Phân tích và cảm nhận truyện cổ tích Tấm Cám

Bài văn mẫu dưới đây sẽ cung cấp cho các em kiến thức về thể loại truyện cổ tích Việt Nam. Từ đó các em sẽ hiểu hơn về chân lí ở hiền gặp lành. Đồng thời, eLib hi vọng rằng tài liệu này sẽ góp phần nâng cao khả năng viết bài văn nghị luận văn học ở các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích và cảm nhận truyện cổ tích Tấm Cám

1. Dàn ý phân tích truyện cổ tích Tấm Cám

a. Mở bài: Khái quát và giới thiệu sơ lược về truyện cổ tích Tấm Cám: Thuộc thể loại cổ tích thần kì kể về cuộc đời của Tấm thông qua đó thể hiện ước mơ cháy bỏng về khát vọng hạnh phúc và công lí của nhân dân.

b. Thân bài:

- Diến biến mâu thuẫn xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám:

+ Chặng 1: Con đường đến với hạnh phúc của Tấm:

  • Cám lừa Tấm, trút hết giỏ tép của Tấm vào giỏ của mình để cướp phần thưởng.
  • Tấm ôm mặt khóc, Bụt hiện lên cho Tấm một con cá bống.
  • Mẹ con Cám lừa Tấm đi chăn trâu ở cánh đồng xa để giết thịt cá bống. Tấm khóc. Bụt hiện lên bảo Tấm cho xương cá đựng vào bốn chiếc lọ chôn ở bốn chân giường.
  • Dì ghẻ trộn thóc lẫn gạo, bắt Tấm nhặt không cho đi trẩy hội. Tấm khóc. Bụt hiện lên, sai một đàn chim sẻ xuống nhặt giúp.
  • Tấm không có quần áo đẹp mặc đi hội. Tấm tủi thân khóc. Bụt hiện lên cho Tấm quần áo, khăn, giày, xe ngựa. Tấm đến gặp vua, đánh rơi chiếc hài và may mắn trở thành hoàng hậu.

→ Ở chặng này, mâu thuẫn chủ yếu xoay quanh hơn thua về vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám cướp đoạt trắng trợn công sức lao động, phần thưởng, niềm vui tinh thần. Tấm luôn trong thế bị động, không thể tự giải quyết xung đột mà phải nhờ đến Bụt. Sự xuất hiện đúng lúc của Bụt cho thấy sự bênh vực của nhân dân đối với kẻ yếu. Quá trình giải quyết mâu thuẫn theo hướng thiện thắng ác, ở hiền gặp lành.

⇒ Tấm hiện lên là một cô gái mồ côi, đau khổ, tội nghiệp, hiền lành, chỉ biết khóc mỗi khi bị ức hiếp. Mẹ con Cám lười biếng, đố kị, nhẫn tâm nhưng ở chặng này mới dừng lại ở đố kị, ghen nghét, chưa có hành động tiêu diệt.

+ Chặng 2: Con đường đấu tranh giành lấy hạnh phúc của Tấm:

  • Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám dụ trèo lên cây cau, sau đó chặt gốc cau. Tấm ngã chết, Cám được đưa vào cung thay thế.
  • Tấm chết hóa thành chim vàng anh, báo hiệu sự có mặt trên đời. Mẹ con Cám giết thịt chim.
  • Tấm hóa thành cây xoan đào, tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám chặt cây, đốt làm khung cửi.
  • Tấm hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù. Mẹ con Cám đốt khung cửi.
  • Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước, sau đó gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu. Mẹ con Cám ngỡ ngàng và chết một cách thảm khốc.

→ Chặng 2, mâu thuẫn xung đột dữ dội, một mất một còn xoay quanh ngôi vị hoàng hậu. Tấm luôn trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Tấm không còn khóc, không còn Bụt giúp đỡ, những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện. Mâu thuẫn cũng được giải quyết theo hướng thiện thắng ác.

⇒ Tấm từ một cô gái nhu mì, yếu đuối trở nên mạnh mẽ, can đảm, kiên cường đấu tranh để giành lấy hạnh phúc, diệt trừ cái ác. Mẹ con Cám là những kẻ tham lam, độc ác truy sát Tấm đến tận cùng.

- Bản chất của mâu thuẫn, xung đột:

+ Xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình phụ hệ: Dì ghẻ - con chồng:

  • Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ.
  • Tấm và dì ghẻ là con chồng dì ghẻ.

→ Đây là mâu thuẫn phổ biến trong xã hội.

+ Phản ánh mâu thuẫn xã hội giữa cái thiện và cái ác:

  • Tấm đại diện cho các nhân vật ở tuyến thiện: Hiền lành, nhu mì, đau khổ, tội nghiệp luôn nhận được sự giúp đỡ, dám đứng lên chống lại cái ác.
  • Mẹ con Cám lười biếng, nhẫn tâm, độc ác

→ Thể hiện quan niệm của nhân dân ở hiền gặp lành, ác giả ác báo và ước mơ về một xã hội công bằng.

- Hành động trả thù của Tấm:

+ Tấm trở về cung, làm hoàng hậu và trẻ đẹp hơn trước.

+ Cám ngỡ ngàng, khát khao được đẹp như chị. Tấm bày cách cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp rồi chết.

+ Mẹ Cám ăn lọ mắm làm từ thịt con gái, kinh khiếp lăn đùng ra chết.

→ Hành động này phù hợp với quá trình trưởng thành trong đấu tranh của Tấm: Từ hiền lành cam chịu, yếu đuối đến mạnh mẽ quyết liệt chống lại cái ác và cuối cùng ra tay trừng phạt cái ác. Phù hợp với quan niệm của nhân dân: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo.

- Đặc sắc nghệ thuật:

+ Xây dựng những mâu thuẫn, xung đột theo hướng tăng tiến.

+ Xây dựng hai tuyến nhân vật thiện ác rõ rệt.

+ Sử dụng những mô típ truyền thống: mô típ vật duy nhất còn sót lại (con cá, chiếc giày, quả thị, trầu têm cánh phương), mô típ hóa thân,...

+ Sử dụng các yếu tố thần kì: nhân vật thần kì (Bụt), vật thần kì (Xương cá bống, bầy chim sẻ), những lần hóa thân của Tấm.

- Kết bài:

+ Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của truyện cổ tích Tấm Cám.

+ Mở rộng: Kiểu truyện Tấm Cám có mặt ở hầu hết các truyện kể dân gian ở các nước như “Cô bé lọ lem”, “Cô tro bếp”. Hình tượng cô Tấm và cốt truyện Tấm Cám cũng xuất hiện nhiều ở các loại hình nghệ thuật khác như truyện thơ, trèo. Từ đó cho thấy sự hấp dẫn và phổ biến của kiểu truyện Tấm Cám.

2. Cảm nhận về truyện cổ tích Tấm Cám

Có thể nói rằng truyện cổ tích Tấm Cám mang những ý nghĩa giáo dục sâu sắc, bởi nó xây dựng nên tính cách, những nét đẹp trong văn hóa, ứng xử và tâm hồn con người. Nó mang đến những giá trị vĩnh cửu, lưu truyền khắp muôn đời. Truyện cổ tích "Tấm Cám" là một tác phẩm nổi tiếng đã in đậm trong lòng ta vì điều đó, bên cạnh đó còn thể hiện được những tâm tư, tình cảm của nhân dân, những mơ ước trong cuộc sống đáng được trân trọng.

Truyện cổ tích ra đời khi mà trong cuộc sống của con người có những bất công, sự đấu tranh giữa thiện và ác luôn cần có câu trả lời, cần có đáp án. Truyện cổ tích “Tấm Cám” ra đời cũng bởi lẽ vậy. Tấm xuất thân với hoàn cảnh éo le. Mẹ mất sớm, cha đi lấy vợ lẽ. Cô hiện lên với những vật nhỏ bé, giản dị, nhưng vô cùng đáng yêu, nào là con cá bống, nào là chiếc hài nhỏ xinh, hay quả thị thơm, miếng trầu cay nàng làm… cứ thế cô Tấm hiện thân cho vẻ đẹp tinh khiết, vẻ đẹp của tính thiện. Cô là đại diện, là hiện thân của tính thiện, nhẫn nhịn, chịu khó, chăm chỉ, cần cù. Là hiện thân của sức mạnh chống lại bao thế lực đen tối. Mẹ dì và Cám làm hiện thân cho thế lực tàn ác, chà đạp lên quyền của con người, chỉ hướng tới lợi ích của bản thân mình.

Càng nói, càng kể ta cảm nhận được ý đồ của tác giả dân gian, đặt nhân vật vào tình thế éo le nhất để nhân vật có thể bộc lộ hết những tâm tư, tình cảm của mình. Mở đầu câu truyện, cũng là tình huống đầu tiên xuất hiện, là khung cảnh rộng thoáng nhưng ánh lên sự hoạt động của con người, giữa những con người đang vất vả trên đồng trồng lúa, có hai chị em cũng tham gia, Tấm vốn quen với việc đồng áng nên việc đồng áng, những việc của nhà nông cô đã nhanh chóng làm xong, cô cũng đã làm xong việc của người dì ghẻ đã giao là bắt tôm, bắt tép, còn Cám thì vì mải chơi, hái hoa bắt bướm nên chẳng thể có được thành quả nào trong giỏ của mình, Cám đã lập kế hoạch xấu để nhằm trút hết giỏ tôm tép của chị để về lĩnh thưởng của mẹ. Cám kêu lên: “Chị Tấm ơi, chị Tấm đầu chị lấm, chị hụp cho sâu kẻo về mẹ mắng”. Cô Tấm cũng vì nhẹ dạ cả tin mà đã bị mất hết công sức, cô khóc nhưng đã chẳng có cách nào cứu vãn được, cô khóc  nấc vì oan ức, tức giận nhưng chẳng thể làm được gì, trước sự ranh ma, tham lam của Cám. Ta cũng thường biết trong những câu truyện xưa, sẽ có những người đại diện cho công lý, những vị thần tiên sẽ giúp đỡ, bênh vực những người hiền lành mà yếu đuối, chèn ép. Bụt đã xuất hiện, cho cô một điểm tựa, cho cô một cơ hội thay đổi, tin tưởng để tiếp tục cuộc sống. Đó là một con cá bống làm bạn và dặn dò cẩn thận, cách gọi bống lên ăn cơm, dường như chỉ là sự bí mật giữa hai người.

Nhưng nếu câu chuyện mới chỉ dừng lại ở đó thì Tấm Cám sẽ mờ trong vô vàn truyện cổ tích có mô típ tương tự, câu chuyện tiếp tục phát triển với những mâu thuẫn mới xuất hiện. Khi trở thành hoàng hậu, nàng vẫn giữ trọn vẹn đạo hiếu, ngày giỗ cha trở về nhà làm giỗ. Và cũng chính từ đây hàng loạt biến cố trong đời nàng tiếp tục xảy ra. Dì ghẻ bảo Tấm trèo lên cây hái cau. Dì ghẻ ở dưới chặt cây, Tấm thấy động, hỏi thì dì ghẻ bảo đuổi kiến, nhưng kì thực mẹ Cám đang chặt cây cau, cây đổ, Tấm chết và Cám vào cung thay chị làm hoàng hậu. Như vậy Tấm bị cướp đoạt mạng sống và ngôi vị, đây là sự tước đoạt cả về quyền lợi vật chất lẫn tinh thần. Nhưng ở giai đoạn này không còn là cô Tấm cam chịu, Tấm không cam lòng và trở về hoàng cung với nhiều hình dạng khác nhau: chim vàng anh, cây xoan đào, khung cửi và đều bị mẹ con Cám sát hại dã man. Qua hai chặng từ Tấm bị đối xử bất công đến bị mẹ con Cám hại chết cho thấy mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật càng ngày càng quyết liệt hơn, gay cấn hơn.

Sau bao lần bị mẹ con Cám giết hại thì Tấm đã thay đổi, không còn là một nàng Tấm cam chịu trước những bất công, ở chặng thứ hai này, Tấm đã vùng lên phản kháng, đấu tranh một cách quyết liệt. Bởi Tấm không chỉ bị tước quyền lợi vật chất, tinh thần mà còn bị cướp đi cả mạng sống hết lần này đến lần khác, nó đã quá giới hạn chịu đựng của con người. Bởi vậy nàng phải vùng lên đấu tranh, quay trở về tuyên chiến với Cám bằng lời đe dọa: “Cót ca cót két/ Lấy tranh chồng chị/ Chị khoét mắt ra”. Không chỉ tuyên chiến mà Tấm còn trừng trị Cám một cách thích đáng và quay lại ngôi vị hoàng hậu hưởng hạnh phúc bên nhà vua. Câu chuyện đến đây còn thêm nhiều ý nghĩa, đó là bài học về “Ác giả ác báo”, khẳng định cái thiện sẽ luôn giành chiến thắng. Đồng thời qua quá trình đấu tranh của Tấm cũng cho thấy hạnh phúc chỉ thực sự bền lâu khi mỗi chúng ta biết đấu tranh và giữ lấy nó.

Tấm Cám là câu chuyện hấp dẫn, đặc sắc ở cốt truyện lôi cuốn, có sự phát triển. Qua tác phẩm các tác giả dân gian gửi gắm những quan niệm sâu sắc: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Đồng thời truyện cũng phản ánh những mâu thuẫn xung đội trong gia đình thời xưa.

3. Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám

Nhìn chung, mỗi con người từ khi cất tiếng khóc chào đời hầu hết đều được nuôi dưỡng tâm hồn qua câu hát ru của mẹ, những câu chuyện cổ tích từ bà. Mỗi lời hát, mỗi câu chuyện kể đều có một ý nghĩa nhất định, luôn hướng con người ta đến cái chân – thiện – mỹ trong cuộc sống.  Câu chuyện “Tấm Cám” có lẽ không còn xa lạ với mọi người. “Tấm Cám” là câu chuyện cổ tích, ra đời từ ngàn xưa, câu chuyện hướng người nghe tới những điều thiện, làm những việc thiện trong cuộc sống. Điều thiện luôn thắng điều ác.

Chúng ta thấy rất rõ trong truyện, tác giả dân gian đã khắc họa rất rõ hình ảnh Tấm, khi ở nhà Tấm luôn phải làm các công việc gia đình, quét nhà, rửa bát, còn mẹ con Cám thì không phải làm gì, luôn đưa ra các lý do để bắt nạt Tấm, bắt Tấm ohair phục tùng mình. Có lần mẹ dì đưa cho cả hai chị em công cụ đi bắt cá cua là như nhau, không thiên vị ai cả. Cám mải chơi, mải ngủ, không bỏ công sức ra để lao động, sau thời gian, thấy chị mình - Tấm bắt được đầy tôm cá trong giỏ, bèn nghĩ kế lừa chị ngụp xuống nước. Tấm vốn là người thật thà, tin lời em, liền ngụp lặn và khi trở lên bờ, thành quả lao động đã bị cướp mất, chỉ còn lại một con cá nhỏ. Khi về đến nhà, phần thưởng ban đầu mẹ treo ra bị cô em hứng mất, oan ức không kêu được ai. Tấm chỉ còn lại một con cá nhỏ ở trong giỏ, cô bèn đặt tên nó là Bống và thả Bống xuống giếng, hàng ngày cho ăn tâm sự như  người bạn thực thụ. Khi  bị phát hiện là Tấm đã nuôi một con cá, cứ sau bữa ăn là lại đem thức ăn cho nó ăn, mẹ con Cám liền nghĩ cách để lừa Tấm đi vắng, cuối cùng cũng ăn thịt Bống. Tấm về không thấy Bống đâu chỉ còn  lại xương, Tấm đem chon cất cẩn thận. Đến ngày nhà vua mở hội kén vợ, mẹ con Cám háo hức chuẩn bị, Tấm cũng vừa mới lớn, chưa biết hội là gì, lại thêm được gặp cả đức vua, cô cũng chuẩn bị và háo hức đợi ngày trẩy hội. Mẹ con Cám biết được, liền nghĩ cách hãm hại, không cho cô đi. Sau bao khó khăn, cô đã vượt qua, nhờ bộ xương của Bống, cô có quần áo đẹp, nhờ chiếc hài đánh rơi mà cô thành vợ vua. Hai người đang hạnh phúc thì hai mẹ con Cám lại tìm cách hãm hại, Tấm chết, Cám thay chị, làm vợ vua. Sau những lần được hóa thân lại thành cây xoan đào, khung cửi, chim Vàng Anh, thành quả thị, thành người, cô Tấm được đoàn tụ với vua và trả thù được mẹ con Cám.

Ta có thể thấy mâu thuẫn chính, chủ yếu trong tác phẩm là mâu thuẫn mẹ ghẻ, con chồng. Ông cha ta vẫn thường có câu: “Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”, đây là mâu thuẫn cơ bản dẫn đến hàng loạt các xung đột biến cố phía sau. Từ đó nâng lên thành xung đột giữa thiện – ác, tốt – xấu mang ý nghĩa xã hội to lớn.

Trước hết mâu thuẫn nảy sinh là do sự đối xử bất công của dì ghẻ với Tấm. Hàng ngày Tấm phải làm lụng vất vả từ sáng đến tối, ngày nàng chăn trâu, cắt cỏ, đêm thì giã gạo, xay thóc,… cô phải luôn chân luôn tay làm việc, không có lúc nào nghỉ ngơi. Còn Cám lại suốt ngày rong chơi, hái hoa bắt bướm. Và đỉnh điểm của sự việc là khi Tấm bị Cám lừa lấy hết giỏ tép vào giỏ mình về nhà trước nhận phần thưởng là chiếc yếm đỏ. Chiếc yếm đỏ không đơn thuần chỉ là một phần thưởng mà nó còn tượng trưng cho sự trưởng thành, là khát khao của cô gái mới lớn. Mẹ Cám hoàn toàn biết sự thật nhưng vẫn mặc kệ trao thưởng cho Cám, Tấm bất lực chỉ biết ngồi khóc. Như vậy, Tấm trước hết bị Cám tước đoạt quyền lợi về mặt vật chất. Ông Bụt xuất hiện, ban thưởng cũng là bù đắp cho số phận của những người con gái bị lừa gạt.

Có thể thấy được trong sự hóa thân của Tấm có sự ảnh hưởng của thuyết luân hồi và thuyết nhân quả của đạo Phật. Vì Tấm là người tốt nên được tái sinh thành người và được hưởng hạnh phúc trọn đời, sức sống mãnh liệt hơn, dù có bị vùi dập bởi ngàn những điều ác. Nhân dân ta là vậy, sống với chủ nghĩa nhân đạo ngập tràn trong dòng máu, suy nghĩ. Bên trong, Tấm là suy nghĩ của nhân dân còn tồn tại một quan điểm đồng hóa với đạo lý đất trời “Ác giả ác báo”, vậy nên dễ hiểu hành động trả thù của Tấm đối với Cám - hành động Tấm giết Cám không phải chỉ là vấn đề trả thù mà còn là vấn đề sinh tồn. Vì khi nói về mâu thuẫn giữa Tấm và Cám là một  mâu thuẫn gay gắt, một mất một còn, không thể hóa giải được. Mẹ con Cám hết lần này đến lần khác hại Tấm, quyết tâm tiêu diệt Tấm đến cùng. Tấm giờ đây đã đại diện cho công lý, không cần đến thế lực thần tiên ra mặt (Bụt) để trừng phạt mẹ con Cám, bắt họ phải đền tội, trả giá đau khổ bằng mạng sống như chính họ đã làm. Ai ai cũng đều cảm thấy hả hê, sảng khoái khi thiện đã thắng cái ác.

Câu truyện đã khép lại, cho ta hiểu thêm về kết cấu của một  truyện cổ tích, những sự đối lập, những tình tiết kịch tính, và đặc biệt là có sự xuất hiện của thần thánh càng làm thể loại truyện này thu hút hơn bao giờ hết cả trong nước và trên thế giới, gây cảm giác thích thú với người đọc, và điều làm ta thỏa mãn nhất chính là những mâu thuẫn từ gia đình đến giai cấp lần lượt được giải quyết hết sức hợp đạo lý, ngoài ra truyện còn cho ta những bài học bất hủ về lối sống thiện lương, cái nhân, cái đức để làm mục tiêu sống, điều đó mới làm xã hội phát triển bền vững.

Ngày:19/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM