Sinh học 11 Bài 39: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật (tt)
Quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật cần có đủ cả yếu tố bên trong và bên ngoài như thế nào? Qua nội dung bài Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật (tt), các em được tìm hiểu về các yếu tố bên ngoài tác động đến sự sinh trưởng của động vật. Từ đó các em biết cách ứng dụng các kiến thức trên vào thực tiễn chăn nuôi.
Mục lục nội dung
1. Tóm tắt lý thuyết
1.1. Các nhân tố bên ngoài
a. Thức ăn
- Thức ăn là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cả động vật và người.
+ Ví dụ : Thiếu prôtêin, động vật chậm lớn và gầy yếu, dễ mắc bệnh. Thiếu vitamin D gây bệnh còi xương, chậm lớn ở động vật và người.
b. Nhiệt độ
- Mỗi loài động vật sinh trưởng và phát tiển tốt trong điều kiện nhiệt độ môi trường thích hợp. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật, đặc biệt là động vật biến nhiệt.
+ Ví dụ : Vào mùa đông, khi nhiệt độ hạ xuống 16 – 18OC, cá rô phi ngừng lớn và ngừng đẻ
c. Ánh sáng
Ánh sáng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật qua:
- Những ngày trời rét, động vật mất nhiều nhiệt. Vì vậy, chúng phơi nắng để thu thêm nhiệt và giảm mất nhiệt.
- Tia tử ngoại tác động lên da biến tiền vitamin D thành vitamin D. Vitamin D có vai trò chuyển hóa canxi để hình thành xương, qua đó ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.
1.2. Một số biện pháp điều khiển sinh trưởng và phát triển ở động vật và con người
Dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết về quy luật sinh trưởng và phát triển của động vật, con người đã tìm ra rất nhiều biện pháp tác động lên sự sinh trưởng và phát triển của động vật nhằm nâng cao năng suất vật nuôi.
a. Cải tạo giống
Để tạo ra các giống vật nuôi có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, năng suất cao, thích nghi với các điều kiện địa phương, người ta áp dụng các phương pháp chọn lọc nhân tạo, lai giống, công nghệ phôi…
b. Cải thiện môi trường sống của động vật
- Cho đến nay, con người tiếp tục sử dụng rất nhiều nhân tố môi trường như thức ăn, chuồng trại… để làm thay đổi tốc độ sinh trưởng và phát triển của vật nuôi, tăng năng suất vật nuôi.
+ Ví dụ : Áp dụng các chế độ ăn thích hợp đối với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi.
c. Cải thiện chất lượng dân số
- Hiện nay, chúng ta đang tiến hành nhiều biện pháp cải thiện chất lượng dân số (tăng chiều cao, cân nặng, không mắc dị tật…) như :
+ Nâng cao đời sống, cải thiện chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể dục thể thao
+ Tư vấn di truyền phát hiện sớm các đột biến trong quá trình phát triển phôi thai
+ Giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chống sử dụng ma túy, chống nghiện thuốc lá, chống lạm dụng rượu, bia,…
2. Bài tập minh họa
Nêu một số nhân tố của môi trường gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật và con người?
Hướng dẫn giải:
Một số yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật và con người:
- Thức ăn:
+ Thức ăn là yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của động vật qua các giai đoạn.
+ Nuôi lợn thịt ở giai đoạn cai sữa nếu tăng hàm lượng lizin trong khẩu phần ăn từ 0,45% lên 0,85% lợn sẽ lớn nhanh hơn (tăng trọng từ 80g / ngày lên 210 g/ngày tăng gấp 3 lần). Chăn nuôi gia súc, gia cầm với thức ăn thiếu vitamin, thiếu nguyên tố vi lượng thì vật nuôi sẽ bị còi và sản lượng kém.
- Yếu tố môi trường:
+ Các yếu tố môi trường như lượng O2, CO2, nước, muối khoáng, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm... đều gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật. Nòng nọc chỉ có thể lớn và phát triển trong môi trường nước.
+ Cá sống trong các vực nước bị ô nhiễm, nồng độ ôxi ít sẽ chậm lớn, không sinh sản.
Cá rô phi lớn nhanh nhất ở nhiệt độ 30°C, nếu nhiệt độ xuống quá 18°C chúng sẽ ngừng lớn và ngừng đẻ.
+ Các chất độc hại, chất gây đột biến và gây quái thai đều có tác động làm sai lệch sự phát triển và gây nên quái thai.
- Ngoài ra, tốc độ sinh trưởng của động vật còn tùy thuộc vào hệ gen.
3. Luyện tập
3.1. Bài tập tự luận
Câu 1: Nêu các biện pháp cải tạo giống vật nuôi (cải tạo giống và cải thiện môi trường)?
Câu 2: Nêu các biện pháp phòng tránh thai chủ yếu để bảo đảm kế hoạch hóa gia đình?
Câu 3: Tại sao vào những ngày mùa đông, chúng ta cần cho gia súc ăn nhiều hơn?
Câu 4: Những người bị bệnh lùn do thiếu GH nên tiêm hoocmôn này ở giai đoạn nào? Vì sao?
3.2. Bài tập trắc nghiệm
Câu 1: Nếu thiếu iôt trong thức ăn thường dẫn đến thiếu hoocmôn
A. ơstrôgen.
B. ecđixơn.
C. tirôxin.
D. testostêrôn.
Câu 2: Trẻ em chậm lớn hoặc ngừng lớn, chịu lạnh kém, não ít nếp nhăn, trí tuệ thấp là do cơ thể không có đủ hoocmôn
A. sinh trưởng.
B. tirôxin.
C. ơstrôgen.
D. testostêrôn.
Câu 3: Các hoocmôn chủ yếu ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở côn trùng là
A. juvenin, ecđixơn.
B. tirôxin, juvenin, ecđixơn.
C. ecđixơn, tirôxin, hoocmôn sinh trưởng.
D. juvenin, tirôxin, hoocmôn sinh trưởng.
Câu 4: Ở sâu bướm, tác dụng của juvenin là
A. ức chế sâu biến thành nhộng và bướm.
B. kích thích tuyến trước ngực tiết ra ecđixơn.
C. kích thích sâu biến thành nhộng và bướm.
D. ức chế tuyến trước ngực tiết ra ecđixơn.
Câu 5: Ở giai đoạn trẻ em, nếu tuyến yên sản xuất ra quá nhiều hoocmôn sinh trưởng sẽ
A. trở thành người khổng lồ.
B. chậm lớn hoặc ngừng lớn.
C. trở thành người bé nhỏ.
D. sinh trưởng và phát triển bình thường.
3.3. Trắc nghiệm Online
Các em hãy luyện tập bài trắc nghiệm Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật Sinh học 11 sau để nắm rõ thêm kiến thức bài học.
4. Kết luận
- Sau khi học bài này cần nắm được các yêu cầu:
- Kể tên được các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở động vật.
- Phân tích được tác động của các nhân tố bên ngoài đến sinh trưởng và phát triển của động vật.
- Trình bày được một số biện pháp điều khiển sinh trưởng và phát triển ở động vật và con người.
- Rèn luyện kỹ năng quan sát, phân tích tranh, sơ đồ. Phát triển kỹ năng so sánh, khái quát hóa, tổng hợp.
Tham khảo thêm
- doc Sinh học 11 Bài 34: Sinh trưởng ở thực vật
- doc Sinh học 11 Bài 35: Hooc môn ở thực vật
- doc Sinh học 11 Bài 36: Phát triển ở thực vật có hoa
- doc Sinh học 11 Bài 37: Sinh trưởng và phát triển ở động vật
- doc Sinh học 11 Bài 38: Các nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật
- doc Sinh học 11 Bài 40: Thực hành: Xem phim về sinh trưởng và phát triển ở động vật