Phân tích hình tượng nhân vật khách trong bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
Nội dung bài văn mẫu dưới đây nhằm giúp các em hiểu được vai trò to lớn của hình tượng nhân vật khách trong bài "Phú sông Bặch Đằng" của Trương Hán Siêu. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Dàn ý phân tích hình tượng nhân vật khách
a. Mở bài:
- Giới thiệu về Trương Hán Siêu và nêu được những tác phẩm chính của ông.
- Tiến hành giới thiệu ý nghĩa của hình tượng khách trong văn bản.
b. Thân bài:
- Hình tượng nhân vật khách: tư thế của một con người có tâm hồn khoáng đạt:
+ Khách dạo chơi phong cảnh không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà còn nghiên cứu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức.
+ Hoài bảo lớn lao.
- Chí khí của khách được gợi lên qua hai loại địa danh:
+ Địa danh trong điển cố Trung quốc: rong chơi bể lớn, Sông Nguyên, Tương, Vũ huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ,Tam Ngô, Bách Việt - những vùng đất nổi tiếng, khách đã đi qua bằng sách vở.
+ Địa danh thứ hai là những địa danh đất Việt, với không gian cụ thể: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng là hình ảnh hiện tại mang tính đương đại hiện ra trước mắt.
+ Cảnh sắc thiên nhiên hiện lên hùng vĩ hoành tráng “Bát ngát sóng kình muôn dặm - thướt tha đuôi trĩ một màu”.
+ Song cũng ảm đạm, hắt hiu “bờ lau san sát, bến lách đìu hiu – Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”.
- Nghệ thuật: Lời văn linh hoạt, hình tượng nghệ thuật sinh động, vừa gợi hình sắc trực tiếp, vừa mang ý nghĩa khái quát, tính triết lý, ngôn từ trang trọng, hào hùng, vừa lắng đọng,gợi cảm.
c. Kết bài:
- Với hình tượng nhân vật khách, bài phú thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống anh hùng và tư tưởng nhân văn cao đẹp. Sự hoài niệm về quá khứ là niềm tự hào về truyền thống dân tộc của tác giả.
2. Suy nghĩ về nhân vật khách trong Phú Sông Bạch Đằng
Ta đã từng biết, Trương Hán Siêu là danh sĩ nổi tiếng đời Trần, tính tình cương trực, tâm hồn phóng khoáng. Chín câu đầu cho thấy “khách” là một tao nhân với rượu túi thơ “chơi vơi” theo cánh buồm, làm bạn với gió trăng qua mọi miền sông biển. Sống hết mình với thiên nhiên, du ngoạn thăm thú mọi cảnh đẹp xa gần. Đêm thì “chơi trăng mải miết”, ngày thì: “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương; Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt”,…
Khách đã đi nhiều và biết nhiều. Các danh lam thắng cảnh như Nguyên Tương, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,… đều ở trên đất nước Trung Hoa mênh mông, ở đây chỉ mang ý nghĩa tượng trưng nói lên một cá tính, một tâm hồn: yêu thiên nhiên tha thiết, lấy việc du ngoạn làm niềm lạc thú ở đời, tự hào về thói “giang hồ” của mình.
Mở đầu bài phú, hình tượng nhân vật “khách” hiện lên gây ấn tượng trong mỗi chúng ta bởi thú tiêu dao. “Khách” dạo chơi phong cảnh để thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên, để nghiên cứu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức. Tư thế của “khách” là tư thế của con người có tâm hồn khoáng đạt, hoài bão lớn lao.
Không gian “khách” đi qua thường là không gian rộng lớn như biển lớn (lướt bể chơi trăng), sông hồ (Cửu Giang, Ngũ Hồ), là những vùng đất nổi tiếng như Tam Ngô, Bách Việt, Vân Mộng… Những chuyến phiêu lưu trong tưởng tượng như thế thể hiện tráng chí bốn phương của “khách”. Điều đáng quý là không vì mải miết chơi xa mà “khách” quên yêu những thắng cảnh của đất nước mình. Và đó là lí do “khách” dừng chân ở sông Bạch Đằng.
Theo cánh buồm lướt nhẹ, khách từ từ qua từng điểm rồi đến với sông Bạch Đằng. Và một cảnh tượng ngỡ ngàng hiện ra trước mắt: một khung cảnh tuyệt đẹp của mùa thu. Bút pháp miêu tả đầy lãng mạn, một bức tranh thủy mặc trên dòng sông đẹp ở từng đường nét. Có cái bát ngát sóng kình muôn dặm của một Bạch Đằng không bao giờ ngơi nghỉ, có cái thướt tha của những con thuyền như đuôi trĩ một màu và cảnh trời, sắc nước mênh mông như hòa lẫn vào nhau của một Bạch Đằng thơ mộng, hiền hòa. Phải là một tâm hồn yêu thiên nhiên, bằng con mắt của người nghệ sĩ và cả cái cảm quan đầy chất họa, Trương Hán Siêu mới vẽ được một bức tranh mùa thu đẹp như vậy. Cho nên cảm xúc cứ tự nó reo vui, thích thú trong tâm hồn của khách hải hồ. Có thể thấy, ngay ở những dòng đầu tiên của bài phú, khách đã tạo nên một tâm thế với tráng trí bốn phương rộng lớn của một nghệ sĩ lãng mạn, phóng khoáng và một bậc nho sĩ uyên bác.
Phải chăng Bạch Đằng giang cuồn cuộn sóng chảy ra biển Đông cũng là lòng người thi nhân cuồn cuộn sóng? Có cái cuồn cuộn mạnh mẽ về một quá khứ xa xưa, nhưng cũng có cái cuồn cuộn cảm khái, ưu tư về thế thời, xã tắc lúc bấy giờ. Khách bởi vậy mà đã khơi dậy những giá trị lịch sử rất đỗi thiêng liêng của dân tộc, đề cao vị trí, vai trò của con người trong lịch sử nhưng cũng ngầm chuyển tải tâm sự thời thế mà ông chẳng thể nói ra.
Qua bút pháp rất đặc trưng của thơ văn trung đại, nhân vật khách đã được khắc họa thành công trong bài phú, trở thành một hình thượng nghệ thuật đặc sắc của văn học thời kỳ này. Có thể nói, khách đã hội tụ, kết tinh hết thảy những phẩm chất con người của chính tác giả. Khách đã khẳng định cái tôi đậm chất nghệ sĩ hoài cổ mà từ đó giúp Trương Hán Siêu chuyển tải những giá trị tư tưởng có tính lịch sử thiêng liêng và truyền thống vẻ vang của dân tộc trong bài phú.
3. Cảm nghĩ về hình tượng khách trong Phú Sông Bạch Đằng
Bài thơ tuy ngắn nhưng thật cường tráng hào hùng, khắc họa một dòng sông son ghi dấu biết bao chiến công của lịch sử nước Việt. Cũng cùng nội dung đó nhưng Trương Hán Siêu lại sử dụng thể phú cổ thể rất độc đáo trong tác phẩm mang tên “Phú sông Bạch Đằng”. Bài phú được coi là một áng văn mẫu mực của văn học trung đại, thể hiện rõ nét hào khí Đông A. Hơn thế nữa, qua hình tượng nhân vật khách ta còn thấy được vẻ đẹp tráng chí của người anh hùng thời Trần cũng như âm hưởng chiến trận vang mãi đến muôn đời.
Như chúng ta đã biết, Trương Hán Siêu tự là Thăng Phủ, người làng Phúc Thành, huyện Yên Ninh, nay thuộc Ninh Bình. Ông vốn là môn khách trong nhà của Trần Hưng Đạo, làm quan bốn đời vua Trần, từng giữ chức hàn lâm viện học sĩ. Về chính sự, theo lịch sử ghi chép, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông năm 1288, ông đã cùng Trần Quốc Tuấn thao lược, chỉ huy quân ta đại thắng dẹp tan kẻ thù xâm lược. Về văn học, số lượng tác phẩm của ông để lại không nhiều nhưng nổi bật nhất vẫn là “Phú sông Bạch Đằng”.
Cùng tạo nên tính khách quan cho tác phẩm nhưng trong khi nhân vật bô lão dẫn chuyện thì nhân vật khách lại đóng vai trò khẳng định tầm quan trọng của con người trong cuộc chiến và thể hiện cảm xúc của bài phú. Sự hoá thân tài tình của tác giả vào hình tượng khách góp phần không nhỏ tạo nên thành công của tác phẩm. Mở đầu Bạch Đằng giang phú, nhân vật khách hiện lên với tình yêu thiên nhiên, học vấn sâu rộng và tráng chí bốn phương.
Trong bài hình tượng nhân vật "khách" xuất hiện đầu tiên với những chuyến du ngoạn trên 2 loại địa danh, thứ nhất là du ngoạn trên các địa danh nổi tiếng trong các điển cố của Trung Quốc: Nguyên, Tương, Vũ Huyệt, Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt. Đây đều là những danh thắng đẹp và rộng lớn của Trung Quốc, đến với các địa danh này, tác gỉa đã du ngoạn qua sách vở và thông qua trí tưởng tượng của mình. Thứ hai tác giả du ngoạn thực tế trên các địa danh của đất Việt: Cửa Đại Thanh, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng, đều là những địa danh khoáng đạt rộng lớn, đẹp đẽ và đặc biệt là chúng đã từng ghi dấu son trong lịch sử. Chúng hiện lên trước mắt của Trương Hán Siêu với hai đặc điểm lớn, đầu tiên là sự thơ mộng hùng vĩ "Bát ngát sóng kình muôn dặm", dưới tầm mắt tác giả những con sóng của sông Bạch Đằng đang liên tiếp trải dài đến vô cùng vô tận, cùng với đó từ "bát ngát" lại dễ khiến người ta liên tưởng đến sự rộng lớn, hùng vĩ của khung cảnh sông nước.
Nhân vật "khách" cũng là hiện thân của Trương Hán Siêu, trước tình hình đất nước đang trên đà suy vong, khi trở về thăm lại sông Bạch Đằng, bỗng chốc nảy sinh nhiều cảm xúc, mà phần nhiều đều xuất phát từ lòng yêu nước thương dân, nỗi lo cho vận mệnh của dân tộc của một nguyên lão 4 triều. Bên ngoài là cái vẻ thảnh thơi ngắm nhìn cảnh sắc hùng vĩ thơ mộng của Đại Việt ta, nhưng ấp ủ trong ấy là bao nỗi lòng hoài niệm, tiếc thương những ngày đất nước thật thái bình thịnh trị, quân đội hùng mạnh, viết nên những trang sử hào hùng. Nhưng giờ cảnh còn người mất, khiến tác giả không khỏi bâng khuâng khỏi lặng người, như vậy mạch cảm xúc tâm trạng của nhân vật "khách" chính là tiền đề khởi nguồn cho những phần tiếp theo của bài phú.
Tham khảo thêm
- docx Phân tích và cảm nhận bài thơ Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
- docx Phân tích cảm hứng yêu nước trong tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
- docx Phân tích giá trị nghệ thuật thể phú trong tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
- docx Top 10 mở bài về tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu hay và sáng tạo nhất
- docx Tổng hợp những kết bài về tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu
- docx Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu và bài Phú sông Bạch Đằng