Phân tích cảm hứng yêu nước trong tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

Tài liệu dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được một cách đầy đủ về tinh thần yêu nước được chuyển tải trong tác phẩm "Phú sông Bạch Đằng" của Trương Hán Siêu. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Phân tích cảm hứng yêu nước trong tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

1. Dàn ý phân tích cảm hứng yêu nước

a. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Phú sông Bạch Đằng là một trong những tác phẩm nổi bật của Trương Hán Siêu, qua đó, tác giả thể hiện tình yêu nước, cảm hứng yêu nước qua tình yêu với thiên nhiên, lịch sử và những giá trị tinh thần không bao giờ mai một trên con sông huyền thoại.

b. Thân bài:

- Khái quát về thể loại phú: Phú là một thể loại văn học cổ của Việt Nam, chủ yếu là văn tả cảnh, từ ngoại cảnh liên kết với nội tâm để tả tình.

- Tình yêu quê hương bộc lộ qua cách miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên trên sông Bạch Đằng được tác giả khái quát qua vài câu thơ chấm phá, thể hiện nét đẹp vừa mềm mại, tha thướt, vừa mạnh mẽ, cuộn trào.

- Cảm hứng yêu nước bộc lộ qua sự kính nể, hoài tưởng những chiến công vang dội của bậc cha ông, những kí ức vẻ vang, hào hùng của dân tộc và thất bại thảm hại của quân thù.

- Nỗi tiếc thương cho những vị anh hùng đã nằm xuống vì tổ quốc, vì độc lập dân tộc, đồng thời cảm thấy hổ thẹn, bẽ bàng vì hậu thế chưa thể làm được gì đáng tự hào cho tổ quốc.

c. Kết bài: Khái quát giá trị tác phẩm.

2. Cảm hứng yêu nước trong Phú Sông Bạch Đằng

Yêu nước là cảm hứng không bao giờ ngưng trong dòng chảy của văn chương dân tộc suốt bao thế kỉ qua. Có cái âm vang từ thuở Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) cất lên bên bến sông Như Nguyệt. Có cái khí thế của đội quân Sát Thát nhà Trần trong khúc hùng ca Tụng giá hoàn kinh sư(Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão). Có cái ngút ngàn của binh tướng Lam Sơn trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi). Có cái rung chuyển của trận đánh thần tốc gắn với người anh hùng áo vải Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)… Dẫu dừng ở điểm nào cũng vẫn thấy nguồn cảm hứng ấy cuồn cuộn dâng trào. Và Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, một điểm dừng góp vào cho dòng chảy của văn chương yêu nước một khúc hùng ca bất diệt. Bài phú càng khẳng định vị trí đỉnh cao nghệ thuật của mình hơn khi âm hưởng yêu nước hào hùng trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo.

Trương Hán Siêu là một người học vấn uyên bác, thông hiểu sâu sắc đạo Nho, đạo Phật, lại giàu lòng yêu nước và có nhiều công lao đối với triều Trần, vì vậy ông được các vua Trần tôn kính, xem như bậc thầy. Tác phẩm của ông bộc lộ tinh thần yêu non sông đất nước, tự hào về truyền thống vẻ vang của lịch sử dân tộc, đượm sắc thái trữ tình hoài cổ. Ngôn ngữ trong văn chương của Trương Hán Siêu tinh tế, lắng đọng, sử dụng thành công những hình dung từ giàu sắc thái trữ tình, giọng điệu thi phú rất uyển chuyển. Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu là một tác phẩm tiêu biểu của văn học yêu nước thời Lí – Trần.

Bài “Phú sông Bạch Đằng” được sáng tác sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông khoảng 50 năm. Bạch Đằng là con sông ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của dân tộc như trận thắng quân Nam Hán năm 938 của Ngô Quyền, trận thắng quân Nguyên Mông năm 1288 của Trần Hưng Đạo. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về con sông lịch sử đầy niềm tự hào này, nhưng bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu là nổi tiếng và đặc sắc nhất. Tác phẩm được viết theo lối phú cổ thể. Đây là một thể loại văn có nguồn gốc từ Trung Quốc, viết bằng văn vần hoặc văn xuôi có xen lẫn văn vần, có nội dung kể, tả khách quan các sự việc, phong tục, cảnh vật, bàn sự đời.

Đến với bài phú, ai cũng thích thú bởi khám phá được vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc trên sông Bạch Đằng. Dưới lăng kính tâm hồn của nhân vật “khách”, Trương Hán Siêu đã mang tới một khung cảnh đẹp mê hồn ít ai nghĩ sẽ thấy ở Bạch Đằng giang. Sau giây phút trải cái tráng trí bốn phương theo gió trăng, trời bể, lướt con thuyền tâm hồn qua các địa danh ở xứ Bắc phương, “khách” như thể bị một lực hút từ trường của sông Bạch Đằng mà rảo bơi chèo thật nhanh đến đó để chiêm ngưỡng cảnh sắc thu toàn bích trên sông.

Thông qua những từ láy gợi hình (bát ngát, thướt tha), kết hợp với việc nhắc đến những địa danh gắn liền với sông Bạch Đằng. Tác giả đã gợi cho người đọc vẻ đẹp hùng vĩ, bát ngát mênh mông của sông Bạch Đằng. Đồng thời tác giả cũng bày tỏ được cảm xúc của mình khi đứng trước một nhân chứng lịch sử khi hoài niệm về quá khứ oanh liệt.

Tái hiện lịch sử để làm gì khi không phải là mang ý nghĩa để tự hào, để ngợi ca những chiến công oanh liệt và những con người làm nên điều ấy. Trương Hán Siêu tự hào lắm khi gọi tên các bậc anh hùng đầy trang trọng như Trùng Hưng nhị thánh, Ngô chúa, khác hẳn với cách gọi coi thường bằng tên trực tiếp bọn tướng giặc. Ông cũng đầy kiêu hãnh khi nhìn ra thắng lợi vẻ vang của dân tộc là nhờ trời cho nơi đất hiểm, đất nước có những nhân tài đã quy tụ được lòng dân. Trong cảm hứng của khúc tráng ca ngút ngàn ấy, con người - những bậc minh quân, khai tướng đã trở thành những biểu tượng cho lòng yêu nước cháy bỏng bằng tài năng, đức độ. Để ngàn năm tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn/ nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh. Trong Tỏ lòng, nhà thơ Phạm Ngũ Lão cũng đã thể hiện sắc thái tự hào, ngợi ca con người và thời đại hào khí Đông A như thế, nhưng là ngay thời điểm hiện tại trong khí thế cả vua quân, tướng sĩ nhà Trần đang đánh giặc. Còn ở đây, Trương Hán Siêu chỉ nhìn lại thôi, mà vẫn đong đầy, chan chứa sự mến trọng, nâng niu.

Bạch Đằng giang phú được coi là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam.Tác giả đã vận dụng thủ pháp kể, miêu tả về cảnh sông Bạch Đằng sinh động, chân thật, giàu chất trữ tình. Đồng thời người đọc còn cảm nhận được những cảm xúc, những hoài niệm về quá khứ oanh liệt. Bài phú mang đậm chất sử thi hoành tráng sử dụng nhiều điển tích, điển cố chọn lọc, giàu sức gợi,những câu văn ngắn dài, phần cuối xen vào những câu thơ làm nên âm điệu hào hùng và rất trữ tình cho tác phẩm.

3. Suy nghĩ về cảm hứng yêu nước của Trương Hán Siêu

Bài “Phú sông Bạch Đằng” được sáng tác sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông khoảng 50 năm. Bạch Đằng là con sông ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của dân tộc như trận thắng quân Nam Hán năm 938 của Ngô Quyền, trận thắng quân Nguyên Mông năm 1288 của Trần Hưng Đạo. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về con sông lịch sử đầy niềm tự hào này, nhưng bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu là nổi tiếng và đặc sắc nhất. Tác phẩm được viết theo lối phú cổ thể. Đây là một thể loại văn có nguồn gốc từ Trung Quốc, lòng yêu nước của ông trong từng câu thơ.

Vẻ đẹp thiên nhiên mở ra trước mắt với những vẻ đẹp tráng lệ trên dòng Bạch Đằng giang, một khung cảnh rung động lòng người với song, với cờ, với nước, với trời,... Đọc hai câu thơ đầu, độc giả có thể cảm nhận được lực hấp dẫn vô định của dòng sông đối với con thuyền. "Qua cửa Đại Thanh, ngược bến Đông Triều", qua những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, qua những vùng đất mênh mông bể sở, đến với sông Bạch Đằng, con thuyền như bị cuốn, bị hút mà "bơi một chiều". Dường như không chỉ người, mà cả vật cũng bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp nơi đây. Phong cảnh mùa thu trên dòng sông lững lờ, dòng sông lịch sử vừa có nét oai hùng, dữ dội, vừa là cô thiếu nữ thiết tha, dịu dàng trong sắc trời ảm đạm. Nước và trời hòa thành một sắc, cái sắc u buồn của mùa thu, cái sắc đìu hiu nhuộm cả vào lòng người. Trên khung cảnh của nước trời vô tận ấy là nét chấm phá của "đuôi trĩ" với vẻ đẹp "thướt tha", dịu dàng. Trong vài câu thơ ngắn ngủi mà cảm tưởng như chứa đựng được mọi khía cạnh của dòng sông, có tinh tế, lả lướt của nước, của đuôi cờ, có sự dứt khoát, mãnh liệt của "sóng kình muôn dặm", của chiến công lịch sự vang dội một thời. Tình cảm yêu nước ở đây được thể hiện ở sự đồng cảm với thiên nhiên, yêu quê hương xứ sở, thấu cảm và đồng điệu với những cảnh đẹp của quê hương mình.

Tình yêu quê hương, cảm hứng yêu nước trong tác phẩm thể hiện rõ nét nhất ở sự tự hào với những chiến công hiển hách của ông cha trên dòng sông lịch sử. Những kí ức hào hùng như được tái hiện lại theo từng nhịp thơ, từng câu chữ, trải suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Người đọc tưởng như đang được tham gia vào chính những cuộc chiến đầy anh dũng, máu lửa.

Tác giả đã ca ngợi sự anh minh của vua Trần-là người có đức cao,luôn đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của cá nhân.Như vậy,ta có thể thấy được nguyên nhân thắng lợi của quân ta phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố,trong đó vẫn không thể thiếu được những nhân tài và người lãnh đạo có đức cao luôn biết lo cho dân,cho nước…

Qua những hoài niệm về quá khứ, “Bạch Đằng giang phú” đã thể hiện lòng yêu nước,niềm tự hào dân tộc trước chiến công trên sông Bạch Đằng, đồng thời ca ngợi truyền thống anh hùng bất khuất,truyền thống đạo lý nhân nghĩa ngàn đời của dân tộc Việt Nam.Tác phẩm cũng chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp qua việc đề cao vai trò,vị trí của con người trong lịch sử.

Nhìn trở lại toàn bộ bài phú,ta thấy “Bạch Đằng giang phú” là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam.Tác giả đã kể, miêu tả về cảnh sông Bạch Đằng, thiên nhiên một cách sinh động, chân thật,có tính trữ tình cao, xen lẫn với lời kể là những cảm xúc,những hoài niệm về quá khứ oanh liệt. Bài phú mang đậm chất sử thi hoành tráng sử dụng nhiều điển tích, điển cố chọn lọc, giàu sức gợi, những câu văn ngắn dài, phần cuối xen vào những câu thơ làm nên âm điệu hào hùng và rất trữ tình cho tác phẩm. Với nghệ thuật sắp xếp ngôn từ gây âm hưởng đa dạng, vừa khoan thai thoắt đã trở nên gấp gáp, rồi lại trở lại khoan thai, và cả bằng sự sinh động của nhịp điệu... mấy trăm năm qua bài phú đã chiếm lĩnh trọn vẹn tâm hồn người đọc.

Tinh thần yêu nước của Trương Hán Siêu đã được bộc lộ rõ qua các khía cạnh nhân văn sâu sắc. Ở đó, chúng ta thấy được sự rung cảm trước cái đẹp tuyệt sắc của quê hương, thấy được sự tự hào và lòng biết ơn đối với những bậc danh tiếng đã đánh đuổi quân xâm lược, giữ gìn độc lập dân tộc, ghi những dấu mốc vàng son vào lịch sử nước nhà, và cuối cùng là nỗi tiếc nuối, buồn thương cho thế thời, cho hoàn cảnh đất nước thời bấy giờ. Có thể nói, cái trăn trở của Trương Hán Siêu không chỉ là trăn trở của một mình ông, đó là nỗi canh cánh trong lòng hầu hết các vị nam nhi đương thời, phải làm gì cho tổ quốc, cho đất nước, cho dân tộc

Lời thơ gãy gọn, đanh thép, mang đậm khí khái hào hùng nhưng cũng không kém phần thanh cao, tác giả đã thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, cháy bỏng cùng khát vọng được cải tổ đất nước, mong mỏi có một bậc đế vương anh minh xây dựng nước Đại Việt vững mạnh, trường tồn. Qua bài thơ, tác giả thể hiện lòng biết ơn vô hạn đến những anh hùng có công dựng nước, giữ nước, đồng thời đặt ra bài học về trách nhiệm và nghĩa vụ của con cháu đời sau đối với giang sơn.

Ngày:18/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM