Bệnh viêm tiểu phế quản - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm tiểu phế quản là bệnh nhiễm trùng phổi thường gặp ở trẻ nhỏ, gây viêm và tắc nghẽn. Tuy nhiên, người lớn vẫn có thể mắc phải bệnh này. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của hội chứng này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm tiểu phế quản - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm tiểu phế quản là gì?

Viêm tiểu phế quản (hay viêm tiểu phế quản cấp tính) là một tình trạng viêm đường hô hấp do một loại virus gây ra. Virus này tác động đến tiểu phế quản – các đường dẫn khí nhỏ nhất trong phổi. 

Nhiệm vụ của các tiểu phế quản là kiểm soát luồng không khí trong phổi. Khi bị nhiễm trùng hoặc tổn thương, chúng có thể sưng lên hay bị tắc nghẽn, ngăn chặn oxy lưu thông. Mặc dù bệnh thường xảy ra ở trẻ em, người lớn vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Có 2 loại viêm tiểu phế quản chính:

  • Viêm tiểu phế quản ở trẻ sơ sinh do virus. Hầu hết các trường hợp viêm tiểu phế quản ở trẻ em là do virus hợp bào hô hấp (RSV). Virus bùng phát vào mỗi mùa đông và bệnh ảnh hưởng đến trẻ em dưới 1 tuổi.
  • Viêm tiểu phế quản do tắc nghẽn. Đây là tình trạng hiếm gặp và nguy hiểm ở người lớn. Bệnh để lại sẹo ở tiểu phế quản, làm chặn đường thông khí, gây tắc nghẽn đường thở.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tiểu phế quản

Cả 2 dạng bệnh như đã nêu đều có các dấu hiệu và triệu chứng tương tự nhau là:

  • Sốt nhẹ;
  • Ho;
  • Thở hụt hơi;
  • Thở nhanh;
  • Khò khè;
  • Da xanh tái do thiếu oxy (hội chứng xanh tím da);
  • Nghe phổi qua ống nghe có tiếng kêu lách tách hoặc tiếng rít ;
  • Mệt mỏi Khi gắng sức hít thở thì thấy rõ xương sườn lõm vào (ở trẻ em) ;
  • Co rút liên sườn ;
  • Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có tình trạng cánh mũi phập phồng.

Sau khi tiếp xúc với một số hóa chất, các triệu chứng viêm tiểu phế quản có thể xuất hiện trong vòng 2 tuần đến một tháng. Tuy nhiên, bệnh có thể dễ bị nhầm lẫn với hen suyễn nên cần được chẩn đoán sớm để có biện pháp xử trí kịp thời.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm tiểu phế quản là gì?

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra bệnh. 

Đối với trường hợp bệnh do virus, các virus xâm nhập và lây nhiễm qua đường hô hấp, thường do các loại virus phổ biến sau:

  • Virus hợp bào hô hấp (RSV) là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm tiểu phế quản. RSV tấn công trẻ em từ 2 tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Nhiễm loại virus này gây ra tình trạng viêm, tích tụ chất nhầy và sưng đường thở.
  • Virus Adeno. Những virus này nhắm vào màng nhầy, gây ra khoảng 10% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em.
  • Virus cúm. Loại virus này gây viêm ở phổi, mũi và cổ họng. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị bệnh cúm. Cúm đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.

Những yếu tố nguy cơ gây bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là:

  • Không được bú sữa mẹ;
  • Sinh non;
  • Bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh ;
  • Hệ miễn dịch yếu ;
  • Tiếp xúc với khói thuốc lá;
  • Ở những nơi đông người có virus tồn tại.

Đối với viêm tiểu phế quản do tắc nghẽn, nếu nghiêm trọng và không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến tử vong. Đôi khi tình trạng hiếm gặp này xảy ra mà không có lý do. Bên cạnh đó, những nguyên nhân đã xác định được gồm:

  • Mùi từ hóa chất như amoniac, thuốc tẩy và clo ;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp ;
  • Có phản ứng bất lợi với thuốc.

Các yếu tố nguy cơ phổ biến gia tăng khả năng mắc bệnh này ở người trưởng thành là:

  • Làm việc trong môi trường tiếp xúc với hóa chất nguy hiểm;
  • Đã thực hiện ghép tim, phổi hoặc tủy xương;
  • Hút thuốc lá có chứa nicotine;
  • Mắc bệnh mô liên kết tự miễn.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán viêm tiểu phế quản

Những phương pháp chẩn đoán bệnh gồm:

  • Xét nghiệm hình ảnh học như chụp X-quang ngực;
  • Sử dụng phế dung kế để đo lường mức độ và tốc độ hít không khí vào trong mỗi nhịp thở;
  • Xét nghiệm khí máu động mạch đo lượng oxy và carbon dioxide trong máu người bệnh ;
  • Lấy bệnh phẩm như nước mũi, các chất nhầy đường hô hấp (áp dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ).

Những phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản do virus cần được điều trị khác với viêm tiểu phế quản do tắc nghẽn.

Phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản do virus

Nhiều trường hợp nhẹ và có thể điều trị các triệu chứng tại nhà. Cần lưu ý không nên cho trẻ uống aspirin hạ sốt do có thể dẫn đến hội chứng Reye. Đối với những trường hợp nặng hơn, trẻ bị viêm tiểu phế quản cần phải nhập viện. Tuy vậy, hầu hết trường hợp đều có thể xuất viện sau một vài ngày.

Thuốc kháng sinh không phải là cách chữa viêm tiểu phế quản do không có tác dụng chống lại virus. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp mở đường thở cho bé bị viêm tiểu phế quản, sử dụng nước muối và dụng cụ hút để loại bỏ chất nhầy từ mũi.

Phương pháp điều trị viêm tiểu phế quản do tắc nghẽn

Dạng bệnh này do sẹo gây ra, do đó không có cách chữa trị. Người bệnh có thể sử dụng corticosteroid để làm sạch chất nhầy trong phổi, giảm viêm và mở đường thở. Ngoài ra, điều trị bằng oxy và thuốc ức chế miễn dịch có thể giúp điều chỉnh hệ miễn dịch bên cạnh việc tập các bài tập thở và giảm căng thẳng. 

Trong những trường hợp nặng nhất, người bệnh có thể cần phải ghép phổi.

Bên cạnh đó, quá trình phục hồi đòi hỏi người bệnh phải nghỉ ngơi thêm và tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể. 

5. Biến chứng

Biến chứng của bệnh viêm tiểu phế quản là gì?

Biến chứng thường gặp của bệnh là:

  • Suy hô hấp;
  • Viêm tai giữa;
  • Viêm phổi do dễ nhiễm thêm vi khuẩn (viêm tiểu phế quản bội nhiễm);
  • Xẹp phổi do tắc đàm.

6. Phòng ngừa

Những biện pháp giúp phòng ngừa viêm tiểu phế quản

RSV và các loại virus khác gây ra bệnh khá phổ biến và dễ lây lan. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có khả năng bị nhiễm virus nhưng thường không bị nặng như trẻ nhỏ. 

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh là không để lây nhiễm virus. Bạn có thể thực hiện những biện pháp sau đây:

Giữ trẻ tránh xa những người bị cảm lạnh hoặc các bệnh truyền nhiễm khác. Tránh xa những khu vực đông người là nơi virus có thể lây lan dễ dàng. Cẩn trọng khi đi thang máy hoặc trung tâm mua sắm. Rửa tay thường xuyên. Thường xuyên khử trùng bề mặt, đồ chơi của trẻ và đồ vật trong nhà. Khi có trẻ bị viêm tiểu phế quản cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc, rửa tay sau khi chăm sóc trẻ và tránh để các trẻ khác đến gần. Lọc sạch khói cũng như hóa chất khỏi môi trường sống. Tạo độ ẩm trong không khí. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý vệ sinh các thiết bị tạo ẩm để đề phòng nấm mốc phát sinh.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến viêm tiểu phế quản, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị. Chúc các bạn sức khỏe!

Ngày:14/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM