Sinh học 11 Bài 35: Hooc môn ở thực vật
Qua nội dung bài Hooc môn ở thực vật, giúp các em tìm hiểu nội dung kiến thức về các loại hooc môn, phân loại hoocmon, và sự tương quan của các loại hoocmon thực vật. Ngoài ra còn giúp các em nắm rõ vai trò của hoocmon trong sản xuất và đời sống
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Khái niệm
- Hoocmôn thực vật là các chất hữu cơ do cơ thể thực vật tiết ra có tác dụng điều tiết hoạt động sống của cây.
+ Đặc điểm chung:
- Được tạo ra ở một nơi nhưng gây phản ứng ở một nơi khác trong cây.
- Với nồng độ rất thấp nhưng gây ra những biến đổi mạnh trong cơ thể của cây.
- Tính chuyên hóa thấp hơn nhiều so với hoocmôn ở động vật bậc cao.
- Vẫn chuyển theo mạch gỗ, libe.
+ Được chia làm 2 nhóm:
- Nhóm kích thích (AIA, GA, XITOKININ).
- Nhóm ức chế (a.APXIXIT, EETILEN).
1.2. Hoocmôn kích thích
a. Auxin
- Auxin phổ biến trong hầu hết các loại cây là axit inđôl axêtic (AIA)
- Auxin chủ yếu được sinh ra ở đỉnh của thân và cành. Auxin có nhiều trong chồi, hạt đang nảy mầm, lá đang sinh trưởng, trong tầng phân sinh bên đang hoạt động, trong nhị hoa.
- Tác động sinh lí của AIA.
- Ở mức tế bào, AIA kích thích quá trình nguyên phân và sinh trưởng dãn dài của tế bào.
- Ở mức cơ thể, AIA tham gia vào nhiều hoạt động sống của cây như hướng động, ứng động, kích thích nảy mầm của hạt, chồi, kích thích ra rễ phụ, thể hiện ưu thế đỉnh (chồi đỉnh ức chế sự sinh trưởng của các chồi bên).
- Auxin được sử dụng để kích thích ra rễ ở cành giâm, cành chiết, tăng tỉ lệ thụ quả (cà chua…), tạo quả không hạt, nuôi cây mô và tế bào thực vật.
b. Gibêrelin
- Gibêrelin được viết tắt là GA. Trong cây, gibêrelin được sinh ra chủ yếu ở lá và rễ. GA có nhiều trong lá, hạt, củ, chồi đang nảy mầm, trong hạt và quả đang hình thành, trong các lóng thân, cành đang sinh trưởng.
- Tác động sinh lí của GA:
- Ở mức tế bào, GA tăng số lần nguyên phân và tăng sinh trưởng dãn dài của mỗi tế bào.
- Ở mức cơ thể : Gibêrelin được dùng để kích thích sự nảy mầm của hạt, chồi, củ (khoai tây); kích thích sinh trưởng chiều cao của cây (cây lấy sợi,…) ; tạo quả không hạt (quả nho,…) ; tăng tốc độ phân giải tinh bột (ứng dụng sản xuất mạch nha và công nghiệp đồ uống).
c. Xitôkinin
- Xitôkinin có tác dụng gây ra sự phân chia tế bào
- Tác động sinh lí của xitôkinin
- Ở mức tế bào, xitôkinin kích thích sự phân chia tế bào, làm chậm quá trình già của tế bào.
- Ở mức độ cơ thể, xitôkinin kích thích sự sinh chồi, thân trong nuôi cấy mô khi có mặt của auxin.
1.3. Hoocmôn ức chế
a. Êtilen
- Êtilen được tiết ra trong hầu hết các phần khác nhau của thực vật.
- Tốc độ hình thành etilen phụ thuộc vào loại mô và giai đoạn phát triển của cơ thể.
- Nó được sản sinh ra nhiều trong thời gian thực vật rụng lá, khi hoa già, khi mô bị tổn thương hoặc do điều kiện bất lợi tác động lên thực vật.
- Ứng dụng dễ thấy nhất là khi chúng ta ủ trái cây thường để các quả chín chung với quả chưa chín sẽ nhanh chóng chín hơn. Đó là lý do vì sao khi hôm nay bạn thấy có 1 quả chuối chín thì hôm sau những quả chuối xanh xung quanh bắt đầu chín theo.
b. Axit abxixic
- Là chất ức chế sinh trưởng tự nhiên được sinh ra trong lục lạp của lá, chóp rễ ở thực vật có hoa.
- Axi abxixic được tích lũy ở cơ quan đang già hóa.
- Gây trạng thái ngủ của hạt, sự đóng mở của khí khổng và loại bỏ hiện tượng sinh con.
1.4. Tương quan Hoocmôn thực vật
- Tương quan giữa hoocmôn điều tiết sinh trưởng và điều tiết phát triển của thực vật bao gồm:
+ Tương quan giữa hoocmôn kích thích và ức chế sinh trường:
- VD: GA/ABB điều tiết trạng thái sinh lí của hạt. Trong hạt khô, GA rất thấp trong khi ABB đạt cực đại. Trong hạt nảy mầm, GA tăng cao và đạt cực đại trong khi ABB giảm xuống rất mạnh.
+ Tương quan giữa các hoocmôn kích thích với nhau:
- VD: Auxin và Xitokinin điều tiết sự phát triển của mô sẹo. Khi Auxin đủ cao thì mô seo ra rễ, Hoặc chồi sẽ xuất hiện khi Xitokinin cao hơn.
2. Bài tập minh họa
Bài 1: Vì sao người ta thường xếp quả chín xen kẽ với quả xanh?
Hướng dẫn giải:
Hoạt động chuyển hóa vật chất ở quả chín thường diễn ra rất mạnh mẽ và làm phát sinh khí êtilen giải phóng ra ngoài môi trường. Loại hoocmôn thực vật này có vai trò thúc quả chóng chín, do vậy để các quả được thu hái trong cùng một lứa được chín đồng đều, người ta thường xếp xen kẽ quả chín với quả xanh.
Bài 2: Trong nông nghiệp, sử dụng hoocmon thực vật đã mang lại kết quả cụ thể nào? Nêu ví dụ ở địa phương.
Hướng dẫn giải:
- Xử lý auxin làm cà chua tăng quả
- Xử lý gibêrelin tạo dưa hấu không hạt, cam không hạt.
- Xử lý Etilen làm chuối chín đều.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Vì sao chúng ta không nên sử dụng thực vật đã được xử lý bằng auxin nhân tạo để làm thức ăn?
Câu 2: Trong nuôi cấy mô thực vật, xitôkinin có vai trò gì đối với sự hình thành chồi trong mô callus?
Câu 3: Em hãy nêu một số biện pháp sản xuất nông nghiệp có ứng dụng của hoocmôn thực vật.
Câu 4: Gibêrelin được sinh ra chủ yếu từ đâu và có tác dụng sinh lý như thế nào?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Để tạo quả không hạt, người ta không sử dụng hoocmôn nào dưới đây ?
A. Gibêrelin.
B. Auxin.
C. Axit abxixic.
D. Tất cả các phương án còn lại.
Câu 2: Trong nuôi cấy mô thực vật, tương quan giữa hai loại hoocmôn nào sẽ điều tiết sự phát triển của mô callus ?
A. Auxin và axit abxixic.
B. Gibêrelin và auxin.
C. Xitôkinin và gibêrelin.
D. Auxin và xitôkinin.
Câu 3: Đối với việc điều tiết trạng thái sinh lí của hạt, cặp hoocmôn nào dưới đây có tác dụng trái ngược nhau ?
A. Êtilen và axit abxixic.
B. Xitôkinin và auxin.
C. Gibêrelin và axit abxixic.
D. Êtilen và auxin.
Câu 4: Hoocmôn nào dưới đây tham gia vào hoạt động hướng động, ứng động ở thực vật ?
A. Êtilen.
B. Xitôkinin.
C. Gibêrelin.
D. Auxin.
Câu 5: Hoocmôn thực vật có đặc điểm nào sau đây ?
A. Được tạo ra một nơi nhưng gây ra phản ứng ở nơi khác trong cây.
B. Tất cả các phương án còn lại.
C. Có hoạt tính cao.
D. Có tính chuyên hoá thấp hơn hoocmôn của động vật bậc cao.
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Hooc môn ở thực vật Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
- Sau khi học xong bài này, học sinh cần:
- Nêu được khái niệm hooc môn thực vật.
- Kể tên các loại hooc môn.
- Trình bày nơi tạo ra, nơi phân bố, tác động sinh lí, ứng dụng của các loại hooc môn đó.
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 11 Bài 34: Sinh trưởng ở thực vật
- doc Sinh học 11 Bài 36: Phát triển ở thực vật có hoa
- doc Sinh học 11 Bài 37: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
- doc Sinh học 11 Bài 38: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật
- doc Sinh học 11 Bài 39: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật (tt)
- doc Sinh học 11 Bài 40: Thực hành: Xem phim về sinh trưởng và phát triển ở động vật