Sinh học 11 Bài 36: Phát triển ở thực vật có hoa

Qua nội dung bài Phát triển ở thực vật có hoa, các em học sinh được tìm hiểu về sự phát triển, điều kiện ra hoa của cây, những nhân tố chi phối sự ra hoa của cây, và mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển. Nhờ đó các em biết được các ứng dụng kiến thức về sinh trưởng và phát triển vào sản xuất phát triển phục vụ con người.

Sinh học 11 Bài 36: Phát triển ở thực vật có hoa

1. Tóm tắt lý thuyết

1.1. Phát triển là gì?

Phát triển của cơ thể thực vật là toàn bộ những biến đổi diễn ra theo chu trình sống, bao gồm 3 quá trình liên quan với nhau: sinh trưởng, phân hóa và phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan của cơ thể (rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt).
Ví dụ: cây xuất hiện chồi mới, ra hoa, tạo quả,..

1.2. Những nhân tố chi phối sự ra hoa

a. Tuổi của cây

- Tùy vào giống và loài, đến độ tuổi xác định thì cây ra hoa, không phụ thuộc vào điều kiện ngoải cảnh.

  • Ví dụ: Cà chua ra hoa khi có lá thứ 14.

Cây cà chua ra hoa khi đã đạt đến tuổi xác định

b. Nhiệt độ thấp và quang chu kỳ

- Nhiệt độ thấp: Nhiều loài thực vật chỉ ra hoa, kết hạt sau khi đã trải qua mùa đông giá lạnh. Hiện tượng này gọi là xuân hóa.

  • Ví dụ : lúa mì, bắp cải…

- Quang chu kì:

+ Sự ra hoa ở thực vật phụ thuộc vào tương quan độ dài ngày và đêm gọi là quang chu kì.

+ Các nhóm thực vật phản ứng với quang chu kì:

  • Cây ngày ngắn ra hoa khi điều kiện chiếu sáng ít hơn 12h/ngày, ra hoa vào mùa đông. Ví dụ : thược dược, cà phê, chè, cây lúa…
  • Cây ngày dài ra hoa trong điều kiện chiếu sáng nhiều hơn 12h/ngày, ra hoa vào mùa hè. Ví dụ: sen, thanh long, dâu tây…
  • Cây trung tính ra hoa trong điều kiện ngày dài và ngày ngắn, cả mùa đông và mùa hè. Ví dụ : cà chua, lạc, dưa chuột, ngô…

Sự ra hoa ở cây dài ngày và cây ngắn ngày

- Phitôcrôm

+ Phitôcrôm là sắc tố cảm nhận quang chu kì ảnh hưởng đến sự ra hoa, nảy mầm, đóng mở khí khổng.

+ Phitôcrôm là một loại prôtêin hấp thụ ánh sáng, tồn tại ở 2 dạng : dạng hấp thu ánh sáng đỏ (Pđ), dạng hấp thụ ánh sáng đỏ xa (Pđx)

+ Cây dài ngày ra hoa khi chiếu ánh sáng đỏ. Cây ngắn ngày ra hoa khi chiếu ánh sáng đỏ xa

c. Hoocmôn ra hoa

- Ở điều kiện quang chu kì thích hợp, trong lá hình thành hoocmôn ra hoa (florigen). Hoocmôn này di chuyển từ lá vào đỉnh sinh trưởng của thân làm cho cây ra hoa.

1.3 Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển

Sinh trưởng và phát triển là những quá trình tương tác lẫn nhau trong chu trình sống của cơ thể thực vật. Sinh trưởng là cơ sở cho sự phát triển và phát triển lại thúc đẩy sự sinh trưởng.

1.4. Ứng dụng kiến thức về sinh trưởng và phát triển
a. Ứng dụng kiến thức về sinh trưởng

- Trong trồng trọt

   + Kích thích hoặc ức chế hạt nảy mầm bằng hoocmôn

   + Điều tiết sinh trưởng của cây gỗ bằng cách điều chỉnh ánh sáng của cây theo từng giai đoạn phát triển

- Trong công nghiệp rượu bia

Sử dụng hooc môn sinh trưởng gibêrelin để tăng quá trình phân giải tinh bột thành mạch nha.

b. Ứng dụng kiến thức về phát triển

Kiến thức về tác động của nhiệt độ, quang chu kì được sử dụng trong công tác chọn cây trồng theo vùng địa lí, theo mùa; xen canh; chuyển, gối vụ cây nông nghiệp và trồng rừng hỗn loài.

2. Bài tập minh họa

Sự ra hoa ở thực vật cần có điều kiện nào? Trình bày và giải thích?

Hướng dẫn giải:

  • Sự ra hoa liên quan tới tuổi cây và lượng hoocmôn, ngoài ra sự ra hoa còn chịu tác động của các nhân tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng,...
  • Tuổi cây: Sự hình thành hoa là dấu hiệu việc chuyển cây từ giai đoạn sinh trưởng, phát triển sinh dưỡng sang giai đoạn phát triển sinh trưởng, phát triển sinh sản. Cây đạt sự sinh trưởng sinh dưỡng nhất định mới chuyển sang giai đoạn ra hoa.
  • Nhiệt độ: Nhiệt độ có vai trò nhất định trong việc hình thành mầm hoa. Quyết định số lượng hoa đực và hoa cái do nhiệt độ còn ảnh hưởng tới các nhân tố môi trường khác như độ ẩm, nồng độ CO2.
  •  Florigen: Là hoocmôn thực vật kích thích sự ra hoa.

3. Luyện tập

3.1. Bài tập tự luận

Câu 1: Florigen là gì? Trình bày ý nghĩa của florigen đối với sự ra hoa? 

Câu 2: Quang chu kì là gì? Có bao nhiêu loại cây theo quang chu kì? 

Câu 3: Tại sao có cây ra hoa vào mùa hè, có cây chỉ ra hoa vào mùa đông? Ý nghĩa của phitôcrôm đối với quang chu kì?  

Câu 4: Nêu các ứng dụng về thúc đẩy sự ra hoa của cây trồng trong nông nghiệp? 

3.2. Bài tập trắc nghiệm

Câu 1: Thời gian sáng trong quang chu kì có vai trò

A. tăng số lượng, kích thước hoa.

B. kích thích ra hoa.

C. cảm ứng ra hoa.

D. tăng chất lượng hoa.

Câu 2: Xuân hoá là mối phụ thuộc của sự ra hoa vào

A. độ dài ngày.

B. tuổi cây.

C. quang chu kì.

D. nhiệt độ.

Câu 3: Thời gian tối trong quang chu kì có vai trò

A. tăng số lượng hoa.

B. kích thích ra hoa.

C. cảm ứng ra hoa.

D. tăng chất lượng hoa.

Câu 4: Nhân tố bên ngoài tác động lên hầu hết các giai đoạn sinh trưởng và phát triển ở thực vật là

A. nước.

B. nhiệt độ

C. ánh sáng.

D. phân bón.

Câu 5: Nhân tố có vai trò quyết định ở giai đoạn nảy mầm của hạt, chồi và là

A. nhiệt độ.

B. ánh sáng

C. nước.

D. phân bón.

3.3. Trắc nghiệm Online

Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Phát triển ở thực vật có hoa Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.

Trắc Nghiệm

4. Kết luận

- Sau khi học xong bài này, học sinh cần:

  • Nêu được khái niệm phát triển ở thực vật có hoa
  • Nêu được các nhân tố chi phối sự ra hoa
  • Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển
Ngày:12/08/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM