Bệnh viêm phế quản mạn tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm phế quản mạn tính là một loại của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các ống phế quản bị viêm tạo ra rất nhiều đàm, dẫn đến ho và khó thở. Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị của bệnh lý này, mời các bạn tham khảo!

Bệnh viêm phế quản mạn tính - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Viêm phế quản mạn tính là bệnh gì?

Viêm phế quản là tình trạng viêm của phế quản. Phế quản là đường hô hấp mang không khí đến phổi. Những người mắc bệnh viêm phế quản thường bị ho dai dẳng kèm theo đàm đặc và đổi màu. Viêm phế quản có thể cấp tính hoặc mạn tính.

Viêm phế quản mạn tính là một loại của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các ống phế quản bị viêm tạo ra rất nhiều đàm, dẫn đến ho và khó thở.

2. Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn tính là gì?

Các triệu chứng phổ biến của viêm phế quản mạn tính là:

Ho; Đàm trắng đục, vàng nâu hoặc xanh; Mệt mỏi; Khó thở; Sốt nhẹ và ớn lạnh; Khó chịu ở ngực.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

Bệnh kéo dài hơn ba tuần; Khó ngủ hoặc không ngủ được; Sốt cao hơn 38oC; Đàm khạc ra đổi màu; Thở khò khè hoặc khó thở.

3. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm phế quản mạn tính?

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh viêm phế quản mạn tính là hút thuốc lá, hít phải không khí ô nhiễm và bụi bẩn, khí độc hại tại nơi làm việc hoặc môi trường xung quanh.

4. Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm phế quản mạn tính?

Bệnh viêm phế quản mạn tính là một tình trạng rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi nhưng phụ nữ mắc phải bệnh này nhiều hơn nam giới.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm phế quản mạn tính, chẳng hạn như:

  • Hút thuốc lá. Những người hút thuốc hoặc sống với người hút thuốc có nguy cơ cao hơn mắc cả hai bệnh viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính;
  • Sức đề kháng thấp. Đây có thể là hậu quả của một bệnh cấp tính, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc một tình trạng mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Người lớn tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có sức đề kháng kém hơn nên dễ bị nhiễm bệnh;
  • Tiếp xúc với chất có nguy cơ gây bệnh trong công việc. Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản tăng cao nếu bạn làm việc trong một môi trường có các chất kích thích phổi, chẳng hạn như ngũ cốc, vải dệt hoặc tiếp xúc với hơi hóa chất;
  • Trào ngược dạ dày. Ợ nóng do trào ngược lặp đi lặp lại có thể gây kích thích cổ họng và dễ dẫn đến bệnh viêm phế quản.

5. Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm phế quản mạn tính?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để nghe thật rõ phổi của bạn khi thở. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Chụp X-quang. Phương pháp này có thể giúp xác định xem bạn có bị viêm phổi hay một tình trạng khác gây ra cơn ho không, điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có thói quen hút thuốc;
  • Xét nghiệm đàm. Cuộc xét nghiệm này kiểm tra xem liệu bạn có bị bệnh ho gà hoặc các bệnh khác có thể điều trị bằng kháng sinh hay không. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra để tìm các dấu hiệu dị ứng;
  • Kiểm tra chức năng phổi. Cuộc xét nghiệm này xác định xem bạn có các dấu hiệu của bệnh hen suyễn hoặc bệnh khí phế thũng hay không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm phế quản mạn tính?

Tùy vào tình trạng bệnh mà có phương pháp điều trị khác nhau, bao gồm:

  • Thuốc. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc giãn phế quản, giúp mở rộng đường lưu thông không khí đến phổi, giúp bạn thở dễ dàng hơn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn sử dụng một máy hô hấp để đưa thuốc này vào cơ thể. Trong trường nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc theophylline giúp xoa dịu các lớp cơ ở đường thở, giúp bạn thở dễ dàng hơn. Nếu hai loại thuốc trên đều không hiệu quả thì bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc kháng viêm dạng hít hoặc viên nén.
  • Chương trình phục hồi chức năng phổi. Phương pháp này bao gồm tập thể dục, dinh dưỡng và các bài tập về hô hấp.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm phế quản mạn tính?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh viêm phế quản mạn tính nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Không hít phải khí ô nhiễm. Bạn hãy mang khẩu trang khi không khí bị ô nhiễm hoặc nếu đang phải tiếp xúc với chất kích thích, chẳng hạn như sơn hoặc chất tẩy rửa có mùi nồng;
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm. Không khí ẩm, ấm giúp làm giảm tình trạng ho và làm lỏng dịch đàm trong đường hô hấp và bạn phải làm sạch máy này theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tránh sự tăng trưởng của vi khuẩn và nấm trong môi trường chứa nước;
  • Cân nhắc việc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Nếu không khí lạnh làm trầm trọng thêm cơn ho và gây ra khó thở thì bạn hãy đeo khẩu trang trước khi đi ra ngoài.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Viêm phế quản mạn tính, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị!

Ngày:01/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM