Các lưu ý cần nhớ cho bài báo cáo thực tập

Viết báo cáo thực tập là một phần không thể thiếu, nhưng không phải ai cũng biết cách làm. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc trình bày báo cáo thực tập, thì trong bài viết này eLib sẽ giải đáp hết tất cả các thắc mắc dành cho bạn.

Các lưu ý cần nhớ cho bài báo cáo thực tập

1. Ngôn ngữ, văn phong

Không nên: Viết sai chính tả. Một trong những lỗi hay mắc nhất của các bạn sinh viên là không để ý đến chính tả, ngữ pháp. Ngoài ra, còn những lỗi cơ bản khác như viết lan man, sử dụng đại từ ngôi thứ nhất (tôi, ta, chúng ta,…) hay từ ngữ mang tính dư thừa, thường được sử dụng trong văn nói (thì, mà, là, rất,…).

Nên: Cẩn thận trong việc sử dụng từ ngữ, hạn chế viết tắt. Hãy chắc chắn là bạn đã rà soát hết tất cả những “hạt sạn” chính tả. Để viết một cách có trọng tâm, có luận điểm, bạn có thể bắt đầu với một câu chủ đề và từ đó triển khai các ý phụ.

2. Trình bày

Không nên: Sử dụng quá nhiều font chữ trong một bài báo cáo, size chữ quá nhỏ hoặc quá to. Có nhiều bạn còn sử dụng các dấu câu tùy tiện, căn chỉnh lề không có sự thống nhất giữa các chương, gây rối mắt cho người đọc.

Nên: Sử dụng duy nhất một font chữ cơ bản như Times New Roman size 13 cho toàn bộ bài báo cáo. Nhớ căn chỉnh lề theo quy định, đánh số những mục nhỏ một cách có hệ thống, đánh số trang bắt đầu từ trang mục lục, dãn dòng sao cho dễ nhìn và chỉnh khổ giấy về định dạng A4.

3.  Bố cục

Không nên: Nghĩ gì viết đấy, không theo một thứ tự hay quy tắc nào. Một bài báo cáo không hoàn chỉnh “thiếu trước hụt sau” sẽ làm bạn mất điểm như chơi đấy!

Nên: Lập dàn ý trước khi viết báo cáo. Hãy chắc chắn bạn luôn tuân theo một trình tự nhất định: Trang tiêu đề, mục lục, thông tin về công ty thực tập, vị trí và trách nhiệm của bạn trong kỳ thực tập, thảo luận về các kiến thức, kỹ năng mà bạn đã học được và cuối cùng là phần nhận xét, đánh giá.

4. Tài liệu tham khảo

Không nên: đạo văn, sao chép 100% bài làm trên mạng hay của những anh chị khóa trước. Thông thường, những báo cáo thực tập thường được quét đạo văn trước khi chấm điểm. Bạn sẽ không muốn bị phát hiện là gian dối trong học tập đâu, đúng không? Chưa hết, việc copy lung tung còn gây ra tình trạng “râu ông này cắm cằm bà kia” khiến bài báo cáo rời rạc, khó hiểu.

Nên: Đọc những mẫu báo cáo khóa trước để tham khảo và học hỏi cách viết. Hãy lựa chọn nguồn thông tin uy tín, đáng tin cậy. Quan trọng nhất, bạn nhớ là phải luôn trích nguồn đầy đủ và ghi tên tác giả đấy.

5. Hình ảnh, biểu đồ

Không nên: nhồi nhét thật nhiều hình ảnh chỉ để lấp đầy bài báo cáo. Điều này không những giúp ích mà còn gây phản tác dụng nếu nội dung một đằng, hình ảnh một nẻo. Ngoài ra, sử dụng hình ảnh chất lượng thấp, không đọc được nội dung cũng là một điểm trừ siêu to nữa đấy!

Nên: Đánh số và ghi chú thích rõ ràng, ngắn gọn vào tất cả hình ảnh, biểu đồ. Để cho người đọc dễ theo dõi, hãy chắc chắn là hình ảnh minh họa phải liên quan đến nội dung và luôn rõ nét, không được mờ, nhòe.

  • Tham khảo thêm

Ngày:18/01/2021 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM