Từ vựng tiếng Anh - Bí kíp học nhanh nhớ lâu cho người hay quên

Làm thế nào để học từ vựng tiếng Anh khi bạn là người hay quên? Bí kíp học nhanh nhớ lâu từ vựng tiếng Anh cho người hay quên được eLib chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn có được phương pháp học tiếng Anh mang lại hiệu quả cao. Cùng thực hành ngay với cách học này nhé! Chúc các bạn thành công!

Từ vựng tiếng Anh - Bí kíp học nhanh nhớ lâu cho người hay quên

1. Từ vựng tiếng Anh quan trọng thế nào?

1.1 Từ vựng tiếng Anh là “xương sống” của giao tiếp

Từ vựng chính là “nguyên liệu” để có thể tạo ra hoạt động giao tiếp. Và thành thạo, nhuần nhuyễn từ vựng là “xương sống” để giao tiếp được trôi chảy.

Trong giao tiếp (nói và viết), người nghe và người đọc thường chú ý nhiều vào nội dung người khác muốn nói (what) hơn là ngữ pháp (how). Dù bạn nắm chắc ngữ pháp, nếu bạn biết quá ít từ vựng, bạn sẽ vẫn không hiểu một người khác nói gì với mình.

Đúng như nhà ngôn ngữ học người Anh David A. Wilkins đã nói: “Không có ngữ pháp, rất ít thông tin có thể được truyền đạt. Nhưng không có từ vựng thì chẳng một thông tin nào có thể được truyền đạt cả”.

1.2 Vốn từ phong phú giúp phát triển các kỹ năng khác

“Giao tiếp” chịu sự ảnh hưởng và cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động trong cuộc sống. Vì vậy, có được vốn từ vựng dồi dào sẽ giúp phát triển, hoàn thiện các kỹ năng khác của việc học tiếng Anh giao tiếp:

Nghe đúng, hiểu đúng, đồng thời đáp lại nhanh, chính xác, cụ thể và tự nhiên. Cuộc trò chuyện sẽ trở nên thoải mái, cởi mở hơn.

Đọc thông – Viết thạo: Kỹ năng đọc – hiểu sẽ nhanh tiến bộ hơn. Đặc biệt, khi bộ não không phải đắn đo việc mình viết đúng chính tả không, có sử dụng đúng sử ngữ cảnh không, ta có thể nâng cao hơn nữa kỹ năng viết của mình.

Tóm lại, đừng nghĩ rằng học từ vựng tiếng Anh chỉ để phục vụ giao tiếp thông thường. Chăm chỉ trau dồi từ vựng sớm sẽ giúp bạn tiến triển mọi kỹ năng khi học tiếng Anh nói riêng hay một ngôn ngữ mới nói chung.

Nhưng chăm chỉ mà vẫn cứ học trước quên sau? Xem ngay bạn có mắc phải những sai lầm sau không nhé!

2. Tránh ngay 6 sai lầm này khi học từ vựng tiếng Anh

2.1 Hay quên nhưng chỉ dùng trí nhớ để học

“Bắt trúng bệnh” của team não cá vàng rồi đây. Lúc nào cũng canh cánh nỗi lo: “Làm thế nào để nhớ được cả kho từ vựng trong khi trí nhớ mình không tốt?”.

Thực tế là, tích lũy vốn từ vựng tiếng Anh phong phú không quyết định bởi trí nhớ.

Nên dừng ngay lại việc cố dùng trí nhớ để nhồi nhét từ vựng. Bởi vì:

- Cách học nhồi, học vẹt chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn, không thể áp dụng cho học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả.

- Dễ gây nhầm lẫn khi sử dụng do hiểu lơ mơ, đặc biệt khi tiếng Anh có nhiều từ phát âm giống nhau.

- Triệt tiêu niềm vui học tập

2.2 Học từ rời rạc, không theo ngữ cảnh

Hồi trước, tôi chỉ biết BLUE là màu xanh. Đến sau này, tôi sững sờ khi biết BLUE có tới 8 nghĩa khác nếu đi cùng cụm từ, ngữ cảnh nào đó.

Ví dụ:

- out of the blue = suddenly (một cách bất ngờ, không dự tính)

- feeling blue = feeling sad (buồn bã)

- …v…v

Từ vựng thường xuất hiện ở dạng cụm từ, thành ngữ như vậy. Nên việc học từ vựng không theo ngữ cảnh, hay học từng từ đơn lẻ sẽ khiến bạn khổ sở và bối rối trong các tình huống giao tiếp thực tế. Có thể bạn hiểu các từ trong câu nói, nhưng lại không hiểu người ta muốn nói gì.

2.3 Học từ vựng không có chủ đề

Nếu nghĩ rằng: Mình cần phải học hơn 3000 từ vựng tiếng Anh mới có thể giao tiếp được.

Bạn sẽ nản lòng ngay tức khắc!

Nhưng ở góc độ khác, chỉ cần học từ vựng của 20 chủ đề giao tiếp phổ biến nhất thôi, bạn sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều đấy.
Vì vậy, nhóm lại các từ vựng theo từng chủ đề cụ thể thì sẽ giúp ích hơn rất nhiều:

- Có thể nhớ cả ngữ – nghĩa của từ

- Có thể áp dụng được ngay trong tình huống thực tế

- Huy động được nhiều từ liên quan – cùng chủ đề nhằm hỗ trợ cho cuộc đối thoại

- Không dùng từ sai lệch với ý của người đối thoại

2.4 Mải mê học những gì không cần

Không chọn lọc những từ vựng – chủ đề thiết thực với chính mình, chỉ chuyên chú học từ mới hoặc chỉ học từ khó hàng ngày, là một trong những sai lầm cực kỳ phổ biến khi học tiếng Anh giao tiếp.

Học từ mới quá nhiều: Khi vẫn chưa nắm chắc, chỉ nhớ qua loa, hời hợt những từ đã học, vậy mà bạn đã vội vàng học từ mới thì sẽ chỉ càng nhanh quên hơn mà thôi.

Học từ khó: đường quang không đi, cứ đâm quàng bụi rậm!

Thực tế, trong giao tiếp tiếng Anh hàng ngày, bạn chỉ cần thành thạo các từ vựng thông dụng là có thể nghe – nói lưu loát.

Do đó, việc mải mê học từ mới, từ khó, không giúp ích gì cho công cuộc học tiếng Anh giao tiếp mà còn cản trở, gây lãng phí thời gian.

Bí kíp ở đây là: CHỌN ĐÚNG THỨ MÌNH CẦN!

Khi ấy, việc học sẽ rất thiết thực, phục vụ ngay cho cuộc sống, công việc của bạn; bạn cũng dễ nhận được thành quả hơn, và chính những kết quả tốt này sẽ tiếp thêm hứng khởi để kiên trì học tập.

2.5 Lười tra từ điển

Từ điển là công cụ đắc lực để học một ngôn ngữ mới, nó còn là một kho từ vựng đúng nghĩa. Vậy lười tra từ điển thì sao có thể học và nhớ lâu từ mới tiếng Anh?

Mặt khác, lại có những bạn không sử dụng từ điển Anh – Anh. Cá nhân tôi, nhờ cuốn từ điển Oxford mà đã “lên trình” trông thấy trong việc học từ vựng tiếng Anh đấy. Vì sao?

Thường xuyên tra từ điển Anh Anh giúp ích cho phát triển tư duy bằng Tiếng Anh

Khác với từ điển Anh – Việt, nghĩa của 1 từ đơn giản chỉ là 1 từ tương đương bằng Tiếng Việt, với từ điển Anh – Anh, nghĩa của 1 từ sẽ được diễn tả hoàn toàn bằng 1 câu tiếng Anh, một số từ đồng nghĩa, các ví dụ thực tế. Bạn sẽ học được rất nhiều từ chính từ điển, chứ không chỉ là một công cụ giải nghĩa.

Thành ngữ, cụm từ thường không thể dịch đúng bằng tiếng Việt

Khi sử dụng từ điển Anh – Việt, nhiều lúc bạn sẽ không tra được nghĩa chính xác so với ngữ cảnh, hoặc không biết những từ đó dùng trong ngữ cảnh nào.

Đặc biệt với những thành ngữ (idiom), hoặc cụm động từ (phrasal verb), tốt nhất bạn nên sử dụng từ điển Anh – Anh để hiểu chuẩn xác ngữ – nghĩa.

2.6 Không biến việc học thành thói quen

Tục ngữ nước ngoài có câu: “An apple a day keeps the doctor away” (Mỗi ngày một quả táo thì không phải gặp bác sĩ).

Bạn thấy đó, việc ăn 1 quả táo đều đặn hàng ngày sẽ đem lại lợi ích lớn gấp bội việc ăn 7 quả táo trong 1 ngày.

Học từ vựng tiếng Anh cũng thế!

Thay vì học nhồi nhét hay tùy hứng, hãy biến việc học từ vựng thành thói quen hàng ngày của bản thân mình.

Hãy thực hành đều đặn và thường xuyên!

Tôi luôn gắn việc học từ vựng với những hoạt động mà mình làm hàng ngày không biết chán để tạo thói quen.

Ví dụ:

- Mỗi sáng, phải dành 30 phút đọc tin tức thể thao bằng tiếng Anh.

- Mỗi buổi tối, xem 1 tập phim truyền hình Mỹ với phụ đề tiếng Anh

Ngoài ra, bạn nên chọn một khoảng thời gian trong ngày mà cảm thấy tỉnh táo nhất, nhiều năng lượng nhất để học từ vựng, đặt ra số lượng từ sẽ học mỗi ngày sao cho vừa đủ.

Hãy tập thói quen chú ý quan sát để bắt gặp từ mới tiếng Anh, đây chính là bối cảnh thực tế từ vựng xuất hiện mà bạn không thể bỏ qua. Những biển quảng cáo, tên cửa hàng, thực đơn nhà hàng, rạp chiếu phim… đều giúp bạn thu nạp từ vựng tự nhiên và khắc sâu dễ dàng.

Những ai đã sở hữu vốn từ vựng lớn cũng đừng đánh mất thói quen này. Bạn có thể học kỹ hơn về những từ mình đã biết nếu hầu hết các từ xuất hiện đều là từ quen thuộc. Tạo thêm thử thách cho mình để sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn hơn.

3. Kinh nghiệm học từ vựng tiếng Anh hiệu quả

Mỗi người lại có một hoặc vài cách hiệu quả giúp họ nhớ nhanh, ngấm lâu từ vựng tiếng Anh. Tôi không biết bạn đã thử những cách nào, nhưng luôn nhớ một điều: Hãy tận dụng triệt để mọi con đường khiến bạn thấy thoải mái nhất khi học.

Bởi chỉ khi bắt đầu với sự hứng thú, chúng ta mới có thể thả lỏng đầu óc – “free your mind” – để tích lũy và ghi nhớ số lượng lớn từ vựng.

Dưới đây là cách học từ vựng tiếng Anh của của một người hay quên, mời các bạn cùng tham khảo. 

3.1 Đọc sách báo và xem video

Đây là hai sở thích giúp tôi học tiếng Anh giao tiếp hàng ngày mà không bị áp lực.

Tuy nhiên, đọc hay xem cũng cần có phương pháp – bằng không sẽ chỉ đốt thời gian mà thôi.

Đừng tin những lời kêu gọi: Hãy đọc bất cứ sách gì, xem bất cứ thể loại gì bạn thích!

Bạn cần chọn lọc và sắp xếp những chủ đề mình yêu thích theo mức độ: khó hay dễ, hiếm có hay phổ biến… để việc tiếp nhận từ vựng thêm hiệu quả.

Lưu ý:

Đừng bắt đầu với những chủ đề khó, đồ sộ, mang tính chuyên ngành:

Tôi đã từng chọn đọc sách về vũ trụ, khảo cổ dày cộp với quá nhiều từ ngữ chuyên ngành khó. Cho nên dù rất yêu thích lĩnh vực này, tôi nhanh chóng nản và thất bại.

Đừng kè kè tra từ điển mỗi khi gặp từ vựng mới:

Việc đọc sách, xem video là cách rất hay để bạn học từ vựng tiếng Anh theo chủ đề, ngữ cảnh. Do đó, nếu bạn tra từ điển liên tục mỗi khi gặp từ khó thì sẽ không thể hiểu toàn thể nội dung, ngắt mạch tư duy, gây nên ngắt quãng trong tiếp nhận.

Hãy ghi hoặc đánh dấu lại những từ không hiểu. Sau khi xem xong bạn mới tra từ điển và đừng quên xem lại đoạn văn/đoạn phim có chứa từ ngữ ấy để nắm chắc ngữ cảnh.

3.2 Học đến đâu, đặt câu đến đấy

Nhắc lại: Không thể học từ vựng tiếng Anh hiệu quả khi không đặt chúng trong câu. Để hiểu rõ nghĩa của từ và nhớ lâu hơn, hãy đặt câu hoàn chỉnh với nó.

Tuy nhiên, rất nhiều bạn đặt câu quá chung chung, không giúp bạn hiểu sâu, hoặc mường tượng rõ ràng về từ vựng đó. Hãy cố gắng mô tả rõ ràng về đối tượng trong câu để làm rõ nghĩa nhé.

Ví dụ:

Coi như “tasty” là từ mới bạn học được.

Thông thường, bạn sẽ chỉ đặt câu đơn giản như sau:

This ice cream is tasty. (Que kem này ngon quá.)

Nhưng que kem cũng có thể “lạnh” (cold), vậy “ngon” cũng có nghĩa là “lạnh” sao? Không hề. Do đó, hãy diễn tả cụ thể nghĩa của từ “tasty” trong câu này nhé:

I’d love to try a tasty ice cream that has a nice silky and smooth texture with dark chocolate chips which adds a little crunch and bitterness. (Nghe thèm quá!)

Cố gắng luôn vận dụng sự suy tưởng để hình dung liên tục khi học từ vựng: vừa giúp nhớ lâu từ mới hơn, vừa tiện thể giúp ta tập tư duy bằng tiếng Anh nhiều hơn.

3.3 Học các dạng thức khác của từ

Với cách học nhiều dạng thức của từ này, chúng ta sẽ học một – biết nhiều, thay vì chỉ nhớ được duy nhất một từ vựng. Cách thức như sau:

- Kẻ bảng có khoảng 4-6 cột tùy ý, thông thường 4 cột thôi cho dễ nhớ, bao gồm: Noun, Verb, Adjective, Adverb (thêm Synonyms và Antonyms tùy bạn)

- Giả sử bạn học được từ mới là “Beautiful”:

+ hãy ghi vào cột Adjective (tính từ)

+ điền lần lượt các dạng thức khác của “beautiful” vào cột tương ứng.

Bạn thấy đó, như ảnh trên, chỉ với 1 từ “beautiful”, tôi đã có thể biết thêm tới 7 từ mới khác với 4 dạng thức của từ mới này.

Vừa học thêm được từ mới có mối liên hệ với nhau, vừa dễ nhớ, dễ liên tưởng – đây là cách học tôi chân thành khuyên bạn nên áp dụng hàng ngày để học từ vựng hiệu quả nhé.

3.4 Sử dụng bản đồ tư duy

Bạn nào thích “vẽ vời” thì nên tận dụng sở thích này để học từ mới nha. Mind map (bản đồ tư duy) là phương tiện cực kỳ hữu ích và thú vị để học từ vựng tiếng Anh hiệu quả.

Tạo lập một bản đồ tư duy đơn giản lắm, chỉ cần có tư duy logic chút là sáng tỏ hết:

- Đặt chủ đề làm yếu tố trung tâm: chữ lớn nhất, nổi bật nhất

- Đi các nhánh chủ đề phụ nằm trong chủ đề lớn: có thể viết in hoa, bôi đậm

- Tiếp tục chia các nhánh nhỏ hơn trong mỗi chủ đề phụ: viết thường, chữ nhỏ hơn

Nếu bạn là một tín đồ “cuồng chân” thì đừng bỏ qua mind map mỗi khi lên kế hoạch nhé!

Những lợi ích “vàng” mà tôi nhận được khi học bằng mind map là:

- Ghi nhớ từ đồng nghĩa dễ dàng

- Học cụm từ siêu đơn giản (collocations)

- Học từ vựng theo chủ đề càng thuận lợi

- Mở rộng vốn từ cực nhanh

- Xả stress tốt (ngồi trang trí cho bản đồ cũng là thú vui tao nhã lắm).

- Giúp phát huy sự chủ động, sáng tạo: vì với một chủ đề gốc như nhau nhưng mỗi người sẽ có một cách tư duy khác nhau

- Rất hữu hiệu khi muốn ôn lại các từ vựng đã học: vừa nhớ được từ, vừa hiểu được nghĩa, xác định được mối liên hệ…

Lưu ý:

Dùng mind map phải nhớ một số điều sau:

- Đừng nên chia quá nhiều nhánh từ vựng cùng lúc, hãy cứ bắt đầu với 2-3 nhánh mỗi ngày và bổ sung dần.

- Không cần sử dụng quá nhiều màu sắc khiến mind map bị lòe loẹt, rối mắt.

- Chỉ nên sử dụng từ khóa/cụm từ thay vì viết câu dài vào mind map. Bởi cả câu hoàn chỉnh sẽ dập tắt khả năng ghi nhớ, liên tưởng, giảm hứng thú tiếp nhận thông tin.

- Nếu bạn thấy việc vẽ tốn thời gian, có thể dùng Excel hoặc các phần mềm để tạo mind map.

3.5 Một số hoạt động bổ trợ

Bên cạnh việc áp dụng theo 4 cách học từ vựng trên, bạn đừng quên kết hợp cùng các hoạt động hữu ích khác để mang lại hiệu quả rõ rệt theo từng giai đoạn:

Làm bài trắc nghiệm đều đặn

Dù bạn đang tự học tiếng Anh giao tiếp tại nhà, nhớ thường xuyên làm bài trắc nghiệm, bài kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của mình. Đây cũng là cách hay để rà soát, ôn tập lại những từ vựng đã học.

Trang bị những tài nguyên học từ vựng uy tín

Dưới đây là những website, phần mềm chất lượng, uy tín đã giúp tôi tự học từ vựng tiếng Anh hiệu quả, bạn cùng tham khảo nhé:

Website:

- https://www.vocabulary.com/

- https://quizlet.com/

- https://dictionary.cambridge.org

Ứng dụng:

- https://vi.duolingo.com/mobile

- https://www.memrise.com/vi/app/

Trên đây là bí kíp học từ vựng tiếng Anh nhớ lâu mà eLib muốn chia sẻ đến bạn, cùng tham khảo để lựa chọn phương pháp học tập hữu ích và mang lại hiệu quả cao nhất cho mình nhé! Chúc các bạn thành công!

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm từ vựng tiếng Anh theo chủ đề trau dồi và nâng cao vốn từ vựng cho mình.

Trắc Nghiệm

Ngày:02/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM