Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ xảy ra khi các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các mô của phổi, chiếm 85% ca ung thư phổi. Vậy làm thế nào để điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả? Tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé!

Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ là gì?

Bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ (Non-small cell lung cancer – NSCLC) xảy ra khi các tế bào ác tính (ung thư) hình thành trong các mô của phổi.

Loại ung thư này chiếm khoảng 85% tổng số ca ung thư phổi. Về mặt mô học, ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia thành 3 loại:

Ung thư biểu mô tuyến (adenocarcinoma): hình thành trong các tế bào phế nang có nhiệm vụ tạo ra chất nhầy và các chất khác, thường là ở phần bên ngoài phổi. Đây là loại ung thư phổi phổ biến nhất ở cả người hút thuốc và không hút thuốc hay dưới 45 tuổi. Đồng thời, loại ung thư này cũng phát triển chậm hơn so với các bệnh ung thư phổi khác.

Ung thư tế bào vảy (squamous cell carcinoma): bắt đầu từ các tế bào ở đường dẫn khí bên trong phổi. Khoảng 1/4 ung thư phổi thuộc loại này.

Ung thư tế bào lớn (large cell carcinoma): phát triển và lan rộng nhanh chóng, gây khó khăn trong điều trị. Loại ung thư phổi không tế bào nhỏ này chiếm khoảng 10% ung thư phổi.  

Dựa vào mức độ lan rộng của ung thư phổi mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

2. Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ

Bạn có thể không biểu hiện triệu chứng gì ở giai đoạn đầu hoặc lầm tưởng với một bệnh lý khác, chẳng hạn như viêm phổi hoặc xẹp phổi.

Tương tự như những loại ung thư phổi khác, các triệu chứng gồm có:

Ho kéo dài hoặc tệ hơn theo thời gian Đau ngực, cơn đau thường nặng hơn khi ho, cười hoặc hít thở sâu Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói Phát ra những âm thanh khàn khàn, kỳ lạ khi thở Thở khò khè Sụt cân, mất cảm giác thèm ăn Ho ra máu hoặc chất nhầy Khó thở Cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt Gặp các vấn đề về phổi kéo dài như viêm phế quản, viêm phổi

Nếu ung thư lan sang các bộ phận khác trong cơ thể (di căn), bạn có thể gặp phải những triệu chứng như:

  • Đau xương;
  • Đau đầu;
  • Chóng mặt hoặc mất thăng bằng;
  • Tê hoặc mất trương lực ở tay, chân;
  • Vàng mắt hoặc vàng da.

3. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ là gì?

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Nhiều người phát triển tế bào ung thư phổi khi hút thuốc lá, kể cả chủ động hay thụ động. Những yếu tố khác cũng có thể làm tăng khả năng hình thành ung thư phổi bao gồm:

  • Khí radon, một loại khí do phóng xạ được tìm thấy tự nhiên ở trong đất, đá Amiăng ;
  • Bụi khoáng và kim loại;
  • Ô nhiễm không khí ;
  • Xạ trị ở ngực hoặc vú HIV/AIDS.

Ung thư phổi cũng có khả năng di truyền qua các thế hệ.

4. Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng đang gặp phải, các yếu tố làm cho triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn và cả tiền sử bệnh của gia đình bạn. Tiếp theo, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe chung cho bạn.

Một số xét nghiệm hình ảnh có thể được tiến hành để giúp tìm kiếm những khối u bên trong phổi. Kết quả cũng giúp đánh giá liệu ung thư đã lan rộng hay chưa.

Chụp X-quang giúp tạo ra hình ảnh cấu trúc của các cơ quan trong cơ thể Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ) sẽ cho thấy lưu lượng máu, các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể Siêu âm tạo ra hình ảnh nhờ vào các sóng âm truyền vào các mô trong cơ thể Chụp PET sử dụng các chất phóng xạ hoặc chất đánh dấu để ghi nhận lại những tế bào đang hoạt động quá mức Chụp CT sử dụng tia X cường độ cao hơn để tạo ra hình ảnh chi tiết của các mô và mạch máu trong phổi

Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm khác để giúp chẩn đoán chính xác hơn, bao gồm:

  • Xét nghiệm tế bào đờm (soi đờm): kiểm tra đờm trong cổ họng để tìm tế bào ung thư;
  • Sinh thiết bằng cách dùng kim nhỏ lấy mẫu mô từ dịch bên trong phổi hoặc ở những vùng tăng trưởng bất thường;
  • Nội soi phế quản nhờ vào một ống mảnh, linh hoạt có gắn máy ảnh nhỏ ở đầu luồn qua mũi hoặc miệng vào trong phổi. Bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ ra ngoài để kiểm tra.

Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn ung thư phổi không tế bào nhỏ hiện tại cũng như mô tả vị trí có tế bào ung thư. Các giai đoạn bao gồm:

Giai đoạn tiềm ẩn: Các tế bào ung thư có ở trong dịch phổi hoặc đờm nhưng bác sĩ lại không tìm thấy dấu hiệu ung thư trong phổi.

  • Giai đoạn 0: Tế bào ung thư nằm trong lớp niêm mạc đường thở.
  • Giai đoạn 1: Một khối u nhỏ xuất hiện ở một bên phổi. Ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 2: Một khối u lớn hơn nằm trong một bên phổi hoặc ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó.
  • Giai đoạn 3: Ung thư ở một bên phổi đã lan rộng đến các hạch bạch huyết xa hơn hay các cấu trúc xung quanh.
  • Giai đoạn 4: Ung thư xuất hiện ở cả hai bên phổi, đến dịch xung quanh phổi hoặc di căn đến bộ phận khác trong cơ thể, như não hoặc gan.

Những phương pháp điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ

Việc điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể theo 2 cách: nhắm vào chính các tế bào ung thư và cố gắng giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn hoặc ngăn chặn các triệu chứng tiến triển nặng thêm.

Bác sĩ có thể đề nghị kết hợp nhiều phương pháp điều trị, tùy thuộc vào loại ung thư và vị trí của chúng.

Phẫu thuật. Nếu ở giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tiến hành phẫu thuật loại bỏ tế bào ung thư. Lá phổi bị ảnh hưởng có thể bị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ. Ngoài ra, còn có các loại phẫu thuật khác giúp phá hủy tế bào phổi bằng cách đông lạnh hoặc dùng nhiệt.

Xạ trị. Phương pháp này có thể giúp tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau khi phẫu thuật. Bác sĩ cũng dùng cách này để điều trị một số bệnh ung thư mà không thể loại bỏ khối u ác tính bằng phẫu thuật.

Hóa trị. Khi bạn sử dụng thuốc dưới dạng uống hay tiêm tĩnh mạch, các dược chất cũng sẽ vào hệ tuần hoàn và đi khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, đối với phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa thuốc vào dịch tủy sống hoặc một cơ quan cụ thể, một khu vực để nhắm vào các tế bào ung thư tại đó. Người bệnh có thể thực hiện hóa trị trước phẫu thuật giúp khối u nhỏ hơn, sau phẫu thuật hay cả trước và sau, thậm chí vẫn được thực hiện khi không phẫu thuật.

Liệu pháp điều trị trúng đích. Các loại thuốc và kháng thể được dùng sẽ ngăn chặn tế bào ung thư phát triển và lan rộng một cách cụ thể. Nhờ đó, liệu pháp điều trị nhắm trúng đích ít gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh hơn so với xạ trị và hóa trị.

Liệu pháp laser hoặc liệu pháp quang động (PDT). Phương pháp này sử dụng ánh sáng laser chuyên dụng để kích hoạt các thuốc đặc biệt mà tế bào ung thư đã hấp thụ. Từ đó, các tế bào ung thư bị tiêu diệt và tránh gây tổn hại cho mô khỏe mạnh bình thường.

Nếu cảm thấy bất kỳ đau đớn hay khó thở trong quá trình điều trị, hãy thông báo cho bác sĩ để được thay đổi cách điều trị khác phù hợp.

5. Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ?

Các yếu tố khác nhau gây ra những loại ung thư khác nhau. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục xem xét các yếu tố có liên quan đến ung thư phổi không tế bào nhỏ, bao gồm cả những cách phòng ngừa chúng. Bạn có thể đến gặp bác sĩ để hỏi thêm thông tin về cách giúp giảm bớt nguy cơ phát triển bệnh.

Một trong những điều quan trọng nhất để ngăn ngừa ung thư phổi đó là tránh tiếp xúc với khói thuốc. Những người không bao giờ hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi thấp nhất.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:29/10/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM