Phân tích bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của Lí Bạch

Bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tình bạn chân thành, thắm thiết của nhà thơ với người bạn của mình. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em có kĩ năng viết một bài văn nghị luận văn học tốt. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích bài thơ Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng của Lí Bạch

1. Dàn ý phân tích bài thơ "Hoàng Hạc lâu" của Lí Bạch

a. Mở bài:

- Lí Bạch (701 - 762 ) tên chữ là Thái Bạch, tên hiệu là Thanh Liên cư sĩ, quê ở huyện Lũng Tây, tỉnh Cam Túc; là nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc đời nhà Đường.

- Lí Bạch có tài thơ xuất chúng. Thơ ông thể hiện tính cách phóng khoáng, yêu tự do, yêu thiên nhiên và con người. Ông được gọi là “thi tiên”.

- Bài "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" thể hiện tình bạn chân thành, trong sáng của tác giả. Đây cũng là bài thơ tứ tuyệt đạt tới nghệ thuật điêu luyện của Lí Bạch.

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh sáng tác: Lí Bạch sáng tác bài thơ này trong một tiệc rượu nhỏ tại lầu Hoàng Hạc, chia tay người bạn thơ tri kỉ của ông là Mạnh Hạo Nhiên.

- Nội dung bài thơ:

+ Câu thứ nhất: Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu (Bạn từ lầu Hạc lên đường): Chỉ địa điểm xuất phát của Mạnh Hạo Nhiên.

+ Câu thứ hai: Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu (Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng): Chỉ thời điểm của cuộc ra đi là vào khoảng tháng ba, đích đến là Châu Dương.

-> Những nội dung đơn giản trong hai câu thơ trên đã được ngòi bút tài hoa của Lí Bạch thi vị hoá nên nhuốm màu huyền ảo và thơ mộng lạ thường. Tình cảm bạn bè tri âm tri kỉ thể hiện qua cách gọi trân trọng, yêu mến: Cố nhân. Hình ảnh Hoàng Hạc lâu gắn liền với giới tao nhân mặc khách, với thi ca cổ điển. Hình ảnh hoa khói (yên hoa) trên sông và cái tên Dương Châu (Châu Dương) gợi cảm giác bâng khuâng, xao xuyến trong lòng cả kẻ ở lẫn người đi. Âm hưởng trầm buồn rất hợp với tâm trạng nhân vật.

+ Câu thứ ba: Cô phàm viễn ảnh bích không tận (Bóng buồm đã khuất bầu không): Cô phàm là cánh buồm đơn độc, lẻ loi. Hình ảnh này chứa đựng ý nghĩa tu từ rất sâu sắc (chỉ người ra đi một mình trong hành trình xa xôi vạn dặm).

+ Câu thơ thứ tư: Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu (Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời): Tuy không nhắc tới người ở lại (tác giả) nhưng người đọc vẫn hình dung ra tư thế của Lí Bạch đang đứng lặng yên, đăm đăm dõi mắt theo con thuyền chở bạn mình đi xa, cho tới lúc cảnh buồm mờ dần rồi mất hút vào khoảng không xanh biếc. Có sự tương phản giữa con người nhỏ bé với vũ trụ bao la. Con người dường như tan biến trước dòng sông và bầu trời mênh mông, vô tận. Vì vậy mà tình bạn hữu càng trở nên đáng quý.

c. Kết bài:

- Bài thơ "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" của Lí Bạch vừa sâu sắc tính hiện thực vừa đậm đà chất trữ tình.

- Ngôn ngữ thơ giản dị nhưng ý nghĩa hàm súc. Hình ảnh chọn lọc có khả năng gợi tả, gợi cảm cao.

- Tình bạn chân thành, thắm thiết mà tác giả dành cho người bạn tri âm tri kỉ mới là yếu tố cơ bản làm nên giá trị bất hủ của bài thơ.

2. Viết đoạn văn nêu cảm nhận về bài thơ "Hoàng Hạc lâu"

Lí Bạch sáng tác bài thơ này trong một tiệc rượu nhỏ chia tay người bạn thơ là Mạnh Hạo Nhiên tại lầu Hoàng Hạc (tỉnh Vũ Hán), một trong ba lâu đài nổi tiếng của Trung Hoa. Đây là nơi các tao nhân, mặc khách thường lui tới gặp gỡ và xướng hoạ thơ, hoặc đề thư lưu bút. Bài thơ "Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng" vừa sâu sắc tính hiện thực, vừa đậm đà chất trữ tình. Ngôn ngữ thơ giản dị, hình ảnh gợi cảm và đặc biệt là tình bạn chân thành, tha thiết của Lí Bạch dành cho Mạnh Hạo Nhiên đã tạo nên sức sống lâu bền của bài thơ trong lòng người hâm mộ.

3. Phân tích tác phẩm "Hoàng Hạc lâu" của Lí Bạch

Lí Bạch (701 - 762), tên chữ là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên cư sĩ, quê ở huyện Lũng Tây, nay thuộc tỉnh Cam Túc, là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Thịnh Đường. Từ thời trai trẻ, ông đã có sở thích là chu du khắp nơi, tìm cơ hội để tạo lập công danh, sự nghiệp. Suốt đời, ông ấp ủ lí tưởng cứu đời, giúp dân nhưng chưa bao giờ toại nguyện. Lí Bạch có tài thơ xuất chúng. Thơ ông biểu hiện tâm hồn tự do, phóng khoáng, yêu con người, yêu thiên nhiên của ông. Viết về đề tài tình bạn thì bài Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng là tiêu biểu nhất. Qua bài thơ, người đọc hiểu được tình bạn chân thành, trong sáng của tác giả, đồng thời cũng được thưởng thức tài làm thơ tứ tuyệt đạt tới mức điêu luyện của bậc “Thi tiên”.

Tại lầu Hoàng Hạc, Lí Bạch tiễn người bạn thân của mình trong cảm xúc bao trùm là một nỗi buồn day dứt:

“Bạn từ lầu Hạc lên đường

Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng.

Bóng buồm đã khuất bầu không

Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời"

(Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu

Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu)

Cả bài thơ man mác một nỗi buồn, đó là nỗi buồn về tình bạn xa cách, là nỗi buồn khi phải tiễn bạn đi, tiếc nuối, và bịn rịn. Hình ảnh của sự chia ly đã xuất hiện ngay trong câu thơ đầu tiên, hai người là bạn đấy nhưng sau giờ phút này lại trở thành “cố nhân”, trở thành người cũ, bạn cũ.

Tác giả sử dụng từ “cố nhân” nghe thật xót xa. Hai người vẫn còn là bạn, đã gắn bó với nhau thân thiết khi còn ở bên nhau, đã hạnh phúc, mững rỡ biết bao nhiêu khi gặp nhau trên lầu Hoàng Hạc. Thế mà, chỉ ít phút sau đã trở thành bạn cũ. Có lẽ vì không có cuộc vui nào là mãi mãi, tất cả đều đến hồi kết dù đó có là tình bạn bền chặt, nó cũng không thể nào có thể bền lâu và kéo dài mãi mãi. Cuộc chia ly này vì vậy mà có cảm giác níu kéo, một dự báo có thể không có ngày gặp lại. Nhà thơ tiễn bạn mà trong lòng chất chứa bao buồn bã, nhớ mong.

Cô phàm viễn ảnh bích không tận

Duy kiến trường giang thiên tế lưu

(Bóng buồm đã khuất bầu không,

Trông theo chỉ thấy bóng sông bên trời)

Trong hai câu thơ này  tình đã hòa vào cảnh. Tình cảm của Lý Bạch  ở lầu Hoàng Hạc lúc tiễn Mạnh Hạo Nhiên không gì có thể đưa ra so sánh, nó không thể so sánh với sông Trường Giang, không thể so sánh với bầu trời. Hay nói chuẩn xác hơn, cả sông Trường Giang, cả bầu trời đều không thể so sánh với nó mà nó hòa tan man mác vào cả bầu trời mông mênh, vào cả dòng sông bất tận, vào cả vũ trụ bao la vì cuối cùng cả bầu trời và dòng sông cũng đã hòa nhập làm một! Đáng chú ý là hai câu thơ đã vẽ ra một cảnh tượng mênh mông song đồng thời cũng khắc họa được những đường nét tinh tế. Từ bản thân "chiếc buồm cô độc", đến "bóng" của nó, đến bóng "xa"… xa dần của nó, cho đến lúc nó mất hút vào bầu trời bát ngát là cả một quá trình, quá trình chuyển dịch ngày càng xa của con thuyền và quá trình ngóng trông theo vời vợi của cặp mắt người đưa tiễn. Thuyền đã mất hút song người tiễn đưa vẫn còn đứng đó, trơ vơ, đơn côi trên lầu Hoàng Hạc. Chiếc buồm hẳn là màu trắng, vệt trắng rồi điểm trắng ấy, dưới bầu trời biếc, trên dòng nước mùa xuân trong xanh hẳn là "mục tiêu" dễ thấy, dễ tăng cường thị lực Lí Bạch. Song quan trọng hơn là từ phía Lí Bạch, dù ở thời Thịnh Đường thuyền bè đi lại trên sông Trường Giang tấp nập như lá tre, tất cả thị lực của Lí Bạch chỉ đặt vào ở một điểm duy nhất đó mà thôi!

Bóng bạn đã mất hút và nỗi buồn của nhà thơ phải gửi vào thiên nhiên, nhưng dường như thiên nhiên quá rộng lớn với lầu Hoàng Hạc cao và sông Trường Giang rộng lớn khiến cho nỗi buồn như giăng mắc, như bủa vây, khiến mỗi cảnh cũng đều nhuốm màu tâm trạng. Dùng cảnh để tả tình, một tình cảm buồn bã, đồng thời cũng là niềm tin về một tình bạn thiêng liêng, vĩnh cữu, đầy trân trọng và yêu thương. Tuy không gian thời gian có xa xôi cách trở, tấm lòng hai người bạn vẫn hướng về nhau, chân thành, và mong ước ngày gặp lại.

Trên thế giới này, tình bạn như một món quà quý giá có một không hai mà Thượng đế đã ban cho chúng ta. Tình bạn của Lí Bạch và Mạnh Hạo Nhiên cũng là tình bạn dẹp như thế, đáng quý như thế. Tác phẩm “Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” chính là minh chứng rõ nét cho tình bạn giữa hai người. Tuy cảm giác thơ buồn man mác nhưng cũng chính điều đó đã cảm động rất nhiều trái tim về một tình bạn chân chính.

  • Tham khảo thêm

Ngày:07/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM