Sụp mi mắt

Sụp mi mắt là tình trạng mi mắt sẽ bắt đầu rủ xuống nhãn cầu. Rủ mi mắt là hậu quả của việc giảm trương lực cơ tại cơ kiểm soát mi mắt. Tìm hiểu ngay cùng eLib nhé!

Sụp mi mắt

1. Tìm hiểu chung

Sụp mi mắt là tình trạng gì?

Khi chúng ta già đi, mi mắt sẽ bắt đầu rủ xuống nhãn cầu. Rủ mi mắt là hậu quả của việc giảm trương lực cơ tại cơ kiểm soát mi mắt.

Nếu các nếp da mi mắt trên rủ xuống quá bờ mi, tầm nhìn có thể bị suy giảm. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng, sụp mi mắt có thể làm giảm đáng kể tầm nhìn dựa vào mức độ cản trở đồng tử ở mắt. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này có thể sẽ tự hết hoặc phải cần tới bác sĩ điều trị.

2. Triệu chứng thường gặp

 Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng sụp mi mắt?

Triệu chứng chính của tình trạng này là mi mắt chảy xệ ở một hoặc cả hai bên. Trong một số trường hợp, sụp mi có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng rất khó để nhận biết sụp mi hoặc không phải lúc nào tình trạng này cũng xảy ra. Bạn có thể bị khô mắt hoặc chảy nước mắt hay khuôn mặt trông thiếu sức sống và mệt mỏi. Một số người trong trường hợp nghiêm trọng phải ngả đầu về sau mỗi khi nói chuyện.

Các vùng gặp vấn đề chủ yếu sẽ là vùng da xung quanh mắt và có thể gây đau, điều này có thể khiến bạn trông mệt mỏi.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

Mi rủ ảnh hưởng đến vẻ ngoài hoặc tầm nhìn; Một mi mắt đột nhiên sụp hoặc kéo xuống; Sụp mi liên quan với các triệu chứng khác, chẳng hạn như nhìn đôi hoặc đau; Sụp mi mắt ở trẻ em; Sụp mi mới hoặc thay đổi nhanh chóng ở người lớn.

3. Nguyên nhân gây bệnh

 Nguyên nhân nào gây ra tình trạng sụp mi mắt?

Những nguyên nhân gây ra tình trạng sụp mi bao gồm:

Nguyên nhân tự nhiên: bất cứ ai cũng có thể bị sụp mi mắt, nhưng tình trạng này phổ biến nhất ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên. Gân mắt ở cơ có chức năng nâng mi mắt. Khi bạn già đi, cơ có thể dãn ra và làm cho mi mắt bị rủ xuống. Mặc dù vậy, bạn hãy nhớ rằng bất kì lứa tuổi nào cũng đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng này. Trẻ nhỏ đôi khi sinh ra đã bị sụp mi, nhưng điều này rất hiếm. Đôi khi, nguyên nhân chính xác gây ra sụp mi không được biết rõ, có thể là do chấn thương hoặc do thần kinh. Nguyên nhân phổ biến nhất của sụp mi bẩm sinh là cơ nâng mi không phát triển hoàn chỉnh, ảnh hưởng đến khả năng mở mắt. Trẻ bị sụp mi cũng có thể giảm thị lực, thường được gọi là “mắt lười”. Rối loạn này cũng có thể hạn chế bớt tầm nhìn của trẻ; Bệnh lý: nếu mi mắt rủ xuống, đây có thể là một dấu hiệu tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt nếu vấn đề này ảnh hưởng đến cả hai mi mắt. Nếu chỉ một trong hai mi mắt bị sụp, đây có thể là hậu quả của chấn thương dây thần kinh hoặc lẹo chắp (viêm và sưng mi mắt, thường vô hại). Phẫu thuật LASIK thông thường hoặc phẫu thuật đục thủy tinh đôi khi là nguyên nhân gây ra sụp mi, do hậu quả của các cơ hoặc dây chằng bị kéo căng; Bệnh lý nghiêm trọng: trong một số trường hợp, mi mắt rủ xuống là do tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đột quỵ, u não hoặc ung thư dây thần kinh hay cơ. Rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến các dây thần kinh hay cơ mắt, như nhược cơ cũng có thể dẫn đến sụp mi. Các bệnh khác dẫn đến tình trạng này bao gồm: khối u quanh hoặc sau mắt; bệnh tiểu đường; hội chứng Horner; sưng mi mắt, chẳng hạn như lẹo ở mi mắt.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc tình trạng sụp mi mắt?

Sụp mi mắt có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ tình trạng sụp mi mắt?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này, chẳng hạn như:

Lão hóa; Bệnh tiểu đường; Đột quỵ; Hội chứng Horner; U não.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy  tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán tình trạng sụp mi mắt?

Bác sĩ có thể sẽ khám sức khỏe và hỏi bạn về bệnh sử. Khi biết về mức độ thường xuyên xảy ra tình trạng này và thời gian sụp mi xảy ra, bác sĩ sẽ tiến hành một số kiểm tra để tìm nguyên nhân, bao gồm:

Kiểm tra khe đèn: bác sĩ có thể nhìn gần vào mắt bằng cách sử dụng ánh sáng cường độ cao. Mắt có thể giãn ra trong quá trình kiểm tra này, vì vậy bạn có thể gặp một số khó chịu nhẹ; Kiểm tra thuốc tensilon: bác sĩ sẽ tiêm thuốc tensilon vào tĩnh mạch. Trong quá trình kiểm tra, bạn sẽ được yêu cầu liếc mắt qua lại hay làm một số cử động cơ để bác sĩ theo dõi và xem thuốc tensilon có cải thiện sức mạnh cơ mắt hay không, điều này sẽ giúp xác định các vấn đề gây sụp mi; Kiểm tra thị lực.

Những phương pháp nào dùng để điều trị tình trạng sụp mi mắt?

Tùy vào nguyên nhân gây sụp mi mà bác sĩ sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp. Nếu tình trạng là do tuổi tác hay bẩm sinh, bạn sẽ không được điều trị vì sụp mi mắt thường không có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn phẫu thuật thẩm mỹ nếu muốn giảm bớt sụp mi.

Nếu mi mắt hạn chế tầm nhìn, bạn sẽ cần điều trị y khoa hoặc có thể sử dụng kính để giữ mi mắt lên. Phương pháp điều trị này sẽ có hiệu quả nhất đối với sụp mi mắt tạm thời, do đó bạn không cần phải đeo kính mọi lúc. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đeo kính nếu không đủ điều kiện để làm phẫu thuật.

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật sụp mi để thắt chặt các cơ nâng, giúp nâng mi mắt lên vị trí mong muốn. Bạn có thể lựa chọn phẫu thuật “treo”, trong đó các cơ trán được sử dụng để nâng mi mắt.

Đối với trẻ em bị sụp mi, các bác sĩ sẽ khuyên phẫu thuật để ngăn chặn tình trạng giảm thị lực hoặc “mắt lười” tái phát.

Nếu bác sĩ thấy rằng sụp mi mắt là do một bệnh lý gây ra thì sẽ điều trị bệnh đó để mi mắt không chùng xuống nữa.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của tình trạng sụp mi mắt?

Không có cách kiểm soát hiệu quả tình trạng này.

Trên đây là một vài chia sẻ về triệu chứng,nguyên nhân và một số lưu ý về bệnh các bạn có thể tham khảo qua. Bạn có thể liên hệ trực tiếp với Bác sĩ để biết thêm chi tiết. 

Ngày:10/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM