Sinh học 11 Bài 34: Sinh trưởng ở thực vật

Qua nội dung bài Sinh trưởng ở thực vật góp phần giúp các em học sinh tìm hiểu về sự lớn lên của thực vật thông qua các nội dung kiên thức: Khái niệm sinh trưởng ở thực vật, đặc điểm các loại mô phân sinh... Từ đó nắm được các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của thực vật

Sinh học 11 Bài 34: Sinh trưởng ở thực vật

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Khái niệm

- Sinh trưởng của thực vật là quá trình gia tăng về kích thước của cơ thể do tăng số lượng và kích thước tế bào

1.2. Sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp

a. Các mô phân sinh

- Mô phân sinh là nhóm các tế bào thực vật chưa phân hoá, duy trì được khả năng nguyên phân trong suốt đời sống của cây.
- Có các loại mô phân sinh sau: mô phân sinh đỉnh thân, đỉnh rễ, mô phân sinh bên, mô phân sinh lóng (ở cây 1 lá mầm).

Bảng so sánh các nhóm mô phân sinh khác nhau.

b. Sinh trưởng sơ cấp

  • Diễn ra ở đỉnh thân, đỉnh chồi, đỉnh rễ và mắt ở thực vật 1 lá mầm
  • Làm tăng chiều dài của thân và rễ
  • Do hoạt động của mô phân sinh đỉnh và mô phân sinh lóng (ở thực vật 1 lá mầm) tạo ra.

c. Sinh trưởng thứ cấp

  • Sinh trưởng thứ cấp là kiểu sinh trưởng làm gia tăng đường kính (bề dày) của thân và rễ do hoạt động nguyên phân của mô phân sinh bên tạo ra. Sinh trưởng thứ cấp chỉ có ở cây hai lá mầm.
  • Sinh trưởng thứ cấp tạo ra gỗ lõi, gỗ dác và vỏ

d. Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng

- Các nhân tố bên trong: Đặc điểm di truyền, các thời kỳ sinh trưởng của giống, của loài cây.

+ Ví dụ: Tốc độ sinh trưởng của cây tre nhanh hơn nhiều so với cây lim.

  • Giai đoạn nảy mầm và cây con thì sinh trưởng nhanh, giai đoạn trưởng thành sinh trưởng chậm hơn.

- Các nhân tố bên ngoài: Nhiệt độ, hàm lượng nước, ánh sáng, Ôxi, dinh dưỡng khoáng

+ Ví dụ: khi các yếu tố về điều kiện môi trường thuận lợi, dinh dưỡng khoáng đầy đủ thì cây sẽ lớn nhanh, còn nếu điều kiện bất lợi hoặc thiếu phân bón thì cây sẽ sinh trưởng chậm.

2. Bài tập minh họa

Thế nào là sinh trưởng và phát triển? Nêu sự khác nhau và mối liên quan của sinh trưởng và phát triển?

Hướng dẫn giải:

- Thế nào là sinh trưởng, phát triển:

  • Sinh trưởng là sự tăng về số lượng, khối lượng và kích thước tế bào làm cây lớn lên trong từng giai đoạn, không trải qua các biến thái.
  • Phát triển là sự biến đổi về chất lượng các cấu trúc và chức năng sinh hóa của tế bào, mô, cơ quan làm cây ra hoa, kết quả, tạo hạt diễn ra trong quá trình phát sinh cá thể.

- Mối liên quan giữa sinh trưởng và phát triển:

  • Sinh trưởng và phát triển là hai pha nối tiếp nhau của một chu kì sống của cây. Có cây cho hoa quả một lần rồi chết (cây một năm). Có cây cho hoa quả hạt nhiều lần (cây lâu năm).
  • Hai pha có liên quan chặt chẽ trong quá trình trao đổi chất ở cây. Đảm bảo các điều kiện dinh dưỡng (nước, phân bón, ánh sáng, nhiệt độ) cây sinh trưởng tốt, phát triển tốt. Nếu không có sự cân đối đó cây có thể sinh trưởng nhanh, phát triển chậm hay ngược lại. Có thể cả hai cùng nhanh hay cùng chậm.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Những nét hoa văn trên gỗ cây xuất xứ từ đâu?

Câu 2: Hãy nêu các đặc điểm của sinh trưởng sơ cấp và thứ cấp? 

Câu 3: Trình bày các yếu tố bên ngoài và bên trong ảnh hướng đến sinh trưởng của cây? Nêu các biện pháp kĩ thuật có liên quan tới các ảnh hưởng đó? 

Câu 4: Trong trồng trọt khi thu hoạch sản phẩm, tùy theo mục đích kinh tế, mục đích sử dụng, có thể kết thúc một giai đoạn nào đó của chu kì phát triển được không? Cho ví dụ và giải thích tại sao?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Đặc điểm không có ở sinh trưởng sơ cấp là

A. Làm tăng kích thước chiều dài của cây
B. Diễn ra hoạt động của mô phân sinh đỉnh
C. Diễn ra cả ở cây Một lá mầm và cây Hai lá mầm
D. Diễn ra hoạt động của tầng sinh bần

Câu 2: Sinh trưởng thứ cấp là sự tăng trưởng bề ngang của cây

A. Do mô phân sinh bên của cây thân thảo tạo ra
B. Do mô phân sinh bên của cây Một lá mầm tạo ra
C. Do mô phân sinh bên của cây thân gỗ tạo ra
D. Do mô phân sinh lóng của cây tạo ra

Câu 3: Phát biểu đúng về mô phân sinh bên và mô phân sinh lóng là

A. Mô phân sinh bên và mô phân sinh lóng có ở thân cây Một lá mầm

B. Mô phân sinh bên có ở thân cây Một lá mầm, còn mô phân sinh lóng có ở thân cây Hai lá mầm
C. Mô phân sinh bên có ở thân cây Hai lá mầm, còn mô phân sinh nóng có ở thân cây Một lá mầm
D. Mô phân sinh bên và mô phân sinh nóng có ở thân cây Hai lá mầm

Câu 4: Có thể xác định tuổi của cây thân gỗ dựa vào

A. Vòng năm

B. Tầng sinh mạch

C. Tầng sinh vỏ

D. Các tia gỗ

Câu 5: Loại mô phân sinh chỉ có ở câu Một lá mầm là

A. Mô phân sinh bên

B. Mô phân sinh đỉnh thân

C. Mô phân sinh lóng

D. Mô phân sinh đỉnh rễ

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Sinh trưởng ở thực vật Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này học sinh cần:

  • Phát biểu được khái niệm sinh trưởng ở thực vật.
  • Trình bày được đặc điểm các loại mô phân sinh.
  • Phân biệt được sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp ở thực vật.
  • Trình bày được các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng của thực vật.
Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM