Bài học Vật lý 12
Mục lục nội dung
1. Giới thiệu bài học Vật lý 12
Năm học lớp 12 là năm học có thể nói quan trọng nhất trong đời học sinh, trong đó, môn Vật lý được đánh giá khá nặng bởi nó có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển tư duy của học sinh. Với mong muốn đem đến cho các em học sinh lớp 12 có thêm nhiều tài liệu học tập môn Vật lý và ôn thi THPT Quốc gia, eLib xin giới thiệu đến các em hệ thống bài giảng chương trình SGK môn Vật lý 12 bao gồm 8 chương với 41 bài bên dưới. Nội dung của các bài học được biên tập đầy đủ, bám sát với nội dung SGK, bố cục rõ ràng, thuận tiện để các em có thể tham khảo từng bài giảng chi tiết ở Menu bên trái đối với PC và Menu ở trên đối với Mobile.
2. Hướng dẫn học hiệu quả môn Vật lý 12
Để học giỏi môn Vật lý trong nhà trường, các em cần có phương pháp học tập sao cho khoa học, hợp lý. Kiến thức bộ môn Vật lý rất rộng và sâu, nên ngoài việc làm tất cả các bài tập trong Sách giáo khoa và Sách bài tập, bài viết dưới đây sẽ giúp các em hình dung và dễ dàng tóm tắt những ý chính, nội dung cũng như chủ để để ôn tập và luyện thi đại học trong thời gian sắp tới.
2.1. Tổng quan về cấu trúc đề thi
- Theo đề thi tham khảo môn Vật lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng ta thấy rằng cấu trúc đề thi môn Vật lý gồm 40 câu hỏi với thời gian làm bài 60 phút với bốn mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, nội dung phần lớn thuộc chương trình lớp 12 (80%-90%), đề thi năm nay không xuất hiện những câu hỏi thuộc phần tinh giản, phục vụ mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Cụ thể như các nội dung về phản ứng phân hạch, nhiệt hạch đều không xuất hiện, các dạng bài tập khó về phóng xạ và phản ứng hạt nhân cũng không xuất hiện trong đề thi này. Những kiến thức các em cần tập trung ôn luyện bao gồm:
+ 7 chương của lớp 12 (Dao động cơ, Sóng cơ, Sóng điện từ, Điện xoay chiều, Sóng ánh sáng, Lượng từ ánh sáng, Vật lí hạt nhân) và 3 chương của lớp 11 (Điện học, Từ học, Quang học). Tỉ lệ câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 11 chiếm 10% tổng số câu hỏi của đề thi, chủ yếu rơi vào các cấp độ thông hiểu và vận dụng, không có câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng cao. So với các đề thi THPT quốc gia trước đây và Đề tham khảo 2020 lần 1 thì các câu hỏi thuộc chương trình Vật lí 11 có độ khó giảm hẳn, các câu hỏi này được đặt vấn đề ngắn gọn và dễ xử lí. Câu hỏi phần quang hình khai thác đến ứng dụng thực tế về dụng cụ quang học kính lúp.
+ Kiến thức học kì 1 của lớp 12 có 23 câu, chiếm tới 57,5% đề thi, học kì 2 có 13 câu, chiếm 32,5% đề thi.
+ Câu hỏi mức nhận biết và thông hiểu có 28 câu (chiếm 70%), để lấy điểm vùng này các em ôn thật chắc chắn lí thuyết và các dạng bài cơ bản, có thể tham khảo và làm nhuyễn các câu hỏi dạng này trong đề thi các năm trước.
+ Câu hỏi vận dụng cao có 4 câu (chiếm 10%), để lấy điểm vùng này các em tập trung ôn luyện kĩ ở 3 chương đầu của lớp 12, gồm:
- Câu hỏi vận dụng cao thuộc chương Dao động cơ là một câu về về con lắc đơn dao động trong điện trường. Đây vẫn là một dạng toán rất quen thuộc, xuất hiện rất nhiều trong các đề thi THPT QG, sẽ không còn là một câu hỏi khó nếu học sinh đã nắm vững kiến thức về con lắc đơn và tính chất dao động của con lắc trong điện trường.
- Câu vận dụng cao thuộc chương Sóng cơ là một câu hỏi khá quen thuộc về các vấn đề như hình ảnh sợi dây trong truyền sóng và sóng dừng, giao thoa sóng... Đây là một dạng toán không còn mới mẻ trong những năm gần đây, tuy nhiên để phân tích đúng hiện tượng và tìm ra phương pháp giải cho bài toán thì ngoài việc chắc kiến thức, học sinh cần có tư duy nhạy bén, linh hoạt và sử dụng tốt các công cụ toán học mới có thể xử lí được câu hỏi này trong thời gian làm bài.
- Câu hỏi khó nhất của đề thi là câu thuộc chuyên đề Điện xoay chiều (các vấn đề như mạch điện xoay chiều có sự thay đổi, dạng bài liên quan đến đồ thị …. ). Đây là những câu hỏi thể hiện tính phân loại của đề thi.
- Nếu như các đề thi tự luận thường tập trung vào vấn đề lớn, trọng tâm thì các đề thi trắc nghiệm có thể đề cập, khai thác tất cả chi tiết của bài học trong Sách giáo khoa, vì vậy, các em cần vận dụng linh hoạt phương pháp loại trừ và phỏng đoán khi làm bài trắc nghiệm. Phải nắm chính xác các định luật Vật lý, các định nghĩa, công thức, hằng số Vật lý thường gặp.
2.2. Bài tập về sơ đồ mạch điện và các câu hỏi về đồ thị
Dạng câu hỏi liên quan đến đồ thị xuất hiện trong đề thi là một dạng toán khá quen thuộc trong những năm gần đây, thuộc cấp độ Vận dụng, nó thường ít được quan tâm trong các kỳ thi tự luận nhưng sẽ xuất hiện nhiều trong bài thi trắc nghiệm.
Do các hiện tượng Vật lý xảy ra theo quy luật nhất định nên có thể tìm thấy bài toán đồ thị ở mọi nội dung của chương trình. Với những câu hỏi dạng này, các em học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản, lấy dữ liệu từ đồ thị, từ đó vận dụng linh hoạt vào các kiến thức đã được học để giải quyết yêu cầu của bài toán. Kỹ năng đọc và vẽ đồ thị đối với học sinh phổ thông có lẽ chưa được tốt lắm. Do đó, các em cần phải luyện tập với loại bài tập này nhiều hơn.
2.3. Chú ý đến các hiện tượng Vật lý và ứng dụng trong thực tế:
Đề thi trắc nghiệm sẽ khai thác tối đa các hiện tượng, khái niệm hoặc công thức mà học sinh do chưa nắm kỹ nên thường dễ bị nhầm lẫn. Muốn không bị nhầm lẫn, điều quan trọng là phải hiểu bản chất các hiện tượng. Đối với chương trình mới, các em phải chú trọng đến bài thí nghiệm thực hành, đọc và tìm hiểu nội dung liên quan thuộc chương cuối cùng là chương VIII- Từ vĩ mô đến vi mô.
Cần vận dụng linh hoạt phương pháp loại trừ và phỏng đoán khi làm bài trắc nghiệm để chọn nhanh câu trả lời mà không cần phải mất thời gian tính toán. Môn Vật lý có rất nhiều công thức. Vì vậy việc học thuộc là điều khá khó khăn. Vì vậy để học thuộc được tất cả công thức đó, các em học sinh phải hiểu được bản chất của từng công thức, và gắn nó với thực tế. Khi làm xong các phép tính, cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi, cân nhắc xem đáp số có phù hợp với thực tế không. Hãy chú ý về đơn vị và cách viết kết quả theo quy tắc khoa học.
Trong phần bài tập, các em thường tưởng mình nắm chắc các phần cơ, điện, nhưng thực ra những phần đó là khó nhất trong tất các phần của môn Vật lý. Vì vậy, một kinh nghiệm "xương máu" là không bao giờ được chủ quan trong bất kỳ phần thi nào, đặc biệt là phần mình tưởng chừng như nắm vững nhất.
2.4. Ăn điểm ở các phần khó
Đối với các các phần Sóng cơ, Sóng điện từ, Quang lý thường bị các em học sinh coi là khó. Nhưng thực ra việc giải quyết các bài tập trong phần này sẽ rất dễ nếu bạn nắm vững lý thuyết. Để nhớ lâu và hiểu sâu lý thuyết, các em phải ghi chép đầy đủ, hiểu bản chất, không được học "học vẹt" và phải bám sát vào cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT.
3. Những lưu ý để học tốt môn Vật lý lớp 12
3.1. Để làm tốt bài thi trắc nghiệm Vật lý
Trình tự làm một bài tập trắc nghiệm Vật lý mà các em nên tham khảo:
– Đọc để hiểu đề muốn tìm những đại lượng nào.
– Tóm tắt đề bài: ghi ra những đại lượng cần thiết cho việc tìm ra đại lượng mà đề bài yêu cầu.
– Đổi đơn vị nếu cần (các em học sinh thường không để ý hay quên làm bước này).
– Vẽ hình minh họa (nếu hiện tượng có nhiều vật tham gia hay có nhiều trường hợp).
– Suy nghĩ những công thức nào có thể dùng để giải.
– Tìm ra đại lượng cần tìm sau khi biến đổi và kết hợp các công thức (chưa vội thế số).
– Thế số để tìm ra kết quả cuối cùng.
– Để ý đơn vị của kết quả có phù hợp thực tế không.
3.2. Khi làm bài thi
a. Cấp độ nhận biết: các em chỉ cần nhớ lại các khái niệm, định luật, định lí, tính chất và đơn vị các đại lượng vật lí theo chương trình Sách giáo khoa Vật lí lớp 12 hiện hành.
b. Cấp độ thông hiểu: các em nắm được ý nghĩa các định luật, các hiện tượng, các đại lượng trong công thức.
Ví dụ trong phương trình dao động điều hòa x =Acos(ωt + φ) cm, thì các em phải biết được x là li độ tính theo đơn vị cm; A là biên độ, hay li độ cực đại tính theo đơn vị cm; ω là tần số góc tính theo đơn vị rad/s; ωt + φ là pha dao động tính theo đơn vị rad; φ là pha ban đầu, tính theo đơn vị rad.
c. Cấp độ vận dụng và vận dụng cao: các em áp dụng được các công thức, các định luật, các hiện tượng vật lí để giải được những bài toán vật lí đơn giản.
Bên cạnh đó, để ôn tập tốt môn Vật lí, chuẩn bị cho kỳ thi THPT trong thời gian sắp tới, các em cần chú ý một số điều sau:
- Để vận dụng giải nhanh các bài tập trắc nghiệm trong các chương: Dao động cơ; sóng cơ và sóng âm; dòng điện xoay chiều và dao động điện từ thì các em cần sử dụng thành thạo liên hệ giữa chuyển động tròn đều và dao động điều hòa; giản đồ Fre-nen.
- Quy đổi thành thạo các đơn vị của các đại lượng vật lí trong công thức, biết được liên hệ giữa các đơn vị của cùng một đại lượng. Ví dụ cũng là đơn vị năng lượng nhưng cũng có thể là J hoặc eV (1 eV = 1,6.10-19 J).
Sau khi đã chuẩn bị tốt kiến thức, các em làm bài thi cần chú ý:
- Đọc kĩ đề bài, kể cả phần dẫn và phần trả lời.
- Chú ý đến các yêu cầu của đề bài là chọn câu đúng hay câu sai. Có nhiều thí sinh khi bài toán yêu cầu chọn câu sai thì lại chọn câu đúng và ngược lại. Để tránh được tình trạng này thì các em cần đọc kĩ cả 4 câu trả lời A, B, C, D, lúc đó các em sẽ phát hiện được có 3 đáp án cùng đúng hoặc cùng sai và sẽ chọn được đáp án theo yêu cầu bài toán.
- Cẩn thận với các đơn vị của đáp án. Ví dụ khi tính biên độ của dao động điều hòa bằng 3 cm, nhưng trong đáp án có thể là 3 m; 0,03 cm; 0,03 m. Đây là cái “bẫy” dành cho những thí sinh không cẩn thận.
- Khi gặp một câu không làm được thì cần nhanh chóng bỏ qua để chuyển qua câu khác.
- Phải áp dụng đúng công thức, bởi nếu các em áp dụng công thức sai thì trong đáp án vẫn có kết quả hoàn toàn giống như kết quả của các em tính ra, và như thế cứ tưởng là mình đúng nhưng hóa là lại bị “lừa”.
3.3. Phương pháp học môn Vật lý phù hợp với từng đối tượng Học sinh
a. Học sinh có học lực yếu, mất gốc kiến thức.
- Đối với những học sinh này, các em nên đăt mục tiêu từ 5-6 điểm, nên tập trung học những chuyên đề dễ "ăn điểm" trước. Những chuyên đề dễ "ăn điểm" thường tập trung tại các chương ở học kì 2 lớp 12 và các vấn đề cơ bản của 3 chương học kì 1 lớp 12.
- Trong quá trình hoàn thành các chương ở Học kì 2, các em nên học chắc để tránh vòng lại. Khoảng tầm cuối tháng 4 nên vòng trở lại ôn tập 3 chương học kì 1 để cuối tháng 4, đầu tháng 5 tập trung luyện đề.
b. Đối với những học sinh có học lực trung bình, trung bình khá.
- Nếu điểm thi thử của các em đạt từ 5-6 điểm, bạn nên đặt mục tiêu 7 - 8 điểm và bắt đầu học theo hướng khắc phục vấn đề còn yếu (có thể tự tìm bài tập, luyện tập và so sánh đáp án). Ngoài ra nên làm thêm các vấn đề ở mức độ nâng cao, các vấn đề mới.
- Trong giai đoạn này các em nên lựa chọn hình thức học là luyện hệ thống đề thi chuẩn mực và chất lượng.
c. Với những học sinh có học lực khá, giỏi.
- Các em nên đặt mục tiêu 9 - 10 điểm để có động lực phấn đấu các trường tốp trên.
- Với lực học và mục tiêu của các em thì nên học tìm các câu hỏi khó, lạ để rèn luyện thêm (các câu trong chương trình học). Các câu hỏi này thường nằm ở các chuyên đề Dao động cơ, Sóng cơ, Điện xoay chiều.
- Các em cần lưu ý rằng đề tăng từ 4 lên 7 điểm dễ hơn rất nhiều việc tăng từ 8 lến 9 hoặc từ 9 lên 10. Điểm 9, 10 yêu cầu ở các bạn sự chính xác, tốc độ làm bài nhanh. Vì thế, các em cần rèn luyện đề để rèn phản xạ tức thì đồng thời nên tự xây dựng quy trình giải nhanh riêng cho bản thân hoặc các quy tắc nhớ riêng của bản thân.
3.4. Một số mẹo làm đề thi trắc nghiệm môn Vật Lý hiệu quả
Khi luyện đề các em nên lưu ý:
- Khi làm đề hãy tự tự bấm giờ, nên làm đề trong 50 phút để rèn áp lực (vì thực sự đối mặt với đề thi trong 50 phút đầu về cơ bản các em đã làm hết các câu có thể làm được và tư duy được).
- Nghiêm cấm vừa làm vừa vào facebook, zalo, skype.. tán gẫu với bạn bè.
- Không mở tài liệu khi đang làm. Cần tuyệt đối có kỉ luật với bản thân. Điều này không chỉ có tác dụng cho kỳ thi mà còn rèn luyện để các em trở thành một con người có tư chất.
- Khi làm xong đề mới mở đáp án tra, đánh dấu các câu đã đúng, đã làm được nhưng sai và chép lại các câu lạ ra cuốn vở chia ra 7 phần sưu tầm câu khó để dành lâu lâu lôi ra nghiên cứu hoặc hỏi thầy cô, bạn bè, group,...
- Khi làm được khoảng 5 đề tự hệ thống lại bảng điểm mỗi lần để phấn đấu thêm (cứ thêm 1 câu mỗi phần thì khi tập hợp lại sẽ được 1,5 điểm tổng bài thi). Điều này sẽ tạo ra bất ngờ, nên các em đừng coi thường. "Tích tiểu thành đại" mà.
Tham khảo thêm
- doc
Bài 19: Thực hành Khảo sát đoạn mạch xoay chiều RLC
- doc
Bài 18: Động cơ không đồng bộ ba pha
- docx
Bài 6: TH: Khảo sát thực nghiệm các định luật dao động của con lắc đơn
- doc
Bài 17: Máy phát điện xoay chiều
- doc
Bài 29: Thực hành Đo bước sóng ánh sáng bằng phương pháp giao thoa
- pdf
Bài 5: Tổng hợp dao động. Phương pháp Fre-nen
- doc
Bài 11: Đặc trưng sinh lí của âm
- doc
Bài 16: Truyền tải điện năng và máy biến áp
- doc
Bài 28: Tia X
- doc
Bài 34: Sơ lược về laze