Sinh học 11 Bài 48: Ôn tập chương II, III, IV

Trong bài học này các em củng cố lại kiến thức đã học ở các chương: Cảm ứng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản ở động vật và thực vật. Tổng kết chương trình sinh học 11, giúp các em hệ thống lại các đặc trưng cơ bản của sự sống ở thực vật và động vật.

Sinh học 11 Bài 48: Ôn tập chương II, III, IV

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Cảm ứng

Sơ đồ tổng hợp kiến thức cảm ứng

a. Phân biệt cảm ứng động vật và cảm ứng thực vật

- Giống nhau

+ Cơ thể thực vật và động vật đều có khả năng tiếp nhận kích thích từ tác nhân của môi trường và phản ứng với các kích thích đó.

- Khác nhau

+ Ở thực vật chưa có cấu trúc đặc hiệu đảm trách việc nhận và truyền kích thích cũng như phản ánh kích thích như ở động vật. Phản ứng trả lời đối với các kích thích của tác nhân môi trường ở thực vật dựa trên 2 cơ chế :

+ Sự sai lệch về tốc độ sinh trưởng của các tế bào được kích thích và không được kích thích tại miền sinh trưởng của 2 phía đối diện nhau của cơ quan

+ Sự biến động về hàm lượng nước và lan truyền kích thích trong các tế bào và mô chuyển hóa của cơ quan (ví dụ, ứng động sức trương nước ở cây trinh nữ và ứng động bắt côn trùng ở cây gọng vó)

+ Ở động vật, sự xuất hiện cảm ứng liên quan đến tổ chức đặc hiệu gồm cơ quan thụ cảm, hệ thần kinh với chức năng phân tích, tổng hợp thông tin để quyết định hình thức, mức độ phản ứng và bộ phận thực hiện phản ứng trả lời.

1.2. Phân biệt tập tính bẩm sinh và tập tính học được

Phân biệt tập tính bẩm sinh và tập tính học được

1.3. Phân biệt sinh trưởng và phát triển

- Sinh trưởng là quá trình thay đổi về số lượng (tăng kích thước và khối lượng cơ thể) nhờ tăng số lượng và kích thước tế bào

- Phát triển của cơ thể thực vật là toàn bộ những biến đổi diễn ra theo chu trình sống, bao gồm ba quá trình liên quan với nhau : sinh trưởng, phân hóa và phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan của cơ thể (rễ, thân, lá, hoa, quả)

a. Sinh trưởng và phát triển ở thực vật

Sơ đồ tổng hợp quá trình sinh trưởng và phát triển ở thực vật

b. Sinh trưởng và phát triển ở động vật

Sơ đồ sinh trưởng và phát triển ở động vật

- Giống nhau: Đều gồm các giai đoạn phân bào, lớn lên của tế bào, phân hóa tế bào và phát sinh các hình thái cơ quan và cơ thể.

- Khác nhau :

   + Ở thực vật : Quá trình sinh trưởng chỉ diễn ra ở nơi có tế bào phân chia. Quá trình sinh trưởng và phát triển diễn ra trong suốt chu kì sống của cây.

   + Ở động vật : Qúa trình phát triển phân hóa, biệt hóa tế bào chủ yếu xảy ra trước khi cơ thể được sinh ra. Sau khi sinh ra chúng chủ yếu là sinh trưởng.

1.4. Hoocmôn và ứng dụng

- Các loại hoocmôn:

+ Hoocmôn thực vật

  • Hoocmôn kích thích gồm : auxin (AIA), gibêrelin (GA), xitôkinin
  • Hoocmôn ức chế gồm : êtilen, axit abxixic

+ Hoocmôn động vật

  • Động vật không có xương sống : ecđixơn, juvenin
  • Động vật có xương sống : hoocmôn sinh trưởng, tirôxin, testostêrôn và ơstrôgen

- Hoocmôn và ứng dụng

1.5. Phân biệt sinh trưởng qua biến thái hoàn toàn và biến thái không hoàn toàn và không qua biến thái

Phát triền qua biến thái hoàn toàn và biến thái không hoàn toàn

1.6. Sinh sản ở thực vật và động vật

- Giống nhau: Sinh sản ở thực vật và động vật đều có:

  • Hai hình thức sinh sản là sinh sản vô tính và sinh sản hữu tính
  • Sinh sản vô tính ở thực vật và động vật đều có cơ sở tế bào là nguyên phân
  • Sinh sản hữu tính ở thực vật và động vật đều có quá trình giảm phân tạo giao tử đực (n), có sự hợp nhất 2 giao tử đực và cái trong quá trình thụ tinh tạo hợp tử (2n) rồi phát triển thành phôi, thành cơ thể mới.

- Khác nhau:

  • Sinh sản vô tính ở thực vật có các hình thức sinh sản bằng bào tử, sinh sản sinh dưỡng
  • Sinh sản vô tính ở động vật có các hình thức : phân đôi, nảy chồi, phân mảnh, trinh sinh.
  • Sinh sản hữu tính ở thực vật có thụ tinh kép, còn ở động vật chỉ có 1 quá trình thụ tinh.

2. Bài tập minh họa

Bài 1: Em hãy nêu một số biện pháp kĩ thuật giúp thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển, góp phần tăng năng suất ở vật nuôi.

Hướng dẫn giải:

Để thúc đẩy sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, chúng ta có thể áp dụng một số biện pháp kĩ thuật sau:

  • Cải tạo giống thông qua việc áp dụng các phương pháp chọn lọc nhân tạo, lai giống, công nghệ phôi…
  • Cải thiện môi trường sống của động vật bằng cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè ; tắm nắng cho gia súc non ; xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lí…

Bài 2: Tại sao nói chế độ ăn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật?

Hướng dẫn giải:

Nói chế độ ăn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật vì các chất dinh dưỡng có trong thức ăn là nguyên liệu được động vật sử dụng để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của chúng, đồng thời đó là nguyên liệu cho sự gia tăng kích thước và phân chia tế bào, hình thành nên các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Tại sao nói chế độ ăn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật ?

Câu 2: Tại sao cho trẻ nhỏ tắm nắng vào sáng sớm hoặc chiều tối (khi ánh sáng yếu) lại có lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của chúng ?

Câu 3: Em hãy cho biết nguyên nhân và cơ chế làm phát sinh hiện tượng người bé nhỏ, người khổng lồ.

Câu 4: Tại sao gà trống sau khi cắt bỏ tinh hoàn thì sẽ phát triển không bình thường: mào nhỏ, không có cựa, không biết gáy và mất bản năng sinh dục?

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Khi mang thai, phụ nữ cần đặc biệt cẩn trọng khi bổ sung loại vitamin nào dưới đây ?

A. Vitamin C

B. Vitamin D

C. Vitamin A

D. Vitamin B9

Câu 2: Thai nhi có thể bị dị tật nếu trong thai kì, người mẹ mắc phải căn bệnh nào dưới đây ?

A. Tất cả các phương án còn lại

B. Cúm

C. Thuỷ đậu

D. Rubella

Câu 3: Kinh nguyệt của phụ nữ thường có chu kì như thế nào ?

A. 23 – 28 ngày

B. 28 – 32 ngày

C. 30 – 35 ngày

D. 35 – 42 ngày

Câu 4: Nhân tố nào dưới đây ít có vai trò trong sự sinh trưởng và phát triển của động vật ?

A. Nhiệt độ

B. Ánh sáng

C. Độ ẩm không khí

D. Thức ăn

Câu 5: Biện pháp nào dưới đây góp phần cải thiện chất lượng dân số ?

A. Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lí

B. Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao

C. Không lạm dụng các chất kích thích

D. Tất cả các phương án còn lại

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này các em cần:

  • Hệ thống lại được các kiến thức cơ bản từ chương 2, 3, và 4 
  • Lập ra được mối quan hệ của các kiến thức trong chương và giữa các chương với nhau.
  • Nhận thức theo logic các đặc trưng sống của thực vật và động vật.
Ngày:13/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM