Bệnh rối loạn tâm thần
Mục lục nội dung
1. Tìm hiểu chung
Bệnh tâm thần là bệnh do rối loạn hoạt động não bộ gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm...
Bệnh tâm thần điển hình bao gồm trầm cảm, rối loạn lo âu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn uống và hành vi gây nghiện.
Vấn đề sức khỏe tâm thần được gọi là bệnh tâm thần khi các dấu hiệu và triệu chứng bệnh thường xuyên gây căng thẳng, ảnh hưởng đến hoạt động sống hàng ngày.
Trong hầu hết trường hợp, triệu chứng bệnh tâm thần có thể được điều trị hiệu quả bằng sự kết hợp của thuốc và tư vấn tâm lý.
2. Các triệu chứng tâm thần thường gặp
2.1 Các dấu hiệu tâm thần
Triệu chứng bệnh tâm thần có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, suy nghĩ và hành vi. Tuy nhiên, các triệu chứng rối loạn sức khỏe tâm thần có thể xuất hiện dưới dạng bệnh lý về thể chất.
- Bất thường suy nghĩ, hành vi và cảm xúc
- Cảm thấy buồn
- Nhầm lẫn tư duy
- Quá sợ hãi hoặc lo lắng
- Xa lánh bạn bè và các hoạt động
- Vấn đề ngủ
- Tách rời khỏi thực tại (ảo tưởng) hoặc ảo giác
- Không có khả năng đối phó với vấn đề hàng ngày hoặc căng thẳng
- Rượu hoặc lạm dụng ma túy
- Thay đổi đáng kể trong thói quen ăn uống
- Tình dục thay đổi
- Quá tức giận, thù địch hoặc bạo lực
- Suy nghĩ tự sát
2.2 Các dấu hiệu thể chất
Dấu hiệu thể chất của bệnh tâm thần có thể bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau lưng
- Đau ngực
- Rối loạn tiêu hóa
- Khô miệng
- Nhức đầu
- Ra mồ hôi
- Tăng hoặc giảm cân
- Tim đập nhanh
- Chóng mặt
3. Một số nguyên nhân thường gặp
Nguyên nhân thực thể
- Do tổn thương trực tiếp tại não: Viêm não, viêm màng não,...
- Nhiễm độc thần kinh do thuốc ngủ, do rượu
- Chấn thương sọ não
- Những bệnh ở não:U não, tai biến mạch máu não, áp xe não,...
- Những bệnh ảnh hưởng đến hoạt động của não: cường giáp, nhược giáp, suy thận mãn tính,...
Nguyên nhân tâm lý: Áp lực công việc, học tập,...
Cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm thần bệnh lý.
Bệnh tâm thần nội sinh không rõ nguyên nhân.
4. Một số bệnh rối loạn tâm thần phổ biến
Tâm thần phân liệt
Bệnh tâm thần phân liệt là một trong những loại bệnh tâm thần nặng, tỷ lệ mắc bệnh là 1/100. Bệnh thường xuất hiện khi còn trẻ và có thể kéo dài hết cả cuộc đời. Bệnh tâm thần phân liệt có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau nhưng đều có đặc điểm chung là ảnh hưởng đến các hoạt động tinh thần, nếu bệnh kéo dài không thuyên giảm có thể làm thay đổi nhân cách của bệnh nhân.
Những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt bao gồm:
- Hoang tưởng
- Ảo thanh
- Rối loạn khả năng suy nghĩ
- Giảm sự biểu lộ tình cảm và cách ly xã hội
Những triệu chứng cấp tính có thể khởi phát nhanh và xuất hiện trong vài tuần, sau đó chậm dần trong nhiều tháng nhiều năm. Bệnh nhân trong thời gian bị bệnh thường trở nên xa lánh mọi người, ít nói chuyện với những người thân và trở lên trầm tư, lo lắng, sợ hãi,...
Bệnh trầm cảm
Bệnh trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, xuất hiện với nhiều triệu chứng và hay gặp nhất đó là sự buồn bã một cách sâu sắc. Một số triệu chứng khác bao gồm:
- Sụt cân
- Mất ngủ
- Dễ tức giận
- Khó khăn khi suy nghĩ
- Mất tập trung
- Cảm thấy tội lỗi, vô giá trị
Người mắc chứng trầm cảm luôn cảm thấy mất hy vọng, mệt mỏi, không có gì khiến bệnh nhân hứng thú và thường suy nghĩ đến cái chết. Bệnh trầm cảm có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ 24-44 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống ở nữ giới là 25% và nam giới là 10%.
Chứng chán ăn tâm thần
Chán ăn tâm thần là một loại rối loạn tâm thần được thể hiện dưới dạng rối loạn ăn uống. Bệnh có đặc điểm là bệnh nhân từ chối duy trì một trọng lượng cơ thể bình thường tối thiểu, rất sợ tăng cân và có nhận thức sai lầm về trọng lượng hay hình dáng cơ thể bản thân.
Chứng chán ăn tâm thần thường xảy ra ở nữ giới với tỷ lệ gấp 10-20 lần so với nam giới. Tỷ lệ mắc bệnh càng cao đối với những người có nghề nghiệp như người mẫu, diễn viên. Bệnh thường khởi phát trong thời gian từ 13-20 tuổi. Nếu không được can thiệp, chứng chán ăn tâm thần có thể gây tử vong. Chủ yếu do hậu quả của sự suy dinh dưỡng hoặc tự tử. Tỷ lệ tử vong trong số các bệnh nhân phải nhập viện là > 10%.
Rối loạn tâm thần do rượu hay ma túy
Rối loạn tâm thần do rượu, ma túy là hậu quả của việc làm dụng rượu và các chất gây nghiện. Hiện nay, vấn đề này đang ngày càng nổi bật và khó giải quyết. Những người lạm dụng rượu, ma túy hay các chất gây nghiện khác thường không kiểm soát được hành vi, và họ sẽ cần dùng liên tục mỗi ngày với liều lượng ngày càng cao. Nếu không sử dụng thì những bệnh nhân này thường không thể làm việc bình thường, kèm theo đó là xuất hiện những triệu chứng khác như:
- Do rượu: Mạch nhanh, đổ mồ hôi, run tay, kích động, lo âu và co giật,...
- Do ma túy: Nôn, chảy nước mắt, nước mũi, dựng lông, đau nhức bắp thịt, toát mồ hôi, tiêu chảy, ngáp, giãn đồng tử,...
Khi cho họ sử dụng trở lại rượu hay các chất gây nghiện thì những triệu chứng này sẽ biến mất. Khi thời gian sử dụng lâu, họ có thể mắc thêm nhiều loại rối loạn tâm thần khác như:
- Sa sút tâm thần
- Rối loạn trí nhớ
- Loạn thần
- Rối loạn khí sắc
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn giấc ngủ
Những đối tượng sử dụng rượu và các chất gây nghiện cần được điều trị tại cơ sở chuyên khoa. Việc điều trị cắt cơn tương đối dễ . Tuy nhiên việc điều trị phòng ngừa chống tái phát là một quá trình rất khó khăn.
Chậm phát triển trí tuệ
Chậm phát triển trí tuệ là một tình trạng bệnh lý với đặc điểm là khả năng trí tuệ chung của bệnh nhân thấp hơn mức bình thường một cách rõ rệt. Cùng với đó là giảm khả năng thích nghi như khả năng tự lập, khả năng thực hiện các trách nhiệm của xã hội tương ứng với độ tuổi. Chậm phát triển trí tuệ khởi phát bệnh trước tuổi 18. Nguyên nhân dẫn tới chậm phát triển trí tuệ rất đa dạng như di truyền, mẹ bị nhiễm trùng hoặc suy dinh dưỡng khi mang thai, sinh non, sinh hút hoặc trẻ bị ngạt lúc sinh, viêm màng não, viêm não, hay sốt cao co giật nhiều lần khi trẻ còn bé...
5. Biện pháp phòng ngừa bệnh tâm thần
Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường lành mạnh.
- Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột giữa cha mẹ hoặc anh, chị em, giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng.
- Trong đơn vị tập thể cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau.
- Đối với những người bị thất vọng, bị đau khổ cần có thái độ quan tâm, an ủi, động viên, đối xử đúng mức giúp họ tìm lối thoát.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh tâm thần, hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh. Để có cái nhìn chi tiết và cụ thể hơn về một số bệnh tâm thần thường gặp, các bạn có thể tham khảo mục Bệnh rối loạn tâm thần mà eLib đã tổng hợp. Chúc các bạn nhiều sức khỏe!
Tham khảo thêm
- doc
Bệnh rối loạn giấc ngủ
- doc
Rối loạn tiền đinh
- doc
Bệnh trầm cảm
- doc
Bóng đè
- doc
Chậm phát triển tâm thần
- doc
Chán ăn thần kinh (biếng ăn tâm lý)
- doc
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính
- doc
Chứng ăn cắp vặt
- doc
Chứng cuồng ăn (chứng “ăn vô độ tâm thần”)
- doc
Chứng ngủ rũ