Bệnh nghiện rượu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Nghiện rượu là tình trạng phụ thuộc và lạm dụng rượu do uống quá nhiều. Khi điều này xảy ra, rượu có thể tác động đến não và làm cho “con nghiện” mất kiểm soát hành động của mình. Họ có thể uống rượu dây dưa cả ngày hoặc có thể uống từng đợt, mỗi đợt họ nhâm nhi khoảng 4-5 ly trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Dưới đây là bài viết chi tiết về bệnh, mời các bạn tham khảo!

Bệnh nghiện rượu - Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

1. Tìm hiểu chung

Nghiện rượu là tình trạng phụ thuộc và lạm dụng rượu do uống quá nhiều. Khi điều này xảy ra, rượu có thể tác động đến não và làm cho “con nghiện” mất kiểm soát hành động của mình. Họ có thể uống rượu dây dưa cả ngày hoặc có thể uống từng đợt, mỗi đợt họ nhâm nhi khoảng 4-5 ly trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Nghiện rượu có thể tạo nhiều áp lực lên cơ thể bạn và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Điều quan trọng là bạn nên đi khám bác sĩ nếu nghi ngờ mình hoặc bạn bè của mình có thể có vấn đề liên quan đến rượu.

2. Triệu chứng thường gặp

Người Việt thường hay nhậu mỗi khi ăn mừng, nhiều người có thói quen uống rượu bia mỗi ngày và không nghĩ điều đó sẽ hình thành nên chứng bệnh nghiện rượu. Một số triệu chứng thường gặp sau đây có thể giúp bạn nhận ra mình hoặc người nào đó có bị nghiện rượu hay không:

  • Uống rượu quá nhiều và quá thường xuyên;
  • Khả năng dung nạp rượu cao;
  • Uống rượu vào những thời điểm không thích hợp (vào buổi sáng hoặc tại nơi làm việc);
  • Những thay đổi trong mối quan hệ bạn bè;
  • Cảm xúc thay đổi, chẳng hạn như trầm cảm và thờ ơ;
  • Phải nhờ vào rượu mới sinh hoạt hàng ngày được;
  • Tránh tiếp xúc với những người thân;
  • Líu lưỡi hoặc nói không mạch lạc;
  • Sụt cân;
  • Khả năng phản xạ chậm;
  • Khi cai rượu, các triệu chứng hay xảy ra là run rẩy, buồn nôn và nôn mửa;
  • Run không tự chủ vào buổi sáng sau khi uống rượu;
  • Ngất đi và không nhớ được gì sau một đêm uống rượu.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu thường xuyên có dư vị khó chịu sau khi uống rượu và mất tập trung trong công việc hoặc đời tư. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ khi xuất hiện các triệu chứng cai rượu như ra mồ hôi, lú lẫn, bị ảo giác, mất ngủ, buồn nôn, run rẩy,…

3. Nguyên nhân gây bệnh

Cũng giống như hầu hết các rối loạn tâm thần, nghiện rượu không phải chỉ có một nguyên nhân và cũng không được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình. Thay vào đó, bệnh do các yếu tố di truyền, tâm lý, và môi trường tạo thành.

4. Nguy cơ mắc phải

Nghiện rượu là tình trạng phổ biến và có thể ảnh hưởng đến cả nam giới và phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Những người nghiện rượu sẽ tiếp tục uống ngay cả khi biết uống rượu gây ra những hậu quả tiêu cực đến họ, chẳng hạn như khiến họ bị mất việc, tuy nhiên lý do này vẫn chưa đủ mạnh để khiến họ ngưng uống rượu.

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nghiện rượu, chẳng hạn như:

  • Lo âu hoặc trầm cảm;
  • Có cha mẹ uống nhiều rượu;
  • Có hành vi chống đối xã hội;
  • Bị bạo hành hoặc lạm dụng tình dục thời thơ ấu;
  • Uống rượu từ lúc còn nhỏ tuổi.

5. Điều trị hiệu quả

Những kỹ thuật nào dùng để chẩn đoán nghiện rượu?

Bác sĩ có thể hỏi bạn một số câu hỏi liên quan đến thói quen uống rượu của bạn để xem bạn có:

  • Bỏ lỡ công việc hoặc mất việc làm do uống rượu;
  • Cần uống nhiều rượu để cảm thấy say;
  • Bị thoáng ngất đi hoặc thoáng mất trí nhớ do uống rượu;
  • Đã cố gắng để hạn chế uống rượu nhưng không thể.

Thông thường không cần phải xét nghiệm để chẩn đoán nghiện rượu. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cho xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan của bạn. Gan chịu trách nhiệm loại bỏ độc tố trong máu. Khi bạn uống quá nhiều rượu, gan lọc rượu và các chất độc khác từ máu một cách khó khăn hơn. Điều này có thể dẫn đến bệnh về gan và các biến chứng khác.

Những phương pháp nào dùng để điều trị nghiện rượu?

Điều trị nghiện rượu là một nhiệm vụ đầy thử thách đòi hỏi rất nhiều sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè. Cùng với hỗ trợ tinh thần, người nghiện rượu có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc. Có rất nhiều chương trình hỗ trợ giúp người bệnh điều trị chứng nghiện rượu. Hầu hết các chương trình sẽ thực hiện theo các bước dưới đây:

Bước 1. Giải độc và loại bỏ rượu để không còn rượu trong cơ thể của bạn;

Bước 2. Cai nghiện và học các kỹ năng, hành vi mới;

Bước 3. Tư vấn cách giải quyết vấn đề cảm xúc;

Bước 4. Tham dự các nhóm hỗ trợ liên tục để ngăn ngừa tái phát và kiểm soát tiến trình thay đổi lối sống;

Bước 5. Điều trị các vấn đề về sức khỏe thể chất và tâm thần liên quan đến rượu;

Bước 6. Thuốc giúp kiểm soát nghin.

Một số loại thuốc sau đây có thể giúp hỗ trợ điều trị chứng nghiện rượu bằng cách kiểm soát cảm giác thèm ăn và giảm các triệu chứng cai nghiện:

  • Naltrexone (Reviaâ, Vivitrolâ). Thuốc này có thể làm giảm thèm rượu bằng cách khóa các thụ thể opioid có liên quan đến tác dụng hưng phấn mà rượu đem lại.
  • Acamprosate (Campralâ). Thuốc này tác động lên các thụ thể axit gamma-aminobutyric (GABA) để làm giảm triệu chứng cai nghiện như mất ngủ, lo lắng, bồn chồn. Thuốc này có thể được dùng chung với các liệu pháp trị liệu.
  • Disulfiram (Antabuseâ). Tác dụng của loại thuốc này là tạo cảm giác khó chịu (như đỏ bừng, đánh trống ngực, buồn nôn, nôn, và đau đầu) mỗi khi bạn uống rượu. Nó hoạt động bằng cách can thiệp vào sự phân hủy của rượu, dẫn đến tích tụ acetaldehyd.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ sẽ giúp bạn lựa chọn được phương pháp điều trị thích hợp nhất.

6. Chế độ sinh hoạt phù hợp

Bạn cần phải thay đổi lối sống để kiểm soát chứng nghiện rượu của bản thân, bao gồm những việc sau đây:

Hãy xem xét những thay đổi trong đời sống xã hội của bạn. Hãy nói rõ cho bạn bè và gia đình của bạn là bạn đang bỏ rượu. Điều này sẽ giúp bạn có được sự hỗ trợ vững chắc.

Hãy cố gắng tránh những người chỉ muốn cùng bạn nhậu nhẹt. Phát triển các thói quen lành mạnh. Trong khi loại bỏ các thói hư tật xấu, bạn nên đồng thời tạo ra và duy trì những thói quen lành mạnh. Chẳng hạn như ngủ đúng giờ, đủ giấc, tập thể dục đều đặn, ăn uống lành mạnh và kiểm soát stress. Chọn những hoạt động không đòi hỏi bạn phải uống bia rượu. Bạn nên tìm và chọn cho mình một sở thích riêng và lành mạnh, không liên quan đến rượu như vẽ tranh, nấu ăn, đọc sách hoặc xem phim.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến bệnh Nghiện rượu, hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu và điều trị bệnh!

Ngày:21/09/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM