Top 10 mở bài về tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu hay và sáng tạo nhất

eLib xin gửi đến các em những mở bài mẫu đã được eLib tổng hợp và biên soạn một cách có chọn lọc. Hy vọng rằng những mở bài này sẽ giúp các em dễ dàng hơn khi viết bài văn nghị luận văn học phân tích về tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu. Cùng eLib tham khảo nhé!

Top 10 mở bài về tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu hay và sáng tạo nhất

1. Mở bài số 1

Phú sông Bạch Đằng là tác phẩm gợi cho người đọc những chiến công đã qua trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, hình ảnh dũng cảm khi ấy khiến người ta tự hào mãi không thôi, mỗi chúng ta, ai cũng thường có cho mình một nơi nào đó để gửi gắm ký ức. Các nhà văn, nhà thơ cũng vậy, họ hay chọn cho mình một miền đất hoặc một con sông. Và ở đó bao nhiêu ký thác tâm hồn được vắt ngang qua. Trở lại thế kỉ XIV, văn học trung đại của dân tộc đã có một nhà thơ như thế. Đó chính là Trương Hán Siêu - nhà thơ nặng lòng với con sông Bạch Đằng oai hùng của lịch sử qua văn phẩm nổi tiếng Phú sông Bạch Đằng. Có lẽ biết bao tâm tư của cả một đời cống hiến được ông dồn nén hết thảy vào dòng chảy bất diệt ấy để làm nên một tác phẩm trở thành đỉnh cao của thơ văn dân tộc.

2. Mở bài số 2

Đất nước Việt Nam với hơn 4000 năm văn hiến, với truyền thống yêu nước và giữ nước vẻ vang cùng với đó là những địa danh đã ghi dấu các chiến tích lẫy lừng của quân dân nước Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm như: sông Lô, Hàm Tử, Chi Lăng... Một trong số đó phải kể đến là Bạch Đằng giang - con sông của lịch sử đã chứng kiến Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán, nhà Trần tiêu diệt sạch bóng quân Mông - Nguyên.

3. Mở bài số 3

Tình yêu thiên nhiên, cảnh vật non sông gấm vóc quê hương vốn không phải là một đề tài mới mẻ. Trong các trang thơ đã có rất nhiều những nhà văn, nhà thơ thể hiện rất thành công đề tài này. Nhưng ở trong mỗi tác phẩm thơ văn thì các nhà văn, nhà thơ lại thể hiện với những sắc thái hoàn toàn mới mẻ, với những đối tượng miêu tả, sắc thái miêu tả hoàn toàn khác nhau, mang đặc trưng riêng của phong cách mỗi nhà thơ. Cũng viết về cảnh sắc của thiên nhiên đất trời, nhà thơ Trương Hán Siêu đã thể hiện tình yêu cũng như niềm tự hào trước vẻ đẹp của đất nước, mà đối tượng ở đây là con sông lịch sử, con sông hào hùng của dân tộc Việt Nam, con sông Bạch Đằng. Tình yêu ấy, niềm tự hào ấy của nhà thơ được thể hiện rõ nét qua bài phú “Phú sông Bạch Đằng”.

4. Mở bài số 4

Trương Hán Siêu là một người có học vấn uyên bác, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình và có nhiều đóng góp lớn cho hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Những tác phẩm của ông thường bộc lộ tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc. “Phú sông Bạch Đằng” là một tác phẩm như thế.

5. Mở bài số 5

"Phú sông Bạch Đằng" - một tác phẩm tiêu biểu cho đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam. Tác giả Trương Hán Siêu đã bằng những hoài niệm quá khứ để thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc về chiến công lừng lẫy trên sông Bạch Đằng. Có thể nói bài phú chứa đựng những giá trị tư tưởng nhân văn sâu sắc, đó là truyền thống anh hùng bất khuất và đạo lý nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam ta. Mở đầu bài Phú sông Bạch Đằng là lời giới thiệu nhân vật "khách", thực tế đây chính là tác giả, một người có tâm hồn ưa du ngoạn, khám phá và tự do phóng khoáng.

6. Mở bài số 6

Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, quê ở làng Phúc Am, phủ Yên Khánh, nay thuộc phường Phúc Thành, thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Ông làm quan suốt bốn đời vua Trần, từ triều đại Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông đến triều đại Trần Dụ Tông. Vì tính tình cương trực và có học vấn uyên thâm nên Trương Hán Siêu được các vua Trần tin cậy và nhân dân kính trọng. Sau khi qua đời, ông được thờ ở Văn Miếu, Hà Nội.

7. Mở bài số 7

Yêu nước là cảm hứng không bao giờ ngưng trong dòng chảy của văn chương dân tộc suốt bao thế kỉ qua. Có cái âm vang từ thuở Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) cất lên bên bến sông Như Nguyệt. Có cái khí thế của đội quân Sát Thát nhà Trần trong khúc hùng ca Tụng giá hoàn kinh sư(Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão). Có cái ngút ngàn của binh tướng Lam Sơn trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi). Có cái rung chuyển của trận đánh thần tốc gắn với người anh hùng áo vải Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)… Dẫu dừng ở điểm nào cũng vẫn thấy nguồn cảm hứng ấy cuồn cuộn dâng trào. Và Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, một điểm dừng góp vào cho dòng chảy của văn chương yêu nước một khúc hùng ca bất diệt. Bài phú càng khẳng định vị trí đỉnh cao nghệ thuật của mình hơn khi âm hưởng yêu nước hào hùng trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo.

8. Mở bài số 8

Trong văn chương trung đại, thiên nhiên được miêu tả khá nhiều. Các nhà văn, nhà thơ tìm đến thiên nhiên trong những tâm trạng khác nhau. Cao Bá Quát đến với thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng chua xót bất đắc chí. Nguyễn Bỉnh Khiêm thì đối với thiên nhiên để bày tỏ đạo lý thanh cao trước thói đời bon chen danh lợi. Ở Bài phú sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu đã tìm đến thiên nhiên trong một tâm trạng khác.

9. Mở bài số 9

Thiên nhiên là những cảnh đẹp nên thơ hùng vĩ vì thế mà nó đã trở thành một đề tài nổi bật trong văn thơ. Đã có rất nhiều nhà thơ thành công ở đề tài này, mỗi nhà thơ lại cho ta thấy một vẻ đẹp riêng của thiên nhiên nơi mình đang sống. Để góp mình vào đề tài này Trương Hán Siêu đã thể hiện tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước tiêu biểu là bài thơ Bạch Đằng giang phú. Bài thơ này viết về con sông lịch sử của dân tộc đó là sông Bạch Đằng.

10. Mở bài số 10

Trương Hán Siêu là một danh sĩ đời Trần, sau lúc qua đời được vua Trần truy phong là Thiếu Bảo.Ông còn để lại bốn bài thơ và ba bài văn "Dục Thuý sơn khắc thạch","Linh Tế Tháp ký","Khai Nghiêm tự bi","Bạch Đằng giang phú",...Trong thơ văn cổ Việt Nam có một số tác phẩm lấy đề tài sông Bạch Đằng nhưng"Bạch Đằng giang phú" của Trương Hán Siêu được xếp vào hạng kiệt tác. Chưa rõ Trương Hán Siêu viết "Bạch Đằng giang phú"vào năm nào, nhưng qua giọng văn cảm hoài "Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá - Tiếc thay dấu vết luống còn lưu", ta có thể đoán định được, bài phú này chỉ có thể ra đời sau khi Trần Quốc Tuấn đã mất, tức là vào khoảng 1301 - 1354.

Ngày:25/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM