
  • Ngoài ra có vàng, đá axít, dầu khí, sắt, titan,...
  • Các loại khoáng sản có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển các ngành công nghiệp như khai khoáng, luyện kim, vật liệu xây dựng....

+ Nguồn nước: nước sông có giá trị trong việc cung cấp nước cho nhiều ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, hóa chât, nhuộm, giấy,... Trên một số sông, có thể xây dựng các nhà máy thủy điện công suất trung bình và nhỏ.

+ Tài nguyên rừng: diện tích hơn 1,77 triệu ha, độ che phủ rừng là 38,9%, trong đó hơn 97% là rừng gỗ thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp chế biến gỗ và các lâm sản khác.

+ Tài nguyên biển: Các tỉnh đều có bãi tôm, bãi cá,... đặc biệt có 2 ngư trường lớn là Nam Trung Bộ và Hoàng Sa - Trường Sa. Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thủy hải sản.

+ Tài nguyên đất và khí hậu tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

- Hiện trạng phát triển và phân bố công nghiệp trong vùng

+ Công nghiệp chủ yếu là cơ khí, chế biến nông - lâm - thủy sản và sản xuất hàng tiêu dùng.

+ Trong vùng có một số nhà máy thủy điện quy mô trung bình như Sông Hinh (Phú Yên), Vĩnh Sơn (Bình Định), tương đối lớn như Hàm Thuận - Đa Mi (Bình Thuận), A Vương (Quảng Nam).

+ Đã hình thành một chuỗi các trung tâm công nghiệp ven biển Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết. Hiện đang đầu tư xây dựng khu kinh lế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất.

4. Giải bài 4 trang 166 SGK Địa lí 12

Tại sao việc tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông vận tải có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hình thành cơ cấu kinh tế của vùng.

Phương pháp giải

Dựa vào lợi ích của việc tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông vận tải mang lại trong hình thành cơ cấu kinh tế của vùng để giải thích.

Gợi ý trả lời

- Tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông vận tảo tạo ra thế mở cửa hơn nữa để phát triển các ngành kinh tế xã hội.

- Cho phép khai thác các thế mạnh nổi bật về kinh tế biển của vùng (du lịch, khai thác thủy hải sản, khoáng sản).

- Thúc đẩy mối liên hệ kinh tế với các vùng khác trong cả nước và quốc tế.

+ Giao lưu với các vùng phía Bắc và phía Nam thông qua quốc lộ 1, đường sắt Thống Nhất và đường Hồ Chí Minh.

+ Mở rộng trao đổi hàng hóa với Lào và Tây Nguyên nhờ các tuyến đường theo hướng Đông – Tây như quốc lộ 19, 25 26, 27.

- Việc nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giúp cho việc khai thác hiệu quả hơn tiềm năng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở phần phía Tây của vùng.

Ngày:27/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM