Bệnh hô hấp

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng một lần trong đời mắc các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi,... mỗi khi nhiệt độ thay đổi, thời tiết mưa nắng bất chợt. Đây được xem là những triệu chứng cơ bản nhất của các bệnh liên quan đến đường hô hấp cho đến khi phát triển thành các bệnh lý nặng hơn như viêm họng, viêm phổi, viêm tiểu phế quản,... Chính vì thế, việc phát hiện sớm những triệu chứng của bệnh để kịp thời điều trị là hết sức cần thiết. Để hiểu rõ hơn về các bệnh lý đường hô hấp, mời các bạn tham khảo bài viết của eLib dưới đây.

1. Tìm hiểu chung

Hệ hô hấp trên được chia thành 2 phần lấy lắp thanh quản làm ranh giới bao gồm:

  • Hô hấp trên ( trên nắp Thanh quản ) gồm: Mũi, hầu, họng, xoang, thanh quản. Nhiệm vụ: Lấy không khí bên ngoài cơ thể, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi.
  • Hô hấp dưới (dưới nắp Thanh quản) gồm: Khí quản, cây phế quản, phế nang, màng phổi, phổi,…Nhiệm vụ: Thực hiện lọc không khí và trao đổi khí.

2. Một số triệu chứng thường gặp của các bệnh lý đường hô hấp

Hầu hết các bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện ho, khạc đờm, đau ngực hoặc khó thở, tùy theo từng bệnh lý cụ thể, mà các triệu chứng có thể có những biểu hiện, diễn biến khác nhau, chẳng hạn, bệnh nhân viêm phế quản cấp, viêm phổi thường có các triệu chứng diễn biến cấp tính, trong thời gian ngắn, với các triệu chứng như: sốt, ho, khạc đờm mủ… Hen phế quản thường hay gặp ở người trẻ tuổi, các biểu hiện ho, khó thở thường xuất hiện khi bệnh nhân tiếp xúc dị nguyên hoặc thay đổi thời tiết, trong cơn khó thở thường nghe thấy tiếng cò cử, tuy nhiên, ngoài cơn bệnh nhân lại hoàn toàn bình thường. Các bệnh nhân giãn phế quản thường có ho, khó thở xuất hiện nhiều năm, tuy nhiên, bệnh nhân thường có ho, khạc đờm nhiều, có thể có từng đợt ho máu…

Bên cạnh các triệu chứng bệnh lý tại đường hô hấp, nhiều bệnh nhân có bệnh lý hô hấp lại có biểu hiện toàn thân như sốt, gầy sút; biểu hiện ở các cơ quan, bộ phận khác, sau đó mới được phát hiện các bệnh hô hấp, chẳng hạn bệnh nhân ung thư phổi có thể có biểu hiện ban đầu là đau xương, khớp, ngón tay sưng to, hoặc đôi khi bệnh nhân đi khám vì đau đầu, liệt nửa người…

3. Các bệnh đường hô hấp phổ biến

Hen phế quản

Hen phế quản là bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lứa tuổi trên toàn thế giới. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày khi tình trạng bệnh không được kiểm soát. Bệnh nhân có thể xuất hiện cơn bùng phát nặng có thể gây tử vong ở bất cứ thời điểm nào khi tiếp xúc với dị nguyên, ngay cả khi bệnh đã hoàn toàn được kiểm soát.

Thế giới hiện có khoảng 300 triệu người mắc hen phế quản, và khoảng 250.000 trường hợp tử vong vì hen phế quản mỗi năm. Tỷ lệ mắc hen phế quản ước tính khoảng 6-8% ở người lớn và khoảng 10-12% ở trẻ em dưới 15 tuổi. Ở Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc hen phế quản dao động từ 1,1% ở Đà Lạt cho tới cao nhất là 5,5% ở cư dân một số khu vực Hà Nội.

Viêm phổi

Thuật ngữ viêm phổi dùng để chỉ tình trạng nhiễm trùng gây viêm túi khí ở một bên phổi. Tuy nhiên, đôi khi vẫn có người bệnh gặp phải vấn đề trên ở cả hai lá phổi. Lúc này, những túi khí sẽ chứa đầy dịch mủ, dẫn đến hàng loạt triệu chứng khó chịu như:

Tức ngực, đặc biệt là khi thở hoặc ho. Đôi khi người bệnh còn bị khó thở  Không minh mẫn, lú lẫn (chủ yếu ở người cao tuổi) Ho có đờm Mệt mỏi, thậm chí là suy nhược Thân nhiệt tăng đột ngột hoặc tăng dần theo thời gian, kèm theo đổ nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, biểu hiện viêm phổi ở người cao tuổi hoặc có hệ miễn dịch kém sẽ là nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường.

Suy hô hấp

Suy hô hấp là tình trạng khó thở và trải nghiệm tâm lý liên quan đến khó thở, ngay cả khi không có vấn đề cơ bản thực thể gây ra suy hô hấp. Bệnh suy hô hấp xảy ra liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau, như hội chứng suy hô hấp cấp tính, phản ứng nghiêm trọng với nhiều dạng tổn thương phổi và hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, hội chứng ở trẻ sinh non do suy giảm chất căng bề mặt và cấu trúc phổi không phát triển đầy đủ.

Ung thư phổi

Ung thư phổi là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước trên thế giới. Nam mắc bệnh nhiều hơn nữ (tỷ lệ 5 nam/ 1 nữ), bên cạnh đó, hầu hết các bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn, không còn chỉ định phẫu thuật (60-80%), do vậy, thời gian từ khi được phát hiện đến khi tử vong ngắn, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ dưới 15%.

Bệnh lao phổi

Lao phổi hiện nay có tần xuất cao ở nhiều nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Lao có thể gây các tổn thương đa dạng ở đường hô hấp từ lao thanh quản xuống khí phế quản, nhu mô phổi, màng phổi. Nguy cơ các vi khuẩn lao kháng thuốc và lao đa kháng thuốc ngày một nhiều. Đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

4. Biện pháp phòng ngừa bệnh đường hô hấp 

Bệnh đường hô hấp diễn biến thường nặng và khó lường trước. Để dự phòng bệnh đường hô hấp về mùa đông cần phải đảm bảo cơ thể luôn được giữ ấm, mặc áo ấm, đi giầy tất, đội mũ quàng khăn. Phòng ngủ nơi kín gió, tránh bị gió lùa.

Vào mùa hè, chú ý ăn mặc những loại quần áo thông thoáng, tránh để mồ hôi ngấm lạnh vào người, không trực tiếp ngủ dưới quạt máy.

Hầu hết các bệnh đường hô hấp đều lây qua đường hô hấp, nên việc hạn chế tiếp xúc với những người đang bị bệnh cũng là một cách phòng ngừa bệnh.

Ngoài ra, tăng sức đề kháng cũng là một cách phòng ngừa bệnh, dưới đây là một số cách tăng sức đề kháng, phòng tránh bệnh tái phát:

  • Súc miệng bằng nước muối loãng hàng ngày. Đây là một cách giúp diệt khuẩn, virus gây bệnh cú, viêm đường hô hấp và các bệnh răng miệng….
  • Uống nước ấm. Uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy cũng là cách để cổ họng không bị khô rát.
  • Không nên mở rộng ngay cửa sổ cửa phòng lúc sáng sớm. Vì lúc này gió sáng rất lạnh và vẫn còn độc, dễ bị ho, viêm họng.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng nhiều rau xanh chứa nhiều vitamin A, C, chất khoáng. Uống nhiều nước mỗi ngày để bù nước. Đảm bảo vệ sinh thân thể và vệ sinh nơi sống hạn chế sự xuất hiện của các vi khuẩn gây bệnh.
  • Hạn chế ra ngoài trời nắng gắt. Nếu buộc phải ra ngoài nên trang bị đủ để tránh nắng chiếu trực tiếp vào người.
  • Không cho quạt quay trực tiếp vào người, vào mặt kể cả ban ngày lẫn ban đêm.
  • Hạn chế uống nước đá, ăn kem nhiều vì dễ gây viêm họng.
  • Hạn chế tiếp xúc chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá.

Trên đây là một số thông tin tổng quan về các bệnh lý đường hô hấp, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong việc tìm hiểu. Các bạn có thể tham khảo mục Bệnh hô hấp để có cái nhìn cụ thể và chi tiết hơn về các bệnh đường hô hấp thường gặp. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM