Phân tích và cảm nhận truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày

Bài văn mẫu dưới đây sẽ giúp các em hiểu hơn về tệ nạn tham nhũng của bọn quan lại thời xưa và thấy được hình ảnh người nông dân vừa đáng thương vừa đáng trách. Từ đó, các em sẽ biết lên án, phê phán những tệ nạn tham nhũng trong cuộc sống. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Phân tích và cảm nhận truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày

1. Dàn ý phân tích truyện cười "Nhưng nó phải bằng hai mày"

a. Mở bài:

- Đầu tiên giới thiệu sơ qua về tình huống truyện và dẫn dắt vào phân tích truyện.

- Truyện cười Việt Nam rất phong phú và được nhân dân ưa thích. Những khi xã hội suy thoái, các hiện tượng tiêu cực, lỗi thời xuất hiện nhiều thì truyện cười càng phát triển. Trong kho tàng truyện cười dân gian, "Nhưng nó phải bằng hai mày" là một câu chuyện cười trào phúng đặc sắc.

b. Thân bài:

- Phân tích từng nhân vật để thấy được tình huống và yếu tố gây cười của truyện "Nhưng nó phải bằng hai mày", đầu tiên là nhân vật lí trưởng:

+ Trong truyện "Nhưng nó phải bằng hai mày" hành vi ăn hối lộ được thể hiện qua hành động và ngôn ngữ trắng trợn, trơ trẽn của viên lí trưởng. Khi thấy Cải xòe năm ngón tay ngầm nhắc đã lót thầy lí năm đồng, thầy lí cũng "xòe năm ngón tay trái úp lên năn ngón tay mặt" ngầm bảo Cải: thằng Ngô còn lót tới mười đồng cơ.

+ Không những thế, hắn còn thẳng thừng nói với Cải: "Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày". Cứ theo lời phán xét của thầy lí thì cả hai "bị cáo" đều "phải" , chỉ có Ngô "phải bằng hai Cải mà thôi". Cụm từ "phải bằng hai" tự nó đã đủ khả năng gây cười vì lẽ phải và chân lí thì chỉ có một, không thể cả hai đều phải, càng không có chuyện người này "phải bằng hai" người kia.

+ Khi đặt câu nói của lí trưởng trong hoàn cảnh hắn đã nhận hối lộ của Ngô gấp hai lần Cải lót tay cho hắn thì tiếng cười không chỉ dừng lại ở mức độ hài hước mà đã trở thành lời đả kích mạnh mẽ về một nhân cách: thói ăn hối lộ trắng trợn, có thể bẻ cong cả chân lí. Lí trưởng không chỉ ăn hối lộ một bên mà còn ăn của cả hai bên. Điều đó khiến lí trưởng phải lí giải thành hình phạt: "tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày". Tiếng cười bật ra mạnh mẽ hơn khi lời nói của thầy lí trưởng được kết hợp với hành động của hắn "xòe năm ngón tay  trái úp lên năm ngón tay mặt". Hành động này là một phát ngôn song cũng là một thông điệp ngầm.

- Cấu trúc truyện:

+ Truyện được tổ chức một cách thông minh để tiếng cười càng trở nên thâm thúy, sâu sắc. Mở đầu là lời người kể khen "viên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi". Tiếp theo tác giả dân gian để cho cái "giỏi" của y được thể hiện bằng một vụ xử kiện cụ thể giữa Cải và Ngô. Kết cục thì người nghe nhận ra được cái "giỏi" của lí trưởng ở đây là giỏi ăn tiền. Cứ theo cách xử này thì khi vào vụ kiện, mỗi bên dù đúng hay sai đều phải tăng cường của đút lót.

+ Những tên riêng trong truyện: "Cải, Ngô" là tên những cây cối thường gặp trong đời thường nhằm chỉ những người lao động nghèo khổ, thật thà không hiểu biết về pháp luật. Họ không thể nhận thức lẽ đúng sai của mình mà chỉ biết chạy quan. Thực tế trong truyện cho thấy rằng bất kể đúng hay sai, chỉ có chạy quan thật nhiều tiền mới thoát khỏi vòng lao lí. Đút lót, hối lộ là hành vi xấu cũng là tội lỗi đáng bị lên án nhưng xét trong hoàn cảnh cụ thể ta thấy Cải và Ngô cũng là những nhân vật đáng thương, họ vừa là sản phẩm vừa là nạn nhân của xã hội. Rõ ràng, việc họ đút lót cho quan trên là do thực trạng xã hội bắt buộc, khi mà lẽ phải được định giá bằng đồng tiền.

- Ý nghĩa của tiếng cười:

+ Phê phán quan xử kiện với thói ăn hối lộ.

+ Phê phán những người nông dân vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm tiếp tay cho thói tham tiền.

+ Bài học: đừng đặt hết niềm tin vào tin đồn công lí và sống tích cực, đấu tranh với cái xấu.

- Nghệ thuật:

+ Lựa chọn tình tiết, hình ảnh, ngôn ngữ người kể và ngôn ngữ nhân vật.

+ Tổ chức cốt truyện ngắn gọn, chặt chẽ, bất ngờ.

+ Chi tiết kết thúc được đẩy lên đỉnh điểm và tiếng cười bật ra.

c. Kết bài:

- Cảm nhận của cá nhân em về truyện cười "Nhưng nó phải bằng hai mày".

- "Nhưng nó phải bằng hai mày" không chỉ là tiếng cười trào phúng, mà còn đả kích thói ăn hối lộ trơ trẽn, phổ biến trong hàng ngũ quan lại xã hội xưa. Đó là thói ăn hối lộ - một tội lỗi thường chỉ có ở hàng ngũ quan chức, ở những người cầm cân nảy mực và từ đấy, chân lí, lẽ phải bị bẻ cong, bị đánh giá bởi đồng tiền.

2. Phân tích truyện cười "Nhưng nó phải bằng hai mày"

Có thể nói trong văn học Việt Nam khi nói về truyện cười thì đây được xem là thể loại rất phổ biến trong kho tàng truyện cười Việt Nam, cực kì phong phú về đề tài, được chia làm hai loại là truyện khôi hài và truyện trào phúng. Truyện khôi hài chủ yếu nhằm mục đích giải trí là chính, tuy vậy nó vẫn có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng. Truyện trào phúng có mục đích đả kích, phê phán, đối tượng phần lớn là các nhân vật thuộc tầng lớp trên trong xã hội phong kiến xưa kia. Cũng có khá nhiều truyện cười phê phán thói hư tật xấu thường thấy trong cuộc sống. "Nhưng nó phải bàng hai mày" là truyện cười thuộc loại trào phúng, phê phán đám quan lại tham nhũng.

Truyện đã giới thiệu về nhân vật lý trưởng, nổi tiếng là người xử kiện giỏi. Cách giới thiệu ngắn gọn, tạo cho người đọc, người nghe sự chờ đợi xem lý trưởng xử kiện giỏi như thế nào. Để hiểu cách xử kiện giỏi của quan, tác giả nhân dân đã đặt nhân vật vào một tình huống cụ thể: Ngô và Cải là hai người hàng xóm. Họ đánh nhau và cuối cùng đem nhau ra kiện. Tuy nhiên, trái với lời giới thiệu ban đầu, Lý trưởng cũng giống như bao tên quan tham lam khác, chỉ lo nhận tiền đút lót để làm đầy cái túi của mình, mà không quan tâm đến đúng sai. Đặc biệt hành vi ăn hối lộ được thể hiện qua hành động và ngôn ngữ trắng trợn, trơ trẽn của tên Lý. Khi thấy Cải xoè năm ngón tay ngầm nhắc đã lót thầy Lý năm đồng, thầy Lý cũng "xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt" ngầm bảo Cải: thằng Ngô còn lót tới mười đồng cơ. Không những thế, hắn còn thẳng thừng nói với Cải: "Tao biết mày phải...nhưng nó lại phải...bằng hai mày!". Cụm từ "phải bằng hai" tự nó đã đủ khả năng gây cười vì lẽ phải chỉ có một, không thể cả hai đều phải, lại càng không có chuyện người này "phải bằng hai" người kia. Khi đặt câu nói của Lý trưởng trong hoàn cảnh hắn nhận hối lộ của Ngô gấp hai lần Cải, thì tiếng cười không chỉ dừng lại ở độ giải trí mà còn trở thành lời đả kích mạnh mẽ về một nhân cách: thói ăn hối lộ trắng trợn, có thể bẻ cong cả chân lí.

Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh khi lí trưởng đột ngột tuyên bố đánh phạt Cải mười roi. Buồn cười ở chỗ là hai nhân vật một bên thì chủ động, còn bên kia hoàn toàn bị động. Một bên cứ kết án, một bên xin xét lại. Động tác và lời nói của hai người hoàn toàn trái ngược nhau. Màn kịch khép lại bằng câu kết luận chắc nịch của lí trưởng: Tao biết mày phải… nhưng nó lại phải… bằng hai mày. Lời nói ấy đã vạch trần thủ đoạn của viên lí trưởng mà dân gian đã chỉ ra bằng câu thành ngữ: đòn xóc hai đầu.

Cử chỉ, hành động của các nhân vật trong truyện này giống như cử chỉ và hành động của các nhân vật trong kịch câm, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Khi bị lí trưởng ra lệnh đánh đòn, Cải vội xòe năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí, khẽ bẩm. Cử chỉ ấy như muốn nhắc khéo lí trưởng về số tiền mà cải đã lo lót trước và anh ta trông đợi sự "nhớ ra" của lí trưởng về lời cam kết rằng lẽ phải sẽ thuộc về mình. Thầy lí cũng xòe năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt, cử chỉ ấy ngầm thông báo với Cải rằng "lẽ phải" của thằng Ngô nhiều gấp đôi, nên đương nhiên phần thắng sẽ thuộc về hắn.

Câu chuyện như một màn kịch ngắn, không chỉ để mua vui mà còn mang ý nghĩa phê phán sâu sắc thói đút lót ăn tiền ở một số quan lại trong triều đình. Đằng sau đó còn là thái độ phản kháng, phản chiếu khát vọng về một lẽ công bằng thật sự ở đời. 

3. Cảm nhận truyện cười "Nhưng nó phải bằng hai mày"

Mở đầu truyện là lời giới thiệu về một viên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi ở "làng kia". Ta gặp cách giới thiệu mang tính chất phiếm chỉ trong truyện cười nói chung về nhân vật (viên lí trưởng), địa điểm (làng kia), thời gian (một hôm nọ). Giống như ở truyện cổ tích, tính phiếm chỉ trong truyện cười giúp tăng cường tính khái quát, ý nghĩa mà truyện phản ánh mang tính phổ biến ở nhiều vùng, nhiều đối tượng chứ không chỉ ở địa phương nào. Tên Cải, Ngô cũng là một cách nói thực chất không mang tính xác định.

Sự việc được kể rất ngắn gọn: "Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng". Diễn biến tình tiết đã lộ ra tình huống có vấn đề, buộc người nghe phải chú ý xem trong tình huống này thì một thầy lí nổi tiếng xử kiện giỏi sẽ xử vụ kiện này thế nào.

Khi đọc truyện cười "Nhưng nó phải bằng hai mày" chúng ta sẽ thấy tình huống gây cười nằm ở gần cuối truyện khi thầy lí xử kiện cho Ngô thắng, còn Cải bị đánh mười roi. Lúc này Cải vô cùng bất ngờ, vì vốn anh ta đã lo lót trước với thầy lí, tự bản thân luôn nghĩ phần thắng chắc chắn về mình, anh ta lâm vào thế bị động trước lời phán xét của thầy lí. Sự việc bất ngờ đó thể hiện ở hành động của Cải: Cải vội xòe năm ngón tay, ngẩng mặt nhìn thấy lí khẽ bẩm: Xin xét lại. Lẽ phải về con mà. Ở đây Cải ngụ ý nhắc về số tiền đã lo lót trước đó, đề xuất xử lại để phù hợp với số tiền mình đã đưa. Đáp lại hành động đó của Cải, thầy lí cũng đưa ra hành động vô cùng kì quặc, đầy tính ám hiệu: Xòe năm ngón tay trái úp lên trên năm ngón tay mặt. Tao biết mày phải nhưng nó phải bằng hai mày. Với ngụ ý Ngô đưa nhiều tiền đút lót hơn và Ngô phải là người thắng. Bằng lời nói công khai và hành động trước công đường: Lời phát ngôn của nhân vật được công khai cho tất cả mọi người cùng nghe và ai cũng hiểu. Còn mật ngữ hành động (xòe bàn tay) thì chỉ có hai người là Cải và ông lí mới có thể hiểu. Giữa ngón tay - tiền - lẽ phải có mối quan hệ mật thiết với nhau. Công lí không được đong đếm bằng sự thật nữa mà được đo bằng số tiền mỗi người bỏ ra đút lót. Theo cái lí của thầy thì lẽ phải tương đương với tiền, được đo bằng tiền. Giá trị tố cáo, ý nghĩa sâu xa của tác phẩm chính là ở chỗ đó.

Trong màn kịch ngắn trên, "ngôn ngữ" giao tiếp của hai nhân vật là lời nói và hành động. Hai thứ ngôn ngữ này cùng kết hợp với nhau để đưa ra một nội dung cụ thể. Hành động là để hai người trong cuộc hiểu nhau. Còn ngôn ngữ thì công khai nói cho tất cả những người có mặt nghe. Hai thứ ngôn ngữ này phải kết hợp lại nhau mới tạo thành nội dung đối thoại đầy đủ, rõ ràng.

Lẽ phải được tính bằng năm ngón tay, hai lần lẽ phải là mười ngón tay. Quay lại đối chiếu với phần đầu, người ta hiểu được tính chất quy ước ở đây: năm ngón tay bằng năm đồng, tức là ngón tay của Cải trở thành ký hiệu tiền tệ và hai bàn tay úp vào nhau của lý trưởng là ký hiệu cho lượng tiền đút lót của Ngô và Cải.

Tức là lẽ phải chính là tiền. Tiền là lẽ phải được đem ra để làm cán cân công lý. Tiền nhiều thì lẽ phải nhiều, tiền ít thì lẽ phải ít, bên nào nặng tiền hơn thì cán công lý nghiêng về phía đó. Đó chính là nội dung tố cáo của truyện.

Ngày:26/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM